“Tỷ phú” khét tiếng nuôi tôm xứ Nẫu, thu nhập 15 tỷ đồng mỗi năm
Sau 30 năm rời quân ngũ, cựu binh Trường Sa Phạm Rùm là tỷ phú “khét tiếng” ở vùng quê cát xứ Nẫu – Phú Yên. Với nghề nuôi tôm, mua bán thủy sản và kinh doanh vận tải, gia đình cựu binh Phạm Rùm (52 tuổi, ở xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên) hiện có mức thu nhập 15 tỷ đồng/năm.
Thuận vợ, thuận chồng
30 năm rời quân ngũ, tác phong ông Phạm Rùm vẫn nhanh nhẹn, đậm chất lính. Ông Rùm chia sẻ: “Tôi làm lính biển từ năm 1985 – 1988, ra quân là cưới vợ ngay. Khi đó, vùng bãi sông Bàn Thạch này rộ lên phong trào nuôi tôm sú. Vợ chồng tôi bàn nhau vay mượn khắp nơi để đổ vào nuôi mấy hồ tôm. Hồi đó, môi trường còn tốt nên nuôi đâu thắng đó, trúng liền mấy vụ. Thế rồi nghề nuôi tôm sú cũng trồi sụt, thất bát”.
Ông Phạm Rùm – người được mệnh danh là tỷ phú nuôi tôm khét tiếng xứ Nẫu.
Bà Huỳnh Thị Năm (vợ ông Rùm) tiếp lời: “Tôm sú đồng loạt thất bại, rất nhiều người trắng tay. Gia đình tôi cũng lâm cảnh nợ nần. Nhưng anh Rùm không chịu thua, anh quyết đầu tư máy móc hiện đại để quản lý môi trường hồ, rồi rẽ hướng…”.
Theo ông Rùm, mọi việc đều phải vừa học vừa làm, hơn nhau là sự chịu khó “động não”. Với nghề tôm những ngày đầu, vợ chồng ông phải “bóp bụng” chạy vạy từng đồng để góp nuôi với anh em, bà con. Có chút vốn rồi thì mở rộng diện tích, khi đỉnh điểm, gia đình ông nuôi trên 30ha tôm.
Tiếp đó, vợ chồng ông bàn bạc tiến hành làm đầu nậu thu mua tôm thành phẩm của bà con để cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đến năm 2010, vợ chồng ông quyết định thành lập doanh nghiệp để thuận tiện trong thủ tục, đường hướng làm ăn lớn. Thế là ghép tên vợ chồng thành Doanh nghiệp Thủy sản Năm Rùm.
Video đang HOT
Hiện tại, doanh nghiệp Năm Rùm đang tổ chức nuôi 6ha tôm thẻ chân trắng cao triều, với hồ phủ bạt và nhiều máy móc chuyên dụng để kiểm soát quá trình nuôi tôm sạch. Với sản lượng bình quân 24 tấn tôm thành phẩm/năm, doanh nghiệp có mức lãi ổn định 5 tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, Năm Rùm đang thu mua sản phẩm tôm khắp các tỉnh duyên hải miền Trung, với sản lượng 800 – 1.000 tấn tôm/năm. Việc ký kết chặt chẽ với các đầu mối xuất khẩu đã giúp doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định cho hàng ngàn hộ nuôi tôm trong khu vực.
Đồng tôm ở xã Hòa Hiệp Nam, Đông Hòa, Phú Yên của tỷ phú Phạm Rùm. Ảnh: H.P
Ông Đỗ Văn Hơn, một người nuôi tôm ở Hòa Hiệp Nam, nói: “Ông Rùm không chỉ “sống chết” với con tôm mà còn biết chuyển hướng kịp thời, dứt khoát bỏ tôm sú để chuyển nuôi tôm thẻ chân trắng và cũng là người đi đầu trong việc làm hồ phủ bạt để nuôi tôm cao triều và thu mua tôm sạch. Cái năng động của ông Rùm đã mở đường hồi sinh, phát triển vùng nuôi tôm sông Bàn Thạch này”.
Táo bạo và “chắc cú”
Không dừng lại ở việc sản xuất – kinh doanh tôm, vợ chồng ông Rùm quyết định đầu tư thêm hạng mục vận tải. Hiện, đoàn xe của doanh nghiệp Năm Rùm đã có 14 chiếc (10 xe tải, 4 xe khách chất lượng cao).
Ông Rùm cho hay: “Ban đầu, vợ chồng tôi đầu tư xe tải đông lạnh để phục vụ việc thu mua, cung cấp tôm xuất khẩu, bởi giá thành thuê vận chuyển khá lớn. Vừa chở hàng cho doanh nghiệp của mình, vừa nhận chở hợp đồng vận chuyển cho nhiều đơn vị khác. Tiếp đó, thấy nhu cầu đi lại tuyến Tuy Hòa – TP.HCM khá lớn, vợ chồng tui quyết định đầu tư xe khách. Đây là loại xe giường nằm chất lượng cao nên giá thành đến 4,5 tỷ đồng/xe”.
Theo ông Rùm, những năm gần đây, doanh nghiệp của ông có doanh thu bình quân 200 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên, 120 lao động mùa vụ, với thu nhập 6 – 9 triệu đồng/người/tháng.
“30 năm trụ với nghề nuôi và kinh doanh tôm, không “dễ ăn” chút nào. Nhìn lại, dù khó khăn đến đâu, vợ chồng tui cũng cố gắng “chiến đấu” đến cùng. Bởi nhìn thấy tiềm năng, cơ hội của mình trong nghề nuôi và kinh doanh tôm. Trong nghề vận tải cũng vậy, thấy cơ hội là vợ chồng tui quyết định đầu tư. Nhưng làm gì cũng phải tính toán kỹ càng. Đầu tư nhiều lĩnh vực thì dễ dàng bù trừ, chia sẻ lẫn nhau, phải táo bạo nhưng cần suy tính “chắc cú” theo năng lực của mình” – ông Rùm bày tỏ.
Theo Danviet
Thương lái tới tận hồ mua tôm giá cao, nhà nông trúng tiền tỉ
Năm nay, trên địa bàn Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) có 535 ha nuôi tôm, chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, các hộ nuôi đang phấn khởi bước vào thu hoạch với niềm vui được mùa, được giá.
Gia đình ông Vũ Văn Lợi ở khối 2, phường Quỳnh Xuân có 5 ao nuôi tôm với tổng diện tích hơn 9.000 m2. Trong đó có 2 ao lắng, 1 ao ươm, 2 ao nuôi. Năm nay diễn biến thời tiết khắc nghiệt, song gia đình đã đầu tư trang thiết bị, sử dụng công nghệ mới lót bạt đen, xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí ô xy cùng với kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch tốt nên tôm phát triển nhanh.
Gia đình ông Vũ Văn Lợi ở khối 2, phường Quỳnh Xuân thu hoạch tôm vụ 1. Ảnh: Bích Hường
Sau khi mua tôm giống về ông Lợi cho vào ao ươm trong thời gian 1 tháng mới đưa vào ao nuôi. Đến nay, sau 95 ngày nuôi, trọng lượng tôm đạt từ 38 - 40 con/kg, sản lượng đạt 8,5 tấn; với giá bán hiện nay 160.000 đồng/kg ông Lợi thu về hơn 1,3 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Nam Hải ở khối 6, phường Mai Hùng lại có phương pháp kỹ thuật nuôi khác với nhiều hộ trong vùng. Với 3.000 m2 diện tích ao nuôi và 2 ao lắng, mỗi năm anh luân phiên nuôi xen kẽ giữa các ao. Nếu vụ này thả tôm thì vụ sau sẽ làm ao lắng, cứ như vậy, các ao nuôi quay vòng cuốn chiếu, đảm bảo thời gian quy trình xử lý ao đầm, nguồn nước.
Bên cạnh đó, anh Nam thả tôm với mật độ vừa phải từ 80 -120 con/m2. Những yếu tố nói trên đã giúp cho diện tích tôm của gia đình anh luôn phát triển tốt. Vụ tôm năm nay do điều kiện mưa bão về sớm nên đã thu hoạch sớm hơn theo dự kiến.
Nông dân phấn khởi thu hoạch tôm. Ảnh: Mạnh Hùng
"Khâu cải tạo ao hồ người nuôi phải có những cách để phòng được những dịch bệnh ban đầu. Quá trình chăm sóc cũng phải theo sát hàng ngày như điều kiện môi trường, thời tiết để xử lý kịp thời. Như khi trời mưa nhiều sử dụng các yếu tố về khoáng, vôi để cân bằng hệ thống môi trường ao nuôi cho ổn định sẽ đỡ dịch bệnh" - anh Nguyễn Nam Hải chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đăng Tài - Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai, năm nay bà con nuôi tôm trên địa bàn chấp hành nghiêm túc lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp; tiếp tục đầu tư các tiến bộ khoa học vào sản xuất nên kết quả đạt khá cao. Các hộ nuôi đang tích cực thu hoạch, sản phẩm được thương lái thu mua tại hồ với giá 160.000 đồng/kg loại 38 - 40 con/kg.
Theo Bích Hường (Báo Nghệ An)
Xe khách lùi ra quốc lộ, 5 người thương vong Chiếc xe khách giường nằm biển số Phú Yên đang lùi từ quán ăn ra quốc lộ 1 đoạn qua huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) thì bị xe khách khác tông làm hai người chết, ba người bị thương. Sáng 17-7, Công an huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) phối hợp các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ tai...