Ưu tiên hàng đầu của ASEAN vẫn là kiểm soát lây nhiễm Covid-19 xuyên biên giới
Khẳng định ưu tiên hàng đâu là kiểm soát và ngăn chặn lây lan của dịch, nhất là lây nhiễm xuyên biên giới, các nhà lãnh đạo cũng cho rằng ASEAN cân chú trọng giảm thiểu tác động kinh tế- xã hội do Covid-19 gây ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị đặc biệt sáng 14.4 . Ảnh BNG
Sáng 14.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, đã chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh Covid-19. Đây là Hội nghị Cấp cao đầu tiên của ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN.
Hội nghị đã thể hiện cam kết chính trị ở cấp cao nhất về đoàn kết và hợp tác trong khối cũng như với các đối tác, khẳng định đây chính là sức mạnh giúp ASEAN chiến thắng đại dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo đánh giá những nỗ lực chung của ASEAN đã mang lại kết quả ban đầu đáng khích lệ. Đến nay, số ca nhiễm trong khu vực ASEAN thấp hơn, tăng chậm hơn nhiều so với tỉ lệ chung của thế giới.
Trong khi khẳng định ưu tiên hàng đầu hiện nay đối với ASEAN là kiểm soát và ngăn chặn lây lan của dịch bệnh, nhất là lây nhiễm xuyên biên giới, các nhà lãnh đạo cũng cho rằng, ASEAN cần chú trọng triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội do Covid-19 gây ra.
Nhằm bảo vệ người dân và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nước cần phối hợp chặt chẽ trong việc bảo hộ công dân, cung cấp dịch vụ an sinh xã hội, các gói hỗ trợ, duy trì liên kết chuỗi cung ứng. Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng trao đổi về việc xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh, trong đó có việc tăng cường thương mại nội khối ASEAN, thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác kinh tế đang trong quá trình đàm phán, triển khai các biện pháp kích cầu kinh tế, nâng cao khả năng ứng phó với các cú sốc bên ngoài…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các nước thành viên ASEAN đã chung tay cùng Việt Nam ứng phó đại dịch ngay từ những ngày đầu. Thủ tướng hoan nghênh các nước ủng hộ các đề xuất của Việt Nam như lập Quỹ hợp tác ứng phó Covid-19 của ASEAN, lập kho dự phòng vật tư y tế đáp ứng nhu cầu khẩn cấp khi có dịch bệnh, sáng kiến tổ chức diễn tập trực tuyến của Quốc phòng về ứng phó dịch bệnh khẩn cấp, xây dựng quy trình ứng phó khẩn cấp chung của ASEAN khi có dịch bệnh, lập Nhóm công tác đặc trách của các quan chức cao cấp thông tin ASEAN về chống tin giả…
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước có dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế bình thường, cung ứng nhu yếu phẩm, bao gồm cả lương thực theo yêu cầu của các nước. Theo Thủ tướng, ASEAN cần phối hợp đảm bảo an toàn, hỗ trợ công dân bị tác động của dịch bệnh; đồng thời có những bước đi chung giảm thiểu, khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh với phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng kế hoạch và đề xuất các biện pháp phục hồi kinh tế sau dịch bệnh như: chia sẻ các bài học kinh nghiệm, khôi phục kết nối tái thiết du lịch và các hoạt động kinh doanh và xã hội.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh Covid-19. Lãnh đạo nhiều nước đánh giá cao Việt Nam kịp thời hỗ trợ các nước kiểm soát dịch bệnh.
Chiều nay sẽ diễn ra Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN 3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19.
Vũ Hân
Chuyên gia: COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế và kế hoạch ASEAN 2020
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng, COVID-19 tác động đến ASEAN trên nhiều phương diện, đặc biệt kinh tế chịu thiệt hại nặng nề.
Ảnh hưởng tới kế hoạch ASEAN-2020
Theo đánh giá của PGS-TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến khu vực Đông Nam Á sau khi các nền kinh tế buộc phải đóng cửa và thực hiện giãn cách xã hội.
"COVID-19 ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các kế hoạch 2020 của cộng đồng ASEAN, đặc biệt trong việc tổ chức các Hội nghị thượng đỉnh, triển khai các chương trình hợp tác và thực hiện lộ trình Tầm nhìn 2025", ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết.
Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị cấp cao trực tuyến ASEAN. (Ảnh chụp màn hình)
"Tất cả các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN và các cuộc họp bên lề đều bị hoãn và chuyển sang thời điểm khác. Trong bối cảnh hiện nay, sự lựa chọn phù hợp nhất là hình thức họp trực tuyến, như 2 cuộc họp đặc biệt hôm nay (14/4), ASEAN đặc biệt và ASEAN 3", Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á nói.
Đại dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 12/2019 và bắt đầu phát hiện ở Đông Nam Á vào tháng 1/2020.
Theo số liệu gần nhất được cập nhật vào ngày 13/4/2020, tại Đông Nam Á có hơn 200.000 ca nhiễm và hơn 800 ca chết người. Tại khu vực tỉ lệ tử vong vào khoảng dưới 5%, thấp hơn so với mức trung bình của thế giới.
Philippines trở thành nước có số ca nhiễm lớn nhất hiện nay ở trong Đông Nam Á.
Việt Nam chủ trì hội nghị trực tuyến ASEAN đặc biệt về COVID-19 hôm nay (14/4). (Ảnh: VGP)
Theo chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, mối đe dọa COVID-19 là rất lớn.
" Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của Đông Nam Á cũng như ASEAN và các nước thành viên. Hầu hết các nước đã thực hiện các biện pháp cách ly, đóng cửa, hạn chế di chuyển, thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các ngành kinh tế tạm thời đóng cửa hoặc làm việc trực tuyến", chuyên gia khẳng định.
Dịch vụ đình trệ, sản xuất cầm chừng
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, COVID-19 làm đình trệ tất cả các ngành du lịch, hệ thống bán lẻ, dịch vụ cũng như làm gián đoạn chuỗi cung cứng sản phẩm.
"Các nền kinh tế Đông Nam Á có độ phụ thuộc vào Trung Quốc tương đối lớn. Khi dịch COVID-19 bùng phát, hệ thống sản xuất ở Trung Quốc đình trệ và hoạt động thương mại toàn cầu, khu vực bị gián đoạn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống sản xuất của các nước Đông Nam Á".
Theo đó, hầu như các nước Đông Nam Á hiện nay đều có hệ thống dịch vụ bị đình trệ và sản xuất cầm chừng.
Cụ thể, kinh tế Việt Nam trong quý I vừa qua tăng trưởng đạt 3,82%, thấp hơn một nửa so với mức tăng trưởng quý I các năm trước đạt trên 6%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị diễn ra sáng 14/4. (Ảnh: VGP)
Nền kinh tế mở nhất Đông Nam Á là Singapore, trong quý I, theo đánh giá của một số chuyên gia, có thể suy giảm 2,2%, dự báo tăng trưởng cả năm 2020 ở mức từ - 4 đến - 1%.
Kinh tế Thái Lan, Malaysia cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn là kinh tế Indonesia và Philippines, nhưng chưa thể nói trước tác động về lâu dài.
Với các nước nhỏ hơn, đặc biệt như Lào, Campuchia, các đánh giá ban đầu cho thấy tác động của COVID-19 tương đối lớn.
Ảnh hưởng tâm lý người dân
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, với người dân Đông Nam Á, bên cạnh sức khỏe, COVID-19 sẽ có tác động đến tâm lý khi các nước thực hiện việc cách ly phong tỏa diện rộng.
Video: Thủ tướng chủ trì Hội nghị cấp cao trực tuyến ASEAN và ASEAN 3
"Khi các nước thực hiện việc cách ly phong tỏa diện rộng sẽ tác động đến tâm lý, tinh thần cũng như tư tưởng của người dân, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Điều đó gây ra tâm trạng lo lắng, ở mức độ nào đó có thể gây nên sự hoảng loạn, có thể gây nên tác động tâm lý tiêu cực dài hạn sau này.
Dù vậy chúng ta chưa lường được mức độ tác động và giới phân tích có thể cần đánh giá thêm", chuyên gia cho biết.
PHƯƠNG ANH
Là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác đối phó Covid-19 Việt Nam cần thể hiện rõ vai trò Chủ tịch ASEAN trong thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên đối phó hiệu quả với Covid-19. Ngày mai (14/4), Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị cấp cao ASEAN 3 với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để bàn về cách đối phó...