Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên hợp đồng kêu cứu
Tỉnh Bình Định giao cho Ủy ban Nhân dân huyện Phù Cát kiểm tra, xác minh nội dung thông tin phản ánh tình trạng giáo viên hợp đồng huyện không được đặc cách.
Ảnh minh họa
Ngày 13/2/2020, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: Hàng trăm giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát bức xúc vì bị dồn vào…ngõ cụt.
Nội dung của bài viết phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) không được xét đặc cách và bị cắt hợp đồng sai quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo phản ánh của một số giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát: Ủy ban Nhân dân huyện chẳng những không có thông báo hướng dẫn thực hiện xét đặc cách mà còn thẳng tay cắt hết các loại hợp đồng của giáo viên (dài hạn, ngắn hạn, thỉnh giảng…).
Mặc dù trước đó, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định đã có công văn số 1624/SNV-CCVC; Ủy ban Nhân dân tỉnh có công văn số 7450/UBND-NC ngày 5/12/2019: Về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.
Giáo viên cũng phản ánh: Với các tính chỉ tiêu giáo viên dựa trên sĩ số học sinh và số lớp học là không thỏa đáng. Vì trên thực tế sẽ có những môn có thừa giáo viên, có môn thiếu giáo viên.
Chính vì thế giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện thực hiện xét đặc cách đối với những môn học đang thiếu giáo viên.
Vấn đề thứ 2 là vấn đề chấm dứt hợp đồng với một số giáo viên sai quy định của pháp luật. Một số trường hợp giáo viên bị chấm dứt hợp đồng sai quy định (trong thời gian nghỉ chế độ thai sản) và không thông báo trước ít nhất 15 ngày cho giáo viên.
Vấn đề thứ 3: Việc thuyên chuyển giáo viên trên địa bàn huyện Phù Cát diễn ra đột ngột và không có kế hoạch trước, không có lộ trình phù hợp. Điều này khiến cho một số trường tại huyện Phù Cát bị thiếu giáo viên phải huy động giáo viên dạy trái môn, trái chuyên ngành.
Video đang HOT
Văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định vụ giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát kêu cứu (Ảnh:giaoduc.net.vn)
Với những thông tin phản ánh nêu trên được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã có văn bản số 756/UBND-VX về việc: Báo Giáo dục Việt Nam phản ánh thông tin: Hàng trăm giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát bức xúc vì bị dồn vào…ngõ cụt.
Theo văn bản trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phù Cát phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh nội dung thông tin Báo Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, khẩn trương làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có), trả lời Báo Giáo dục Việt Nam, báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 20/02/2020, đồng thời gửi báo cáo cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông để theo dõi, tổng hợp.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Hàng trăm giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát bức xúc vì bị dồn vào... ngõ cụt
Phòng giáo dục huyện Phù Cát (Bình Định) thông báo hết vị trí việc làm. Hàng trăm giáo viên huyện Phù Cát (Bình Định) mất cơ hội được xét đặc cách.
Phản ánh tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát vô cùng bức xúc trước cách làm việc của Phòng giáo dục huyện.
Một số giáo viên gọi đây là hành động "phủi tay" trực tiếp đẩy hàng trăm giáo viên hợp đồng vào "ngõ cụt".
Theo thông tin phản ánh của thầy Phạm Tấn Lực: Thực hiện Công văn 5378 ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ, các địa phương trên cả nước đã có văn bản hướng dẫn thực hiện.
Tại tỉnh Bình Định, Sở Nội vụ đã có công văn số 1624/SNV-CCVC; Ủy ban Nhân dân tỉnh có công văn số 7450/UBND-NC ngày 5/12/2019: Về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.
Thực hiện theo chỉ đạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định cùng Ủy ban Nhân dân các huyện trong tỉnh như An Nhơn, Hoài Nhơn đều có công văn hướng dẫn thực hiện cụ thể và hàng trăm giáo viên hợp đồng trước 2015 được lập danh sách gửi Sở Nội Vụ xét tuyển đặc cách.
Tại huyện Phù Cát, Ủy ban Nhân dân huyện chẳng những không có thông báo hướng dẫn thực hiện xét đặc cách mà còn thẳng tay cắt hết các loại hợp đồng của giáo viên (dài hạn, ngắn hạn, thỉnh giảng...).
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của giáo viên mà còn khiến cho các thầy cô mất đi cơ hội được xét tuyển đặc cách theo đúng tinh thần công văn 5378 của Bộ Nội vụ.
Theo kiến giải của ông Nguyễn Tấn Hưng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Cát: Huyện Phù Cát sẽ không thực hiện việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng lao động và đóng Bảo hiểm xã hội trước 2015 vì hết vị trí việc làm.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã có công văn chỉ đạo xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng đủ điều kiện (Ảnh:V.N)
Tuy nhiên theo các giáo viên hợp đồng cách tính chỉ tiêu vị trí việc làm của Phòng giáo dục là không thỏa đáng. Phòng giáo dục huyện Phù Cát tính chỉ tiêu dựa trên sĩ số học sinh, số lớp học từ đó tính ra số giáo viên cần có.
Nhưng trên thực tế có những môn thừa chỉ tiêu, có những môn thiếu chỉ tiêu. Do đó giáo viên yêu cầu họ cần được xét đặc cách với những môn học đang thiếu chỉ tiêu.
Thầy giáo Phạm Tiến Lực phản ánh: "Theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Nội vụ và Ủy ban Nhân dân tỉnh đáng lý ra chúng tôi phải được thực hiện xét đặc cách.
Thế nhưng huyện Phù Cát không làm và lý do đưa ra là hết vị trí việc làm. Tuy nhiên trên thực tế cách tính chỉ tiêu của Phòng giáo dục huyện quy đổi từ số học sinh, số lớp học ra con số giáo viên.
Thực tế có những môn thừa giáo viên và có những môn thiếu giáo viên. Do vậy chúng tôi đề nghị Phòng giáo dục huyện Phù Cát phải có phương án rà soát, thống kê và thực hiện xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng theo đúng chỉ đạo của Bộ Nội vụ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định".
Một số giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định (Ảnh:V.N)
Bên cạnh vấn đề xét đặc cách, nhiều giáo viên nơi đây còn bức xúc vì bị cắt hợp đồng đơn phương, đột ngột. Có trường hợp bị cắt hợp đồng đang hưởng chế độ thai sản và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Thầy Lực nói: "Về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội có thời hạn. Ngày 03/09/2019, tôi bất ngờ nhận quyết định chấm dứt hợp đồng của Phòng giáo dục huyện Phù Cát vào ngày 31/08/2019 mà không được thông báo trước.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của bản thân mà tinh thần của tôi cũng bị tổn thương không hề nhỏ.
Sở dĩ như vậy là do: Những năm trước đây, hợp đồng lao động vẫn được ký gia hạn bình thường sau khi hết thời hạn trong 5 năm liền, do đó, bản thân tôi cũng nghĩ năm nay vẫn tiếp tục hợp đồng lao động như vậy (trong quyết định ký kết hợp đồng lao động được ký ngày 01/09/2018 có ghi rõ thời hạn hợp đồng đến khi có giáo viên trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức về vị trí việc làm đó nhưng vị trí việc làm của tôi không có thi tuyển nên không có giáo viên trúng tuyển về)".
Căn cứ theo 2 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012: Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, đơn vị sử dụng lao động phải báo trước ít nhất 45 ngày với hợp đồng không có thời hạn, 30 ngày với hợp đồng có thời hạn; và nhất là tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 có nêu rõ: "Với trường hợp hợp đồng lao động hết hạn, đơn vị sử dụng lao động phải báo trước ít nhất 15 ngày về thời điểm chấm dứt".
Giáo viên hợp đồng mong muốn nhận được câu trả lời thỏa đáng từ Ủy ban Nhân dân huyện Phù Cát (Ảnh minh họa: Nld.com.vn)
Giáo viên cũng phản ánh không nhận được bất cứ thông báo nào về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn 15 ngày của Phòng giáo dục huyện Phù Cát.
Trong cuộc đối thoại trực tiếp với Phòng Giáo dục huyện Phù Cát vào ngày 14/01/2020, giáo viên có thắc mắc vấn đề này và nhận được câu trả lời của đồng chí Nguyễn Tấn Hưng- Trưởng Phòng Giáo dục huyện Phù Cát là "do lỗi của bộ phận văn thư".
Một vấn đề nữa giáo viên cũng đề cập trong đơn thư gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đó chính là công tác thuyên chuyển giáo viên trên địa bàn huyện diễn ra đột ngột và không có kế hoạch trước, không có lộ trình phù hợp.
Với thực tế như vậy, hiện nay tại nhiều trường thuộc huyện Phù Cát đang thiếu giáo viên. Một số giáo viên phải dạy thêm cả những môn không đúng trình độ chuyên môn của họ.
Trên cơ sở đó giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát mong muốn nhận được câu trả lời thỏa đáng của lãnh đạo huyện và phòng giáo dục.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trên.
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
"Ông vua con" nắm quyền sinh sát giáo viên là ai? Trong khi đang thiếu một cơ chế để bảo vệ giáo viên thì việc họ bắt buộc phải "hèn nhát" là một hình thức để tự vệ trước sự lạm quyền của cơ quan tuyển dụng. Ông vua con nắm quyền sinh sát giáo viên là ai? Hiện nay việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng, giáo viên thỉnh giảng, tổ chức thi...