Ứng viên mới đe dọa Donald Trump, Hillary Clinton, xoay chuyển cuộc đua tổng thống Mỹ?
Việc cựu Thống đốc bang New Mexico, Gary Johnson trở thành đại diện cho Đảng Tự do ra tranh cử Tổng thống Mỹ gây chú ý mạnh mẽ bởi sự kiện này xảy ra trong bối cảnh nhiều cử tri Mỹ không hài lòng về hai ứng cử viên hàng đầu của hai chính đảng lớn, tỷ phú Donald Trump của Đảng Cộng hòa và cựu ngoại trưởng Hillary Clinton của Đảng Dân chủ.
Ngày 29.5, ông Gary Johnson, 63 tuổi giành chiến thắng trước 2 đối thủ là Austin Petersen và John McAfee, để trở thành ứng viên đại diện Đảng Tự do của Mỹ chạy đua vào Nhà Trắng. Ngoài ra, cùng ngày, Đảng Tự do cũng chọn cựu Thống đốc bang Massachusetts, William Weld cho vị trí ứng cử viên phó tổng thống của ông Johnson.
Sự xuất hiện của một ứng cử viên thứ 3 của Đảng Tự do diễn ra trong bối cảnh nhiều cử tri Mỹ không hài lòng về hai ứng cử viên hàng đầu của 2 chính đảng lớn, tỷ phú Donald Trump của Đảng Cộng hòa và cựu ngoại trưởng Hillary Clinton của Đảng Dân chủ. Do đó, ông Johnson được một số người kỳ vọng có thể tạo nên bứt phá, làm xoay chuyển cuộc đua vào Nhà Trắng.
Ứng viên Đảng Tự do Mỹ Gary Johnson, 63 tuổi (ngoài cùng bên trái) được kỳ vọng sẽ trở thành nhân tố khiến cuộc đua vào Nhà Trắng gay cấn hơn khi thách thức hai ứng cử viên hàng đầu của hai chính đảng lớn, tỷ phú Donald Trump của Đảng Cộng hòa (giữa) và cựu ngoại trưởng Hillary Clinton của Đảng Dân chủ.
Một thăm dò mới đây cho thấy, 10% số cử tri được hỏi ủng hộ ông Johnson, người từng phục vụ hai nhiệm kỳ trên cương vị thống đốc Đảng Cộng hòa của bang New Mexico ở phía tây nam nước Mỹ từ năm 1995 tới năm 2003 trước khi bỏ Đảng Cộng hòa theo Đảng Tự do. Trong khi đó, một cuộc thăm dò khác cho thấy, 44% số cử tri muốn có một người thứ ba chạy đua cùng ông Trump và bà Hillary.
Tuy nhiên, ông Johnson sẽ phải đạt được tỉ lệ ủng hộ 15% trên toàn quốc trong 5 cuộc thăm dò ý kiến để được góp mặt trong 3 cuộc tranh luận tổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào những tuần trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào ngày 8.11.
Video đang HOT
Theo VOA News, Đảng Tự do được thành lập năm 1971 và có hệ tư tưởng, đường lối chính trị khác với Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Những người thuộc Đảng Tự do ủng hộ giảm sự tham gia của chính phủ trong tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế đến các vấn đề xã hội.
Đảng Tự do cũng ủng hộ hôn nhân đồng tính, quyền tự do cá nhân, cắt giảm trợ cấp chính phủ và giữ lập trường hoài nghi về mọi cuộc can thiệp quân sự vào các nước khác, chủ trương duy trì quân đội chỉ duy nhất cho mục đích quốc phòng…
Đường lối của Đảng này được cho là có thể giúp thu hút một số cử tri ủng hộ ông Johnson.
Ứng cử viên Gary Johnson nói chuyện với một đại biểu tại Đại hội Đảng Tự do toàn quốc ở thành phố Orlando, bang Florida, ngày 27.5.2016.
Tuy nhiên, trên thực tế những ứng cử viên tổng thống Mỹ của bên thứ 3 từ trước đến nay đều không có nhiều triển vọng và thường trở nên mờ nhạt khi gần đến ngày cử tri phải quyết định chọn người mà họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ.
Chẳng hạn, ông Ross Perot, giám đốc điều hành của một tập đoàn công nghệ, từng là ứng cử viên tổng thống Mỹ đáng chú ý nhất của bên thứ ba, giành được 19% và 8% số phiếu bầu, nhưng không thắng ở bất kỳ bang nào trong hai cuộc bầu cử năm 1992 và 1996, khi chồng của Hillary Clinton, ông Bill Clinton, hai lần đắc cử tổng thống.
Cựu Thống đốc bang New Mexico từng được Đảng Tự do “chọn mặt gửi vàng” trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2012 – năm Tổng thống Barack Obama tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai sau khi đánh bại đối thủ Đảng Cộng hòa Mitt Romney. Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm đó, ông Johnson thất bại thảm hại khi chỉ giành được 1% số phiếu bầu.
Lần này, nếu ông này duy trì tỷ lệ ủng hộ 10% trên toàn quốc như hiện nay thì nhiều khả năng ông cũng sẽ không giành được chiến thắng ở bất cứ bang nào trong 50 bang của Mỹ.
Song điều đáng bận tâm là, tổng số phiếu bầu dành cho Johnson có thể ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu ở một số bang riêng biệt. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không được định đoạt bởi số phiếu phổ thông toàn quốc mà bởi số phiếu đại cử tri đoàn theo từng bang, với những bang đông dân nhất có vai trò quan trọng nhất.
Theo Danviet
Iran hai lần kéo dài thời gian bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử
Bộ Nội vụ Iran đã phải hai lần liên tiếp thông báo quyết định kéo dài thời gian bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng chuyên gia.
Theo đó, lần thứ nhất thời gian bỏ phiếu được kéo thêm 2 tiếng, từ lúc 18h đến 20h và lần thứ hai được kéo dài thêm 1 tiếng, từ 20h đến 21h tối 26/2.
Bộ Nội vụ Iran cho biết, quyết định kéo dài thời gian bỏ phiếu được đưa ra thể theo đề nghị của giới chức các địa phương khi lượng cử tri đổ tới các điểm bỏ phiếu quá đông ngay trước thời điểm đóng cửa.
Cử tri Iran tham gia bỏ phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng chuyên gia. Ảnh AP
Còn theo ghi nhận của các nguồn tin, lượng cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử khá lớn, nhiều khả năng có thể xấp xỉ tỉ lệ 80% cử tri tham gia cuộc bầu cử Tổng thống năm 2013, với chiến thắng thuộc về Tổng thống đương nhiệm Hassan Rowhani.
Cuộc bầu cử Quốc hội Iran năm nay nhằm bầu chọn 290 nghị sỹ cho Cơ quan lập pháp nhiệm kỳ thứ 10, trong khi cuộc bầu cử Hội đồng chuyên gia nhiệm kỳ 5 sẽ chọn ra 88 giáo sỹ làm thành viên cơ quan có trọng trách đặc biệt quan trọng là bầu chọn và bãi nhiệm lãnh tụ tinh thần tối cao của đất nước, tức Đại giáo chủ Cộng hoà Hồi giáo Iran. Tổng số cử tri đủ tư cách tham gia đi bỏ phiếu là gần 55 triệu người, tương đương 69,5% dân số.
Giới phân tích nhận định, kết quả bầu cử sẽ có tính chất quyết định đối với định hướng tương lai chính trị của Iran trong khoảng một thập kỷ tới. Trước mắt, tiến trình này có thể ảnh hưởng đến chính sách xích lại gần hơn với Mỹ và phương Tây của Tổng thống theo đường lối cải cách Rowhani, do có tới 95% trong tổng số 3.000 ứng cử viên của phe cải cách đăng ký tranh cử đã bị loại khỏi cuộc bầu cử.
Hội đồng Giám hộ, cơ quan được cho là có quyền lực thực tế cao nhất tại I-ran gồm 12 thành viên, là người quyết định tư cách các ứng cử viên trong tất cả các cuộc bầu cử lớn tại Iran./.
Bá Thi-VOV
Theo_VOV
Iran bắt đầu kiểm phiếu, lượng cử tri đi bỏ phiếu cao Các điểm bỏ phiếu phải kéo dài thêm gần 6 giờ do lượng cử tri vẫn xếp hàng dài ngoài điểm bỏ phiếu. Iran bắt đầu các hoạt động kiểm phiếu, sau khi các điểm bỏ phiếu tại nước này phải kéo dài thời gian hoạt động do lượng cử tri đi bầu đông. Người dân Iran xếp hàng bỏ phiếu. (Ảnh: BBC)...