Uẩn khúc vụ cướp lư hương vì không đòi được tiền con nợ
Một nhóm côn đồ miệt vườn xông vào nhà con nợ, hành hung chủ nhà đang bị bệnh tim một trận nhừ tử. Tiện tay chúng đập phá đồ đạc trong nhà. Trước khi ra về, chúng cướp luôn điện thoại di động và chiếc lư hương thờ tổ tiên con nợ. Phía sau vụ đánh người, cướp tài sản này còn có nhiều uẩn khúc.
Chập tối xông vào nhà con nợ đánh người
Bà Trần Thị Nguyệt (SN 1958, ngụ khóm Tây Huề 1, phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, An Giang) nợ người hàng xóm Trần Kiều Mai Diễm Tuyền 31 triệu đồng và 1,5 chỉ vàng 24K. Lãi suất chung cho số nợ này là 3 triệu đồng/tháng.
Trong 9 tháng liên tiếp, con nợ trả đều đặn số tiền lãi đã thỏa thuận. Đến kỳ hạn trả nợ gốc, con nợ không có khả năng chi trả do làm ăn thất bát. Chủ nợ nhiều lần đến đòi không được nên ngày 10/5/2013 huy động một nhóm côn đồ miệt vườn đến trước nhà con nợ mắng chửi, dọa dẫm.
Bà Nguyệt trình bày sự việc
Việc chủ nợ huy động côn đồ đến nhà đe dọa được công an và chính quyền địa phương xác nhận, lập biên bản. Bản thân chủ nợ trước cơ quan công an cũng xác nhận điều này. Tuy nhiên lần thứ nhất này mới chỉ là dọa dẫm.
Ngày hôm sau, khoảng 19h, lợi dụng lúc vắng vẻ chập tối, nhóm côn đồ lại xông vào nhà con nợ. Lúc này trong nhà chỉ có anh Trần Hòa Hưng (SN 1983, con trai bà Nguyệt), là người không may mắn, bị bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe yếu ớt.
Nạn nhân nhớ lại khi đó đang gấp quần áo, lọ mọ dọn dẹp nhà cửa thì bất ngờ đám côn đồ 4 – 5 người xông vào. Bằng giọng nói hách dịch, trịnh thượng, chúng nói đến đây để đòi tiền. Do không có tiền trả, anh Hưng nói nhẹ nhàng xin khất.
Video đang HOT
Nhóm côn đồ vẫn lao vào đấm đá túi bụi, mặc những lời van xin của nạn nhân. “Tôi bị họ quây vào đánh đấm. Khi ấy tôi kêu la xin tha mạng nhưng họ không nghe. Tôi chỉ còn biết hai tay ôm đầu chịu trận, lăn lóc giữa nền nhà”, nạn nhân nhớ lại.
Đánh người xong, nhóm côn đồ đập phá đồ đạc trong nhà. Thấy chiếc điện thoại, chúng cướp lấy. Thấy bộ lư thờ khá đẹp, chúng cũng tiện tay lấy luôn.
Thấy tiếng động lớn ở nhà mình, ông bố nạn nhân đang chơi ở nhà hàng xóm chạy về. Gần đến nơi thì gặp đám côn đồ ra đến sân.
Sau khi bị một trận đòn nhừ tử, anh Hưng lê bước ra sân kêu hàng xóm đến giúp đỡ. Sau đó anh được đưa đến cơ sở y tế khám chữa. Do không có tiền, anh không nằm viện mà chỉ mua thuốc về uống. Anh bị đau ở khắp người, trong đó bị vết nặng ở hông, sưng to ở đầu, vết thương chảy máu ở mặt.
Sau khi đánh người, đập phá và cướp tài sản con nợ, nhóm côn đồ bỏ trốn khỏi hiện trường. Chúng mang tài sản đã cướp được đi bán lấy tiền tiêu xài. Chiếc lư thờ tổ tiên của con nợ chúng bán với giá 500 nghìn đồng.
Ngay buổi tối hôm đó, công an và chính quyền địa phương xuống hiện trường lập biên bản sự việc. Đồng thời, các trinh sát khẩn trương truy bắt nhóm đối tượng côn đồ.
Cũng trong đêm, bà chủ nợ được công an tìm đến nhà hỏi thông tin sự việc nhưng bà lẩn trốn không gặp. Đến sáng ngày hôm sau, bà mới đến cơ quan công an làm việc. Không lâu sau, nhóm côn đồ bị công an bắt gọn, thừa nhận hành vi phạm tội.
Trách nhiệm của chủ nợ ở đâu?
Sau một quá trình điều tra, công an cho rằng bà chủ nợ không dính líu đến vụ án. Tuy nhiên, nạn nhân cho rằng, chủ mưu trong vụ này chính là bà chủ nợ. Bà Nguyệt tìm đến báo Xa lộ Pháp luật phân trần, trước sự việc xảy ra, gia đình bà không ai hay biết mặt mũi nhóm côn đồ, cũng không mâu thuẫn gì với họ.
Như vậy việc nhóm côn đồ đến nhà bà đánh người, đập phá và cướp tài sản hoàn toàn không có động cơ từ hằn thù với gia đình. Trong khi chính bà chủ nợ tối hôm trước dẫn nhóm côn đồ này đến nhà bà Nguyệt dọa dẫm, hăm dọa.
“Hôm trước bà dẫn nhóm người đó đến dọa gia đình tôi thì hôm sau nhóm này gây ra vụ án. Dù thời điểm gây án, bà Tuyền không có mặt, nhưng trong việc này nghi vấn có bà Tuyền đứng sau lưng chỉ đạo.Vậy mà nay bà vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Tôi muốn công an điều tra kỹ, tránh việc bỏ lọt tội phạm”, nạn nhân nêu nguyện vọng.
Về quá trình nợ nần dẫn đến sự việc trên, nạn nhân sụt sùi than thở là do xuất phát từ chuyện nghèo đói của gia đình và bệnh tật của con cái. Bà cho biết, gia đình không có tài sản gì giá trị, chỉ có một ngôi nhà đơn sơ để ở, không ruộng cũng không vườn.
Vợ chồng bà không có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống phụ thuộc vào làm thuê làm mướn sống qua ngày. Ngoài việc phải kiếm tiền đong gạo, vợ chồng bà còn lo tiền nong nuôi con cái ăn học.
Đã vậy, đứa con trai của bà mới phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh cách đây mấy năm. Khoảng cuối năm 2012, công việc làm thuê của vợ chồng bà khó khăn. Để có tiền mua thuốc điều trị bệnh tim cho con, bà Nguyệt vay tiền bà hàng xóm nhiều lần, tổng cộng là 31 triệu đồng và 1,5 chỉ vàng 24K; tổng lãi mỗi tháng 3 triệu đồng.
“Nếu có tiền thì tôi sẽ mang con trai bệnh tim đi mổ để bảo đảm tính mạng. Nay con bệnh càng nặng mà không có tiền đi viện, trong khi nợ nần ngày một chồng chất”, bà Nguyệt cho biết.
Trong khoảng 9 tháng đầu, bà Nguyệt tích cực trả tiền lãi đều đặn, tổng cộng hết 27 triệu. Đến tháng thứ 10, bà chủ nợ sang nhà đòi cả tiền gốc. Tuy nhiên, riêng việc lo tiền lãi để trả cũng khiến con nợ lao đao, lại lo lắng cơm áo gạo tiền để đảm bảo cuộc sống, ăn học con cái và bệnh tật của con nên con nợ không thể trả tiền cho chủ nợ.
“Tôi khất lần chị Tuyền để thư thư tôi sẽ trả nhưng chị Tuyền không chịu. Sau đó bà tự ý nâng số lãi suất lên 5, 4 triệu/tháng thay vì 3 triệu như trước. Từ đó tôi không có khả năng trả lãi nữa”, bà Nguyệt nhớ lại.
Một số người dân địa phương cho biết, ngoài việc bà chủ nợ có dính líu đến vụ thuê côn đồ đòi nợ thuê, công an cần điều tra làm rõ thì bà này còn có dấu hiệu tội cho vay nặng lãi. “Việc bà Nguyệt vay tiền thì phải trả là rõ ràng, nhưng việc cho vay với lãi suất quá cao, cộng với việc thuê “ xã hội đen” đi đòi nợ thuê của bà Tuyền thì công an cần điều tra kỹ, để pháp luật được thực thi, tránh việc bỏ lọt tội phạm”, một người dân nêu ý kiến.
Theo Xa lộ Pháp luật
Hiệu phó nợ trăm tỷ bị bắt, con cái bơ vơ
Con dâu bà Yến khóc suốt, nó nói không có tiền mua sắm, chuẩn bị đi đẻ. Còn con trai của bà ấy thì đòi bỏ học", bà Thư nói
Ngày 24/8, bà Trương Thị Hải Yến, Hiệu phó trường THPT dân lập Phương Nam (khu đô thị mới Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) bị cảnh sát bắt để điều tra những tố cáo bà này chiếm đoạt tài sản. Cùng với Yến, em gái Trương Thị Kim Dung và con trai Mai Huy Thành cũng bị bắt để điều tra.
Bà Thư mong muốn vụ việc được điều tra, trường Phương Nam ổn định, phát triển.
Bà Ngô Thị Anh Thư là một trong số những người cho bà Yến vay nhiều nhất, cùng gần 20 người ký đơn tố nữ hiệu phó tới cơ quan chức năng. Bà Thư cho biết, bản thân không mong bà Yến bị bắt, gia đình tan vỡ nhưng việc bà bà Yến làm đã đi quá giới hạn.
Theo bà Thư, bản thân là một tỷ phú, từ 2008 tới nay đã cho bà Yến vay tổng cộng 140 tỷ đồng. Đầu tiên, bà Thư cho vay vài trăm triệu và nhận lãi 6%. Nhưng khi số tiền cho vay lên tới tiền tỷ thì bà Yến không trả lãi mà đề nghị bà Thư nộp tiền với mục đích sẽ trở thành cổ đông của trường Phương Nam. "Có 5 ngôi nhà, biệt thự lớn mà nay tôi phải đi thuê nhà, làm công việc bán hàng ở cho học sinh ở canteen nhà trường. Bà Yến đã không giữ đúng lời hứa đưa tôi vào cổ đông như thỏa thuận", lời bà Thư.
Bà Yến, em gái và con trai nữ hiệu phó bị bắt khiến bà Thư... buồn. Bà này cho hay, bản thân khánh kiệt tài sản, 5 đứa con còn đang ăn học nên gánh nặng kinh tế gia đình cũng rất lớn. Việc tố cáo bà Yến là ngoài ý muốn. Bà Thư kể: Từ khi có trường Phương Nam, 3 mẹ con bà Yến và mẹ đẻ 80 tuổi ở trong khuôn viên trường. Thành là con trai cả đi du học ở Anh về, giúp mẹ công việc quản lý. Cậu con trai út đang là sinh viên năm thứ 2 một trường ĐH. Nhưng khoảng 1 năm nay, Thành lấy vợ là giáo viên trong trường. Không được mẹ ủng hộ nên hai vợ chồng trẻ thường chỉ ở nhà tập thể của trường mấy ngày, cuối tuần lại về quê vợ. "Vợ Thành chửa ở tháng thứ 8 rồi, sắp đẻ. Hôm chồng bị bắt, cảnh sát đưa lên ô tô là con bé khóc lịm. Từ hôm ấy tới nay, vợ Thành khóc suốt, kêu tôi cứu chồng nó", bà Thư nói.
Vợ Thành là giáo viên trường Phương Nam, nghỉ hè cũng là lúc cô xin nghỉ sinh. Nhưng chồng bị bắt, chỗ dựa kinh tế lẫn tinh thần không còn khiến người phụ nữ bụng mang dạ chửa suy sụp. Vợ Thành xin bà Thư giúp đỡ mình và em chồng.
Bà Thư kể: "Con út bà Yến đang ở cùng bà ngoại bị tai biến, ngồi xe lăn trong khu nhà ở của trường. Cậu bé nói với chị dâu sẽ nghỉ học vì không có tiền đóng đầu năm. Tôi đã nói chuyện với tổ bảo vệ trông xe, thu xếp cho hai đứa con bà Yến 10 triệu để chúng sinh sống".
Theo Tri thức
Nữ hiệu phó vay hàng trăm tỷ đồng để làm gì? Theo thông tin ban đầu, số tiền mà nữ hiệu phó trường THPT dân lập Phương Nam vay nợ lên đến hơn 268 tỷ đồng và 16 quyển "sổ đỏ", trong đó người cho vay nhiều nhất lên tới 140 tỷ đồng. Vị nữ hiệu phó này vay tiền để làm gì? Choáng váng vì vữ hiệu phó vay tiền khủng Chiều 24/8,...