Ưu nhược điểm của máy ảnh không gương lật
Tuần trước, chúng ta đã tìm hiểu về máy ảnh không gương lật – Những điều cần biết. Trong bài viết này, chúng ta cùng tiếp tục tìm hiểu những ưu – nhược điểm của loại máy ảnh này.
Trước tiên, hãy cùng nhìn lại cách thức hoạt động của máy ảnh D-SLR. Cũng giống như máy ảnh chụp phim đơn ống kính phản xạ, cách thức hoạt động của DSLR dựa vào một gương lật nhằm điều khiển ánh sáng đi vào cảm biến bên trong máy, và một lăng kính phản xạ đưa hình ảnh phía trước ống kính vào kính ngắm quang phía trên đỉnh máy.
Khi ta ngắm chụp, ánh sáng phản chiếu từ vật thể sẽ đi qua ống kính (1) vào bên trong thân máy. Tại đây, nó bị chắn lại bởi gương lật nằm nghiêng 1 góc 45o (2) và phản xạ lên lăng kính ngũ giác (7) phía trên theo một góc thẳng đứng, xuyên qua kính mờ (5) và thấu kính hội tụ (6). Ánh sáng tiếp tục bị phản xạ 2 lần bên trong lăng kính ngũ giác trước khi đi ra bên ngoài tại kính ngắm quang (OVF – 8). Như vậy, bất kể máy có bật hay tắt, ta luôn nhìn thấy hình ảnh phía trước ống kính qua OVF bởi nó sử dụng cơ chế phản xạ ánh sáng tự nhiên hoàn toàn thông qua các lăng kính cơ học.
Khi ta bấm nút chụp, gương lật (2) được nâng lên theo chiều mũi tên trong hình, màn trập (3) cũng mở ra. Ánh sáng lúc này không còn bị cản lại nữa, sẽ đi thẳng vào cảm biến (4) và ghi lại hình ảnh, OVF bị tối đi trong giây lát do không còn ánh sáng phản xạ đi qua. Màn trập sau đó đóng lại, gương lật hạ xuống, tất cả chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc rất ngắn từ lúc ta bấm nút chụp cho tới khi nhả nút chụp ra.
Như vậy có thể thấy, gương lật đóng một vai trò rất quan trọng trong máy ảnh DSLR. Nếu không có nó (và lăng kính ngũ giác), chúng ta không thể có hình ảnh trong OVF. Và vì hình ảnh này truyền tới mắt ta hoàn toàn theo các định luật quang học, nên thứ ta nhìn thấy trong OVF cũng chính là thứ ta có thể nhìn thấy ở bên ngoài. Ngoài ra, do hoàn toàn hoạt động dựa trên các cơ chế cơ học, nên ngắm chụp bằng OVF khiến tuổi thọ pin sau mỗi lần sạc trên DSLR thường rất cao, lên đến 4-500 kiểu. Cá biệt với dòng máy chuyên nghiệp cao cấp. con số này lên tới cả nghìn. Rất nhiều người yêu thích DSLR một phần lớn là bởi chiếc kính ngắm quang này.
Ở mặt ngược lại, gương lật chính là một trong những nguyên nhân khiến chiếc máy ảnh DSLR trở nên to béo cồng kềnh. Ngoài ra, cơ chế mở ra – đóng lại màn trập sau mỗi lần chụp cũng là một chuyển động thuần túy cơ học, đòi hỏi thời gian để thực hiện và ổn định lại sau mỗi lần thực hiện (khái niệm “shutter lag” cũng từ đây cũng sinh ra), nên tốc độ chụp liên tiếp cho đến giờ vẫn là một vấn đề đối với các nhà sản xuất DSLR (ở đây ta tạm bỏ qua các nguyên nhân khác như tốc độ xử lý của bộ vi xử lý bên trong máy, tốc độ đọc ghi của thẻ nhớ). Trừ các mẫu máy chuyên chụp thể thao tốc độ cao, tốc độ chụp liên tiếp trung bình ở các mẫu DSLR phổ thông thường chỉ rơi vào khoảng 3-5 kiểu/giây. Những mẫu máy chụp được trên 6 kiểu/giây đã được tung hô vô cùng. Khái niệm về “tuổi thọ màn trập” cũng ra đời do những lo ngại về sự mài mòn theo thời gian của màn trập chuyển động cơ học.
Video đang HOT
Canon EOS-1DX, chiếc máy chuyên chụp thể thao hiện đại nhất hiện nay với khả năng
chụp liên tiếp 14 hình/giây, có giá lên tới hơn 130 triệu.
Từ đây ta đối chiếu với máy ảnh không gương lật. Ưu điểm đầu tiên có thể dễ dàng nhìn thấy – và cũng là nguyên nhân gốc rễ khiến chúng ra đời – là ở kích thước và trọng lượng. Nhờ loại bỏ hoàn toàn gương lật nên kích thước buồng máy được thu gọn lại đáng kể, trọng lượng do đó cũng giảm đi rất nhiều. Đa số máy ảnh không gương lật đều chỉ nặng chưa tới 500gr khi lắp cả pin và ống kính.
Ưu điểm thứ hai cũng nhờ loại bỏ gương lật là tốc độ chụp được nâng cao rõ rệt. Như dòng máy Mirrorless 1 của Nikon hay NEX của Sony, tốc độ chụp đều lên tới 10 hình/giây.
Trong khi đó NEX-6 với giá 20 triệu cho cả ống kính đi kèm cũng chụp được 10 hình/giây
(lưu ý chỉ so sánh trên phương diện tốc độ chụp liên tiếp).
Ưu điểm thứ ba, khi so sánh với máy ảnh du lịch có kích thước và trọng lượng tương đương, đó là cảm biến cỡ lớn và khả năng thay đổi ống kính, khiến chiếc máy ảnh không gương lật trở nên linh hoạt trong khi vẫn bảo đảm được chất lượng ảnh tốt hơn gấp nhiều lần so với máy ảnh du lịch.
Ưu điểm thứ tư là khả năng “khai quật” lại các dòng ống kính máy phim tưởng chừng đã bị quên lãng từ ngày xưa. Nếu bạn nào đang có trên tay một chiếc ống kính máy ảnh, hãy tìm vòng lấy nét (focus ring) trên thân ống và xoay thử. Bạn sẽ thấy thấu kính phía sau xê dịch theo trục dọc của ống kính, và ở mức tối đa chúng sẽ lồi cả ra bên ngoài. Khi lắp trên máy ảnh DSLR, việc “lồi cả ra bên ngoài” này nhiều khi khiến thấu kính sau của ống kính đụng cả vào gương lật (lưu ý là gương lật còn nâng lên theo chiều mũi tên như trong hình nữa nên phía trước nó cần một khoảng không gian đủ lớn để di chuyển). Trở ngại này không còn trên máy ảnh không gương lật, do đó chỉ cần qua một ngàm chuyển rẻ vài trăm nghìn, người dùng có thể tìm kiếm những chiếc ống kính máy phim cho chất lượng ảnh tốt với giá rẻ hơn gấp nhiều lần ống kính máy số chính hãng. Dĩ nhiên là họ phải chấp nhận hy sinh tính năng auto-focus.
Và ưu điểm cuối cùng, ít quan trọng về mặt kỹ thuật nhưng lại được nhiều bạn nữ quan tâm, đó là máy ảnh không gương lật thường được thiết kế rất đẹp do không cần bảo toàn nguyên tắc về hình khối do gương lật và lăng kính ngũ giác bên trong máy đòi hỏi. Khi thiết kế đã đẹp rồi thì màu sắc tự khắc cũng trở nên đa dạng hơn. Máy ảnh không gương lật do đó trở thành một thứ đồ trang sức cao cấp với nhiều người.
Tuy nhiều ưu điểm là vậy, máy ảnh không gương lật cũng còn nhiều nhược điểm khiến nhiều người vẫn yêu thích DSLR hơn.
Việc thiếu vắng gương lật và cả lăng kính ngũ giác trên đỉnh máy khiến kính ngắm quang là một khái niệm không tồn tại ở máy ảnh không gương lật. Thay vào đó, các nhà sản xuất bổ sung kính ngắm điện tử (EVF) cho một số mẫu máy cao cấp của mình. Giá thành của kính ngắm này là khá đắt, nên với những mẫu máy rẻ tiền, người dùng buộc phải chấp nhận việc ngắm chụp qua màn hình LCD – trông chẳng khác gì chụp bằng máy du lịch mà lại rất tốn pin.
Ngay cả khi đã có kính ngắm, cảm giác ngắm bằng EVF vẫn gây bức bối cho nhiều người bởi sự chật hẹp của nó. Chưa kể vì hoạt động giống như một chiếc tivi siêu nhỏ, kính ngắm này cũng có độ phân giải và tần số quét. Khi tần số quét quá thấp, việc ngắm chụp trong điều kiện ánh sáng yếu sẽ trở thành điều khó chịu vô cùng.
Và nói thêm về bản chất, cái ta nhìn thấy trong EVF là thứ ta sẽ nhận được. Vì sao lại như vậy? Bởi vì không có OVF nghĩa là không có ánh sáng phản xạ thuần túy cơ học, nên muốn người dùng có thể ngắm chụp, máy ảnh không gương lật buộc phải cho ánh sáng luôn luôn tràn vào cảm biển, và liên tục xử lý thành hình ảnh số dưới dạng xem trước (preview) để đưa ra màn hình LCD hoặc EVF. Từ đó nảy sinh hai vấn đề nhức nhối: 1) Tiêu hao pin. 2) Tuổi thọ của cảm biến. Điều này rất khác với DSLR khi vấn đề được quan tâm của chúng là tuổi thọ của màn trập như đã nói tới ở trên.
Một nhược điểm khác của máy ảnh không gương lật là ở chỗ cho đến giờ, đa số chúng vẫn áp dụng cách lấy nét dựa trên nhận biết sự tương phản (contrast detection). Tốc độ lấy nét do đó chậm và dễ gặp sai sót khi chủ thể có ít sự tương phản (chụp người mặc áo trắng với hậu cảnh là bức tường màu sáng chẳng hạn) hoặc trong điều kiện ánh sáng yếu. Trong khi đó ở DSLR, đa số sử dụng phương thức lấy nét tự động dựa trên sự thay đổi của các pha ánh sáng (phase detection) và trong điều kiện ánh sáng yếu thì có thêm đèn trợ sáng hồng ngoại. Mặc dù hiện nay đã xuất hiện một số mẫu máy ảnh không gương lật được tích hợp cơ chế lấy nét lai (nửa theo pha, nửa tương phản) như NEX-5R, NEX-6 của Sony hay dòng Mirrorless 1 của Nikon, tuy chính xác hơn nhưng tốc độ lấy nét nói chung vẫn chậm hơn DSLR.
Nhược điểm cuối cùng có lẽ sẽ sớm được khắc phục trong tương lai, đó là cho đến giờ vẫn chưa có một máy ảnh không gương lật với cảm biến Fullframe. Tuy nhiên với sự ra đời của RX-1, chiếc máy fullframe nhỏ nhất hiện nay, có thể hy vọng rằng ở năm 2013 này, Sony sẽ trở thành tiên phong với chiếc máy NEX Fullframe đầu tiên trên thế giới.
Theo genk
Canon 5D Mark II ngừng sản xuất
Mẫu sản phẩm được đánh giá là phổ biến và có ảnh hưởng lớn trong lịch sử máy ảnh DSLR sẽ nhường chỗ cho 5D Mark III và EOS 6D.
5D Mark II đã có tên trong danh sách ngừng sản xuất.
Sự nghiệp lừng lẫy của Canon 5D Mark II đã sắp kết thúc khi Canon thêm tên model này vào dánh sách các sản phẩm EOS ngừng sản xuất tại Nhật Bản hôm qua. Đây cũng là máy DSLR được trang Canonrumors gọi là "mẫu DSLR phổ biến nhất và có ảnh hưởng lớn trong lịch sử phát triển máy ảnh số".
5D Mark II lần đầu tiên được ra mắt vào tháng 9/2008 và là chiếc camera đầu tiên trong dòng máy EOS có khả năng quay video với cảm biến full-frame độ phân giải 21,1 megapixel. Sản phẩm này đi tiên phong trong phong trào HDSLR (quay video bằng máy DSLR) bùng nổ trong vài năm qua.
Trước khi 5D Mark II ra mắt một tháng, Nikon cũng đã trình làng sản phẩm D90, chiếc DSLR đầu tiên có thể quay video nhưng với độ phân giải chỉ là HD 720p trong khi sản phẩm của Canon là Full HD 1080p.
Canon 5D Mark II là "huyền thoại" với nhiều người chơi ảnh.
Mẫu DSLR này của Canon đã khiến nhiều nhà làm phim chuyên nghiệp hay dựng, quay video ca nhạc phải có một cái nhìn mới về việc quay phim trên máy ảnh. Hàng loạt các bộ phim với ngân sách lớn của Hollywood hay phim truyền hình nổi tiếng Mỹ cùng một số video ca nhạc lớn đều được thông báo có sử dụng mẫu máy của Canon.
Tuy nhiên, việc thay thế 5D Mark II đã khiến Canon chọn một con đường khác nhau khi đồng thời ra mắt 5D Mark III ở một khung giá cao hơn và một model 6D cũng sử dụng cảm biến full-frame nhưng ở mức giá thấp hơn một chút. Việc phân dòng rộng hơn so với chỉ mẫu 5D Mark II trước đây đã khiến Canon phục vụ được nhiều đối tượng khác nhau hơn trong thời kỳ mà cảm biến full-frame trở thành đích đến của nhiều người chơi ảnh.
Tại Việt Nam, Canon 5D Mark II đang được bán với giá 35,5 triệu đồng trên thị trường xách tay và chính hãng là 38 triệu đồng.
Theo VNE
Canon Powershot thu hẹp khoảng cách với máy ảnh DSLR Ống kính có khẩu độ "khủng", tốc độ lấy nét cực nhạy, zoom quang lên đến 50x, kết nối Wi-Fi giúp chia sẻ hình ảnh trên Facebook... là những tính năng độc đáo của ba model G15, S110 và SX50 HS vừa được Canon tung ra. Là model tiêu biểu của dòng Powershot G, máy ảnh G15 được trang bị cảm biến ảnh...