Ứng dụng năng lượng nguyên tử tại Việt Nam – Bài cuối: Hướng đi nhiều tiềm năng
Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã tích cực triển khai và đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp trực tiếp và hiệu quả cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Một góc lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh tư liệu: Đặng Tuấn/TTXVN
Triển vọng nhân rộng trên cả nước
Theo Thạc sỹ Đỗ Ngọc Điệp, Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ), Thái Nguyên là tỉnh đầu tiên xây dựng chương trình ứng dụng năng lượng nguyên tử trong phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2025 tập trung vào các lĩnh vực: Y tế; nông nghiệp; tài nguyên – môi trường; công nghiệp và xây dựng. Các chương trình được xây dựng dựa vào điều kiện tự nhiên và tiềm năng kinh tế địa phương với kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và giải quyết các vấn đề của tỉnh.
Cụ thể, với lĩnh vực y tế, tỉnh Thái Nguyên tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị ở các bệnh viện tuyến tỉnh, đặc biệt là Bệnh viện C Thái Nguyên và một số bệnh viện khác của tỉnh; tăng cường, chuyển giao các thiết bị trong y học hạt nhân như: máy chụp Xạ hình cắt lớp bằng tia Gamma (SPECT); hệ thống máy chụp Xạ hình kết hợp SPECT/CT tiên tiến nhất hiện nay; tiếp cận và định hướng ứng dụng các kỹ thuật xạ trị tiên tiến trong điều trị bệnh nhân ung thư…
Thái Nguyên là tỉnh nổi tiếng với các sản phẩm từ chè. Do vậy, đơn vị xây dựng chương trình đã đưa vào giải pháp để giảm chi phí về phân bón, tăng chất lượng cây chè thông qua các chế phẩm từ công nghệ chiếu xạ. Ngoài ra, nội dung chương trình cũng đề cập đến việc sử dụng các chế phẩm khác dành cho các cây ăn quả của tỉnh như: bưởi, na… nhằm mục đích giảm chi phí liên quan đến việc sử dụng các chất bảo quản hóa học, thuốc hóa học tăng trưởng cây ăn quả mà thay vào đó là các sản phẩm ít độc hại hơn từ công nghệ chiếu xạ.
Với lĩnh vực tài nguyên – môi trường, tỉnh Thái Nguyên triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ công tác quản lý ô nhiễm nguồn nước tại các khu công nghiệp, khu sản xuất; ứng dụng kỹ thuật thủy văn đồng vị đánh giá ô nhiễm và bảo vệ nguồn nước ngầm cấp nước cho các khu vực trên địa bàn tỉnh; ứng dụng kỹ thuật đồng vị trong quản lý tài nguyên đất dốc, xói mòn.
Ngoài ra, do địa bàn có nhiều khu công nghiệp nên có nguy cơ xảy ra sự cố bức xạ bởi việc thu mua sắt thép phế liệu có lẫn nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro từ các sự cố này, tỉnh đã xây dựng chương trình kiểm soát, quan trắc phóng xạ từ các khu công nghiệp lớn để có những biện pháp ứng phó kịp thời giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.
“Chương trình ứng dụng năng lượng nguyên tử của Thái Nguyên có thể là một chương trình mẫu để áp dụng với các tỉnh, thành trên cả nước, các địa phương phối hợp với Cục Năng lượng nguyên tử xây dựng chương trình ứng dụng năng lượng nguyên tử phù hợp với thực tiễn tại các địa phương” , Thạc sỹ Đỗ Ngọc Điệp nhấn mạnh.
Video đang HOT
Nói đến ứng dụng năng lượng hạt nhân, không thể không nhắc đến Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt) – nơi duy nhất tại Việt Nam nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm từ phóng xạ.
Theo Tiến sĩ Phan Sơn Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, những năm qua, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã đạt nhiều thành tựu vượt bậc trong nghiên cứu, sản xuất chất đồng vị và dược chất phóng xạ phục vụ các cơ sở y tế hạt nhân trong việc khám, điều trị bệnh ung thư.
Trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19, hằng năm Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cung cấp tới 40% chất đồng vị phóng xạ cho các cơ sở y tế hạt nhân trong nước, phần còn lại nhập khẩu từ nước ngoài. Thậm chí, có thời điểm, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cung cấp 100% dược chất phóng xạ cho các cơ sở y tế. Giá đồng vị phóng xạ do Viện cung cấp cũng chỉ bằng một nửa so với nhập khẩu. Trong thời gian dịch, Viện vẫn thực hiện cung cấp để các cơ sở y tế Việt Nam có thể chủ động về nguồn thuốc và dễ dàng xây dựng được kế hoạch khám và chữa bệnh.
Phát triển những hướng đi tiềm năng
Theo Thạc sỹ Đỗ Ngọc Điệp, một trong những hướng đi tiềm năng là ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nông nghiệp xanh. Hiện việc sử dụng vi lượng đất hiếm cho thấy cây trồng, vật nuôi có sức khỏe tốt và vi lượng đất hiếm giống như dạng thực phẩm chức năng để bồi dưỡng cho cây trồng vật nuôi thông qua đường tiêu hóa để cho các loại cây trồng, vật nuôi này phát triển tốt hơn.
Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã hợp tác với các doanh nghiệp để triển khai giải pháp công nghệ vi lượng đất hiếm trong nông nghiệp, từ đó phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ và bền vững. Viện đã hợp tác với Công ty Cổ phần Atom Feed – doanh nghiệp tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp nhờ ứng dụng khoa học công nghệ cao để triển khai các dự án ứng dụng công nghệ vi lượng đất hiếm trong chăn nuôi: thủy hải sản; gia cầm, lợn và cây trồng.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Giám đốc Công ty Cổ phần Atom Feed chia sẻ: “Với dự án nuôi tôm thẻ chân trắng tại cửa sông Cổ Chiên, huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre, đầu năm 20214, nhóm nghiên cứu đã thả 140 kg tôm vào bể, sau đó trộn vi lượng đất hiếm vào thức ăn cho tôm. Trong quá trình nuôi tôm, tiêu hóa và đường ruột của tôm rất tốt, dẫn đến giảm thiểu sử dụng kháng sinh vì tôm ít bị bệnh; thời gian tôm lột vỏ thấp hơn (chỉ 3 ngày thay vì 5 ngày). Đáng chú ý, sau 98 ngày, tỷ lệ tôm rớt của ao sử dụng đất hiếm là 5 con/kg, trong khi tỷ lệ ở 3 ao đối chứng lần lượt là 30, 45 và 52 con/kg. Tôm thu hoạch trong ao sử dụng đất hiếm đạt khối lượng 24,8 con/kg, vào thời điểm thuận lợi có thể lên tới 15-22 con/kg”.
Một hướng đi tiềm năng khác có thể kể đến các kỹ thuật đồng vị (C-13 và O-18) trong nghiên cứu: các quá trình môi trường; nguồn gốc nguồn nước khoáng nóng; truy xuất nguồn gốc nông sản… Theo Thạc sỹ Hà Lan Anh, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), ứng dụng đồng vị bền để truy xuất nguồn gốc nông sản là một hướng mới trên thế giới, “bắt đầu từ những năm 1980 nhưng phát triển mạnh nhất trong khoảng 10 năm gần đây”.
Dựa trên tính chất của tỷ số đồng vị bền (đồng vị bền là những đồng vị không phân rã phóng xạ), tỷ số giữa đồng vị nhẹ và đồng vị nặng của nguyên tố tồn tại trong các loại nông sản có thể phản ánh giá trị đồng vị ở khu vực địa lý mà nông sản đó sinh trưởng. Vì vậy, trong nghiên cứu giám định thực phẩm, thế giới đã nghiên cứu phát triển và ứng dụng kỹ thuật phân tích đồng vị nặng phân biệt giữa các vật liệu giống hệt nhau về hóa học.
Ở Việt Nam, nhằm chứng minh tính khả thi trong truy xuất nguồn gốc nông sản, lĩnh vực dường như còn “bỏ ngỏ” tại Việt Nam bằng kỹ thuật đồng vị bền, Thạc sỹ Hà Lan Anh và cộng sự Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu phát triển kỹ thuật đồng vị (C-13 và O-18) hỗ trợ phát triển nguồn gốc nông sản (táo)” (2018-2020). Đây cũng là một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong xác thực nguồn gốc địa lý.
Có thể thấy, triển khai Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, các nhà khoa học Việt Nam đã ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nhiều khía cạnh của đời sống. Tuy nhiên, Tiến sỹ Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử cho rằng, trong giai đoạn tới, Việt Nam cần xác định một số lĩnh vực tiềm năng để tập trung phát triển mạnh hơn, nhất là khi Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 – 2030. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tập trung vào những ứng dụng giải quyết các vấn đề nóng và mới nổi trên thế giới như: Kiểm soát và ngăn chặn bệnh truyền nhiễm từ động vật, bảo vệ môi trường, xu hướng chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc.
Ứng dụng năng lượng nguyên tử tại Việt Nam - Bài 1: Dấu ấn trên nhiều lĩnh vực
Tại Việt Nam, ứng dụng năng lượng nguyên tử đã đạt được dấu ấn trên nhiều lĩnh vực như: Điều trị y học hạt nhân, xạ trị hiện đại, đột biến gen tạo ra các giống mới, chiếu xạ bảo quản thực phẩm, trái cây... mang lại giá trị kinh tế xã hội.
Ngày 22/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 108/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài về thực tế ứng dụng năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.
Phòng nuôi cấy của Công nghệ bức xạ và Công nghệ sinh học (Viện Nghiên cứu hạt nhân) lưu trữ nhiều cây đột biến, trong đó chủ yếu là hoa lan. Ảnh tư liệu: Nguyễn Dũng/TTXVN
Bài 1: Dấu ấn trên nhiều lĩnh vực
Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg. Thực hiện Chiến lược, Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để ứng dụng năng lượng nguyên tử đến gần hơn với cuộc sống, Việt Nam cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về vai trò khoa học và công nghệ, năng lượng nguyên tử trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều đề tài được triển khai
Theo Thạc sỹ Đặng Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), tại Việt Nam, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện từ lâu. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2078/QĐ-BCT ngày 29/4/2009 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong công nghiệp đến năm 2020 với mục tiêu thúc đẩy đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nhằm sản xuất trong nước một số máy móc chuyên dụng như máy phát tia X.
Theo thống kê, từ năm 2009 đến nay, 5 đề tài nghiên cứu đã được triển khai ở các cấp khác nhau, đạt kết quả khả quan với những sản phẩm "đặc biệt" là các mô hình, giúp Trung tâm Đánh giá không phá hủy nâng cao năng lực trong việc vận hành, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị. Cũng qua các đề tài nghiên cứu, các Viện trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã đào tạo một số lượng lớn cán bộ, làm chủ thiết bị, chủ trì việc kiểm định, hiệu chuẩn mà không phải gửi thiết bị ra nước ngoài, giảm chi phí sửa chữa, bảo trì cho các đơn vị sử dụng.
Hiện, Việt Nam chưa thể làm chủ được công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử do điểm xuất phát chưa có nền tảng công nghệ hay công nghiệp chế tạo và nhu cầu của thị trường ít. Thông qua đề tài, đề án, Việt Nam đã từng bước làm chủ, sản xuất được những thiết bị, phụ kiện là những bộ mẫu... gắn với phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ.
"Để làm chủ công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Việt Nam cần tiếp tục có sự đầu tư về nguồn nhân lực, làm chủ được phần mềm. Ngoài ra, cần có chủ trương, chính sách để hỗ trợ sản xuất, chỉ tiêu cụ thể để đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, truyền thông tạo môi trường cho sản xuất. Ngoài ra, lĩnh vực kiểm tra không phá hủy gắn với công nghệ bức xạ có sự thay đổi nhanh theo thời gian. Nếu không có nguồn lực cũng như không có khả năng tiếp cận công nghệ trong khoảng thời gian nhất định, Việt Nam sẽ không theo kịp xu hướng của thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có thị trường đủ lớn, đủ rộng để có được sự tham gia của các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức tư nhân để thúc đẩy việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vào cuộc sống", Thạc sỹ Đặng Thị Thu Hồng nhấn mạnh.
"Thời gian gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ thường xuyên tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư khoa học và công nghệ, chợ công nghệ, thiết bị quy mô vùng và quy mô quốc gia nhằm giúp "cung" và "cầu" về công nghệ gặp nhau. Sàn giao dịch công nghệ là đầu mối tập hợp nguồn lực khoa học và công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà khoa học gặp gỡ, trao đổi trong việc mua bán, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.
Ứng dụng hiệu quả trong nhiều lĩnh vực
Thạc sỹ Đỗ Ngọc Điệp, Trung tâm Thông tin và tư vấn hạt nhân, Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, theo đánh giá của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) năm 2014, Việt Nam đứng thứ 8 trong số các quốc gia trên thế giới về chọn tạo giống bằng chiếu xạ đột biến.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc chọn tạo giống bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến đã tạo ra một loạt giống cây trồng có năng suất cao, phẩm chất tốt hơn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Các kỹ thuật kiểm tra không phá hủy, hệ điều khiển hạt nhân và kỹ thuật đồng vị phóng xạ đã được ứng dụng hiệu quả trong nhiều ngành công nghiệp về hóa dầu và hải quan. Hiện nay, Việt Nam hiện có 9 cơ sở được trang bị 12 thiết bị chiếu xạ quy mô công nghiệp, phục vụ xuất khẩu trái cây và thủy hải sản sang các thị trường "khó tính" với chất lượng cao như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Australia... Mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cũng đang dần định hình để quan trắc và cảnh báo về các sự cố phóng xạ và hạt nhân lan truyền đến lãnh thổ Việt Nam.
Đến cuối năm 2020, Việt Nam đã tạo ra và đưa vào sản xuất 71 giống cây trồng đột biến bằng phương pháp chiếu xạ gồm: 54 giống lúa, 16 giống đậu tương, ngô, hoa, táo, bạc hà... Đặc biệt, các giống lúa được chọn tạo bằng phương pháp đột biến phóng xạ đã mang lại hiệu quả kinh tế to lớn trong việc bảo đảm an ninh lương thực.
Theo Tiến sỹ Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, có thể thấy năng lượng nguyên tử đã được ứng dụng mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua mang lại nhiều giá trị kinh tế - xã hội to lớn trong: Y tế, đột biến gen tạo ra các giống mới, chiếu xạ bảo quản thực phẩm, trái cây... Tuy vậy, nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng nhưng vẫn còn hạn chế như: Ứng dụng trong bảo vệ môi trường hay xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và sẽ tiếp diễn trong nhiều thập kỷ, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong truy xuất nguồn gốc, kiểm soát, ngăn chặn bệnh truyền nhiễm từ động vật và giảm thiểu rác thải nhựa bảo vệ môi trường... là xu hướng phát triển mà thế giới đang quan tâm.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khi hoàn thành không có tính ứng dụng trong thực tiễn bởi các giải pháp công nghệ của các nhà khoa học chưa hoàn thiện do quy mô ở mức phòng thí nghiệm, điều này đòi hỏi quá trình đầu tư lâu dài để có thể đưa vào ứng dụng và khai thác thương mại.
Phát triển thị trường khoa học và công nghệ - Bài 2: Lồng ghép Chương trình quốc gia với đề án của địa phương Thực hiện Quyết định số 1158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung xây dựng và ban hành thông tư quản lý Chương trình, thông tư tài chính, xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai Chương trình với sự...