Ukraine ép ngược châu Âu bằng khí đốt?
Tổng thống Ukraine đã bất ngờ đơn phương ngừng bắn, dù thời hạn cho lệnh ngừng bắn rất ngắn, nhưng không phải không có dụng ý.
Thỏa thuận của nội bộ Kiev
Ngày 18/6/2014, quân đội Ukraine đã đơn phương ngừng bắn theo lệnh từ Tổng thống Petro Poroshenko. Tổng thống quốc gia này cho biết: “Chúng tôi tạo điều kiện cho những tay súng ủng hộ Nga hạ vũ khí hoặc rời khỏi lãnh thổ Ukraine. Những người đầu hàng và những người không phạm tội ác nghiêm trọng sẽ được ân xá.”
Tuy nhiên, Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh thời gian ngừng bắn sẽ “rất ngắn”, nhưng không đưa cụ thể một hạn định nào. Song song với đó, vị Tổng thống này cũng đề nghị tiến hành Tổng tuyển cử sớm các thành phần Quốc hội và xúc tiến việc cải cách chính trị, tăng cường quyền lực cho địa phương và sửa đổi Hiến pháp.
Phải nói rằng ngay từ thời điểm tranh cử, ông Poroshenko đã luôn bảo lưu tư tưởng không sử dụng vũ lực với lực lượng đối lập. Quan điểm chính trị “ngọt ngào” của vị vua chocolate này là yếu tố khiến ông nhận được sự ủng hộ từ phía những người Ukraine đi bầu cử.
Người dân nước này mong muốn nhà lãnh đạo mới của họ sẽ có những bước đi sáng suốt hơn, thay vì đưa đất nước này vào một cuộc nội chiến như cách mà chính phủ lâm thời lúc đó đang làm.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko
Video đang HOT
Còn chính phủ lâm thời là ai, họ được dẫn dắt bởi Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatsenyuk, người được “lên ngôi” sau khi đảo chính lật đổ Tổng thống Yanukovych. Những ngày chưa bầu cử, Yatsenyuk có công lớn trong việc vận động Mỹ và các đồng minh châu Âu đứng về phía mình một cách chắc chắn hơn.
Những cuộc gặp gỡ giữa Yatsenyuk với lãnh đạo EU, với giám đốc CIA, với Phó Thủ tướng Mỹ Joe Biden… đã cho thấy vị Thủ tướng này được sự hậu thuẫn chặt chẽ từ phương Tây. Và sau mỗi hành động chống lưng đó, chính quyền lâm thời Kiev trở nên cứng rắn hơn, và cuối cùng thì vũ lực giữa hai miền đã nổ ra.
Phải nói rằng Yatsenyuk và Poroshenko hoàn toàn đối lập với nhau về quan điểm giải quyết khủng hoảng. Thủ tướng này theo đuổi lập trường về việc giải quyết dứt điểm, còn Tổng thống kiên quyết đường lối đối thoại.
Có thể thấy Poroshenko đã bước nào thiết lập được những sự bình thường hóa quan hệ với Nga khi thi hành “Hành lang nhân đạo”, khi đối thoại với Tổng thống Putin, khi hứa hẹn về những thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.
Tuy nhiên, Poroshenko nói một đằng, thì quân đội Ukraine làm một nẻo. Chiến sự vẫn nổ ra khốc liệt. Dường như vị Tổng thống này đang rơi vào cảnh trên bảo dưới không nghe, hay nói cách khác là ông chưa tập trung được quyền lực tuyệt đối. Và quyền lực đó, phải san sẻ với không ai khác là Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk.
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Vì sao bất ngờ có cuộc ngừng bắn này? Dường như giữa hai thế lực của chính trường Ukraine đã đạt được một thỏa thuận, lệnh ngừng bắn này sẽ là một hành động thí điểm xem quan điểm của Tổng thống và Thủ tướng ai đúng ai sai.
Nếu những tay súng ủng hộ Nga rút khỏi Ukraine, miền Đông chịu ngồi vào bàn đàm phán, cả Kiev và miền Đông đều xuống nước, thì ngài Poroshenko thành công. Còn nếu bạo lực vẫn tiếp diễn, ngừng bắn không được đáp lại, thì lúc đó, một cuộc nội chiến là không thể tránh khỏi.
Bởi song song với thời hạn lệnh ngừng bắn này được áp dụng, Ukraine đã mua thêm 1.000 xe bọc thép hạng nặng để sẵn sàng… sống mái với đồng bào.
Điều này cũng phần nào lý giải vì sao lệnh ngừng bắn không có thời hạn. Nếu suôn sẻ, có lẽ sẽ không cần đến cái lệnh ngừng bắn ấy nữa vì hai bên đều đã hạ vũ khí. Nhưng nếu không được như mong đợi của Tổng thống, thì ngay lập tức lệnh ngừng bắn đó kết thúc theo ý của Thủ tướng.
Trong cuộc tranh đoạt này, ai thắng ai bại còn phải phụ thuộc thiện chí của những người miền Đông, và đặc biệt là chiến lược của Nga, muốn biến Ukraine thành một đất nước như thế nào.
Ukraine ép ngược châu Âu
Một thực tế cho thấy, thời gian ngừng bắn này cũng là một nút “pause” (tạm dừng) cho những sự căng thẳng trên chiến trường, và cũng là thời điểm để các vị lãnh đạo Kiev nhanh chóng ngoại giao, kiếm thêm những phương án dự phòng cho chiến lược của mình, đặc biệt là vấn đề khí đốt.
Hôm 17/6, ông Andriy Kobole của Tập đoàn năng lượng quốc gia Ukraine Naftogaz tuyên bố: “Các công ty châu Âu sẵn sàng cung cấp khí đốt cho Ukraine. Họ đưa ra mức giá rất tốt là 320 USD/1.000m3″.
Theo ông Kobole, Naftogaz hiện là khách hàng của Tập đoàn RWE (Đức), Gaz de France (Pháp) và đang nhận lời chào hàng của nhiều công ty lớn khác. Trước đó, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk khẳng định Kiev có thể mua khí đốt từ các nước Ba Lan, Hungary và Slovakia.
Nga tuyên bố cắt cung cấp khí đốt cho Ukraine và chỉ cung cấp lại khi trả trước hợp đồng khí đốt hàng tháng hoặc trả nợ cũ
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy là châu Âu vẫn đang phải nhập khí đốt của Nga. Nguồn cùng từ nước Nga chiếm tới 30% nhu cầu của châu Âu, và với các quốc gia Đông Âu như các bạn hàng mà Kiev vừa nêu ở trên thì đại đa số trong đó phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khí đốt Nga. Đây là một thỏa thuận khả thi hay một dụng ý khó nói của Ukraine?
Thực chất vấn đề, Ukraine đang đi nước cờ rất táo bạo khi tạo sức ép ngược lên châu Âu. Bởi châu Âu cũng không dư thừa gì năng lượng để bán cho Ukraine như vậy. Ukraine chỉ đánh tiếng, và châu Âu phải tự hiểu.
Cần nhớ rằng, 80% số khí đốt Nga bán cho châu Âu sẽ phải đi qua lãnh thổ Ukraine. Một vụ nổ đường ống đã xảy ra. Và nếu Ukraine bị dồn vào đường cùng, họ hoàn toàn có thể tước đoạt số khí đốt đó rồi muốn… đến đâu thì đến.
Ukraine không còn gì để mất, nhưng EU thì sẽ mất nhiều. Nền kinh tế đang trên đà hồi phục sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí là sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng năng lượng, kéo dài sẽ là khủng hoảng toàn diện. Phải nói rằng EU lo cho vấn đề khí đốt này không khác gì Ukraine.
Vậy mục đích của Kiev? Đơn giản, nếu không muốn Ukraine túng quẫn làm liều, thì tiền viện trợ của họ đâu? EU hứa 11 tỷ USD, trước mắt là 1,5 tỷ USD viện trợ, nhưng đến lúc này Ukraine nhận được là 250 triệu USD. Mỹ hứa 1 tỷ USD, nhận được là 80 triệu USD. Những con số khổng lồ còn lại không có một hạn định.
Lúc này, cái mà Kiev mong muốn nhất, họ đã vì phương Tây mà đối đầu với Nga, thì ít nhất phương Tây cũng phải làm những gì đã hứa. Những người có nhiều cái để mất sẽ luôn sợ những người không có gì để mất. Thời gian ngừng chiến này, có lẽ cả EU, cả NATO đều phải suy nghĩ về những con số trót nhỡ hứa đại.
Theo Đất Việt