Ủy ban Kinh tế nói gì với chính sách tiền tệ “thời Covid-19″?
Hiệu quả hỗ trợ của chính sách tiền tệ cho doanh nghiệp trước đại dịch Covid-19 được đánh giá là chưa đạt như mong muốn.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa gửi báo cáo về tác động của đại dịch Covid-19 đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó khái quát, tại Việt Nam, đến nay ước tính quy mô tổng số biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội khoảng 600 nghìn tỷ đồng.
Quy mô này bao gồm hỗ trợ tài khóa từ ngân sách nhà nước 256.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% GDP; Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn 16.200 tỷ đồng; Bảo hiểm xã hội Việt Nam 9.500 tỷ đồng; các tổ chức tín dụng 300.000 tỷ đồng và các doanh nghiệp (EVN 11.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp viễn thông 15.000 tỷ đồng).
Đây là mức hỗ trợ có quy mô lớn với các biện pháp mạnh chưa từng có ở nước ta để giảm nhẹ tác động của đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, cơ quan chủ trì thẩm tra các vấn đề nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Ủy ban, thị trường tài chính – tiền tệ diễn biến trái chiều do tác động từ dịch Covid-19, tỷ giá tăng trong một số ngày. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế còn trì trệ mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay từng bước giảm, rủi ro tín dụng gia tăng, áp lực nợ xấu lớn, nhất là các ngành chịu tác động của đại dịch.
Trong khi đó, đà sụt giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư khiến thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu nhiều tác động tiêu cực, hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo (nhất là lĩnh vực ngân hàng, bất động sản…) dẫn đến vốn hóa thị trường chứng khoán giảm mạnh, ít triển vọng phục hồi trong ngắn hạn.
Nhìn nhận các chính sách ứng phó, với chính sách tiền tệ, tín dụng, Ủy ban Kinh tế đánh giá, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho doanh nghiệp còn chậm, tỷ lệ dư nợ được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại mới chiếm chưa đến 10% tổng dư nợ dự kiến ảnh hưởng của dịch Covid-19 ( khoảng 2 triệu tỷ – PV).
Cụ thể là các tổ chức tín dụng đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng; thực hiện miễn giảm lãi cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng; cho vay mới 165.208 tỷ đồng theo chương trình giảm lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường 0,5%-3%.
Video đang HOT
Nguyên nhân của việc chậm trễ là do việc thực hiện dựa chủ yếu vào thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay, trong khi chưa có những hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước để nhất quán trong thực hiện.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp do các yêu cầu về tài sản bảo đảm, chứng minh thiệt hại do Covid-19 cũng như chứng minh dòng tiền trả nợ… Do vậy, hiệu quả của chính sách này chưa đạt như mong muốn.
Doanh số cho vay theo các chương trình ưu đãi hơn 165 nghìn tỷ đồng nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 10/4/2020 giảm 0,53% so vời cùng kỳ tháng trước. Trong tổng số 354.286 khách hàng được vay các chương trình tín dụng ưu đãi đến nay, số khách hàng tiếp cận được các chương trình cho vay ưu đãi của tổ chức tín dụng còn thấp, chỉ chiếm 22,4%, báo cáo nêu con số chứng minh.
Theo Ủy ban Kinh tế, khả năng giảm tiếp mặt bằng lãi suất cho vay khó thực hiện do chi phí huy động vốn của các ngân hàng đã cao, năng lực tài chính và lợi nhuận của các ngân hàng còn hạn chế, nhất là trong điều kiện nợ xấu đang có nguy cơ gia tăng do Covid-19. Hơn nữa, việc giảm lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ có thể gây ảnh hưởng đến lạm phát và tỷ giá VND trong trung hạn.
Cũng về chính sách tín dụng, báo cáo mới phát hành của chính Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã điều hành tín dụng đảm bảo đủ, kịp thời vốn cho tăng trưởng đồng thời kiểm soát lạm phát. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát.
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định đã chủ động ban hành các văn bản và tổ chức, làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng để yêu cầu rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch đối với khách hàng, xây dựng các chương trình, kịch bản hành động của ngân hàng.
Cũng theo báo cáo này thì từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Vốn tín dụng cho cao tốc Bắc - Nam: Khó khăn và... rất khó khăn
"Khó khăn", "rất khó khăn" là những cụm từ được Bộ Giao thông vận tải nhấn đi nhấn lại khi nói về khả năng huy động vốn tín dụng cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Ảnh minh họa.
Ký báo cáo gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cơ quan giám sát dự án trên - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ đang tích cực triển khai các thủ tục liên quan đến dự án trọng điểm quốc gia này. Tuy nhiên quá trình triển khai gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó có nguồn vốn tín dụng trong nước.
Thứ trưởng nhấn mạnh, ngay trong giai đoạn báo cáo Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án (năm 2017 - PV), Chính phủ đã nhận định "khả năng huy động nguồn vốn từ cá tổ chức tín dụng trong nước khó khăn".
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã phản ánh: việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước, trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, hình thức chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn.
Trong khi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm dần còn 40% từ ngày 01/01/2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tới.
Khi đó, Bộ trưởng cho biết, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng cho dự án, Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp phù hợp bảo đảm cung cấp đủ các nguồn vốn đáp ứng việc triển khai dự án.
Ở báo cáo mới, Thứ trưởng Đông dẫn thông tin từ bản báo cáo phát hành giữa tháng 02/2020 của Ngân hàng Nhà nước, nêu rõ: các dự án BOT, BT giao thông có quy mô, tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn dài... trong khi nguồn vốn của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn.
Đồng thời, để đảm bảo ổn định về chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.
Ngoài ra, các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án BOT, BT giao thông chưa được xử lý dứt điểm và các ngân hàng thương mại nhà nước chưa được kịp thời tăng vốn, các tổ chức tín dụng khó có khả năng xem xét, tài trợ đối với các dự án mới.
Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cũng phản ánh, từ thực tế triển khai một số dự án BOT giao thông trong thời gian qua cho thấy, trong điều kiện các cơ chế chia sẻ rủi ro (đặc biệt là rủi ro về doanh thu) chưa được áp dụng, việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư là rất khó khăn. Một số dự án có nhu cầu vận tải lớn khả thi về tài chính (như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận) cũng rất khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng.
Từ thực tế kết quả sơ tuyển các dự án, Bộ phản ánh, các doanh nghiệp tham gia sơ tuyển cao tốc Bắc - Nam chủ yếu là các nhà thầu, năng lực thi công tốt nhưng năng lực tài chính không phải là thế mạnh, nên việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư sẽ khó khăn.
Báo cáo tiến độ triển khai dự án, Thứ trưởng Đông cập nhật, đối với 7 dự án thành phần có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển sẽ tiếp tục triển khai bước đấu thầu. Trường hợp đấu thầu thành công dự kiến dự kiến sớm nhất có thể lựa chọn được nhà đầu tư khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11/2020, đàm phán ký kết hợp đồng trong tháng 12/2020, bắt đầu triển khai thi công từ đầu năm 2021.
Để đảm bảo tiến độ triển khai theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ quy định: nhà đầu tư vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực.
Như vậy, trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư trong năm 2020 cũng chưa thể khẳng định có thể triển khai được ngay các dự án thành phần PPP trong năm 2021. Trường hợp nhà đầu tư không huy động được nguồn vốn tín dụng, Bộ Giao thông vận tải phải hủy hợp đồng và Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cùng thời điểm Bộ Giao thông vận tải gửi báo cáo đến Ủy ban Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng có báo cáo gửi đến đầu mối này.
Tại đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết hai triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid - 19. Trong đó các dự án BOT, BT giao thông dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng khoảng 110.000 tỷ đồng, chiếm 1,35% tổng dư nợ...
Trong báo cáo trên, Ngân hàng Nhà nước không đề cập về nguồn cung cấp tín dụng cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Lên kế hoạch tăng vốn cho Agribank và VAMC ngay trong quý II/2020 Trong quý II/2020, Bộ Tài chính sẽ tập trung bổ sung vốn điều lệ cho 2 doanh nghiệp nhà nước là Agribank từ nguồn thanh toán trái phiếu đặc biệt và VAMC từ Quỹ thực hiện Chính sách tiền tệ Quốc gia. Ảnh minh họa. Bộ Tài chính vừa công bố kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước tại...