Ung thư tưởng là… nhiệt miệng
Hầu hết bệnh nhân bị ung thư khoang miệng không có cảm giác đau ở giai đoạn sớm mà chỉ khi thấy khó chịu trong miệng.
Anh Hùng, 35 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội, bị nhiệt miệng gần 2 năm. Thời gian đầu khoảng vài tháng anh bị nhiệt miệng một lần nhưng sau khoảng cách giữa các lần bị cứ rút ngắn dần và vết loét cũng lâu khỏi hơn.
Có đợt vết loét ở lưỡi của anh tới 2 tháng mới khỏi và nhiều vết loét mới lại thế chỗ… Đi khám bác sĩ đâu đâu cũng kết luận rằng anh Hùng bị chứng nhiệt miệng, viêm nhiễm khoang miệng… Ròng rã hàng năm trời uống thuốc nam, thuốc bắc rồi lại thuốc tây, những món khoái khẩu như đồ cay, bia rượu, thuốc lá anh Hùng cũng từ bỏ hoàn toàn nhưng bệnh chẳng những không khỏi mà còn nặng thêm. Nghi ngờ bị ung thư khoang miệng, anh Hùng đã đến khám tại Bệnh viện K (Hà Nội). Tại đây sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện anh bị ung thư bờ lưỡi – một dạng của ung thư khoang miệng.
Một trường hợp ung thư khoang miệng được phát hiện khi đã xuất hiện khối u ở lưỡi (Ảnh: N.D)
Bệnh từ những thói quen
Video đang HOT
Ung thư khoang miệng là một trong 10 bệnh ung thư thường gặp nhất ở VN. Hằng năm, số lượng bệnh nhân mới ung thư khoang miệng tới 20.000, chiếm từ 6% – 15% tổng số các loại ung thư. Tuy là loại ung thư dễ dàng quan sát được nhưng phần lớn bệnh nhân ung thư khoang miệng lại đến khám ở giai đoạn muộn, khi tổn thương ung thư đã lan rộng. Bệnh dễ bị bỏ qua bởi những tổn thương khiến người bệnh lầm tưởng họ chỉ bị những viêm nhiễm vùng miệng đơn giản.
Theo thống kê của Hội Ung thư đầu cổ Hoa Kỳ, có 22.000 ca ung thư khoang miệng mới mắc hằng năm và khoảng 6.000- 7.000 ca tử vong vì căn bệnh này. Tỉ lệ sống thêm 5 năm của ung thư khoang miệng là 70% đối với bệnh nhân giai đoạn I và II. Tỉ lệ này giảm xuống còn 50% với bệnh nhân giai đoạn III và chỉ còn 35% đối với bệnh nhân giai đoạn IV.
Theo thống kê, tổn thương tiền ung thư hay gặp là các loại bạch sản (có màu trắng nhạt, sùi hoặc phẳng, không mất khi gạt, thường nằm ở mặt trong má, lưỡi, lợi) và hồng sản (mảng có màu đỏ hoặc hồng). Trong khi đó, bạch sản có nguy cơ trở thành u ác tính là 6% và tỉ lệ ung thư hóa ở hồng sản chiếm hơn 30%.
Trước đây tỉ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới nhưng những năm gần đây, tỉ lệ này tương đương nhau. Tuổi dễ mắc ung thư khoang miệng là từ 45 – 60.
Rượu, thuốc lá, ăn trầu được xem là những yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư khoang miệng. Khi uống rượu, nhất là các loại rượu mạnh có thể gây phỏng niêm mạc miệng. Các tổn thương này tiến triển đến một mức độ nào đó thì sẽ trở thành ung thư. Tình trạng vệ sinh răng miệng kém cũng được coi là nguyên nhân gây loại ung thư này.
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác như nhiễm virus Herpes, HPV (Human Papilloma Virus), thiếu máu Fanconi… cũng được cho là có liên quan đến ung thư khoang miệng.
Ung thư khoang miệng thường gặp hơn cả là ung thư lưỡi, ung thư niêm mạc má và ung thư môi.
Khó phát hiện bệnh
Hầu hết các bệnh nhân bị ung thư miệng không có cảm giác đau ở giai đoạn sớm nên bệnh nhân thường chủ quan và không đi khám. Có nhiều triệu chứng để nhận biết ung thư khoang miệng trong đó thường gặp nhất là những vết loét không liền ở lưỡi, sàn miệng hoặc niêm mạc má. Các vết loét này có thể đau, chảy máu nhưng có trường hợp lại không gây khó chịu gì.
Khi tổn thương lớn lên mới xuất hiện thêm nhiều triệu chứng như nuốt đau, tai đau, thay đổi giọng nói, không phối hợp được động tác nuốt hoặc xuất hiện hạch cổ. Người bệnh có những tổn thương bị tái phát nhiều lần trong miệng, xuất hiện một điểm sưng tấy hoặc nổi một u ở bất kỳ điểm nào trong miệng hoặc ở cổ.
Vì thế khi phát hiện một vết loét ở trong miệng dù cho có liên quan với chấn thương hay bệnh viêm loét miệng nếu sau 3 tuần không khỏi, nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa ung thư hoặc các bác sĩ tai – mũi – họng, răng hàm mặt để khám xác định bệnh. Ung thư khoang miệng khi được phát hiện và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao.
Bỏ rượu và thuốc lá để giảm nguy cơ ung thư Khoảng 75% – 90% trường hợp bị ung thư khoang miệng là do hút thuốc và uống rượu. Tổ chức niêm mạc miệng dễ bị nguy cơ thoái hóa ác tính, hay gặp nhất là bạch sản niêm mạc miệng, tần suất mắc gấp 6 lần người không hút thuốc. Nếu ngừng hút thuốc sau 5 – 6 năm thì nguy cơ ung thư khoang miệng sẽ gần như bằng với người không hút thuốc.
Theo TS-BS Nguyễn Quốc Bảo
Người lao động
Nhận biết dấu hiệu ung thư ở nam giới
Có những dấu hiệu liên quan bộ phận cơ thể trong khi một số triệu chứng khá mơ hồ và có thể không phải là ung thư, nhưng đó là cơ sở để đi kiểm tra càng sớm càng tốt.
Ung thư vú dù không phải là bệnh phổ biến đối với nam giới nhưng những thay đổi tại vùng ngực cũng là dấu hiệu đáng để lo lắng: Vùng da trũng bất thường, xuất hiện vùng da ngực màu đỏ hoặc đóng vảy, núm vú rụt lại hay tiết ra dịch lạ. Tùy theo từng dấu hiệu, các bác sỹ sẽ đưa ra phương pháp kiểm tra để xác định nguyên nhân cụ thể.
Ung thư tinh hoàn thường xảy ra ở nam giới độ tuổi 20 đến 39. Các chuyên gia cho rằng cách sáng suốt là chú ý đến từng trục trặc nhỏ. Chỉ một sự thay đổi bất thường về kích thước, to hơn hay bị teo đi, có bị sưng hay có cục lồi nào hay không hoặc thậm chí cảm thấy nặng nề hơn đều không nên bỏ qua bởi ung thư tinh hoàn tiến triển rất nhanh và việc phát hiện sớm là điều đặc biệt cốt yếu.
Nếu nhận thấy hạch dưới nách, ở cổ hoặc nơi nào khác sưng lên bất thường, đó là lý do cần lo lắng. Giáo sư, Bác sỹ y khoa Hannah Linden của trường y Washington nhấn mạnh thêm, nhất là khi phần hạch càng ngày càng to ra và kéo dài khoảng hơn 1 tháng. Nếu kiểm tra không phải là một dạng nhiễm trùng, các bác sỹ sẽ yêu cầu làm sinh thiết.
Không nên lờ đi hiện tượng sốt không thể giải thích được bởi đó có thể là dấu hiệu của viêm phổi nhưng cũng có thể là do ung thư. Phần lớn các bệnh ung thư đều gây ra sốt ở một thời điểm nào đó, thông thường là sau khi nó đã di căn hoặc là do bệnh bạch cầu. Tương tự là tình trạng mệt mỏi kéo dài. Mệt mỏi thường xuất hiện khi ung thư đã tiến triển, thường là giai đoạn sớm của ung thư máu hay ung thư ruột kết, dạ dày... Nếu nghỉ ngơi mà không thấy khá hơn, bệnh nhân cần đi khám.
Giảm cân bất thường cũng là một mối quan tâm. Phần lớn đàn ông giảm cân không dễ dàng bởi vì quá bận rộn nên người ta chỉ ăn uống kiêng khem hơn hoặc tranh thủ tập luyện. Tuy nhiên, nếu ai đó giảm hơn 10% trọng lượng chỉ trong vòng vài tuần chẳng hạn thì hãy đi kiểm tra sức khỏe.
Những ai bị đau bụng dai dẳng và suy nhược cần chú ý vì các nhà khoa học cảnh báo có mối liên hệ giữa tình trạng suy nhược với ung thư tuyến tụy. Những triệu chứng khác đi kèm là vàng da hoặc thay đổi màu phân, như màu xám chẳng hạn.
Ho thường đi kèm với nguyên nhân cảm, cúm hay dị ứng, cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc chữa bệnh. Nhưng nếu ho kéo dài, chẳng hạn hơn 3-4 tuần thì đó là một cảnh báo cần phải đi gặp bác sỹ vì nó có thể liên quan đến bệnh viêm phổi mạn tính, trào ngược axít hay cũng có thể là triệu chứng của bệnh ung thư.
Khi cảm thấy khó nuốt, một số nam giới tìm cách chung sống với nó bằng cách dần thay đổi chế độ ăn uống nhiều chất lỏng hơn nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu của ung thư thực quản. Cũng liên quan đến bệnh ung thư thực quản và ung thư dạ dày còn phải kể đến chứng khó tiêu ở nam giới, cho dù những người đó sức ăn, uống vẫn ở phong độ tốt.
Bất kỳ khi nào chảy máu ở những bộ phận cơ thể bạn chưa từng gặp thì hãy tìm đến bác sỹ. Ví dụ, ho ra máu, đi tiểu ra máu hay phân dính máu. Nội soi thực quản sẽ xác định xem nguyên nhân gây chảy máu là gì và đó có thể là dấu hiệu tiền ung thư hay không.
Nam giới hút thuốc lá cũng nên lưu ý đến những điểm trắng trong miệng, những thay đổi này có thể là dấu hiệu của ung thư vòm họng khi các tế bào tiền ung thư kích thích làm sưng tấy lên.
Theo Yến Chi
ANTD/WebMD