Tỷ phú xây ‘cỗ máy in tiền’ chống Trump
Reid Hoffman, tỷ phú của Thung lũng Silicon nổi tiếng, là người gây quỹ hàng đầu cho phe Dân chủ, nhưng mục đích duy nhất là đánh bại Trump.
Cứ vài tháng, nhà sáng lập LinkedIn Reid Hoffman lại gửi thư mời tới một số tỷ phú trong nhóm “cỗ máy in tiền” của đảng Dân chủ. Rất nhanh sau đó, cố vấn của hàng chục nhà gây quỹ lớn của Dân chủ kéo về thủ đô Washington hay Palo Alto ở California, hoặc gần đây là ứng dụng Zoom, để tổ chức các phiên họp kín dựa theo Quy tắc Chatham House (cuộc họp không được lưu lại tài liệu và mọi thứ liên quan tới cuộc họp không được tiết lộ). Họ chia sẻ ý kiến hoặc lắng nghe ý kiến từ những người vận động gây quỹ, như quản lý chiến dịch tranh cử của Joe Biden, tranh luận về các chiến lược để đánh bại Tổng thống Donald Trump.
Hoffman không phải lúc nào cũng tham dự, nhưng được xem là người nắm quyền thiết lập chương trình nghị sự đặc biệt này và là một trong số nhà tài trợ đảng Dân chủ có tầm ảnh hưởng nhất trong thời đại của Trump.
Ảnh minh họa tỷ phú, nhà sáng lập LinkedIn Reid Hoffman. Ảnh: Vox.
Các phiên họp, bắt đầu sau khi Trump đắc cử, chỉ là phần nổi của cỗ máy gây quỹ của Hoffman. Để chiến thắng vào mùa thu này, cá nhân Hoffman đã chi khoảng 100 triệu USD. Ông cũng là trung tâm của mạng lưới kiếm tiền mới ở Thung lũng Silicon. Các trợ lý của Hoffman tiết lộ ông đã gây quỹ hàng trăm triệu USD để lật đổ Trump, bằng cách hướng các nhà tài trợ mới quan tâm chính trị gây quỹ cho cánh tả. Theo cách này, Reid Hoffman đã tự biến mình thành một trong số nhà gây quỹ lớn nhất cho đảng Dân chủ trong cuộc đua đánh bại Trump.
Sự thức tỉnh chính trị của Thung lũng Silicon trong kỷ nguyên của Trump có thể được giải thích thông qua sự thức tỉnh chính trị của Reid Hoffman, theo Theodore Schleifer, nhà phân tích của Vox.
Hoffman không chỉ là nhà sáng lập kiêm đầu tư như bao doanh nhân khác ở Thung lũng Silicon. Dù không phải cái tên quá nổi tiếng, Hoffman vẫn được biết đến là một trong số “lãnh đạo tư tưởng” hàng đầu của khu vực này. Nhà sáng lập của LinkedIn đã đưa ra các khái niệm khởi nghiệp, có nhiều bài chia sẻ nổi tiếng về khởi nghiệp, cũng như xây dựng hình ảnh như một người đáng tin cậy của cộng đồng công nghệ.
Trước năm 2016, các tỷ phú ở Thung lũng Silicon, đặc biệt là những người điều hành công ty riêng, thường tránh dành tài sản của họ cho chính trị đảng phái, một phần bởi khoảng cách quá lớn giữa hệ thống chính trị và ngành công nghệ. Hoffman cũng từng chia sẻ năm 2017 rằng ông từng tránh các vấn đề liên quan tới chính trị.
Nhưng sau khi Trump đắc cử, Hoffman đã lập tức thuê cố vấn để mở cơ sở chính trị đa chức năng, xây dựng nguồn quỹ để bảo vệ tương lai của chính ông cùng nhiều tỷ phú khác ở thung lũng Silicon. Trong 4 năm qua, trung tâm công nghệ này đã dần dấn thân vào chính trị, nhằm chống lại các lập trường cứng rắn của Trump về nhập cư, biến đổi khí hậu cùng nhiều vấn đề khác.
Các lãnh đạo công nghệ của Thung lũng Silicon đã tham gia nhiều vụ kiện chống lại chính quyền, thay đổi hoạt động nội bộ để đối phó với Trump, cũng như chuyển sang gây quỹ ủng hộ cho đảng Dân chủ.
Video đang HOT
Và Hoffman đã trở thành “bến đỗ” cho nhiều tỷ phú ở Thung lũng Silicon, những người nhiều tiền có quan điểm chống Trump nhưng không biết nên làm như thế nào. “Quan điểm của Reid là nếu anh ấy không làm, sẽ có rất nhiều việc không thể giải quyết được”, John Lilly, bạn thân của Hoffman, nói.
Để thực hiện buổi vận động gây quỹ tháng này ở Wisconsin, một trong những bang dao động quan trọng ở Mỹ, đảng Dân chủ đã chỉ định Hoffman là khách mời đặc biệt. Hoffman sau đó đã gửi mail và gọi cho nhiều nhà tài trợ của Dân chủ, trong đó có giám đốc điều hành phần mềm Sage Weil và nhà đầu tư mạo hiểm Chris Sacca, đồng thời tập hợp danh sách tỷ phú ở Thung lũng Silicon, nhóm đã tài trợ 25.000 USD mỗi người. Danh sách bao gồm nhiều nhà tài trợ lớn nhất cho đảng Dân chủ, như cựu CEO của Google Eric Schmidt, huyền thoại đầu tư ở Thung lũng Silicon Ron Conway. Buổi gây quỹ ở Wisconsin đã thu về hơn 500.000 USD.
Hoffman có thể làm được những điều như vậy nhờ có một tài sản cốt lõi vô giá là sự tín nhiệm, theo Schleifer. Trong một số cuộc gọi với các lãnh đạo của Thung lũng Silicon, Hoffman nói rằng tất cả những thứ mà họ cống hiến cho xã hội sẽ không mang lại thành quả nếu không thay đổi người ngồi trong Nhà Trắng.
Jeremy Liew, nhà đầu tư mạo hiểm cho Snapchat, đã đánh giá Hoffman rất cao, khi xem tỷ phú này là người giúp ông định hướng về thế giới chính trị. “Tôi là người mới tham gia đóng góp ý kiến về chính trị và đã nhận được nhiều lời khuyên từ một số người có kinh nghiệm về nơi các khoản đóng góp của tôi có thể mang lại tác động lớn nhất”, ông nói.
Hoffman cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với các quyết định của nhiều nhà tài trợ khác trong các cuộc họp kín mà nhóm của ông tổ chức. “Ông ấy là người có tầm vóc, uy tín và các mối liên hệ để thể hiện vai trò lớn hơn Daivid Koch ở cánh tả”, một thành viên Dân chủ so sánh Hoffman với một nhà siêu tài trợ bảo thủ.
Các phiên họp này chỉ là cách để ý kiến của Hoffman định hình đảng Dân chủ. Nhóm của Hoffman tin rằng nội bộ đảng Dân chủ đã xuất hiện nhiều lỗ hổng nhưng giới lãnh đạo đảng sẽ không nghe lời khuyên của họ để sửa chữa. Do đó, điều mà tỷ phú này đang làm là cố gắng tác động từ bên ngoài.
Hoffman đã rót 20 triệu USD vào Alloy, chương trình trao đổi dữ liệu do ông khởi xướng để cải thiện cơ sở hạ tầng yếu kém của đảng Dân chủ mà không có sự giúp đỡ của đảng này. Ông cũng gửi hơn 10 triệu USD cho Acronym, một công ty quảng cáo kỹ thuật số lớn, thay vì cách quảng cáo tập trung vào truyền hình như của đảng Dân chủ.
Khi Hoffman đầu tư ba triệu USD để giúp đảng Dân chủ giành được ghế trong cơ quan lập pháp bang Virginia năm 2017, ông cũng chuyển phần lớn số tiền thông qua một nhóm bên ngoài thay vì gửi trực tiếp đến lãnh đạo đảng Dân chủ của bang.
Ứng viên Dân chủ Joe Biden tại sự kiện tại Moosic, bang Pennsylvania hôm 17/9. Ảnh: NYTimes.
Song Hoffman lại không thể “lấy lòng” được tất cả thành viên của Dân chủ, dù là “cỗ máy in tiền” cho đảng này.
Nhiều thành viên của Dân chủ ở bang Virginia bất bình vì cho rằng Hoffman dùng tiền để bắt nạt họ, khi làm mọi thứ theo cách riêng của ông. Phe Dân chủ đã chĩa hai mũi dùi chỉ trích về Hoffman. Một là ông quá tập trung cho mục tiêu thu thập đủ 270 phiếu đại cử tri để đánh bại Trump mà không chú trọng vào đầu tư vào cơ sở quốc gia lâu dài để ủng hộ phong trào cấp tiến. Hai là để giành được chiến thắng, nhiều nhà chỉ trích nói rằng Hoffman sẵn sàng “chơi xấu”.
Schleifer cho rằng một số phàn nàn về Hoffman đến từ những người bị ông từ chối hỗ trợ tài chính, hoặc những người thường cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp của Hoffman.
Vài nhóm thuộc phong trào tiến bộ, đặc biệt là ngoài các bang dao động quan trọng với cuộc bầu cử, đã thất vọng vì không thể nhận được số tiền tài trợ lớn, ngay cả khi họ cảm thấy số tiền này có thể giúp ích cho đảng Dân chủ và các cộng đồng da màu, theo một số nguồn tin. Tuy nhiên, các trợ lý của Hoffman nói rằng họ chỉ tập trung quỹ cho nỗ lực hạ bệ Trump, bởi vì xem Tổng thống Mỹ là “mối đe dọa”.
Ngoài ra, việc Hoffman sẵn sàng bắt tay với các nhóm Cộng hòa chống Trump, như Dự án Lincoln, nhóm không quan tâm tới ủng hộ phe Dân chủ, càng làm tăng thêm bất bình đối với ông.
Thành viên Dân chủ lo ngại Hoffman sẽ không còn “mặn mà” ủng hộ họ nếu Trump rời Nhà Trắng. Lo lắng này không phải không có căn cứ khi các cố vấn của Hoffman cũng từng nói rằng họ không có ý định hoạt động chính trị toàn thời gian sau cuộc bầu cử 2020.
Một số bất bình khác đối với Hoffman được thúc đẩy bởi các chính trị gia không hài lòng với Dmitri Mehlhorn, trưởng cố vấn chính trị của Hoffman. Nhiều thành viên Dân chủ nói rằng nhóm của Mehhorn có xu hướng khăng khăng cho rằng họ am hiểu về một lĩnh vực nào đó hơn người “trong ngành”.
Dù mối quan hệ gần đây giữa nhóm của Hoffman và phe Dân chủ có nhiều cải thiện hơn trước và các trợ lý của ông cũng bớt “trịch thượng” hơn, tỷ phú này vẫn nằm ngoài vòng tròn ủng hộ trung thành của Biden. “Đối với phe của Biden, Reid không thuộc về đó”, một người gây quỹ ở Thung lũng Silicon nói.
Trump tiếc thương thẩm phán Tòa án Tối cao
Trump ca ngợi cố thẩm phán Tòa án Tối cao Ginsburg là "người khổng lồ của pháp luật" và có các quyết định lịch sử truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ.
"Hôm nay đất nước chúng ta tiếc thương vì mất đi người khổng lồ của pháp luật, người "nổi tiếng với trí tuệ lỗi lạc và quan điểm bất đồng mạnh mẽ của bà tại Tòa án Tối cao", Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18/9 cho biết trong một tuyên bố, đề cập đến cố thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg, người qua đời trước đó cùng ngày do biến chứng của ung thư tuyến tụy di căn.
"Quan điểm của bà, gồm những quyết định nổi tiếng về quyền bình đẳng pháp lý của phụ nữ và người tàn tật, đã truyền cảm hứng cho tất cả người Mỹ và các thế hệ trí tuệ pháp lý tuyệt vời. Cầu mong ký ức về bà là phước lành đẹp đẽ và tuyệt vời cho thế giới", Trump cho biết thêm.
Phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nghe tin thẩm phán Ginsburg qua đời sau khi ông kết thúc buổi vận động tranh cử ở bang Minnesota hôm 18/9. Ảnh: AFP.
Tòa án Tối cáo Mỹ có 9 thẩm phán, là những người được bổ nhiệm trọn đời, nghĩa là họ chỉ bị thay thế khi qua đời hoặc chủ động nghỉ hưu. Sau khi bà Ginsburg qua đời, Trump sẽ đề cử một ứng viên mới. Ứng viên do Trump đề cử sẽ được Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ phỏng vấn, xem xét trong khoảng 60 ngày về năng lực, tư cách.
Thượng viện Mỹ sau đó sẽ bỏ phiếu phê chuẩn. Ứng viên sẽ trở thành tân thẩm phán Tòa án Tối cao nếu được đa số thượng nghị sĩ tại Thượng viện bầu chọn. Người được Trump đề cử nhiều khả năng sẽ được chọn, do đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện.
Trước đó, Trump nhận được tin về việc bà Ginsburg qua đời khi đang vận động tranh cử. "Bà ấy vừa qua đời sao? Tôi không biết điều đó. Dù bạn đồng ý hay không, bà ấy vẫn là một người tuyệt vời, sống cuộc đời tuyệt vời. Tôi thực sự rất buồn khi nghe tin này", Trump nói.
Thư ký báo chí Kayleigh McEnany cho biết Nhà Trắng đã hạ cờ "để vinh danh thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg, người tiên phong cho phụ nữ". Cờ cũng được hạ xuống tại tòa nhà quốc hội Mỹ theo chỉ đạo của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.
Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg tại thủ đô Washington tháng 9/2019. Ảnh: Reuters.
Sự ra đi của Ginsburg có thể làm thay đổi đáng kể cán cân tư tưởng của Tòa án Tối cao Mỹ, vốn đang có đa số thẩm phán theo tư tưởng bảo thủ với tỷ lệ 5-4. Trump có cơ hội mở rộng thế đa số này bằng việc bổ nhiệm thêm một thẩm phán bảo thủ, khi đang có sự chia rẽ sâu sắc ở Mỹ vào thời điểm bầu cử tổng thống đang cận kề.
Trong lúc tưởng nhớ bà Ginsburg, Trump cũng bày tỏ mối quan tâm trong việc định hình thêm khuynh hướng tư tưởng của tòa án. Trump nói với người ủng hộ rằng ông sẽ định hình Tòa án Tối cao theo khuynh hướng bảo thủ nếu đánh bại ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử sắp tới.
Trump hồi tháng 8 nói rằng ông sẽ "hoàn toàn" lấp đầy chỗ trống của Tòa án Tối cao nếu có cơ hội trước khi nhiệm kỳ đầu tiên của ông hết hạn.
Trong khi đó, Biden cho rằng "cử tri nên chọn tổng thống và tổng thống nên chọn thẩm phán để Thượng viện xem xét". Tuy nhiên, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho biết ông dự định hành động dựa trên bất kỳ đề cử nào của Trump. Bình luận của Biden báo hiệu ông và đảng Dân chủ sẽ phản đối động thái này.
California như 'tận thế' giữa cháy rừng và Covid-19 Bầu trời mù mịt khói bao trùm hàng triệu cư dân ở bang California, khi hàng chục đám cháy rừng vượt tầm kiểm soát và tiếp tục lan rộng. Người dân California trải qua gần một tuần nắng nóng kỷ lục. Ở thung lũng Chết, phía đông bang California, nhiệt độ chiều 16/8 lên tới 54 độ C. Không chỉ vậy, người dân...