Ủng hộ Ukraine, nhưng châu Âu không chuyển thêm vũ khí hạng nặng
Lãnh đạo các nước châu Âu đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc kết nạp Ukraine vào EU, song không cam kết viện trợ thêm đáng kể các loại vũ khí hạng nặng mà Kyiv đang cần.
Cam kết của châu Âu
Lãnh đạo của Đức, Pháp và Ý – ba cường quốc hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) – cùng đồng cấp Romania đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kyiv ngày 16.6. Sau cuộc gặp, các lãnh đạo châu Âu cho biết họ ủng hộ việc đề cử Ukraine gia nhập EU, bước đầu tiên trong quá trình có thể kéo dài nhiều năm.
Lãnh đạo Đức, Pháp, Ý và Romania cùng Tổng thống Zelensky tại Kyiv ngày 16.6. Ảnh REUTERS
Tờ The Guardian dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông và 3 nhà lãnh đạo còn lại đến Ukraine “với một thông điệp rõ ràng: Ukraine thuộc về gia đình châu Âu”. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố với Ukraine rằng “châu Âu đứng về phía các bạn và sẽ ở bên các bạn dù bao lâu đi nữa”.
Ukraine cần cái gật đầu của toàn bộ 27 thành viên EU để có thể khởi động quá trình gia nhập liên minh. Vấn đề này đã gây chia rẽ trong EU khi các nước như Đan Mạch và Hà Lan vốn phản đối việc mở rộng khối, khiến không nước nào có thể gia nhập EU kể từ Croatia cách đây một thập kỷ.
Xem nhanh: Ngày 114 chiến dịch của Nga, Ukraine được châu Âu chào đón, Mỹ không ép nhượng bộ
Tuy nhiên, sự ủng hộ của các nền kinh tế lớn nhất EU đối với Ukraine tạo ra động lực ngoại giao quan trọng trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU vào tuần tới tại Bỉ, nơi vấn đề kết nạp Ukraine sẽ được thảo luận. Sự ủng hộ này cũng gửi đi tín hiệu đến Moscow rằng tương lai kinh tế Ukraine nằm ở phía châu Âu và phương Tây.
Tại Kyiv, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng cố gắng gạt bỏ những ấn tượng rằng họ muốn nhanh chóng chấm dứt xung đột thông qua đàm phán dù cho kết cục này đồng nghĩa với việc Ukraine phải chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ. “Điều tôi nói hôm nay là Nga phải giành thắng lợi trong cuộc chiến này”, ông Macron nói trong một cuộc họp báo.
Dù vậy, chuyến thăm đã tạo ra những phản ứng trái chiều ở Ukraine, khi Kyiv không có được những cam kết quan trọng từ phương Tây về việc cung cấp thêm nhiều vũ khí tầm xa để Ukraine có thể chống đỡ trước hỏa lực vượt trội của Nga ở vùng Donbass.
Ông Macron cho hay Pháp sẽ cung cấp thêm 6 khẩu pháo tự hành Caesar trong những tuần tới, ngoài 12 khẩu đã được bàn giao. Cộng với 108 khẩu lựu pháo tầm xa từ Mỹ, đây mới chỉ là một phần rất nhỏ so với số lượng 1.000 khẩu pháo mà một cố vấn của ông Zelensky nói là cần thiết để Ukraine đạt thế ngang bằng với Nga về hỏa lực ở miền đông. Cam kết của phương Tây về rốc két phóng loạt, xe tăng và trang thiết bị khác cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của Kyiv.
“Chúng tôi mong đợi những đợt cung cấp mới, đặc biệt là vũ khí hạng nặng, hệ thống rốc két phóng loạt hiện đại và hệ thống phòng thủ tên lửa”, ông Zelensky nói và kỳ vọng: “Chúng tôi càng nhanh chóng nhận được vũ khí thì càng nhanh chóng giải phóng lãnh thổ”.
Mỹ không ép Ukraine nhường lãnh thổ, sẽ hỗ trợ để đàm phán với Nga
“Vũ khí” của Nga
Nga vốn phản đối mạnh mẽ việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Moscow hy vọng chuyến thăm của các lãnh đạo châu Âu “không chỉ tập trung vào việc hỗ trợ Ukraine bằng cách bơm thêm vũ khí cho nước này”. Ông nói việc phương Tây viện trợ vũ khí “hoàn toàn không có tác dụng và sẽ gây thêm thiệt hại cho Ukraine”.
Moscow dường như đã gửi đi một cảnh báo về kinh tế tới các lãnh đạo EU ngày 16.6, khi tập đoàn nhà nước Gazprom của Nga cắt giảm lượng khí đốt đi vào hệ thống đường ống quan trọng nhất của châu Âu là Nord Stream trong ngày thứ 2 liên tiếp, khiến giá khí đốt tăng thêm, theo tờ The New York Times.
Xuất khẩu khí đốt đã mang lại cho Moscow một công cụ ngoại giao mạnh mẽ tại châu Âu, nơi nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Đây không phải là lần đầu tiên Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt cho châu Âu một cách có tính toán kể từ khi chiến sự nổ ra, hành động mà phương Tây cáo buộc là “vũ khí hóa” năng lượng.
Nga vẫn “thắng đậm” từ xuất khẩu dầu khí bất chấp cấm vận từ phương Tây
Tháng trước, Nga ngừng xuất khẩu điện và khí đốt sang Phần Lan sau khi nước này chính thức đăng ký gia nhập NATO. Vào tháng 4, Moscow ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, hai quốc gia NATO phản đối Nga đặc biệt mạnh mẽ vì cuộc chiến. Và Nga đã ngụ ý sẽ tiếp tục có những động thái tương tự.
“Chúng tôi thấy đây chưa phải là giới hạn. Mọi thứ có thể nghiêm trọng hơn”, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg ngày 16.6.
Ông Serhiy Haidai, tỉnh trưởng tỉnh Luhansk, cho biết những người đang trú ẩn ở nhà máy hóa chất Azot tại thành phố Severodonetsk thuộc tỉnh này hiện không còn khả năng sơ tán vì các cuộc pháo kích dữ dội của Nga. Theo vị quan chức, khoảng 568 người, gồm 38 trẻ em, đang mắc kẹt tại đây. Giới chức đã cố gắng thuyết phục người dân sơ tán vào tháng trước nhưng nhiều người “không muốn đi” và tin rằng họ sẽ an toàn hơn khi ở lại, theo tờ The Guardian.
Iraq hồi hương thêm hơn 400 công dân mắc kẹt tại Belarus
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông. Bộ Ngoại giao Iraq vừa thông báo đã đưa 417 công dân nước này mắc kẹt tại Belarus về nước.
Người tị nạn Iraq được hồi hương từ Belarus về tới sân bay ở Arbil (Iraq) ngày 26/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iraq Ahmed al-Sahaf, chuyến bay thứ 9 đã được triển khai ngày 10/12 cho những người muốn tự nguyện hồi hương, với 417 hành khách. Số người tị nạn Iraq được sơ tán tại biên giới Belarus-Ba Lan đã lên tới hơn 3.550 người.
Trong thông báo trước đó, Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành "mọi biện pháp cần thiết để duy trì an ninh và an toàn cho công dân Iraq, đồng thời tránh để bất cứ người Iraq nào trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn người".
Hàng nghìn người di cư, trong đó có nhiều người tư Iraq, Syria và Yemen, đã tập trung tại biên giới của Belarus giáp với Ba Lan nhằm tìm cách đi qua Ba Lan, Đức để tị nạn ở các nước châu Âu.
Hãng hàng không quốc gia Iraq đã đình chỉ dịch vụ hàng không giữa Baghdad và Minsk vào tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, hãng này đã được phép khai thác các chuyến bay một chiều từ Minsk đến Baghdad để hồi hương cho những người bị mắc kẹt ở biên giới Belarus - Ba Lan.
Các quốc gia châu Âu cáo buộc Belarus đưa hàng nghìn người di cư từ Trung Đông tới và để họ vượt biên trái phép. Tuy nhiên, Belarus đã phủ nhận việc gây ra cuộc khủng hoảng người di cư, đồng thời chỉ trích phương Tây gây ra tình trạng trên và đối xử tệ với người di cư.
Iran khẳng định nghiêm túc trong đàm phán hạt nhân Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA đưa tin Tổng thống nước này Ebrahim Raisi ngày 11/12 tuyên bố Tehran rất nghiêm túc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với các cường quốc thế giới tại Vienna (Áo). Tổng thống Iran Ebrahim Raisi phát biểu tại cuộc họp nội các ở Tehran ngày 26/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN Theo IRNA, Tổng thống Raisi khẳng...