Ukraine áp đặt trừng phạt 450 cá nhân và pháp nhân Nga
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 23/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký hai sắc lệnh áp đặt trừng phạt đối với 147 cá nhân và 303 pháp nhân, chủ yếu là của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo ở Kiev, ngày 4/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Các sắc lệnh đã được công bố trên trang web của Tổng thống Ukraine.
Trong danh sách các cá nhân bị trừng phạt có Tổng cục trưởng Tổng cục Tác chiến trung ương của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga Sergei Rudskoy, Trưởng Ban tổ chức và huy động trung ương Tổng cục Huy động của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga Yevgeny Burdinsky, Tổng giám đốc Hãng thông tấn TASS Andrey Konrashov, cùng một số quan chức của vùng Donetsk và Lugansk.
Trong số các pháp nhân thuộc danh sách trừng phạt có các công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không, xây dựng, công nghệ, đăng ký tại Nga, Cyprus, Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và các quốc gia khác.
Các lệnh trừng phạt được áp dụng trong thời gian 5 hoặc 10 năm.
Video đang HOT
Gắn kết an ninh lương thực với biến đổi khí hậu
Hội nghị thượng đỉnh An ninh lương thực toàn cầu do Anh chủ trì, đồng tổ chức với Somalia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Tổ chức Quỹ đầu tư trẻ em (CIFF) và Quỹ Bill & Melinda Gates tại London ngày 20/11 đã hướng sự chú ý của quốc tế vào cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu ngày càng sâu sắc hiện nay, đồng thời gắn kết vấn đề an ninh lương thực với biến đổi khí hậu.
Phân phát bữa ăn miễn phí cho người dân tại Howlwadag, phía nam Mogadishu, Somalia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Bên cạnh đại diện từ 20 quốc gia tham dự như Somalia, UAE, Brazil, Pakistan, Yemen, Ethiopia, Tanzania, Malawi, Mozambique, Indonesia..., hội nghị cũng đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, các quỹ tài chính, tổ chức xã hội như Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh Toàn cầu về cải thiện dinh dưỡng, Ngân hàng Phát triển châu Phi; cùng thảo luận về 4 chủ đề, gồm xây dựng các phương pháp tiếp cận mới để chấm dứt những ca tử vong có thể phòng ngừa được ở trẻ em, khai thác khoa học công nghệ đảm bảo an ninh lương thực, dự báo và ngăn chặn nạn đói và khủng hoảng an ninh lương thực, xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững và thích ứng với khí hậu.
Hội nghị lần này đã phản ánh được sự cấp thiết về việc thế giới cần chung tay trong nỗ lực chống lại nạn đói và tình trạng suy dinh dưỡng đáng báo động đối với trẻ em, đặc biệt tại những khu vực đang xảy ra xung đột quân sự như Đông Phi, Saheh, Afghanistan, hướng đến việc đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững về không còn nạn đói và chấm dứt tình trạng suy dinh dưỡng vào năm 2030, đồng thời gắn kết vấn đề an ninh lương thực với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thứ trưởng phụ trách phát triển quốc tế của Anh Andrew Mitchell, người chịu trách nhiệm tổ chức hội nghị, cho rằng tham vọng, nỗ lực tập thể của cộng đồng quốc tế hiện chưa đáp ứng được quy mô thực tế khắc nghiệt của thời đại. Biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, xung đột leo thang, giá lương thực thế giới biến động và một số quốc gia đang trên bờ vực nạn đói. Các nền kinh tế có thể đã bắt đầu phục hồi ổn định sau đại dịch COVID-19, nhưng trong nhiều trường hợp, những người nghèo nhất đang bị bỏ lại phía sau.
Thống kê của Chính phủ Anh cho thấy tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vẫn ở mức cao nhất trong 5 năm, với hơn 238 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính ở mức độ cao và xu hướng này có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn. Năm 2023, có gần một tỷ người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và hiện có 45 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang bị suy dinh dưỡng cấp tính.
Trước thực trạng trên, trong phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giải quyết các nguyên nhân cơ bản gây mất an ninh lương thực, xây dựng hệ thống thực phẩm linh hoạt hơn và hành động ngay để ngăn chặn khủng hoảng lương thực và suy dinh dưỡng. Ông Sunak nhấn mạnh: "Trong một thế giới dư thừa, không ai phải chết vì thiếu lương thực và không cha mẹ nào phải nhìn con mình chết đói".
Với vai trò là nước đăng cai hội nghị, Anh đã đưa ra một số cam kết đáng chú ý như tài trợ 100 triệu bảng Anh để ứng phó với các cuộc khủng hoảng an ninh lương thực và những tác động liên quan tại các điểm nóng về nạn đói và suy dinh dưỡng trên thế giới, tài trợ 100 triệu bảng Anh cho Somalia để xây dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc khí hậu và an ninh lương thực hay tài trợ 16 triệu bảng Anh cho Quỹ Dinh dưỡng trẻ em...
Tuy nhiên, có lẽ điểm nhấn chính của hội nghị là việc Anh công bố thành lập Trung tâm khoa học trực tuyến, do Mạng lưới Khoa học về các thách thức lớn nhất cho nhân loại (CGIAR) lãnh đạo, nhằm liên kết các nhà khoa học của Anh với những sáng kiến nghiên cứu nhằm phát triển các loại cây trồng có thể chịu được tác động của biến đổi khí hậu và có khả năng kháng bệnh tốt hơn.
Trước đó, thông qua CGIAR, Chính phủ Anh đã hỗ trợ phát triển một số giống lúa chịu lũ, lúa mì kháng bệnh, khoai lang tăng cường sinh học và giàu vitamin trong nỗ lực chung nhằm cải tiến giống cây trồng.
Giám đốc Viện Tài nguyên thế giới của Anh Edward Davey nhận định biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực do làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp và khiến cuộc sống của nông dân, đặc biệt là các hộ sản xuất nhỏ trở nên khó khăn hơn nhiều; trong khi thay đổi về lương thực và sử dụng đất là nguyên nhân gây ra ít nhất 1/3 tổng lượng phát thải khí nhà kính. Ông Davey cho rằng hội nghị đã nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, đưa ra các cam kết mới quan trọng về tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em, khoa học và công nghệ cũng như những nỗ lực rộng lớn hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ Anh hiện cũng đang tài trợ một phần cho Trung tâm Nông nghiệp và Khoa học sinh học quốc tế (CABI) tại vùng Surrey của Anh. Trong bối cảnh khoảng 40% sản lượng lương thực trên toàn thế giới bị thiệt hại do sâu, bệnh, tận dụng một trong những điểm mạnh của CABI là khả năng phát hiện xu hướng bệnh cây trồng, CABI đang nghiên cứu và lưu trữ 38.000 danh mục, gồm mẫu vật về sâu, bệnh gây hại đối với giống cây trồng trên toàn thế giới, cũng như đưa ra các lời khuyên, khám bệnh trực tuyến cho một số địa phương tại Kenya, Pakistan. Kể từ năm 2011 đến nay, CABI cho biết đã tiếp cận và tư vấn khoa học cho 60 triệu nông dân sản xuất nhỏ. Các nhà khoa học tại đây cho biết, họ đang tham gia tìm kiếm các giải pháp dựa trên thiên nhiên.
Ông Mitchell cho rằng mục đích của hội nghị thượng đỉnh là "để chứng minh và khẳng định sự đóng góp to lớn mà các nhà khoa học, nghiên cứu và các tổ chức học thuật của Anh đang thực hiện đối với vấn đề toàn cầu về nạn đói và suy dinh dưỡng"; và "vì lợi ích toàn cầu", thế giới cần tránh xa thuốc trừ sâu, tìm cách giải quyết sâu, bệnh một cách tự nhiên để tốt hơn cho môi trường, đất đai và con người.
Hội nghị cũng được phía Anh xem là tiền đề để cộng đồng quốc tế hướng tới 2 sự kiện quan trọng sắp tới là Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 28), do UAE tổ chức vào cuối tháng 11 tới, cũng như năm chủ tịch Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) của Brazil.
Tại hội nghị, UAE đã kêu gọi tán thành "Tuyên bố Emirates về nông nghiệp bền vững, hệ thống lương thực kiên cường và hành động vì khí hậu", dự kiến sẽ được hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới ký tại COP28.
Brazil cũng sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhóm G20 từ ngày 1/12, với 3 ưu tiên: hòa nhập xã hội và cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng; đối mặt với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững ở ba khía cạnh xã hội, kinh tế và môi trường; và cải cách quản trị quốc tế, vốn đều được nhấn mạnh tại hội nghị.
Hội nghị kết thúc mà không đưa ra tuyên bố chung, cũng như không có cam kết nào về viện trợ tài chính nhằm thúc đẩy các nỗ lực hiện có (ngoại trừ Anh). Tuy nhiên, như ông Mitchell đã nhấn mạnh, đây không phải là một hội nghị nhằm yêu cầu các nhà tài trợ cam kết tài trợ. Thay vào đó, hội nghị là cơ hội để nêu bật các nỗ lực mang tính khoa học đang được thực hiện để chống lại nạn đói và suy dinh dưỡng, hướng tới xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững và thích ứng với khí hậu.
Jordan ngăn chặn việc cưỡng chế người Palestine di dời Trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas tiếp diễn tại Dải Gaza, ngày 18/11, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi tuyên bố vương quốc này sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn" việc cưỡng chế người Palestine rời khỏi nơi sinh sống. Một trại tị nạn cho người Palestine của UNRWA tại thành phố Khan Younis, Dải Gaza...