Tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp, chợ đen giấy chứng nhận giả bùng nổ ở Đông Âu
Người lái xe tải Andriy Melnik chưa từng coi COVID-19 là căn bệnh nghiêm trọng. Cùng với một người bạn, Melnik đã mua giấy chứng nhận tiêm chủng giả để dễ dàng thông hành khi vận chuyển hàng hóa đến các khu vực khác của châu Âu.
Nhân viên y tế chuẩn bị quan tài cho nạn nhân COVID-19 tại nhà xác ở một bệnh viện Ukraine. Ảnh: AP
Nhưng quan điểm của Melnik đã thay đổi sau khi người bạn của anh mắc COVID-19 và điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt, theo hãng tin AP.
“COVID-19 không còn là điều xa vời. Tôi thấy rằng căn bệnh này có thể gây chết người và sức đề kháng mạnh là không đủ. Chỉ có vaccine mới có thể bảo vệ chúng ta”, Melnik, 42 tuổi, nói khi đang chờ tiêm vaccine ở Kyiv. Anh nói: “Tôi thực sự sợ hãi và cầu xin các bác sĩ giúp tôi sửa chữa sai lầm của mình. Cái chết do COVID-19 cận kề hơn nhiều so với những gì tôi tưởng tượng”.
Cùng nhiều khu vực khác ở Đông Âu và Nga, Ukraine đang phải hứng chịu làn sóng COVID-19 mới tấn công. Trong khi nguồn cung vaccine rất dồi dào, người dân trong khu vực vẫn ngần ngại tiêm chủng, ngoài các quốc gia Baltic, Ba Lan, Cộng hoà Séc, Slovenia và Hungary.
Bà Catherine Smallwood, Giám đốc phụ trách vấn đề COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu, cho biết tốc độ tiêm chủng chậm chạp ở Đông Âu bắt nguồn từ một số yếu tố, bao gồm sự hoài nghi vaccine và kinh nghiệm tiêm chủng các loại vaccine khác trước đây.
“Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ tiêm vaccine thấp ở nhiều quốc gia trên khắp khu vực. Các vấn đề lịch sử xung quanh vaccine xuất hiện. Ở một số quốc gia, toàn bộ vấn đề vaccine còn bị chính trị hóa”, bà nói.
Y tá chăm sóc bệnh nhân COVID-19 trong phòng ICU tại bệnh viện ở Kharkiv, Ukraine. Ảnh: AP
Hôm 28/10, Nga đã ghi nhận 1.159 ca tử vong – con số hàng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Hiện Nga mới có khoảng 1/3 trong tổng số gần 146 triệu dân được tiêm chủng đầy đủ.
Video đang HOT
Ở Ukraine, chỉ có 16% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ thấp thứ hai ở châu Âu, chỉ cao hơn Armenia khoảng 7%.
Giới chức Ukraine đang yêu cầu giáo viên, nhân viên chính phủ và những người lao động khác phải tiêm phòng đầy đủ trước ngày 8/11, nếu không sẽ không được trả lương. Ngoài ra, người dân cũng cần xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính để lên máy bay, tàu hỏa và xe buýt đường dài.
Điều này đã khiến thị trường chợ đen các giấy tờ giả liên quan COVID-19 bùng nổ trong khu vực. Giấy chứng nhận tiêm chủng giả được bán với giá cao ngất ngưởng, từ 100-300 USD. Thậm chí, còn có một phiên bản ứng dụng kỹ thuật số giả mạo với các chứng nhận “nhái” xuất hiện.
Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã chủ trì một cuộc họp về biện pháp ngăn chặn tài liệu COVID-19 giả. Cảnh sát cho biết họ nghi ngờ nhân viên tại 15 bệnh viện có liên quan đến việc cấp giấy tờ tiêm chủng giả. Họ đã khởi tố 800 vụ án hình sự liên quan đến giấy chứng nhận vaccine giả và triển khai 100 đơn vị cơ động để truy vết đường dây này. Giới chức thậm chí còn phát hiện một cựu nghị sĩ đã xuất trình tài liệu tiêm chủng giả khi trở về Ukraine vào tuần trước.
Nhân viên chuẩn bị giấy chứng nhận tiêm chủng tại trung tâm tiêm chủng ở Dnipro, Ukraine. Ảnh: AP
Tỷ lệ tiêm chủng thấp đã dẫn đến sự lây lan nhanh chóng của COVID-19, gây ra áp lực lớn cho hệ thống chăm sóc y tế vốn đã quá tải của đất nước. Khoa phẫu thuật của một bệnh viện ở thị trấn Biliaivka, gần cảng Odesa ở Biển Đen, hiện chỉ tiếp nhận điều trị cho những bệnh nhân COVID-19, với 50/52 giường bệnh đã được sử dụng. Thuốc và oxy đang thiếu hụt và một số nhân viên y tế đã nghỉ việc.
Tiến sĩ Serhiy Shvets, quan chức bệnh viện cho biết: “Chúng tôi đang ở bên bờ vực của thảm họa. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi người dân phản đối tiêm chủng và thiếu kinh phí hoạt động. Thật đáng tiếc, 5 nhân viên của bệnh viện đã nghỉ việc trong tuần qua”.
Tình cảnh tương tự cũng đang xảy ra tại một bệnh viện ở phía tây thành phố Chernivtsi. Bác sĩ Olha Kobevko cho biết bệnh viện chỉ có 120 giường, nhưng có đến 126 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.
“Tôi khóc trong tuyệt vọng khi chứng kiến 99% bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nghiêm trọng chưa được tiêm chủng. Đáng lẽ ra, họ đều có thể tự bảo vệ mình. Chúng tôi đang phải vật lộn để cứu sống họ trong bối cảnh không có đủ thuốc và nguồn lực”, bác sĩ nói.
Các bác sĩ cấp cứu cho một bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Kramatorsk, vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Ảnh: AP
Kobevko cũng cho biết bệnh viện của bà ghi nhận khoảng10-23 ca tử vong mỗi ngày, trong khi làn sóng dịch vào mùa xuân năm ngoái chỉ chứng kiến khoảng 6 ca tử vong mỗi ngày. Tỷ lệ bệnh nhân ở độ tuổi 30-40 đã tăng lên đáng kể. Bác sĩ cho biết sự hoài nghi về vaccine đang lan rộng trên các phương tiện truyền thông xã hội.
“Những câu chuyện không có thật đã lan truyền rộng rãi, khiến mọi người tin rằng vaccine có microchip và liên quan đến đột biến gien. Một số người còn công khai và mạnh mẽ kêu gọi mọi người không tiêm chủng. Mạng xã hội tràn ngập những tin đồn vô lý”, bà nói.
Ngay cả nhân viên y tế cũng do dự tiêm phòng. Tiến sĩ Shvets cho biết 30% nhân viên tại bệnh viện của ông ở Biliaivka đã từ chối tiêm vaccine. Bộ trưởng Y tế Viktor Lyashko cũng thừa nhận rằng khoảng một nửa số nhân viên y tế Ukraine miễn cưỡng tiêm chủng.
Sự hoài nghi tương tự cũng xuất hiện ở những nơi khác ở Đông Âu do các thông tin sai lệch, niềm tin tôn giáo và sự phụ thuộc vào các phương pháp điều trị phi truyền thống.
Ở Romania, khoảng 35% người trưởng thành đã được tiêm chủng đầy đủ, các hạn chế chặt chẽ hơn đã có hiệu lực trong tuần này. Giới chức yêu cầu người dân trình giấy chứng nhận vaccine cho nhiều hoạt động hàng ngày, như tập thể dục, xem phim hoặc đến trung tâm mua sắm.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại nhà xác của bệnh viện ở Rivne, Ukraine. Ảnh: AP
Tiến sĩ Dragos Zaharia tại Viện Khí sinh học Marius Nasta ở Bucharest cho biết “nhiều người sợ vaccine vì thông tin giả tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội”.
“Hàng ngày, chúng tôi chứng kiến những bệnh nhân nhập viện với tình trạng khó thở và hầu hết họ đều cảm thấy hối tiếc vì đã không tiêm phòng. Ngày nào cũng có người tử vong trong khu điều trị COVID-19 của chúng tôi”, ông nói.
Bulgaria, với chỉ 1/4 dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ, cũng báo cáo các ca nhiễm và tử vong kỷ lục trong tuần này. Theo dữ liệu chính thức, Bulgaria có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất trong 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu trong 2 tuần qua, và 94% trong số đó là những người không được tiêm chủng.
Tại Georgia, chỉ có 33% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ. Giới chức đã phải vận động người dân đi tiêm bằng cách mở thưởng xổ số với giải thưởng là tiền mặt cho những người đã tiêm vaccine.
Trong khi đó, đối với Melnik, người lái xe tải ở Ukraine, nỗi sợ hãi về việc mắc COVID-19 đã lấn át mọi lo lắng khác của anh.
“Bạn không thể gian lận với căn bệnh này. Bạn có thể mua chứng chỉ giả, nhưng không thể mua được kháng thể. Người Ukraine đang dần bắt đầu nhận ra rằng không có biện pháp thay thế nào khác ngoài việc tiêm chủng”, anh nói.
Chuyên gia y tế châu Á nhận định về biện pháp phòng bệnh 'bình thường mới'
Trong bối cảnh biến thể Delta tiếp tục là mối đe dọa đáng kể đối với thế giới, việc tiêm chủng ngừa COVID-19 một cách thường xuyên có thể sẽ trở thành một biện pháp phòng bệnh "bình thường mới" - đó là nhận định của chuyên gia y tế David Hui Shu-cheong- cố vấn cho chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) - được The Standard Channel đăng tải ngày 28/10.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo ông David Hui Shu-cheong, nhiều quốc gia trên thế giới sẽ sớm triển khai liều tiêm tăng cường vaccine ngừa COVID-19 để bảo vệ người dân trước sự lây lan của biến thể Delta. Chuyên gia này cho biết trong trường hợp cần thiết, người dân có thể sẽ phải tiêm nhắc lại thường xuyên mỗi năm, để củng cố "lá chắn" phòng bệnh này. Nếu các nhà khoa học phát triển thành công các phiên bản mới của vaccine ngừa COVID-19 nhắm mục tiêu cụ thể là biến thể Delta, thì thời gian để thực hiện mũi tiêm nhắc lại có thể kéo dài hơn.
Mặc dù vậy, chuyên gia David Hui Shu-cheong cũng cho biết do tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi vẫn còn thấp, các biện pháp hạn chế xã hội có thể sẽ không được nới lỏng ngay cả khi chính quyền triển khai liều tiêm tăng cường cho người dân.
Trước đó, các chuyên gia khoa học khác tại Hong Kong cũng đã khuyến cáo rằng những người có khả năng miễn dịch yếu và những người có nguy cơ lây nhiễm cao nên tiêm liều tăng cường của vaccine ngừa COVID-19. Những người đã tiêm vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) có thể tiêm nhắc lại với vaccine của Pfizer/BioNTech, để tạo ra mức kháng thể cao hơn.
Các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu, bao gồm bệnh nhân ung thư, bệnh nhân HIV/AIDS và những người đã trải qua cấy ghép nội tạng, có thể tiêm liều tăng cường ít nhất 4 tuần sau khi thực hiện mũi tiêm trước đó. Những người trên 60 tuổi và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao - bao gồm nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại sân bay và khách sạn sử dụng làm địa điểm cách ly, cùng tài xế xe tải xuyên biên giới - có thể được tiêm nhắc lại 6 tháng sau mũi tiêm thứ 2.
Từ chỗ do dự, nhiều phụ huynh Mỹ trông chờ vaccine COVID-19 cho trẻ nhỏ Từng lo lắng về những phản ứng phụ của vaccine COVID-19, ngày càng nhiều bậc phụ huynh ở Mỹ nhận thấy lợi ích tiêm chủng lớn hơn rủi ro tiềm ẩn. Bridgette Melo, 5 tuổi, tiêm vaccine Pfizer/BioNtech trong một cuộc thử nghiệm tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina. Ảnh: Reuters Theo hãng tin Reuters (Anh), Leah Smithers cho biết cô...