Uber – cú nổ vĩ đại nhất trong lịch sử quỹ đầu tư mạo hiểm sắp thành con số 0 tròn trĩnh?
“Kỳ lân” Uber nhiều khả năng sẽ chẳng còn chút giá trị nào khi mà mô hình kinh doanh của họ đang ngày càng lộ ra quá nhiều điểm yếu.
Trên trang Medium vừa có bài đăng của tác giả Matt Ward tranh luận về khả năng kỳ lân 1 thời Uber sắp thu dần về 0 và các nhà đầu tư chống lưng cho họ cũng hiểu rất rõ điều đó. Dưới đây là bản dịch của bài viết này.
Peter Thiel từng nói: “Đi đầu chỉ là một chiến thuật chứ không phải mục tiêu. Tốt hơn nên là kẻ xuất phát sau cùng”.
Nghe qua thì đây có vẻ là ý tưởng khá ngược đời. Khi nào thì là kẻ đến sau sẽ tốt hơn là người đi trước?
Steve Jobs có lẽ là người hiểu rõ nhất vấn đề này. Apple không phải là công ty sản xuất MP3 đầu tiên hay smartphone đầu tiên. Tuy nhiên trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng, với cả 2 sản phẩm này hiện Apple đều là người dẫn đầu.
Điều đó không phải tình cờ may mắn mà có được. Đây chính là lý thuyết theo như Peter Thiel nói trong thực tế. Sự giàu có không được tạo nên bởi lợi thế là người đi trước mà là nhờ lợi thế độc quyền: Công ty nào chinh phục được thị trường, khiến người tiêu dùng có thể quên hẳn các sản phẩm khác và tiếp tục thống trị thì mới có khả năng sinh lời.
Trở thành người sống sót cuối cùng chính là lúc họ có thể kiếm được lợi nhuận. Đó chính là mục tiêu mà bất kỳ startup hay doanh nghiệp nào cũng muốn đạt được.
Vậy có nghĩa là nên kinh doanh từ từ và tẻ nhạt?
Không. Đó không phải là những gì Thiel nói. Cứ nhìn vào điện thoại Windows và camera kỹ thuật số của Kodak là biết.
Đây cũng không phải lý thuyết chủ nghĩa cầu toàn. Những quy tắc khởi nghiệp tinh gọn vẫn được áp dụng. Bạn muốn đi nhanh và có thể phá vỡ một thứ gì đó nhưng không nên hy sinh những nhân tố thiết yếu.
iPhone đã diệt chết Blackberry bởi vì nó tốt hơn gấp 10 lần. Vấn đề không phải là trở thành một kẻ vội vã, nôn nóng trên thương trường, vấn đề nằm ở việc Apple đã xây dựng nên một sản phẩm tuyệt vời để cạnh tranh, kết hợp với cải tiến một công cụ ngày càng mạnh hơn qua thời gian – là App Store.
Streve Jobs đã thành công trong khi RIM thất bại là nhờ đội ngũ của ông ấy. Họ thuyết phục ông rằng kho ứng dụng bên thứ 3 sẽ tốt hơn đội lập trình của Apple và họ đúng. Hiện tại, dù phải đấu với Android, App Store của Apple vẫn là nơi giữ chân người dùng tốt.
Lợi thế cạnh tranh
Lợi thế đi trước của Apple không phải ở lĩnh vực điện thoại thông minh mà là ở kho ứng dụng bên thứ 3, thành công vượt ngoài sức tưởng tượng. Các lập trình viên đua nhau xây dựng ứng dụng và mô hình kinh doanh xung quanh iPhone và trải nghiệm của người dùng để tốt hơn, tốt hơn nữa. Khi có nhiều người dùng hơn, nhiều lập trình viên hơn tham gia rồi cũng có nhiều ứng dụng hơn – một vòng quay không bao giờ ngừng lại. Kết quả là, tiền cứ thế chảy vào tài khoản ngân hàng của Apple.
Apple chính là minh họa điển hình cho những gì tất cả các startup nên làm và hướng đến đó là sự vững chắc gia tăng theo thời gian của mô hình kinh doanh.
Lý do là bởi áp lực cạnh tranh và chi phí thu hút khách hàng mới. Những doanh nghiệp có “lớp phòng thủ yếu” sẽ luôn gặp khó khăn về vấn đề làm sao để tạo ra lợi nhuận. Cứ nhìn vào Instacart và Uber là thấy. Sơ qua thì đây đều là những doanh nghiệp vĩ đại nhưng đào sâu hơn, những mảng yếu kém bắt đầu lộ ra.
Tôi xin giải thích thế này:
Uber có chút giống “Ngôi nhà của những lá bài”
Ở đây không đề cập tới đội ngũ quản lý của họ, Kalanick (đồng sáng lập công ty) hay Benchmark (quỹ đầu tư rót tiền rất sớm vào đây). Chuyện còn sâu sắc hơn thế nhiều.
Ứng dụng chia sẻ xe này là một doanh nghiệp mang tính địa phương. Và với doanh nghiệp có tính chất như vậy, mạng lưới tại địa phương phải rất mạnh. Uber tiêu hàng tấn tiền để vào được các thành phố, tuyển lái xe và rải tiền cho những khuyến mại, quảng cáo để thu hút khách hàng. Khi có nhiều tài xế hơn và nhiều người gọi xe hơn sử dụng hệ thống, tính hiệu quả cao hơn và lợi thế quy mô bắt đầu vượt trội.
Đó là lý do vì sao Uber, Didi, Grab và Lyft lại huy động được rất nhiều tiền. Đó là một vùng đất màu mỡ và các nhà đầu tư mạo hiểm rót tiền vào để đua nhau nắm quyền kiểm soát.
Tuy nhiên có một vấn đề rất lớn. Lái xe và người đi xe không trung thành. Lý do tôi dùng Uber hay Lyft hoặc bất kỳ ứng dụng nào khác là vì giá rẻ, và được quảng cáo nhiều. Chỉ cần có chương trình khuyến mại tốt hơn từ đối thủ cạnh tranh là tôi sẽ rời đi.
Điều này rất đúng với cánh lái xe. Hầu hết lái xe Uber và Lyft sử dụng 2 điện thoại và chạy xe cho cả 2. Công ty nào trả cho họ nhiều hơn thì họ làm!
Video đang HOT
Những điều đó cho thấy “hào kinh tế” – Economic Moat (lợi thế khác biệt của một công ty so với các đối thủ cạnh tranh, rất khó bị bắt chước hoặc sao chép, giúp công ty giữ vững thị phần và bảo vệ lợi nhuận của mình) của Uber không vững chắc lắm nhỉ? Trên thực tế còn tồi tệ hơn nhiều.
“Lấy tiền mua bạn”
Mỗi thành phố Uber thâm nhập vào họ đều phải tiêu rất nhiều tiền. Tuy nhiên bất kỳ ứng dụng gọi xe nào khác cũng phải làm như vậy. Nhưng làm sao Uber lại chiến thắng? Khi vào một thành phố sớm hơn, họ chi tiêu mạnh tay hơn đối thủ để “mua chuộc” lái xe và khách hàng.
Tuy nhiên ai cũng có thể làm như vậy. Trung Quốc đã thách thức Uber và họ thắng, buộc Uber phải rời khỏi đây.
Chúng ta cũng sẽ chứng kiến nhiều tình huống như vậy hơn. Các startup đang nổi lên ở các thành phố và đất nước trên khắp thế giới để cạnh tranh với Uber. Họ huy động vốn và thậm chí còn xuống tiền mạnh tay hơn Uber.
Đó chính là vấn đề lớn. Nó cho thấy, trên đấu trường quốc tế, Uber gần như không có cửa. Họ sẽ luôn trong thế bị động. Nghĩa là Uber không thể là công ty gọi xe cuối cùng còn lại trên thị trường. Mà nếu không thể độc quyền, họ không thể tạo ra sức mạnh về giá.
Một lần nữa, nó cho thấy “hào kinh tế” của Uber quá yếu!
Airbnb cũng giống Uber nhưng ở phiên bản cao cấp hơn
Trong khi Uber giống như một công ty lâm vào cảnh bi đát, phải đốt tiền để cạnh tranh thì Airbnb lại đang đi đúng hướng.
“Hào kinh tế” của Airbnb cho thấy rằng chỉ trừ khi sự phi tập trung xóa bỏ sự tồn tại của Internet ngày nay, còn không thì Airbnb sẽ là một doanh nghiệp có lãi khổng lồ. Bạn có thường xuyên đi du lịch không? Khoảng 2 lần 1 năm. Hoặc hàng chục lần nếu là người hay di chuyển.
Vậy điểm khác biệt giữa Uber và Airbnb là gì?
Câu trả lời nằm ở sự tác động của mạng lưới. Trong khi người đi Uber luôn sử dụng ứng dụng ở trong khu vực của họ thì Airbnb hướng tới sự khám phá. Mạng lưới của họ là toàn cầu và vì vậy gần như không ai có thể sao chép được.
Hãy tưởng tượng thế này. BnbAir – một đối thủ cạnh tranh của Airbnb quyết định huy động vốn và đẩy mạnh vào các bang SF, Austin hay NYC. Khi nào bạn sẽ sử dụng dịch vụ của họ? Chỉ khi bạn ở thành phố đó đúng không? Vấn đề là bạn không chỉ đi du lịch tới 1, 2 hay 3 thành phố… Bạn không muốn phải dùng mỗi ứng dụng khác nhau cho mỗi thành phố bạn ghé thăm. Hãy tưởng tượng việc đó rắc rối thế nào. Trải nghiệm khách hàng sẽ cực kỳ tồi tệ.
Điều đó có nghĩa là cách duy nhất để BnbAir giành được khách hàng là quảng cáo trên Facebook nhắm tới những người du lịch ở đó. Và họ sẽ cần tiêu một lượng tiền rất lớn, dĩ nhiên rồi!
Sức mạnh giá
Do Airbnb sở hữu mạng lưới quốc tế, họ có yếu tố độc quyền. Chắc chắn rồi, Couchsurfing và một số nền tảng khác vẫn tồn tại nhưng mảng chính của Airbnb gần như không thể xâm phạm. Điều đó có nghĩa là họ có thể tăng giá, tăng lợi nhuận và người dùng không có lựa chọn nào khác là phải dính lấy nó.
Trong trường hợp tồi tệ nhất, một đối thủ cạnh tranh nỗ lực huy động 10 tỷ USD, 20 tỷ USD, 100 tỷ USD để “khô máu” với Airbnb thì công ty này vẫn có thể giảm giá, giảm lợi nhuận và giữ vững hoạt động kinh doanh.
Cuối cùng, giống như Uber, các đối thủ cạnh tranh của Airbnb sẽ hết sạch tiền và… Trò chơi kết thúc!
Bằng chứng rõ nhất cho những gì tôi nói ở trên là quỹ Benchmark.
Benchmark Capital là một trong những công ty quỹ đầu tư mạo hiểm tiên phong vào Uber. Vậy tại sao họ lại đang kiện “người thương” Uber/ Travis Kalanick?
Benchmark đã đầu tư 12 triệu USD vào Uber ngay từ những ngày đầu để đổi lấy 20% cổ phần. Uber hiện trị giá 7 tỷ USD. Nghĩa là số tiền của Benchmark hiện chỉ trị giá 1,397 tỷ USD.
Đó là tiền thay đổi cuộc chơi. Điều đó có nghĩa là Benchmark chấp nhận vứt bỏ danh tiếng để đổi lấy một cơn mưa tiền, ít nhất là với Benchmark.
Tuy nhiên, điều đó cũng mang một ngụ ý khác. Bản thân Benchmark cũng nhận thức được những điều đó. Dù vẫn có những lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các đối thủ của mình nhưng tôi cá rằng Benchmark đang lo lắng về việc sẽ mất trắng khoản đầu tư của mình.
Ví tiền của Uber bắt đầu dần cạn kiệt. Ngày 23/8/2017, mức đốt tiền của Uber đã là gần 2 tỷ USD mỗi năm. Uber giống như một đám cháy khổng lồ ban đầu nhưng sau đó nguyên liệu đốt dần cạn kiệt. Nếu không được đầu tư thêm, Uber sẽ sớm suy sụp hoàn toàn.
Thử tưởng tượng việc một chiếc máy bay chạy ngược đường băng, cố gắng vượt qua hàng rào bảo vệ của sân bay và đổi hướng cất cánh. Nếu Uber đổi hướng thì hàng trăm tỉ đô có thể được “hạ cánh an toàn”.
Không may rằng, trong thế giới của tư bản, không có chỗ cho việc “hạ cánh an toàn” như vậy.
Về phía Benchmark, họ dường như đã nhìn thấy ánh sáng hy vọng – bán bớt cổ phần hoặc IPO để rút tiền về. Họ không thể để 1,4 tỷ USD tan thành mây khói.
Liệu xe tự lái có cứu nổi Uber?
Không. Mô hình kinh doanh của Uber dựa trên cốt lõi rằng người lái sở hữu chiếc xe của mình. Trong thế giới xe tự lái – thì ai sở hữu xe đây? Hay chúng sẽ là tài sản chung của Uber.
Vì vậy, điều gì sẽ xảy ra với những chiếc xe tự lái của Uber? Ồ, Uber có thể mua lượng lớn hoặc cho thuê chúng.
Dĩ nhiên chi phí đi kèm không hề nhỏ. Đừng quên phí bảo hiểm ô tô, có thể là bảo hiểm xe tự lái hay chi phí duy trì đội xe đó.
Và trong khi xe tự lái nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm thời gian xe trống, điều gì sẽ xảy ra vào ban đêm? Biểu đồ nhu cầu của Uber chỉ ra lỗ hổng trong kế hoạch này. Bao nhiêu phần trăm thời gian chiếc xe không được sử dụng? Rõ ràng là không phải 0%!
Điều đó có nghĩa là chi phí vốn sẽ rất kinh khủng. Đột nhiên, xe tự lái của Uber không hấp dẫn hay có tiềm năng có lãi nữa. Điều gì xảy ra với công ty taxi lớn nhất thế giới nhưng lại chẳng sở hữu bất kỳ một chiếc xe nào.
Thêm 1 vấn đề nữa: Sự cạnh tranh. Google có lợi thế tốt hơn khi tham gia vào lĩnh vực xe tự lái. Và có một nhóm những startup và tập đoàn cũng đang xếp hàng tham gia vào đây. Rồi Tesla nữa, chưa kể Elon Musk.
Câu hỏi đặt ra là liệu Uber có thể vượt qua được tất cả những đối thủ đó hay không? Liệu có một viễn cảnh nào cho thấy Uber cuối cùng có thể giành chiến thắng không?
Có khả năng.
Tư duy đột phá
Tôi đã nêu trong bài viết gần đây về khả năng Google có thể trở thành một thế lực mạnh trong lĩnh vực xe tự lái. Liệu một nền tảng giống như Chrome có thể được ứng dụng vào điều khiển xe, qua đó thu hút khách hàng và tạo ra giá trị thặng dư không?
Điều gì xảy ra nếu Uber sở hữu một công ty như Netflix hay Hulu? Họ có thể bán nội dung giải trí trên chính các chuyến đi.
Uber cần một cú hích để tăng doanh thu. Uber cần một cách để tăng biên lợi nhuận mà không cần phải chi tiền hơn nữa. Và quan trọng nhất, họ cần để giữ chân được khách hàng và tài xế.
Một vài lái xe Uber đã làm điều này và kiếm thêm tiền từ quảng cáo và kênh tiếp thị liên kết. Uber có thể cũng làm điều tương tự với các lái xe và cuối cùng là xe tự lái, bổ sung thêm giá trị cho cả lái xe và người đi xe. Thu nhập thêm sẽ giúp Uber bớt thu phần hoa hồng để giữ lái xe và khách hàng trên nền tảng.
Những thứ này đều vẫn mang tính lý thuyết. Sẽ vẫn tồn tại những lỗ hổng logic nhưng có một điều chắc chắn là Uber cần suy nghĩ rộng hơn, đột phá hơn hoặc là công ty sẽ gặp rắc rối lớn.
Những lời sau cùng
Bạn nghĩ sao? Liệu Uber có đang lao đao? Bạn thích Uber hay Airbnb hơn? Liệu có ai cứu được Uber khỏi chính họ và mô hình kinh doanh của họ không?
Những câu hỏi này vẫn chưa được cân nhắc kỹ lưỡng trong giới công nghệ. Uber rõ ràng vẫn là cú hit vĩ đại nhất trong lịch sử quỹ đầu tư mạo hiểm (ít nhất là giai đoạn trước IPO).
Càng lớn, càng khó thất bại và tham vọng càng lớn hơn. Tôi không đặt cược rằng Uber sẽ theo chiều hướng sụt giảm, còn Airbnb sẽ thăng hoa.
Đây là lý do tại sao Thung lũng Silicon cần 'lạc đà', chứ không phải 'kỳ lân' công nghệ
Bởi chỉ có những con 'lạc đà' mới có thể sống sót qua cơn khủng hoảng từ một đại dịch toàn cầu.
Từ lâu trong giới công nghệ, khái niệm kì lân (Unicorn) được dùng để chỉ các Startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) được định giá từ 1 tỉ USD trở lên. Còn 'lạc đà' là một khái niệm mới, ban đầu được đặt ra bởi Alex Lazarow từ Kauffman Fellows - một tổ chức nổi tiếng tập trung vào đầu tư mạo hiểm và đổi mới.
Trước hết, đây là ba đặc điểm của một con lạc đà mà bạn phải biết:
Đầu tiên, chúng không phải là động vật hư cấu (như kỳ lân). Chúng có thật và có thể tồn tại ở một trong những môi trường khắc nghiệt nhất thế giới.
Thứ hai, dù không có nhiều nước uống, lạc đà cũng có thể đi một chặng đường dài. Nhưng khi có nước, chúng có thể uống nhanh hơn các loài động vật khác, với tốc độ có thể đạt 100 lít trong vòng 10 phút.
Cuối cùng, chúng đã biến đổi, tiến hóa để thích nghi và sống trong các sa mạc nóng và khô nhất trên toàn thế giới.
Và "lạc đà" ở đây chính là một phép ẩn dụ cho tình hình hiện tại của giới công nghệ. Khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, một loạt các công ty kỳ lân nổi lên sau làn sóng IPO đã liên tục gục ngã và thất bại. Các nhà lãnh đạo của nhiều công ty khởi nghiệp đã bắt đầu đặt câu hỏi về định kiến đã tồn tại lâu nay ở Thung lũng Silicon, đó là liệu việc "tăng trưởng bằng mọi giá" có phải là lựa chọn sáng suốt.
Trong nhiều thập kỷ qua, mô hình tăng trưởng chung của Thung lũng Silicon đã được định nghĩa là việc thúc đẩy nhanh chóng quá trình đổi mới sản phẩm và thị phần. Cụ thể hơn thì đối với một Startup, chỉ có hai thứ cần ưu tiên là chiến thắng trên thị trường và không bị hết tiền mặt. Một bộ máy hoạt động tinh gọn không phải là mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp, vì nếu tập vào nó, bạn sẽ bị đánh mất thị phần. Và nếu không có hỗ trợ tài chính cho công việc nghiên cứu phát triển để tìm ra sản phẩm hay thị trường mới phù hợp, bạn sẽ bị các đối thủ vượt qua.
Chiến lược này từng rất có hiệu quả. Nhiều công ty kỳ lân được xây dựng theo mô hình này và thay đổi thế giới như Uber, Robinhood, Airbnb... Thông qua rất nhiều trợ cấp và giảm giá dịch vụ, các công ty này đã chiếm được khách hàng và mở rộng thị trường của mình một cách nhanh chóng. Và hậu thuẫn cho chúng là các quỹ đầu tư mạo hiểm với nguồn lực vốn tưởng chừng vô hạn.
Uber là một trong những con "kỳ lân" điển hình của giới công nghệ.
Nhưng đầu tư mạo hiểm cũng có thể "gây nghiện". Một khi các công ty đã quen dùng "động cơ phản lực" thì việc chuyển sang sử dụng "động cơ diesel" sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Và có những ví dụ điển hình trong giới công nghệ như các công ty khởi nghiệp Juicero, Theranos, WeWork... nổi tiếng rất nhanh và biến mất cũng nhanh tương tự.
Bởi trong một thế giới, nơi mà sự chi tiêu của người tiêu dùng đang dần chậm lại, bởi nhiều nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan như Covid-19, chúng ta sẽ thấy mình như đang ở trong một sa mạc hoang vắng. Và giữa sa mạc này không có cây đèn ma thuật của Aladdin.
Ở nơi đây, kẻ sống sót chỉ có thể là những con "lạc đà". Đó là các công ty đáp ứng được các điều kiện như sau:
Đầu tiên, họ tập trung vào việc xây dựng một sản phẩm hoặc dịch vụ để đáp ứng các nhu cầu quan trọng của người dùng, đồng thời tính phí cho các giá trị mà họ tạo ra. Các công ty này sẽ không đặt mục tiêu tối ưu là tăng trưởng. Mô hình kinh doanh phải hướng về các lợi ích kinh tế bền vững ngay từ đầu.
Thứ hai là khả năng quản lý chi phí tốt. Điều này có nghĩa là đảm bảo việc "đốt tiền" tùy theo tỷ lệ và quy mô doanh nghiệp. Một công ty "lạc đà" sẽ phát triển tốt trong thời kỳ kinh tế thịnh vượng, nhưng khi cần, chúng cũng có thể thay đổi để trở lại quá trình phát triển bền vững.
Thứ ba, nó cần có một tầm nhìn dài hạn. Ví dụ như công ty phần mềm về khảo sát trực tuyến Qualtrics (được SAP mua lại với giá 8 tỷ USD vào năm 2018). Công ty phân tích mọi khía cạnh trong trải nghiệm để khách hàng quay lại cũng như giới thiệu sản phẩm cho người khác. Cách làm này rất quan trọng trong bối cảnh mạng xã hội cho phép bất cứ ai đưa ra ý kiến. Trong năm thứ 13 thành lập, hai ông chủ của Qualtrics đã quyết định bán công ty thay vì "lên sàn", vì được định giá tốt hơn và những lợi ích mà SAP mang lại.
Cuối cùng, "lạc đà" có thể phát triển trong bối cảnh các hệ sinh thái tồi tệ nhất thế giới, dựa vào tính bền vững và khả năng phục hồi với môi trường. Bằng cách này, họ biến những thách thức thành lợi thế.
Eric Yuan - CEO của Zoom trong ngày công ty này lên sàn năm 2019.
Bên ngoài Thung lũng Silicon, các công ty khởi nghiệp theo phong cách lạc đà đang bùng nổ. Atlassian, một công ty phần mềm của Úc thành lập năm 2002, không có nhân viên bán hàng, với 11 năm có lợi nhuận liên tiếp trước khi lên sàn. Grubhub và Qualtrics cũng là những ví dụ điển hình. Họ chỉ sử dụng đúngsố tiền mình cần, liên tục đánh bóng và cải tiến sản phẩm, quản lý tốc độ đốt tiền trong suốt vòng đời của công ty, chọn tính bền vững thay vì mở rộng nhanh chóng.
Zoom - công ty phát triển phần mềm họp trực tuyến đang nổi hiện nay - cũng là một ví dụ. Công ty này là một trong số ít các công ty công nghệ kiếm được lợi nhuận trước khi tiến hành IPO năm ngoái.
Khi các công ty khởi nghiệp bắt đầu loay hoay tìm cách đối phó với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, kẻ có thể thoát khỏi khốn cảnh này và thành công trong tương lai sẽ không phải kỳ lân kiêu ngạo, mà sẽ là những con lạc đà chăm chỉ.
BlockMax giới thiệu giải pháp dùng blockchain để chuyển đổi các loại tiền mã hóa Đứng trước nhu cầu giao dịch trực tuyến tại Việt Nam ngày càng sôi động, startup công nghệ BlockMax đã giới thiệu một số giải pháp sử dụng công nghệ blockchain để tự động hóa chuyển đổi các loại tiền mã hóa và thẻ thanh toán cho nhiều lĩnh vực. Tại lễ hội công nghệ tài chính FinTech Festival lớn nhất toàn cầu...