Ukraine: Trung Quốc đứng về phía Nga?
Trong bối cảnh Nga với Mỹ và phương Tây đang đối đầu gay gắt trong vấn đề Ukraine thì một số nhà phân tích tin rằng, tiếng nói của Trung Quốc lúc này sẽ có ý nghĩa. Thông qua các bài viết trên báo chí chính thức của Trung Quốc, người ta tin rằng, Bắc Kinh có xu hướng ngả về phía Nga.
Ảnh minh hoạ
Tờ Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận hàng đầu của nhà nước Trung Quốc, hôm nay (3/3) đã đăng tải trên trang nhất một bài báo có nhan đề: Phương Tây nên hợp tác chứ không nên chống Nga trong vấn đề Ukraine. Quan điểm của tờ Tân Hoa xã thường đồng điệu với giới lãnh đạo cao nhất ở Bắc Kinh.
Theo Tân Hoa xã, khi phương Tây phản ứng đầy lo ngại trước việc Nga thông qua hành động quân sự ở Ukraine, căng thẳng có thể leo thang hơn nữa.
“Dựa trên thực tế Nga và Ukraine có mối quan hệ gắn bó sâu sắc về văn hoá, lịch sử và kinh tế, đã đến lúc các cường quốc phương Tây nên từ bỏ tư tưởng thời Chiến tranh Lạnh, chấm dứt ngay lập tức việc tìm cách loại bỏ Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị mà họ đã thất bại trong việc làm trung gian, đồng thời tôn trọng vai trò duy nhất của Nga trong việc hoạch định tương lai của Ukraine”, tờ báo của Trung Quốc đã viết như vậy.
Những cuộc biểu tình ở Ukraine bắt đầu bùng lên từ hôm 21/11 hồi năm ngoái với đòi hỏi đưa quốc gia Đông Âu này gia nhập vào Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, làn sóng biểu tình hoà bình này nhanh chóng leo thang thành môt phong trào bạo lực chống lại chính quyền.
Crimea là một khu vực tự trị ở Ukraine và hiện giờ đang trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Crimea là một khu vực đa dân tộc được hưởng chế độ tự trị cao sau khi Ukraine giành được độc lập từ Liên Xô hồi tháng 8 năm 1991. Theo cuộc điều tra dân số Ukraine năm 2001, có tới 58,3% dân số Crimea là người dân tộc Nga và hầu hết họ đều có hộ chiếu Nga. Nga còn duy trì căn cứ hải quân duy nhất ở cảng Sevastopol, Crimea.
Quốc hội Nga hôm 2/3 đã nhất trí cho phép Tổng thống Vladimir Putin sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ các lợi ích của Nga ở Ukraine. Nga được cho là đã tăng cường hoạt động điều động binh lính và thiết bị quân sự vào Crimea.
Video đang HOT
“Đó là điều hoàn toàn dễ hiểu khi Tổng thống Putin tuyên bố, nước ông có quyền bảo vệ các lợi ích của mình cũng như bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga ở Ukraine”, bài báo trên tờ Tân Hoa xã cho biết.
Trong nhiều thập kỷ qua, người dân Ukraine đã bị chia rẽ về rào cản ngôn ngữ với phần lớn khu vực phía tây Ukraine cổ suý cho việc thắt chặt quan hệ với Liên minh Châu Âu trong khi các khu vực đông và nam Ukraine lại hướng về nước Nga.
Mặc dù Liên minh Châu Âu (EU) đã nỗ lực làm trung gian cho một thoả thuận hoà bình giữa chính quyền của Tổng thống Yanukovych và phe đối lập để giải quyết cuộc khủng hoảng nhưng tình hình ở Ukraine vẫn xấu đi nhanh chóng.
Tờ báo hàng đầu của Trung Quốc cho rằng, “ngay bây giờ, phương Tây nên thể hiện sự hiểu biết hơn về việc Nga có thể làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Trong bối cảnh ảnh hưởng văn hoá và lịch sử của Nga ở Ukraine, điện Kremlin là miếng ghép không thể thiếu trong bài toán chính trị ở Ukraine”.
“Phương Tây cũng nên thành thật thừa nhận thực tế rằng, kiểu làm trung gian một cách có thành kiến của họ đã khiến Ukraine phân cực sâu sắc hơn và chỉ làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”, tờ Tân Hoa xã công khai chỉ trích.
Cũng theo Tân Hoa xã, Ukraine hiện giờ đang ở bờ vực của một cuộc khủng hoảng kinh tế mà trên thực tế các nước láng giềng phương Tây khó có thể “cứu” khi bản thân họ cũng đang phải vật lộn với nền kinh tế khó khăn. Hướng tới tương lai, sự hợp tác và giúp đỡ kinh tế từ Nga có vai trò then chốt đối với Ukraine trong việc giải quyết các vấn đề khác nhau.
“Ngay lúc này, người Ukraine phải tự quyết định xem điều gì là tốt nhất cho đất nước của họ và giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán chính trị. Cùng lúc Mỹ và các nước Châu Âu phải hợp tác chứ không nên chống lại Nga trong vấn đề Ukraine”, tờ Tân Hoa xã kết luận.
Trước đó, hồi tháng 12 năm ngoái, tờ Tân Hoa xã từng lên tiếng kêu gọi các cường phương Tây nên ngừng can thiệp vào công việc nội bộ Ukraine và ngừng thao túng “ý kiến người dân” về một thoả thuận thương mại với Liên minh Châu Âu, chỉ vài ngày sau khi ông Yanukovych có chuyến thăm đến Trung Quốc.
Không chỉ tờ Tân Hoa xã mà tờ People’s Daily – một tờ báo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi cuối tuần cũng có bài chỉ trích phương Tây trong vấn đề Ukraine. Tờ báo này cũng cho rằng, phương Tây vẫn bị kẹt trong “tư tưởng thời Chiến tranh Lạnh”, tìm cách chống lại Nga trong cuộc đua giành ảnh hưởng đối với Ukraine. Tờ People’s Daily kêu gọi phương Tây phá bỏ xiềng xích của tư tưởng cũ kỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Bài bình luận trên tờ People”s Daily được xem là phản ứng mạnh nhất từ trước đến nay ở Bắc Kinh đối với cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga. Cuộc đối đầu này đang leo thang kể từ sau khi Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovich bị lật đổ.
“Những học thuyết liên quan đến chính trị, kinh tế và an ninh trong thời Chiến tranh Lạnh vẫn đang gây ảnh hưởng đến nhiều người trong cách nhận thức về thế giới và một số người phương Tây vẫn mang trong mình sự ghét bỏ đối với Nga”, tờ báo của Trung Quốc cho biết.
Bài bình luận trên có tên tác giả là “Zhong Sheng” (nghĩa là Tiếng nói Trung Quốc). Cái tên này thường được sử dụng dưới những bài báo thể hiện quan điểm của Trung Quốc về các chính sách đối ngoại.
Về mặt phát biểu chính thức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cho biết, họ rất quan ngại về tình hình ở Ukraine và kêu gọi các bên tìm kiếm một giải pháp chính trị thông qua đàm phán.
Trong khi đó, sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng hai nước Nga và Trung Quốc vừa mới đây, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moscow và Bắc Kinh về cơ bản có quan điểm khá thống nhất về tình hình Ukraine.
Kiệt Linh – (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Một loạt tướng lĩnh Triều Tiên được thăng quân hàm
Trong dịp kỷ niệm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Jong Il, CHDCND Triều Tiên hôm qua (16/2) đã thăng quân hàm cho một loạt tướng lĩnh chủ chốt trong quân đội nước này, trong đó có cả người đứng đầu lực lượng tên lửa, báo chí nhà nước Triều Tiên đưa tin.
Ảnh minh hoạ
Ông Kim Rak-Gyom - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, đã được thăng hàm Thượng tướng theo lệnh của Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên - KCNA hôm 15/2 đưa tin.
Lực lượng Tên lửa Chiến lược phụ trách quản lý chương trình tên lửa tầm trung và tầm xa của Triều Tiên.
Hàng chục các quan chức quân sự cấp cao khác cũng được thăng lên hàm trung tướng và thiếu tướng, hãng tin KCNA cho biết.
Triều Tiên vốn thường thông báo về các đợt thăng quân hàm trong những ngày lễ chính trị quan trọng của đất nước. Đợt thăng quân hàm mới nhất này diễn ra đúng thời điểm Triều Tiên tiến hành kỷ niệm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Jong Il - 16/2.
Hàng ngàn quan chức đảng Lao động và sĩ quan quân đội hôm qua đã tập trung tại thủ đô Bình Nhưỡng để tuyên thệ lòng trung thành với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đài truyền hình trung ương Triều Tiên đã ghi lại những hình ảnh này.
"Tất cả mọi người hãy tập trung xung quanh trung ương đảng, dưới sự dẫn dắt của Nhà lãnh đạo vĩ đại Kim Jong Un để chiến đấu quyết liệt và hoàn thành sự nghiệp cách mạng", Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam kêu gọi trong một bài phát biểu tại một sân vận động trong nhà.
Đám đông đồng loạt đứng lên và vỗ tay, hô vang khẩu hiệu "Muôn năm" khi Nhà lãnh đạo Kim Jong Un ngồi giữa các quan chức hàng đầu của Triều Tiên ở trên bàn chủ tịch và không có bất kỳ phát biểu gì.
Thông tin về việc thăng cấp hàm cho một loạt tướng lĩnh Triều Tiên được đưa ra sau khi có tin cho rằng nước này đang tăng cường hoạt động đào bới ở khu vực thử hạt nhân chính. Tuy vậy, không có dấu hiệu nào chứng tỏ Bình Nhưỡng sắp tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân mới.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Sự nguy hiểm của cuộc đối đầu trực tiếp Trung-Nhật Lich sử Đông Á thời hiện đại đã định hình nên số phận đối đầu quyết liệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Giờ đây cả hai nước này đang bị cuốn trong một mớ bòng bong. Liệu đây có phải là tin tốt lành đối với một khu vực được coi là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới? Trên thực...