Út ‘Trọc’ tự bào chữa, không nhận cáo buộc của Viện kiểm sát
Tại tòa, Út “Trọc” tiếp tục khẳng định lại không trao đổi gì với ông Đinh La Thăng về việc tạo điều kiện tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương.
Sáng 18/12, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và 19 bị cáo trong vụ đấu thầu thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Tại tòa, tự bào chữa cho mình, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út “Trọc”) tiếp tục bác bỏ cả hai tội danh mà Viện kiểm sát (VKS) đã truy tố. Hệ khẳng định không lợi dụng ảnh hưởng với người khác để trục lợi như cáo buộc của VKS.
Đinh Ngọc Hệ tự bào chữa tại tòa.
Cáo trạng nêu Hệ thỏa thuận để ông Phạm Văn Thăng (Tổng giám đốc Công ty CP Licogi 13) thi công hạng mục gói thầu XL.01-3. Đổi lại, ông Phạm Văn Thăng sẽ bán rẻ cho Út “Trọc” căn biệt thự BT01, qua đó giúp bị cáo trục lợi hơn 3,4 tỷ đồng.
Theo Hệ, bị cáo mua căn biệt thực này từ đầu năm 2013 và đến đầu năm 2014, Licogi 13 mới làm hồ sơ làm gói thầu BOT cầu Việt Trì. Khi Phạm Văn Thăng bán nhà cho Hệ, ông ta không hề biết công ty của mình sẽ được tham gia thi công dự án. Do đó, Út “Trọc” cho rằng không thể quy buộc bị cáo dùng ảnh hưởng để trục lợi 3,4 tỷ đồng.
Bị cáo Hệ tiếp tục khẳng định lại không hề trao đổi gì với ông Đinh La Thăng về việc tạo điều kiện tham gia đấu giá quyền thu phí cao tốc Trung Lương. Sau này qua lời giới thiệu của một người khác, bị cáo mới biết Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Công ty Cửu Long).
Video đang HOT
“Mong HĐXX điều tra xem tiền gian dối đi về đâu vì tôi không hề biết nên rất bức xúc” , Hệ nói.
Về số tiền 725 tỷ đồng cáo buộc chiếm đoạt, Hệ cho rằng đó là tiền của mình. Bị cáo mua quyền thu phí trả đủ 2.004 tỷ đồng và theo hợp đồng có quyền bán, chuyển nhượng cho các tổ chức khác. Như vậy tiền vượt 2.004 tỷ đồng sẽ được toàn quyền tài sản của công ty Yên Khánh.
“Tôi mua quyền thu phí xong những người trên cả nước Việt Nam đều nói tôi ngu nhất vì mua giá quá cao” , bị cáo Hệ trình bày.
Trước đó, Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang bào chữa cho Đinh Ngọc Hệ cho rằng kết quả điều tra và qua phần thẩm vấn công khai cho thấy, Hệ không có bất kỳ hành vi gian dối nào trong việc lập Hội đồng đấu giá, thực hiện quy trình đấu giá quyền thu phí. Công ty Yên Khánh luôn theo dõi sát sao và được thông báo nộp tiền đấu giá thì thực hiện và tham gia đấu giá theo quy trình của hội đồng đấu giá.
Luật sư Trang cũng cho rằng phải làm rõ tài sản bị chiếm đoạt thuộc sở hữu của ai, bị chiếm đoạt từ khi nào. Bộ GTVT được xác định bị hại trong vụ án nhưng chưa được cơ quan điều tra hay VKS mời lên để chứng minh quyền sở hữu tài sản của họ bị Hệ chiếm đoạt.
“Quá trình luật sư thẩm vấn Bộ Tài chính, cơ quan này nói 2.004 tỷ đồng là giá trị quyền thu phí, do hội đồng định giá tự định chứ Hệ không thể nào can thiệp vào giá này được” , luật sư nói.
Chiều nay, đại diện VKS đối đáp lại quan điểm của các luật sư.
Ông Đinh La Thăng phản bác cáo trạng
Cựu bộ trưởng Đinh La Thăng bị xét hỏi trong ngày thứ ba diễn ra phiên tòa, phản bác cáo buộc "can thiệp cấp dưới" để Út "Trọc" mua được quyền thu phí cao tốc.
Sáng 16/12, TAND TP HCM tiếp tục xét xử ông Thăng; nguyên thứ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường; cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ (49 tuổi, nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) cùng 17 bị cáo về các sai phạm khi bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương và "ăn chặn" tiền của nhà nước, gây thiệt hại 725 tỷ đồng.
Ông Thăng được HĐXX gọi thẩm vấn, sau khi đã xét hỏi hơn 10 bị cáo. Trong vụ án này, cựu bộ trưởng GTVT bị cáo buộc "phớt lờ" các quy định khi chỉ đạo chuyển giao quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương. Ông Thăng biết Công ty Yên Khánh (của Đinh Ngọc Hệ) không thanh toán tiền trúng đấu giá như cam kết, vi phạm quy chế bán đấu giá, hợp đồng phải bị chấm dứt trước hạn và phải trả lại quyền thu phí cho Nhà nước nhưng đã can thiệp cho Hệ "trả từ từ".
Chủ tọa xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh: Hữu Khoa.
Trả lời HĐXX, cựu bộ trưởng GTVT giọng khá to, rõ ràng. Ông Thăng cho rằng lời khai của các bị cáo khác "có ý đúng, có ý chưa đúng". "Ví dụ, ông Trường nói tất cả văn bản gửi cho bộ trưởng là không đúng. Quyết định về giá tài sản, đơn vị trúng đấu giá, hợp đồng hai bên ký với nhau không gửi cho tôi. Tôi ở tù nên chỉ tiếp nhận những tài liệu của cơ quan điều tra gửi".
Theo ông Thăng, dự án này ông không trực tiếp chỉ đạo, đã giao cho thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, chỉ những văn bản nào ông này không ký được mà trình lên thì Bộ trưởng mới ký. Tương tự như ở giai đoạn sau, tháng 6/2015, khi Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể (hiện là Bộ trưởng GTVT) thay ông Trường, trình ký văn bản liên quan Công ty Yên Khánh, bị cáo mới bút phê "đề nghị làm đúng pháp luật".
Chủ tọa hỏi: "Trong việc Công ty Yên Khánh tham gia mua quyền thu phí, Hệ và Minh (Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Công ty Cửu Long, quản lý cao tốc, thuộc Bộ GTVT) khai là bị cáo gọi điện cho bị cáo Minh để giới thiệu Hệ?".
"Tôi không gọi", ông Thăng trả lời. "Ông Minh không có vai trò nhiệm vụ gì trong đó. Hơn nữa, việc này thuộc thẩm quyền của Bộ nên không có lý gì mà tôi phải gọi cho ông Minh".
Cựu bộ trưởng cũng nói thêm: "Cáo trạng nêu bị cáo và Hệ 'có mối quan hệ từ trước nên giới thiệu' là mang tính suy đoán, không có căn cứ bởi có những bị cáo đến đây tôi mới gặp, chứ không tác động gì. Cáo trạng nêu như vậy sai sự thật, quy chụp tôi".
Ngoài ra, ông Thăng nhiều lần xin trình bày cho rõ về việc không gọi điện cho Dương Tuấn Minh để giới thiệu, song chủ toạ ngắt lời, yêu cầu "không trình bày, chỉ nói có hoặc không".
Ông Đinh La Thăng được đưa đến tòa sáng 16/12. Ảnh: Hữu Khoa.
Theo cáo trạng, ông Thăng nhận thức rất rõ quyền thu phí cao tốc Trung Lương là tài sản đặc thù, có giá trị lớn, cần tìm đối tác có năng lực tài chính để tối ưu hóa việc bán quyền thu phí, nhưng vẫn giúp công ty của Đinh Ngọc Hệ (kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính) mua được quyền thu phí. Hành vi này của ông Thăng bị cho là xuất phát từ mối quan hệ quen biết từ trước với thượng tá quân đội, tạo tiền đề cho Hệ có cơ hội chiếm đoạt 725 tỷ đồng của Nhà nước.
Tháng 2/2012, ông Thăng điện thoại chỉ đạo Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, thuộc Bộ GTVT, quản lý cao tốc Trung Lương) "tạo điều kiện" để công ty của Hệ trúng thầu quyền thu phí cao tốc. Khi doanh nghiệp chậm thanh toán tiền, ông Thăng yêu cầu "để doanh nghiệp trả từ từ".
Quá trình tổ chức đấu giá, ông Thăng ký quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí và Tổ thường trực giúp việc, giao thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch. Toàn bộ hoạt động xây dựng hoàn thiện đề án và kết quả bán đấu giá được ông Trường báo cáo Bộ trưởng. Thông qua các tài liệu này, ông Thăng biết việc bán đấu giá không thực hiện đúng quy định của pháp luật, để cho Công ty Yên Khánh trúng thầu theo ý định ban đầu của mình.
Ngoài ra, ông Thăng còn bút phê đề xuất để Công ty Yên Khánh làm nhà đầu tư xây dựng bổ sung hai nút giao thông trên tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm và đề nghị cho công ty này cấn trừ vào tiền phải thanh toán theo hợp đồng mua quyền thu phí, dẫn đến việc doanh nghiệp tiếp tục không thanh toán đúng theo quy định.
Năm 2018, ông Thăng bị phạt 30 năm tù (mức cao nhất của hình phạt có thời hạn) trong hai vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đại Dương. Hồi đầu năm, ông tiếp tục bị đề nghị truy tố trong vụ án chỉ định nhà thầu thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ, gây thiệt hại hơn 600 tỷ đồng.
Đinh Ngọc Hệ: 'Bị cáo không nhờ vả ông Thăng' Cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ phản đối cáo trạng, cho biết "hoàn toàn không nhờ Đinh La Thăng giới thiệu đấu giá thu phí cao tốc Trung Lương". Chiều 15/12, TAND TP HCM tiếp tục phiên xử Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc", 49 tuổi, nguyên phó giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng); cựu bộ trưởng...