Ứng viên sáng giá nhất rút lui, Microsoft khó tìm CEO cho công ty
Alan Mulally, CEO đương nhiệm của hãng xe Ford và được xem là ứng viên sáng giá nhất để thay thế Steve Ballmer cho chiếc ghế CEO của hãng phần mềm Microsoft đã chính thức lên tiếng phủ nhận thông tin mình sẽ chuyển sang làm việc tại Microsoft.
Microsoft vẫn đang rất tích cực trong việc tìm kiếm người thay thế Steve Ballmer ngồi vào chiếc ghế CEO tại công ty, tuy nhiên mới đây ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí này đã tự loại bỏ mình khỏi danh sách đề cử.
Theo đó, trong bài trả lời phỏng vấn với hãng tin AP vào ngày hôm qua, CEO của hãng xe Ford Alan Mulally đã lên tiếng khẳng định mình vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với Ford và không chuyển sang Microsoft.
“Tôi muốn kết thúc những suy đoán lâu nay về mối quan hệ giữa tôi và Microsoft, bởi vì tôi không có dự định làm gì khác hơn là tiếp tục phục vụ cho Ford”, Mulally cho biết.
Alan Mulally, ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế CEO của Microsoft đã phủ nhận thông tin chuyển qua làm việc cho “gã khổng lồ phần mềm”
Video đang HOT
Mặc dù không phải là một nhân vật thuộc lĩnh vực công nghệ tuy nhiên quá trình điều hành tại Ford đã mang lại danh tiếng cho Alan Mulally trong việc quản lý và phát triển doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng Mulally sẽ giúp Microsoft có thể phát triển bền vững và ổn định nhờ vào tài năng của mình, nhất là trong bối cảnh Microsoft đã mất dần vị thế trên thị trường công nghệ vào tay các đối thủ cạnh tranh như Apple, Google…
Ngay sau khi thông tin Alan Mulally tiếp tục gắn bó với hãng xe Ford, giá trị cổ phiếu của Microsoft đã giảm nhẹ 1,5% giá trị trong khi cổ phiếu của Ford đã tăng thêm 2% giá trị. Điều này cho thấy sự tín nhiệm của các nhà đầu tư dành cho Mulally.
Tháng trước nhiều nguồn tin cho biết Microsoft đã rút gọn danh sách các ứng viên từ 100 người ban đầu xuống còn khoảng 20 người và dự kiến sẽ giới thiệu CEO mới của công ty vào đầu năm 2014 này. Mặc dù không có cái tên cụ thể nào được nêu ra nhưng các nguồn tin cho biết CEO Alan Mulally chính là ứng viên sáng giá nhất, trong khi đó cựu CEO Stephen Elop của Nokia, Tony Bates (CEO của Skype)… đã bất ngờ bị loại ra khỏi danh sách các ứng viên do không phù hợp.
Hiện tại Microsoft vẫn đang rất tích cực để tìm ra người phù hợp ngồi vào chiếc ghế CEO của công ty và đây có vẻ là một quá trình khó khăn. Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin thân cận với Microsoft tiết lộ rằng ban lãnh đạo của công ty vẫn chưa thể quyết định được cái tên xứng đáng, chí ít là cho đến tận tháng sau.
Tháng 8 năm ngoái, CEO Steve Ballmer đã có quyết định gây bất ngờ cho giới công nghệ khi cho biết sẽ nghỉ hưu trong vòng 12 tháng tới hoặc cho đến khi nào Microsoft tìm được người thay thế phù hợp. Cho đến nay, quá trình tìm kiếm vẫn chưa hoàn tất.
Nhiều nhà phân tích dự đoán CEO tiếp theo của Microsoft sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực khi lên nắm quyền, một phần chính vì những thay đổi mang tính bước ngoặc của Steve Ballmer trước khi tuyên bố nghỉ hưu. Theo đó Steve Ballmer đã bỏ ra 7,2 tỷ USD để mua lại bộ phận thiết bị của Nokia để từng bước đưa Microsoft trở thành hãng sản xuất phần cứng, thay vì chỉ phần mềm như trước đây. Do đó, CEO kế nhiệp của Microsoft sẽ phải đưa ra các biện pháp phù hợp để không làm lãng phí 7,2 tỷ USD mà Microsoft đã bỏ ra.
Bên cạnh đó, mặc dù đã rút lui khỏi vị trí CEO nhưng Steve Ballmer vẫn có chân trong hội đồng quản trị của công ty. Là một người nổi tiếng nóng tính, Steve Ballmer khó có thể ngồi yên khi CEO kế nhiệm mình đưa ra những chính sách không phù hợp với những kế hoạch mà Ballmer đã tạo ra trước đó.
Theo VNE
Microsoft cân nhắc cung cấp miễn phí Windows Phone và Windows RT
Microsoft được cho là đang cân nhắc một sự thay đổi quan trọng trong chiến lược phát triển nền tảng di động của mình khi nhiều khả năng sẽ biến nền tảng Windows Phone thành nền tảng miễn phí để cung cấp cho các nhà sản xuất, giúp giảm giá thành của smartphone chạy nền tảng này.
Theo một nguồn tin giấu tên và thân cận với Microsoft tiết lộ với trang công nghệ TheVerge cho biết "gã khổng lồ phần mềm" đang cân nhắc việc phát hành miễn phí nền tảng Windows Phone và Windows RT của mình cho các hãng sản xuất để mở rộng thị phần trên thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc Microsoft chấp nhận mất doanh thu từ bản quyền các nền tảng di động mà thay vào đó sẽ kiếm được doanh thu từ hoạt động của người dùng trên những nền tảng này như các dịch vụ Skype, SkyDrive hay Office...
Nếu Windows Phone trở thành miễn phí, giá bán các sản phẩm hứa hẹn sẽ rẻ hơn trong tương lai
Trên thực tế, ngay sau khi thương vụ Microsoft mua lại bộ phận thiết bị của Nokia (hoàn tất vào đầu năm sau), "gã khổng lồ phần mềm" cũng đã mất đi một phần không nhỏ doanh thu từ bản quyền nền tảng Windows Phone, bởi lẽ hiện Nokia đang là sản xuất smartphone chạy Windows Phone lớn nhất thế giới (chiếm đến 80% thị trường smartphone chạy Windows Phoen trên toàn cầu), do vậy sau khi Nokia trở thành "người nhà" của Microsoft sẽ không phải tốn khoản phí bản quyền khi sử dụng nền tảng Windows Phone.
Lệ phí bản quyền phần mềm và hệ điều hành từ lâu vẫn là nguồn doanh thu lớn của Microsoft kể từ thời điểm công ty này thành lập vào năm 1975 và được xem là "cốt lõi" để xây dựng nền Microsoft của ngày hôm nay.
Vào những ngày đầu mới thành lập, Microsoft đã quyết định bán bản quyền của hệ điều hành MS-DOS và sau này là Windows cho các nhà sản xuất máy tính và vẫn luôn xem đây là cách tốt nhất để chiếm lĩnh thị trường máy tính cá nhân. Trong khi đó Apple có chiến lược ngược lại hoàn toàn Microsoft khi chỉ cho phép hệ điều hành của mình hoạt động trên các loại máy tính do chính hãng sản xuất, và Microsoft đã vượt qua Apple trên thị trường máy tính cá nhân nhờ vào sự đa dạng của các hãng sản xuất.
Với việc Microsoft quyết định cung cấp miễn phí nền tảng Windows Phone và Windows RT cho các hãng sản xuất, động thái này cũng tương tự với Google khi phát hành nền tảng Android miễn phí. Điều này sẽ không giúp Google (và có thể là cả Microsoft) thu được doanh thu từ việc bán bản quyền mà bù lại sẽ có được doanh thu từ quảng cáo và các dịch vụ kèm theo trên nền tảng của mình.
Đặc biệt, với việc miễn phí nền tảng sẽ giúp các hãng sản xuất giảm giá thành sản phẩm (do không phải tốn khoản chi phí cho bản quyền phần mềm) sẽ càng giúp phát triển thị phần Windows Phone và Windows RT, điều này càng giúp tăng thêm lượng người dùng từ đó mang thêm những khoản doanh thu lớn cho Microsoft.
Nếu những tiết lộ trên đúng thì đây được xem là một quyết định mang tính lịch sử của Microsoft khi đánh dấu sự thay đổi lớn trong chiến lược phát triển sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, đây cũng là một sự thừa nhận ngầm rằng nền tảng Windows Phone không quá hấp dẫn và buộc Microsoft phải làm một điều gì đó để giúp nền tảng này trở nên phổ biến hơn.
Theo VNE
Vì sao Microsoft chưa chọn CEO mới? Trong khi Microsoft tuyên bố sẽ chọn ra người kế nhiệm vào mùa hè năm 2014, các thành viên trong hội đồng quản trị của hãng lại mong muốn việc này phải hoàn thành trong tháng 11 hoặc 12 vừa qua. Để hiểu rõ tại sao Microsoft đang gặp vấn đề trong việc chọn lựa một nhân vật mới cho vị trí giám...