Tỷ lệ lạm phát của Nga trong tháng 4 tăng cao nhất trong 20 năm
Ngày 13/5, cơ quan thống kê Rosstat công bố số liệu cho thấy, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Nga trong tháng 4 đã tăng vọt lên 17,8%, mức cao kỷ lục trong vòng hai thập kỷ qua, một phần do tác động từ những biện pháp trừng phạt của phương Tây sau khi Moskva mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại nước láng giềng Ukraine hôm 24/2 vừa qua.
Đồng xu ruble của Nga (phía trên) và đồng đôla Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Rosstat, giá cả thực phẩm, mối quan tâm lớn đối với những người dân Nga có thu nhập thấp, trong tháng 4 đã tăng bình quân 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số thực phẩm có mức tăng giá mạnh như trái cây và rau quả (33%), mì ống (29,6%), bơ (26,1%).
Ngân hàng Trung ương Nga dự báo, lạm phát của cả năm 2022 có thể lên đến 23% trước khi giảm dần trong năm tới và trở về mức 4% vào năm 2024.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12/5 tuyên bố các nước phương Tây sẽ phải chịu hậu quả lớn hơn từ chính các biện pháp trừng phạt mà những nước này áp đặt với Moskva, đồng thời khẳng định sự bền bỉ của nền kinh tế Nga trước “những thách thức bên ngoài”.
Lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng kỷ lục
Theo phóng viên TTXVN tại New York, Bộ Lao động Mỹ ngày 11/5 công bố tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới tháng 4 vừa qua tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là tháng thứ hai liên tục trong năm nay lạm phát vượt trên 8%.
Người tiêu dùng mua hàng hoá trong siêu thị ở Glendale, California (Mỹ). Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Như vậy lạm phát ở Mỹ trong tháng 3 (8,5%) và tháng 4 năm nay đều tăng tới mức kỷ lục trong hơn 40 năm qua, tính từ tháng 12/1981.
Ngày 11/5, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ra thông cáo báo chí nhận định tình hình lạm phát vẫn cao như vậy cho thấy sự mất cân bằng giữa cung và cầu liên quan tới đại dịch đồng thời giá năng lượng tăng cao đã tạo thêm nhiều áp lực về giá cả đối với nhiều loại mặt hàng. FED cũng cho rằng cuộc xung đột Nga - Ukraine và những vấn đề liên quan tới cuộc chiến này đang tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với tỷ lệ lạm phát và điều này chắc chắn ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Theo Bộ Lao động Mỹ, mặc dù tỷ lệ lạm phát trong tháng 4 có thấp hơn tháng 3 một chút chủ yếu nhờ giá xăng dầu có hạ nhiệt, tuy nhiên kể từ ngày 10/5 vừa qua thì giá xăng lại tiếp tục leo thang. Giá cả rau quả, thực phẩm, các loại dịch vụ và giao thông đi lại, nhất là bằng đường hàng không đều tăng đáng kể; giá vé máy bay tăng 18,6% trong tháng 4 so với tháng 3, mức tăng có thể nói là nhanh kỷ lục; giá ăn uống tại các nhà hàng cũng tăng 0,9% - mức tăng nhiều nhất kể từ tháng 10/2021.
Giá các loại xe biến động khó lường trong tháng 4 dù đã tăng mạnh kể từ năm 2021 do thiếu cung. Giá ô tô đã qua sử dụng và xe tải tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng có giảm so với mức tăng 35,3% trong tháng 3. Tuy nhiên, giá xe mới lại tăng tới 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng lớn nhất trong 12 tháng, tính từ năm 1949.
Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đã tăng vọt kể từ đầu năm 2021 khi nền kinh tế nước này bắt đầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, thậm chí khiến các chuỗi cung bị đứt gãy và chính sự mất cân bằng cung cầu đã tạo áp lực khiến giá cả tăng cao, chưa kể các nguyên nhân khác.
FED hiện đối mặt với bài toán rất khó là làm sao có thể thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát và hạ nhiệt nền kinh tế mà lại không hạn chế tăng trưởng và gây ra suy thoái. Trong khi đó, giới chuyên gia tại địa bàn tính toán rằng để giữ cho nền kinh tế ổn định, FED phải nỗ lực để đưa được tỷ lệ lạm phát của Mỹ về mức 2%.
Viện nghiên cứu kinh tế Ifo hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Đức Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Đức trong năm 2022 chỉ nằm trong khoảng từ 2,2%-3,1%, giảm mạnh so với mức dự báo 3,7% hồi tháng 12 của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo. Một cụm cảng bốc dỡ hàng tại thành phố Hamburg (Đức). (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN) Theo Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, tăng trưởng kinh tế của Đức - nền...