Ứng dụng công nghệ số trong kết nối cung cầu sản phẩm nông nghiệp
Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Tổ công tác đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số như: sử dụng trang web, zalo vào kết nối cung cầu và đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Chế biến cá tra cắt khúc đông lạnh tại nhà máy của Công ty CP Đầu tư phát triển đa quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) tại khu công nghiệp Vàm Cống, huyện huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Trang web kết nối cung cầu của Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là: htx.cooplink.com.vn đã có 1.144 đơn vị đăng ký và truy cập thường xuyên gồm: 911 đầu mối bán, cung cấp hàng hóa, chiếm 80%; 141 đơn vị mua nông sản, chiếm 12,3%; 72 cơ quan nhà nước, chiếm 6% và 20 đơn vị khác là trưởng ấp, người hỗ trợ nông dân đăng bán hàng.
Trong tổng số 911 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký qua Tổ công tác gồm: rau củ 257 đầu mối, trái cây 224 đầu mối, thủy hải sản – chăn nuôi 345 đầu mối, lương thực 44 đầu mối, các mặt hàng khác 41 đầu mối.
Theo Tổ công tác, việc ứng dụng công nghệ số vào kết nối cung cầu đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đó là số liệu báo cáo nhanh, chính xác, phân tích và dự báo được xu hướng cung cầu hàng hóa. Người mua và người bán tiếp cận thông tin đầy đủ gồm: tên hàng, sản lượng, tên người liên hệ, số điện thoại liên lạc nên việc mua bán diễn ra thuận lợi cho cả người mua và người bán.
Nhờ đó, việc hình thành các đầu mối lớn cung cấp nông sản – hàng hóa giúp đẩy nhanh thời gian cung cấp hàng từ các tỉnh về Tp. Hồ Chí Minh trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg. Mỗi ngày, các ứng dụng công nghệ số đã kết nối thành công hàng trăm tấn nông sản và hàng hóa. Thông qua các thông tin được kết nối, người mua và người bán liên hệ mua bán trực tiếp.
Bên cạnh đó, Tổ công tác đã tổ chức hai diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt và sản phẩm chăn nuôi – thủy sản rất có hiệu quả. Điều này nhằm chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn chung của doanh nghiệp; thống nhất các biện pháp chống dịch COVID-19 và đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Sau hai diễn đàn, Tổ công tác cũng kết nối tiêu thụ được hai đơn hàng lớn của hai công ty có vốn liên doanh với nước ngoài. Qua đây, hơn 2.400 tấn thủy sản được kết nối và tiêu thụ thành công tại 11 tỉnh trong vùng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.
Video đang HOT
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản thông qua trang web kết nối cung cầu nhờ Tổ công tác kết nối xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng cao để xuất khẩu trong tương lai. Nhiều đơn cung ứng phân bón, vật tư sản xuất nông nghiệp cũng được Tổ công tác kết nối bán hàng cho các hợp tác xã và doanh nghiệp có nhu cầu.
Theo Tổ công tác, các sản phẩm đông lạnh xuất khẩu dự đoán sẽ tăng nhu cầu từ tháng 9/2021 – 1/2022 do các nước bắt đầu mùa đông nên các sản phẩm nhiệt đới ở các quốc gia họ không thể sản xuất, hoặc có sản xuất thì chi phí cao hơn nhập khẩu. Do vậy, các nước sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu từ các nước nhiệt đới như Việt Nam.
Thống kê hiện có 324/449 cơ sở chế biến thủy sản đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ” tiếp tục sản xuất, chiếm 72%. Riêng tỉnh Tiền Giang chỉ còn 6/31 cơ sở đáp ứng sau khi rà soát. Do thiếu công nhân hoặc chia ca để phòng, chống dịch nên tổng công suất chế biến thủy sản giảm chỉ khoảng từ 30 – 50% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg.
Hiện việc sản xuất, chế biến thủy sản đang có 2 khó khăn lớn cần ưu tiên tháo gỡ. Đó là, khâu vận chuyển cần tiếp tục được thông suốt để đảm bảo sản xuất. Do cơ sở sản xuất con giống, thức ăn không cùng địa bàn với cơ sở nuôi nên cần phải vận chuyển qua các địa phương khác nhau. Hàng tháng, các đơn vị cần vận chuyển khoảng 7 tỷ tôm giống từ Nam Trung bộ và khoảng 150 nghìn tấn thức ăn từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương vào Tây Nam bộ.
Tiếp theo là khâu tiêu thụ, nhà máy chế biến là khâu đặc biệt quan trọng trong chuỗi thủy sản. Do thiếu công nhân, không đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”… nên một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động đang gây khó khăn cho các cơ sở nuôi đến kỳ phải thu hoạch sản phẩm. Các tháng cuối năm 2021 là thời kỳ thu hoạch chính đối với tôm, cá tra do vậy, các địa phương tích cực tháo gỡ những khó khăn để duy trì hoạt động của nhà máy chế biến.
Điển hình như: Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đã huy động đội ngũ công nhân đi thu hoạch cá tra trên diện tích thả nuôi nằm ở nhiều tỉnh như: Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang nhưng gặp khó khăn đi lại giữa các tỉnh. Các tỉnh cần có cơ chế phối hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương
Việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 khiến nông sản, thủy sản ở nhiều địa phương phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Để giải quyết vấn đề này, các bộ, ngành, địa phương vẫn đang tích cực vào cuộc và linh động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp nông dân sớm xoay vòng sản xuất.
Các tỉnh, thành phố kết hợp tiêu thụ
Xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc (Long An) là địa phương trồng rau lớn cung cấp cho nhiều địa phương trong cả nước. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc phải đóng cửa hệ thống các chợ đầu mối lớn và hệ thống chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thu mua của hệ thống thương lái, ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông và tiêu thụ lượng hàng nông sản, thủy sản của các tỉnh/thành phố phía Nam.
Để tháo gỡ khó khăn trong khâu kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu, lãnh đạo các tỉnh Long An, Cà Mau và Đắk Lắk đề xuất các tỉnh, thành phố cần có sự phối hợp, thống nhất các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau.
Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, trước mắt tỉnh Cà Mau đề nghị mỗi tỉnh cử ra một đầu mối để liên hệ, kết nối vấn đề tiêu thụ sản phẩm như rà soát, xác định danh mục, sản lượng dự kiến các loại sản phẩm hàng hóa nông, lâm thủy sản cần bán, cần mua. Đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương.
Ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op nhấn mạnh, hệ thống SaigonCo.op đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh hợp tác xã tại các tỉnh, thành để hỗ trợ, phân phối các mặt hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi không tiêu thụ được do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Trước đó, đơn vị đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên để có nguồn cung cấp ổn định cho toàn hệ thống.
Ngoài ra, SaigonCo.op cũng cam kết kết nối tiêu thụ, phân phối hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên ở mức cao nhất, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến tay người tiêu dùng cả nước, góp phần ổn định tình hình thị trường.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, Bộ đã thành lập 2 tổ công tác ở phía Bắc và phía Nam để hỗ trợ người dân và địa phương kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương đánh giá tình hình nông sản đến kỳ thu hoạch, xây dựng kế hoạch thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và rà soát, chuẩn bị kỹ điều kiện cho mùa sản xuất tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, trước mắt cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề tiêu thụ cho bà con các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. Vì vậy, các địa phương khẩn trương rà soát, nắm chắc chủng loại sản phẩm cần tiêu thụ và có phương án tiêu thụ tại chỗ, số lượng còn lại kết nối qua các sở, các tổ công tác của 2 Bộ để được tư vấn, hỗ trợ và xúc tiến tiêu thụ.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng vừa thành lập Tổ công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương miền Bắc và miền Trung trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tổ chức sản xuất, điều tiết cung cầu hợp lý
Hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN
Trước việc nhiều mặt hàng nông sản còn bị ách tắc do giãn cách xã hội, khâu vận chuyển bị ảnh hưởng, các thương lái cũng không dám kí hợp đồng thu mua bởi đang gặp khó về vận chuyển, chính quyền địa phương các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã khẩn trương tìm giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản để nhanh chóng xoay vòng sản xuất.
Tại tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thu hoạch trong tháng 8 này, với tinh thần tự lực tại chỗ; quản lý tốt tình hình thu hoạch đối với các loại nông sản có sản lượng lớn chuẩn bị thu hoạch. Cùng với đó, từng địa phương nắm bắt thông tin, cập nhật hàng ngày về tình hình tiêu thụ nông sản, sau đó gửi về Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh để nhanh chóng tìm đầu mối tiêu thụ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn ứ hàng hóa.
Trong thời điểm giãn cách xã hội, các đầu mối liên hệ trao đổi, mua bán hàng hóa nông sản trực tiếp hầu như bị đứt gãy tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Vậy nên, bên cạnh phát huy tự lực tại chỗ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi phương thức liên kết và giao dịch để hàng hóa được lưu thông thuận lợi hơn. Từ đó, giúp tiêu thụ nông sản nhanh, tránh thiệt hại và thất thoát do hư hao, thiếu kho chứa và hệ thống bảo quản với số lượng lớn.
Trong khi đó, ghi nhận tại thị trường TP Hồ Chí Minh, hiện giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã tăng đáng kể so với thời điểm cuối tháng 5/2021. Trước diễn biến thị trường, ngành công thương TP Hồ Chí Minh và nhà bán lẻ, doanh nghiệp bình ổn thị trường của thành phố đã và đang không ngừng nỗ lực điều tiết cung - cầu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để bình ổn giá.
Các doanh nghiệp cho rằng, tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh phải có chiến lược bám sát thị trường để có kế hoạch sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, trong bối cảnh "dập dịch" doanh nghiệp cần đồng hành cùng chính quyền TP Hồ Chí Minh cung cấp hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường và hỗ trợ người dân đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Hiện nay, đối với việc bình ổn thị trường, ngành công thương TP Hồ Chí Minh đánh giá, việc bảo vệ phòng tuyến kênh phân phối hiện đại với khoảng 100 siêu thị và gần 2.860 cửa hàng tiện lợi đang duy trì hoạt động kinh doanh, cung cấp hàng hóa thiết yếu đến người dân thành phố là một trong những giải pháp quan trọng.
Tuy nhiên, kênh bán lẻ hiện đại, thương mại điện tử... vẫn gặp khó ở khâu phân phối hàng hóa đến người dân trên một số địa bàn dân cư tại TP Hồ Chí Minh. Do đó, ngoài hình thức cung ứng hàng hóa đang thực hiện như mua sắm trực tiếp tại siêu thị, trang web, ứng dụng công nghệ..., nhiều nhà bán lẻ cũng đề xuất thêm phương án phối hợp thực hiện đặt mua chung để khơi thông khâu cung ứng hàng hóa thiết yếu đến địa bàn khu vực dân cư, phong tỏa, cách ly...
Còn nhiều người dân khác tại TP Hồ Chí Minh mong muốn mạng lưới chợ truyền thống sớm được tái hoạt động trở lại để người dân thuận tiện mua sắm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Hơn thế nữa, người dân kỳ vọng chính quyền TP Hồ Chí Minh và ngành công thương sớm giải quyết khó khăn trong khâu giao nhận đơn hàng online để người dân được tạo điều kiện thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Baseafood- Định vị thương hiệu trên thị trường 40 năm qua, với nỗ lực không ngừng, Công ty CP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh BR-VT (Baseafood) đã trở thành một trong những DN chế biến thủy sản nằm trong top đầu cả về sản lượng sản phẩm chế biến và kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Sản phẩm mang thương hiệu BASEAFOOD ngày càng được tín nhiệm và...