Tỷ phú tự thân dưới 40 giàu nhất Trung Quốc – Colin Huang: Con trai công nhân chưa học hết cấp 2, tay trắng vẫn dựng lên đế chế của riêng mình
Hai bàn tay trắng, không có sẵn cả gia thế lẫn tiền tài nhưng Colin Huang chỉ mất vài năm đã đánh bật rất nhiều ông lớn để xây dựng đế chế tỷ đô cho riêng mình.
Theo Bloomberg Billionaires Index, 6 trong số 10 tỷ phú tự thân bằng và dưới 40 tuổi giàu nhất thế giới đến từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có 4 người Trung Quốc. Xếp ngay sau CEO Facebook là doanh nhân Trung Quốc Colin Huang – nhà sáng lập và CEO công ty thương mại điện tử Pinduoduo với 13,7 tỷ USD.
10 tỷ phú tự thân dưới 40 tuổi giàu nhất thế giới. Nguồn: Bloomberg.
Theo dữ liệu từ bách khoa toàn thư Baidu, Colin Huang là một doanh nhân tỷ phú người Trung Quốc, đồng thời là người sáng lập và CEO của công ty thương mại điện tử Pinduoduo. Anh tốt nghiệp Đại học Chiết Giang năm 2002 và lấy bằng thạc sĩ khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin-Madison năm 2004 rồi trở thành nhân viên Google ở Mỹ.
Anh trở về Trung Quốc năm 2006 và tham gia thành lập văn phòng Google Trung Quốc. Năm 2007, anh chính thức rời khỏi Google và bắt đầu gây dựng sự nghiệp của riêng mình.
Năm 2015, Pinduoduo được sáng lập, kết hợp khả năng bán hàng trực tuyến với “buôn dưa lê trên mạng” và chỉ sau 2 năm, nó đã đạt mức 280 triệu đô rồi không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018.
Colin Huang chỉ mất ba năm để tích lũy 100 tỷ nhân dân tệ Trung Quốc. Đây là một tốc độ đáng sợ khi người ta có thể phải mất vài thập kỷ, thậm chí là cả đời cũng chưa chắc đã đạt được con số khủng khiếp này. Tại thời điểm Pinduoduo bắt đầu đưa ra thị trường, giá trị con người Colin Huang thậm chí còn vượt qua Lưu Cường Đông – tỷ phú thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc, người đồng sáng lập trang thương mại điện tử JD.com.
Hành trình từ con trai công nhân nhà máy trở thành tỷ phú tự thân
Huang lớn lên tại Hàng Châu, cũng là quê hương của gã khổng lồ e-commerce Alibaba. Cha mẹ của anh chỉ là những công nhân bình thường làm việc tại một nhà máy trong vùng, thậm chí còn chưa học hết cấp hai. Thế nhưng, Colin Huang từ nhỏ đã là một cậu bé thông minh, ở tuổi 12 đã vào được trường Ngoại ngữ Hàng Châu có tiếng trong vùng, từ đó mở ra thế giới mới. Sau đó, anh học lên đại học và tới Mỹ học tiếp Thạc sĩ, dấn thân vào Thung lũng Silicon rèn luyện năng lực.
Một điều mà Huang học được trong quá trình này là sự chênh lệch về mức lương chi trả cho thực tập sinh Microsoft tại Trung Quốc và Mỹ: Trong khi Microsoft Bắc Kinh chỉ trả 900 USD/tháng, Microsoft tại Mỹ trả tới 6.000 USD.
Hình ảnh Colin Huang.
Khi chuẩn bị tốt nghiệp vào năm 2004, Huang đứng trước hai lựa chọn: Vào làm tại Microsoft, công ty sở hữu hệ điều hành Windows và bộ sản phẩm Office phổ biến hay gia nhập Google, hãng công cụ tìm kiếm mới nổi còn chưa IPO. Giữa hai ngã rẽ, Huang chọn Google chính vì sự “thiếu chắc chắn” và trở thành một trong những người đầu tiên viết thuật toán cho ngành thương mại điện tử. Tất nhiên Google đã tăng trưởng rất nhanh những năm sau đó. Huang chỉ là một nhân viên nắm giữ lượng cổ phần nhỏ nhưng sau khi công ty IPO, tài sản của anh đã lên đến vài triệu USD.
Video đang HOT
Sau thời gian “học việc” tại Google, Colin Huang tự mở một trang chuyên bán thiết bị điện tử là Ouku.com nhưng không tạo được điểm nhấn khác biệt so với hàng nghìn trang web tương tự khác đã có mặt trên thị trường. Vì vậy, năm 2010, anh quyết định bán trang web này. Sau đó, anh tiếp tục thử sức với dự án Leqi, công ty cung cấp dịch vụ tiếp thị trên các website như Taobao hay JD.com và ứng dụng game tương tác trên WeChat. Tuy nhiên, cuối cùng các dự án này vẫn bị bán đi, chưa tạo dựng được thương hiệu riêng cho Colin Huang.
Phải đến khi Pinduoduo ra đời, ứng dụng bán hàng giảm giá cho khách mua theo nhóm và tích hợp tin nhắn giữa người dùng, là sự kết hợp thông minh giữa “Facebook-Groupon”, đã nhanh chóng đưa Colin Huang vào hàng ngũ start-up tỷ USD. Mô hình đơn giản nhưng cực kỳ thông minh này đã cho người dùng trải nghiệm giống như dành cả ngày với bạn bè tại trung tâm thương mại. Họ có thể chia sẻ những gì mình thích, nhận phản hồi từ những người mình tin tưởng hay thậm chí buôn chuyện với nhau và được giảm giá nhiều hơn nếu mua theo nhóm. Thậm chí, Pinduoduo còn tích hợp các trò chơi để phục vụ nhu cầu giải trí.
Colin Huang trở thành “ tấm gương sáng” cho các nhà start-up Trung Quốc.
Huang nảy ra ý tưởng này nhờ chứng kiến hai hãng internet hàng đầu Trung Quốc: công ty thương mại điện tử Alibaba và Tencent, hãng game khổng lồ cũng là chủ sở hữu của WeChat. Cả hai đều lớn, tăng trưởng nhanh và thành công nhưng không am hiểu về lĩnh vực kinh doanh của nhau. Trong khi đó, Huang và các cộng sự lại hiểu rõ. Họ có kinh nghiệm trong cả thương mại điện tử và games nên nhìn thấy cơ hội lớn nếu biết cách kết hợp hai lĩnh vực này với nhau.
Sau cùng, dù đạt được thành công đáng kể với PDD, Huang cho biết không có ý định dành cả đời mình với ứng dụng này. Anh muốn làm nhiều thứ trong nhiều lĩnh vực khác nhau và gọi đó là “cuộc sống đích thực”. Đây chính là tinh thần liều lĩnh dám không ngừng thử nghiệm những điều mới mẻ, tự tạo ra thử thách cho chính bản thân để tiếp tục vươn lên, tiếp tục phát triển, là bí quyết quan trọng, làm nên thành công vang dội của người đàn ông đứng top 2 những nhà tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới dưới độ tuổi 40.
Theo GenK
Mê game, bỏ học luật, game thủ trở thành CEO tỷ phú
Đam mê game từ nhỏ, Min-Liang Tan bỏ học Luật và thành lập công ty sản xuất gaming gear vào năm 2005. Đến nay Razer có quy mô lớn, tạo doanh thu 700 triệu USD vào năm ngoái.
Sinh ra trong gia đình châu Á truyền thống, Min-Liang Tan (5/11/1977) được bố mẹ định sẵn là trở thành luật sư. "Mẹ tôi nói rằng tôi nên trở thành bác sỹ hoặc luật sư vì chị gái tôi là bác sỹ. Một người chị khác cũng là luật sư và anh trai tôi là bác sỹ y khoa lâm sàng rất được kính trọng", CEO Min-Liang Tan chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CNBC.
Do vậy, Min-Liang Tan không dám nói với cha mẹ mình khi bắt đầu khởi nghiệp với lĩnh vực sản xuất phụ kiện chơi game. "Tôi sẽ thành lập Razer. Nếu cha mẹ phát hiện ra, dù họ có thể không mấy vui vẻ khi tôi tự ý quyết định thay đổi nghề nghiệp nhưng tôi tin họ vẫn ủng hộ tôi", Tan nói.
Ông chủ Razer đầu tư rất nhiều vào eSport.
Bỏ học luật vì mê game, lập công ty Razer
Chơi game luôn là niềm đam mê của Tan, "Giống như bất kỳ đứa trẻ nghiện game nào khác, tôi đã ôm lấy chiếc máy tính cả ngày, chơi trò chơi trên máy tính bất cứ lúc nào có thể. Thậm chí, bố mẹ từng la mắng tôi rất nhiều lần vì tôi chơi game quá nhiều. Nhưng tôi cảm thấy rất vui, niềm đam mê với game của tôi là không thể thay đổi", vị CEO 41 tuổi tâm sự.
Quay lại quá khứ, người bạn chơi game đầu tiên cùng với Tan chính là anh trai Min-Han Tan. Họ đã chơi các game từ thập niên 1980 như Rescue Raiders, Prince of Persia và Castle Wolfenstein. Họ phải sử dụng nước đá làm mát máy tính Apple II để tránh việc bố mẹ phát hiện.
Niềm đam mê ấy kéo dài đến khi Tan học luật tại Đại học Quốc gia Singapore. Năm 1998, Tan gặp người đồng sáng lập Robert Krakoff (lúc ấy đã ngoài 60 tuổi) khi chơi game bắn súng góc nhìn thứ nhất Quake. Một năm sau, 2 người họ đã tạo ra chuột chơi game đầu tiên trên thế giới. Nó giúp họ chơi tốt đến mức bị cấm khỏi máy chủ game vì nghi ngờ gian lận.
Ông cùng người bạn tạo ra mẫu chuột chơi game giúp game thủ tăng hiệu suất khi chơi Quake.
Vào năm 2005, Min-Liang Tan bỏ học. Ông cùng Robert Krakoff xây dựng công ty chuyên về thiết bị cho game thủ với tên gọi Razer. Họ đặt trụ sở tại Singapore và San Diego, California.
CEO Razer hiện phân chia thời gian làm việc giữa các trụ sở Singapore, San Francisco và Hong Kong. Mặc dù phải giám sát đội ngũ nhân viên lên đến 1.500 người nhưng vị CEO này vẫn dành cả đêm để chơi các game bắn súng sinh tồn như PUBG và Apex Legends.
Vào năm 2017, Tan đã chọn niêm yết cổ phiếu công ty tại Hong Kong thay vì Singapore. Ông huy động được hơn 500 triệu USD và điều này giúp Tan trở thành một trong những người Singapore tự lập giàu nhất ở tuổi 40.
Theo số liệu của SCMP, vào năm 2018, Razer có mức tăng doanh thu hàng năm khoảng 38%, tương đương 712 triệu USD. Công ty đã thu hẹp khoản lỗ ròng của mình xuống 97 triệu USD từ 164 triệu USD trong năm 2017.
Điều hành công ty như chơi game chiến thuật
Tôi đang điều hành công ty giống như trò chơi RTS (chiến thuật thời gian thực. Nó giống như việc chơi game StarCraft hay Age of Empires, gamer sẽ phân bổ tài nguyên, xây dựng căn cứ và tập hợp quân đội. Bạn có tạo thêm sản phẩm cho phân khúc game di động không? Tất nhiên, làm sao chúng ta có thể bỏ qua các cơ hội đó", Tan chia sẻ.
"Nhắc đến chơi game, nhiều người thường nghĩ đối tượng là những cậu thiếu niên sống trong tầng hầm cùng cha mẹ, chơi game cả ngày, không chăm sóc bản thân. Nhưng bạn biết đấy, hiện nay khoảng một nửa số game thủ là nữ. Độ tuổi người chơi game cũng đã thay đổi, có game thủ già và cũng có game thủ trẻ.
Bởi vì ngày nay, chơi game thực sự là hình thức giải trí độc đáo mà mọi người dễ dàng tiếp cận. Từ điện thoại thông minh, máy tính bảng đến PC", CEO Min-Liang Tan đánh giá mục tiêu và đối tượng phát triển.
Do đó, Tan tích cực tham gia vào việc thiết kế các sản phẩm Razer. Có thể kể đến việc Tan chọn màu hồng cho dòng Razer Quartz nhắm vào các game thủ nữ. CEO Razer cũng tự tay thiết kế lại sticker "rắn xanh" cho thật chi tiết.
Tan có tầm nhìn xa khi hợp tác với Tencent. Việc này giúp người dùng của gã khổng lồ gaming Trung Quốc này có thể mua hàng bằng tiền ảo Razer và giúp công ty có thêm nhiều khách hàng tiềm năng.
Hơn nữa, Tan cho biết ông sẽ tập trung vào việc phát triển Razer từ nhà sản xuất phần cứng thành hệ sinh thái cho game thủ bằng cách tung nhiều sản phẩm cộp mác "rắn xanh" như tiền kỹ thuật số Silver, phần mềm quản lý Synapse...
Ghét Tim Cook và Jack Dorsey, thân thiện với fan
Nói chính xác hơn, Min-Liang Tan ghét thói quen lúc sáng sớm mà CEO của Apple hay Twitter ưa thích như tập gym, yoga, chạy bộ và thiền.
Có nhiều CEO công nghệ thức dậy lúc 5h sáng, họ ngồi thiền và sau đó chạy bộ. "Tôi ghét tất cả những CEO đó. Tôi không thể làm được như vậy", ông Tan nói.
Tất nhiên, giống mọi nhân viên văn phòng khác, Min-Liang Tan thức dậy lúc 8h sáng, kiểm tra email và đi đến công ty. Buổi trưa, vị CEO này dùng bữa tại nơi làm việc. Gần như trong suốt 10 năm, Tan ăn cùng một loại mì hoặc bánh sandwich từ cửa hàng gần văn phòng tại Singapore và Mỹ.
Theo Edwin Chan, người bạn thời thơ ấu của Tan và Giám đốc tài chính của Razer, một trong những điều khiến vị CEO này duy trì được sức hút với người hâm mộ là anh vẫn đam mê chơi game và mang lại cảm giác gần gũi của một game thủ chứ không phải một tỷ phú.
Năm 2015, tại sự kiện ra mắt ở Manila năm 2015, Tan đã phát pizza miễn phí cho các fan và trò chuyện cởi mở với họ.
Người hâm mộ xăm hình Tan vào chân để bày tỏ tình yêu cho thần tượng.
Một số người hâm mộ còn xăm logo hình ba con rắn của Razer để bày tỏ sự ái mộ. Có người thậm chí còn xăm hình gương mặt của Tan ở chân và được tặng điện thoại Razer.
Có một điểm chung giữa Tan và các CEO công nghệ khác là sự giản di. Vào năm 2014, khi Tan gặp Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam, ông vẫn xuất hiện trong chiếc áo phông đen và quần jean đặc trưng.
Hiện Min-Liang Tan là một trong những doanh nhân công nghệ cao cấp nhất của Singapore. Sức ảnh hưởng của ông chỉ đứng sau Sim Wong Hoo, người sáng lập Creative Technology, công ty sản xuất thiết bị card âm thanh Sound Blaster.
Theo Zing
Con của tỷ phú Warren Buffett: Đi bộ đi học trường công, đi làm thêm vào mùa hè và 20 tuổi đọc báo mới biết bố là người giàu Vị tỷ phú chia sẻ: "Mấy đứa nhỏ sẽ phải tự tạo ra chỗ đứng của riêng chúng trên thế giới này, và chúng biết là tôi luôn ủng hộ chúng bất cứ việc gì". Warren Buffett là nhà đầu tư thành công nhất thế giới, cổ đông lớn nhất kiêm giám đốc hãng Berkshire Hathaway, và được tạp chí Forbes xếp ở...