UPCoM: “Ông lớn” không hẳn đã tốt
Nhiều doanh nghiệp lớn trên UPCoM đã công bố báo cáo tài chính quý I, tuy nhiên không phải “ông lớn” nào cũng có kết quả tăng trưởng tốt trong kỳ tài chính đầu năm này.
Điểm sáng tăng trưởng
Là một trong những doanh nghiệp được khối ngoại ưa thích nhất nhì trên sàn UPCoM, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, trong quý I/2019, BSR vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất an toàn, ổn định, liên tục và hiệu quả ở 107% công suất thiết kế; sản xuất hơn 1,7 triệu tấn sản phẩm các loại. Kết quả hợp nhất, doanh thu thuần đạt 23.070 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 597,7 tỷ đồng.
BSR đánh giá đây là kết quả sản xuất – kinh doanh đáng khích lệ của Công ty trong bối cảnh giá dầu thô thế giới diễn biến khó lường suốt từ quý IV/2018 đến hết tháng 2/2019.
Quý I năm nay, CTCP Kosy (KOS) đón tin vui khi đạt được mức tăng trưởng cao về cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Doanh thu thuần đạt hơn 293,8 tỷ đồng, tăng 144% so với cùng kỳ, nhờ đó đưa lợi nhuận sau thuế lên 8,4 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước.
Một gương mặt nổi đình đám trên sàn UPCoM là CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất – Sasco (SAS) cũng vừa báo cáo lợi nhuận quý I tăng 17,8%. Trong kỳ, doanh thu thuần của doanh nghiệp này đạt 730,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 4%. Nhờ giá vốn hàng bán giảm, biên lãi gộp của SAS đã được cải thiện từ 42% lên 45% trong quý này.
Năm 2019 này, Ban lãnh đạo Sasco khá thận trọng khi đề ra kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 2.859 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 425 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 4% so với năm trước. Như vậy, quý I này, Sasco đã hoàn thành được 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Không thiếu khoảng hụt
Video đang HOT
Sàn UPCoM cũng là nơi đang “neo” hai cổ phiếu lớn nhà Masan là MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan và MSR của CTCP Tài nguyên Masan. Hai cổ phiếu này đều nằm trong Top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất UPCoM. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này có chiều hướng tăng trưởng lợi nhuận trái ngược nhau.
Tại MCH, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 3.696 tỷ đồng và 800,2 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2018. MCH hiện là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 3 trên UPCoM (sau ACV và VEA).
Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, lãnh đạo MCH cho biết, Công ty sẽ đạt hoặc vượt kế hoạch năm đề ra. Hiện kế hoạch kinh doanh của MCH đã được cổ đông thông qua là tăng trưởng lợi nhuận từ 20 – 25%, tương ứng mục tiêu lợi nhuận đạt 4.050 – 4.200 tỷ đồng.
Trong khi đó, với MSR, lợi nhuận quý I giảm tới 99% so với cùng kỳ năm trước, thu về vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu thuần đạt 1.190 tỷ đồng, giảm 20% dù sản lượng sản xuất tương đồng so với cùng kỳ 2018, tuy nhiên giá vonfram thực tế quý I năm nay lại thấp hơn, sản lượng đồng tồn kho tăng lên.
Chi phí cũng tăng mạnh do MSR mở rộng thêm các hoạt động tài chính. Kết quả thực hiện quý I còn cách rất xa so với mục tiêu lợi nhuận ròng từ 700 – 1.000 tỷ đồng của MSR.
Cũng nằm trong Top 10 các doanh nghiệp có vốn hóa lớn trên UPCoM, CTCP Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (VEF) chứng kiến một kỳ kinh doanh suy giảm. Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ giảm 12%, đạt 4,4 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn hàng bán đã chiếm trên 4,7 tỷ đồng khiến Công ty lỗ gộp hơn 342 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhờ có doanh thu hoạt động tài chính đạt 13,3 tỷ đồng (toàn bộ là lãi tiền gửi, tiền cho vay) đã giúp VEF thoát khỏi cảnh thua lỗ, với lợi nhuận sau thuế đạt 8,8 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ 2018.
Tệ hơn là Tổng công ty Sản xuất xuất nhập khẩu Bình Dương – Protrade (PRT) khi công ty mẹ ghi lỗ trong kỳ này. Doanh thu thuần trong kỳ mang về chỉ 4,3 tỷ đồng, thậm chí không đủ bù đắp cho giá vốn hàng bán khiến công ty ngay lập tức lỗ gộp. Cùng với các loại chi phí cần chi trả, công ty mẹ PRT lỗ ròng 28 tỷ đồng. Tuy vậy, mức lỗ này cũng đã cải thiện hơn so với khoản lỗ 41,8 tỷ đồng trong quý I/2018.
Ban lãnh đạo PRT cho biết, do Tổng công ty hoạt động với lĩnh vực chính là đầu tư tài chính, các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia thường phát sinh vào quý III đến quý IV của năm nên các quý đầu kỳ thường không có doanh thu dẫn đến việc ghi lỗ.
Nhà đầu tư hiện vẫn đang chờ đợi thông tin kết quả kinh doanh từ nhiều “ngôi sao” khác trên sàn giao dịch cổ phiếu này như PV Oil, ACV, Thủy sản Minh Phú…
Nguyên Minh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
ĐHĐCĐ Công ty Kinh doanh và Phát triển Binh Dương (TDC): Sáp nhập công ty thua lỗ âm vốn chủ sở hữu
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Binh Dương (TDC - HOSE) diễn ra sáng nay (18/4) đã thông qua nhiều nội dung đáng chú ý.
Cụ thể, Đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu đạt 1.894 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 154,7 tỷ đồng.
Đáng chú ý, TDC sẽ giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước từ 60% xuống 45% khi phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 1.350 tỷ đồng với mức giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phần.
Thời gian phát hành dự kiến trong 2019 và 2020. Số vốn huy động tối thiểu 350 tỷ đồng sẽ dành 100 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình nhà ở xã hội giai đoạn 2019 - 2024 và 200 tỷ đồng tái cơ cấu vốn trong sản xuất kinh doanh. TDC sẽ ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có khả năng hỗ trợ công ty về vốn.
Hiện TDC nợ khá nhiều và áp lực thanh toán tăng trong thời gian sắp tới khi có khoản trái phiếu giá trị 400 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 12/2019 và 500 tỷ đáo hạn vào tháng 9/2020.
Theo Báo cáo của Ban Kiểm soát TDC, năm 2018 cùng với sự khởi sắc của thị trường bất động sản, doanh thu kinh doanh bất động sản đóng góp cao nhất vào tổng doanh thu của Công ty.
Doanh thu bất động sản chủ yếu đến từ Khu nhà ở công nhân Chánh Phú Hoà và Bàu Bàng 145,9 tỷ đồng, Khu dân cư TDC Hoà Lợi 88,2 tỷ đồng và Dự án Unitown 59,17 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do chi phí khác trong kỳ tăng mạnh, chiếm 16% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, nên lợi nhuận kế toán trước thuế chỉ đạt 92% chỉ tiêu kế hoạch.
Hiện tại, các khoản vay tại Công ty khá cao dẫn đến chi phí tài chính nhiều và đến nay các khoản vay đã đến hạn trả theo tiến độ của hợp đồng.
Trong năm 2018, công ty đã thực hiện thoái vốn hoàn toàn và thu hồi các khoản cổ tức còn nợ của CTCP Dược Becamex, xem xét tái cấu trúc lại các khoản đầu tư tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
So với năm 2017, giá trị hàng tồn kho chủ yếu dưới dạng chi phí sản xuất và kinh doanh dở dang đã giảm xuống còn 52,8% tổng giá trị tài sản. Một số dự án như Sunriver, phố Sông Cấm, UniTown giai đoạn 2 và TDC Plaza vẫn bị trì hoãn do Công ty thiếu vốn để tiếp tục thực hiện.
Đáng lưu ý, TDC cũng thông qua việc nhận sáp nhập Công ty TNHH một thành viên Tư vấn đầu tư xây dựng Việt, đang âm vốn chủ sở hữu 29 tỷ đồng. Việc sáp nhập này sẽ khiến TDC giảm vốn chủ sở hữu từ hơn 1.218 tỷ đồng xuống hơn 1.189 tỷ đồng sau sáp nhập.
Lợi nhuận của công ty sau sáp nhập cũng giảm từ 141 tỷ đồng xuống hơn 108 tỷ đồng do công ty bị sáp nhập vào TDC đang lỗ hơn 32 tỷ đồng trong năm qua.
Thu Hương
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Cận cảnh khu chung cư cải tạo 40 tỷ một căn ở Hà Nội gây 'choáng' Căn hộ dự án cải tạo khu chung cư cũ tại 30A Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang được chào bán với giá thấp nhất khoảng 25 tỷ đồng, còn căn cao nhất lên đến gần 40 tỷ đồng khiến nhiều người không khỏi "choáng". Dự án cải tạo xây dựng lại khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt ,...