Ukraine tiết lộ thương vong nghi của Nga, Triều Tiên trong giao tranh
Tình báo Ukraine đã tiết lộ con số mới nhất liên quan đến thương vong được cho là của Nga và Triều Tiên trong cuộc giao tranh với lực lượng Kiev.
Binh lính quân đội Nga (Ảnh: Sputnik).
Trong tuyên bố được công bố hôm 14/12, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine (DIU) ước tính khoảng 200 binh lính Nga và Triều Tiên đã thiệt mạng khi chiến đấu trong các đơn vị phối hợp chống lại lực lượng Ukraine. Tuy nhiên, DIU không nêu rõ số thương vong của mỗi bên.
Theo DIU, binh lính Triều Tiên đã được huy động cho các hoạt động tấn công của các đơn vị phối hợp của lính thủy đánh bộ và lực lượng không quân Nga.
DIU cho biết quân đội Triều Tiên đã phải chịu “thiệt hại không thể khắc phục” do các cuộc tấn công của Ukraine. DIU tiết lộ rằng rào cản ngôn ngữ là một vấn đề đối với các đơn vị kết hợp của Nga và Triều Tiên trong việc tiến hành các hoạt động phối hợp.
Theo một cơ quan truyền thông Ukraine, quân đội Ukraine cũng đã công bố ảnh và video được cho là ghi lại hình ảnh hàng chục binh lính Triều Tiên đã thiệt mạng cùng với binh lính Nga ở khu vực biên giới Kursk phía tây của Nga.
Video đang HOT
Nga và Triều Tiên chưa lên tiếng về thông tin trên.
Mặt trận Kursk vẫn là một trong những khu vực giao tranh ác liệt nhất trên tiền tuyến giữa lực lượng Nga và Ukraine. Quân đội Nga tích cực sử dụng pháo binh, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái để tấn công các vị trí của quân đội Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 14/12 cho biết Nga đã bắt đầu triển khai binh lính Triều Tiên để tấn công các vị trí của Ukraine ở khu vực Kursk.
“Hôm nay, chúng tôi đã có dữ liệu sơ bộ cho thấy Nga đã bắt đầu triển khai binh lính Triều Tiên trong các cuộc tấn công của họ. Một số lượng đáng kể”, ông Zelensky nói.
“Nga đưa họ vào các đơn vị kết hợp và triển khai họ trong các hoạt động ở khu vực Kursk”, ông nói thêm.
Theo ông Zelensky, binh lính Triều Tiên cũng có thể được điều đến các khu vực khác trên tiền tuyến và có thể đã chịu tổn thất.
Mỹ và Hàn Quốc cáo buộc Bình Nhưỡng cử hơn 10.000 binh lính đến giúp Moscow, sau khi Nga và Triều Tiên ký một hiệp ước phòng thủ mang tính bước ngoặt vào mùa hè.
Tổng thống Zelensky cho biết vào tháng trước rằng, 11.000 quân Triều Tiên đang ở khu vực Kursk phía tây của Nga và đã phải chịu tổn thất.
Mặc dù bị bất ngờ trước cuộc đột kích của Ukraine vào Kursk, Nga đã liên tục giành lại các vùng lãnh thổ, ngăn chặn bước tiến của Ukraine và nhanh chóng tăng viện cho khu vực.
Một nguồn tin quân đội Ukraine nói với hãng tin AFP vào tháng trước rằng Kiev vẫn kiểm soát 800km2 ở Kursk, giảm so với tuyên bố trước đó rằng họ kiểm soát gần 1.400km2.
Triều Tiên cho đến nay vẫn chưa công khai xác nhận việc triển khai quân đội tới Nga. Trong khi đó, Moscow tuyên bố, kể cả kịch bản Triều Tiên đưa lính đến Nga cũng không vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện được hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên ký kết hồi tháng 6, nếu một trong 2 bên bị một hoặc nhiều nước khác tấn công và rơi vào tình trạng chiến tranh, bên còn lại sẽ lập tức sử dụng mọi phương thức có thể để cung cấp hỗ trợ về quân sự hoặc các lĩnh vực khác.
Triều Tiên lên tiếng ủng hộ quyền tự vệ của Nga trước Ukraine
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Kong-un cho rằng việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa là kết quả của sự can thiệp quân sự trực tiếp của phương Tây và Nga hoàn toàn có quyền hành động để tự vệ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra những nhận định trên trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov nhân chuyến thăm của quan chức này đến Bình Nhưỡng hôm 29/11, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 30/11 đưa tin.
Theo đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định chính Mỹ và phương Tây đã khiến chính quyền Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí tấn công tầm xa của họ, điều đó cũng có nghĩa rằng phương Tây đã can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov. Ảnh: KCNA
Vì thế, Nga hoàn toàn có thể thực hiện quyền tự vệ của mình, và rằng Nga nên hành động để "các thế lực thù địch phải trả giá", theo ông Kim Jong-un. Ông cũng nhấn mạnh việc cần phải hành động rõ ràng để phát tín hiệu tới các thế lực khiêu khích rằng họ sẽ không được hưởng lợi nếu coi thường cảnh báo của Nga.
KCNA cũng cho biết, ông Kim Jong-un đã cam kết mở rộng quan hệ với Nga trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả các vấn đề quân sự theo hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện mà Nga và Triều Tiên đã ký kết trong năm nay, trong đó có một thỏa thuận phòng thủ chung.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đồng thời khẳng định rằng chính phủ, quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ luôn ủng hộ chính sách của Nga nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov cùng dự chương trình nghệ thuật chào mừng. Ảnh: KCNA
Trước đó, RT đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov đã có chuyến thăm đến Triều Tiên và hội đàm với người đồng cấp No Kwang-chol, tập trung vào việc thực hiện thỏa thuận hợp tác chiến lược mà Moscow và Bình Nhưỡng đã ký kết trong năm nay.
Chuyến thăm diễn ra sau khi Mỹ và các đồng minh tuyên bố Bình Nhưỡng đã gửi khoảng 12.000 quân đến Nga để huấn luyện và có thể triển khai trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Moscow và Bình Nhưỡng không xác nhận thông tin này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một tuyên bố từng cho biết việc quyết định thực hiện các cam kết chung theo hiệp ước mới là tùy thuộc vào hai nước Nga và Triều Tiên, chứ không phải bất kỳ ai khác.
Ukraine phóng tên lửa tầm xa của Mỹ vào căn cứ không quân Nga Hôm 27/11, Bộ Quốc phòng Nga đã chia sẻ hình ảnh về những gì họ cho là mảnh vỡ tên lửa từ vụ tấn công vào căn cứ không quân Khalino. Theo đó, Nga đã đưa ra lời thừa nhận rằng một hệ thống phòng không chính và một căn cứ không quân ở khu vực Kursk đã bị Ukraine tấn công bằng...