Ứng dụng gọi điện ‘chùa’ trên smartphone nở rộ
Nhiều người dùng tại Việt Nam ngày càng sử dụng nhiều hơn các phần mềm như Whatsapp, Viber để gọi điện Internet miễn phí.
Whatsapp, Viber là hai trong số các phần mềm nổi tiếng nhất cho phép gọi điện, nhắn tin, gửi hình ảnh miễn phí giữa smartphone với nhau. Người dùng chỉ cần vào AppStore hay Android Market tải về, đăng nhập số điện thoại. Máy sẽ tự động gửi mã xác thực và tìm kiếm trong danh bạ những bạn bè đã dùng ứng dụng. Từ đó, người dùng dễ dàng gọi điện, nhắn tin miễn phí khi kết nối Internet.
Viber là chương trình nhắn tin và gọi điện thoại “chùa” phổ biến nhất hiện nay. Ảnh: Huy Đức.
Chị Minh Tâm, ngụ tại quận 5, TP HCM cho biết, từ khi cài Viber, cước phí gọi điện cho cậu con trai đang học ở Anh giảm hẳn. Trước đây, chị Tâm thường dùng thẻ cào để liên lạc hoặc chat với con trai trên máy tính. Tuy nhiên, từ khi có Viber, có việc gì, chị Tâm chỉ cần bấm gọi khi máy đang kết nối 3G hoặc Wi-Fi. Cả Viber hay Whatsapp đều cho phép gọi điện không phụ thuộc vào vị trí địa lý. Người dùng có thể kết nối thông qua hai số máy đã xác thực.
Không chỉ liên lạc với người ở nước ngoài, nhiều bạn trẻ cũng chọn ứng dụng này để nhắn tin. Minh Anh, sinh viên một trường Đại học tại quận 10, TP HCM cho biết, do thói quen thường xuyên nhắn tin, có tháng đã mất cả triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi hai người chuyển sang sử dụng smartphone, cài Whatsapp, chi phí giảm, Minh Anh có thể nhắn tin bất cứ lúc nào mà không phải suy nghĩ các đoạn chat vượt 160 ký tự.
Nhiều công ty tại TP HCM chỉ định nhân viên sử dụng các ứng dụng này để liên lạc với nhau, nhất là các công ty có người thường xuyên đi công tác nước ngoài. Anh Ngô Phú Thịnh, trưởng phòng một công ty về du lịch tại quận 3 cho biết, việc giá 3G ngày càng rẻ, tốc độ ổn định, khiến việc sử dụng các phần mềm đàm thoại Internet trên smartphone dễ dàng hơn.
Ngoài ra, các phần mềm này cũng cho phép chia sẻ vị trí địa lý, hình ảnh giữa hai máy. “Có lần, hướng dẫn viên của chúng tôi bị lạc, nhờ có Whatsapp, người ở nhà nhanh chóng chỉ dẫn thông qua việc chia sẻ vị trí”, anh Thịnh kể.
Không chỉ các bên thứ ba, nhiều nhà sản xuất smartphone cũng bắt đầu vào cuộc bằng việc trang bị các phần mềm nhắn tin miễn phí. BBM là tiện ích nổi tiếng nhất dành cho các máy BlackBerry liên lạc với nhau. Năm ngoái, Apple cũng đã công bố ứng dụng FaceTime đàm thoại video và tiếp đó là iMessage, hỗ trợ nhắn tin đa phương tiện giữa các thiết bị chạy iOS với nhau như iPhone, iPad thậm chí cả MacBook.
Samsung mới đây cũng xây dựng phần mềm ChatOn. Tiện ích này cho phép nhắn tin và gửi các thông điệp đa phương tiện như ghi âm, viết, vẽ, hình ảnh giữa người dùng với nhau. ChatOn đầu tiên được dành cho smartphone, sau đó hãng đã sử dụng cho các dòng giá rẻ. Không chỉ điện thoại Samsung, phần mềm này đã cho phép cài lên iPhone, điện thoại thông minh chạy Android khác nhau.
Theo nhiều người dùng, nhược điểm các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí là người dùng phải thường xuyên kết nối Internet. Bên cạnh đó, ở các khu vực xa, kết nối yếu, chất lượng đàm thoại chưa ổn định. Tuy nhiên, theo anh Thịnh, trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu, việc có một phần mềm cho phép gọi điện, nhắn tin miễn phí kể người dùng ở nước ngoài là rất tiện lợi.
Theo VNExpress