Tỷ lệ học sinh TP.HCM bị béo phì và tật khúc xạ ở mức cao
Sở Y tế TP.HCM cho biết tỷ lệ học sinh TP.HCM mắc bệnh béo phì và tật khúc xạ khá cao, nhiều năm qua không có dấu hiệu giảm.
Trong cuộc họp giữa UBND TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM và các sở, ban, ngành về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 chiều 11/3, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết mỗi năm, ngành giáo dục phối hợp ngành y tế tổ chức khám sức khỏe cho khoảng 90% học sinh trên toàn thành phố.
“Nói chung, tình hình sức khỏe, chiều cao, thể lực của học sinh TP.HCM được cải thiện so với trước đây nhưng có 2 vấn đề rất đáng quan tâm là bệnh béo phì và tật khúc xạ trong học sinh còn cao”, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.
Ông cho biết nếu tỷ lệ suy dinh dưỡng trong học sinh hiện nay đã rất thấp và có xu hướng giảm, tỷ lệ béo phì vẫn cao và chưa có dấu hiệu giảm. Tùy từng cấp học, tỷ lệ này là 15-32%. Một số thành phố .lớn cũng có tỷ lệ học sinh bị bệnh béo phì tương tự TP.HCM.
Vấn đề thứ hai là tỷ lệ tật khúc xạ (loạn thị và cận thị), trong đó, phần lớn học sinh bị cận thị. Qua nhiều năm, tỷ lệ này vẫn chưa giảm, trung bình 20-30%, tùy cấp học.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: M.N.
Để giải quyết vấn đề bệnh béo phì đối với học sinh, hàng năm, Sở Y tế TP.HCM phối hợp UBND quận, huyện tập huấn cho nhân viên y tế học đường thực hành dinh dưỡng, cung cấp tài liệu để tăng cường giáo dục dinh dưỡng cho cân đối.
“Sắp tới, chúng ta cần làm việc này nhiều hơn, mạnh mẽ hơn để làm sao tiến tới khống chế và giảm tỷ lệ học sinh béo phì trong học sinh”, ông Hưng đặt vấn đề.
Video đang HOT
Nguyên nhân tỷ lệ cận thị, loạn thị còn cao, theo ông Hưng, là học sinh thành phố sử dụng nhiều thiết bị điện tử, ít vận động và ngồi không đúng tư thế.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết thêm trong những năm gần đây, việc tuyển nhân viên y tế học đường gặp khó khăn. Việc này phần nào ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe học sinh.
“Nhân viên y tế học đường là cầu nối quan trọng giữa ngành y tế và ngành giáo dục để chăm sóc sức khỏe học sinh. Nhiều người cho rằng nếu không có nhân viên y tế trường học thì sử dụng trạm y tế phường nhưng tôi cho rằng không phù hợp”, ông Hưng nêu quan điểm.
Ông cho rằng trạm y tế phường có rất nhiều công việc, cần lo các vấn đề y tế của cộng đồng, trong khi nhân viên y tế trường học phải chăm sóc sức khỏe học sinh thường xuyên và liên tục.
Không chỉ vậy, y tế học đường còn triển khai các hoạt động y tế trong trường như an toàn thực phẩm, lập kế hoạch theo dõi sức khỏe cho học sinh, hỗ trợ tư vấn cho ban giám hiệu để có đánh giá, theo dõi học sinh.
Qua thống kê của ngành y tế phối hợp ngành giáo dục thành phố, hiện nay, TP.HCM có khoảng 2.000 trường học. Theo quy định, mỗi trường học cần có 1 nhân viên y tế học đường. Chuẩn của nhân viên y tế học đường phải từ y sĩ trở lên, tức là từ trung cấp y trở lên.
“Hiện nay, TP.HCM có gần 1.500 trường có nhân viên y tế đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Còn khoảng 500 nhân viên y tế chưa đạt chuẩn. Trong đó, 382 người có chuyên môn nhưng không phải là trung cấp y và 138 người không có chuyên môn y tế”, ông Hưng cho biết.
Để khắc phục tạm thời, Sở Y tế TP.HCM phối hợp Sở GD&ĐT TP.HCM biên soạn chương trình tập huấn, để những người này biết được một số kỹ năng cần thiết trong 3-4 ngày tập huấn.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Đại diện Sở Y tế TP.HCM đề nghị thành phố cần tiếp tục kiên trì kiến nghị việc tuyển dụng nhân viên y tế để các trường kiện toàn đầy đủ đội ngũ này.
Trong cuộc họp, Sở Y tế TP.HCM đề xuất giữa ngành y tế và giáo dục của thành phố cần có ban chỉ đạo y tế dự phòng để hai sở bàn những vấn đề chiến lược liên quan sức khỏe học sinh.
Học trò '4 mắt', vì sao ngày càng nhiều?
Số học trò '4 mắt' chiếm hơn một nửa trong một lớp không còn là điều lạ lẫm ở nhiều trường học. Bên cạnh béo phì, cong vẹo cột sống thì tật khúc xạ trở thành vấn đề ở học đường phổ biến hiện nay.
Học sinh được khám mắt trong đợt kiểm tra sức khỏe đầu năm học - ẢNH: THÚY HẰNG
Ngày 1.3, học sinh sẽ quay trở lại trường sau thời gian học trực tuyến tại nhà. Vậy làm sao để chăm sóc, bảo vệ "cửa sổ tâm hồn" tốt hơn, đặc biệt là trong thời buổi các em đều sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn trước?
Một lớp có 50% học sinh "4 mắt"
Nhiều người thấy học trò đeo kính thường gọi chung là "bị cận thị", tuy nhiên chưa chính xác. Theo các bác sĩ, tật khúc xạ là một rối loạn mắt, khi mắt không thể tập trung rõ ràng các hình ảnh mắt thu về. Có 3 tật khúc xạ của mắt là cận thị, viễn thị và loạn thị.
Chăm sóc, bảo vệ mắt thế nào?
Bác sĩ chuyên khoa 1 Bùi Trung Hậu cho hay nên kiểm tra định kỳ mắt 6 tháng - 1 năm một lần, với những người có tật khúc xạ thì thời hạn kiểm tra định kỳ nên 3 tháng một lần để xem có tăng độ hay không. Khi đi khám mắt, nên tới phòng khám hoặc bệnh viện uy tín, không nên tự đi mua kính cho trẻ ở những nơi không rõ nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đó, các em nên năng động, tham gia nhiều hoạt động thể dục thể thao, ngoại khóa ngoài trời, để giảm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử. Ngồi đúng tư thế, điều kiện ánh sáng tốt, giữ khoảng cách từ mắt tới màn hình, sách, truyện là trên 20 cm. Với trẻ nhỏ, thời gian khuyến khích giải trí với thiết bị điện tử là 30 - 60 phút mỗi ngày.
Đầu năm học, chúng tôi tới Trường THCS Ba Đình (Q.5, TP.HCM) vào giờ học thể dục của một lớp 8. Lớp có hơn 40 học sinh nhưng đếm sơ sơ đã có 20 em đeo kính. Tới căng tin Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1) vào giờ trưa, từng nhóm ngồi ăn cơm thì có bàn cả 5 - 6 em đều đeo kính. Tại sân Trường tiểu học Bông Sao (Q.8) vào giờ ra chơi, nhiều học sinh lớp 1 đã "4 mắt". Các chiếc kính này đều có thêm một sợi dây nhỏ để giữ cho khỏi rơi trong quá trình các em chạy nhảy, đùa nghịch. Nhân viên y tế của một trường học nói vui với chúng tôi: "Bây giờ ở nhiều lớp học thì tìm học sinh "4 mắt" dễ hơn là tìm các em còn lại".
Vì sao càng ngày số học sinh có tật khúc xạ ở mắt nhiều hơn, và độ tuổi mà các em phải đeo kính ngày càng thấp hơn? Bác sĩ chuyên khoa 1 Bùi Trung Hậu, làm việc tại Bệnh viện quốc tế Minh Anh (Q.Bình Tân, TP.HCM), cho hay không hẳn là trước đây thì số học sinh mắc tật khúc xạ ít hơn bây giờ, mà có thể nhìn nhận ở góc độ, khi chất lượng cuộc sống được tăng lên, gia đình có điều kiện quan tâm sức khỏe con em mình hơn, cho đi kiểm tra mắt thường xuyên hơn thì sẽ phát hiện các tật khúc xạ ở mắt của con em sớm hơn.
Bác sĩ Bùi Trung Hậu cho biết có nhiều lý do để học trò có tật khúc xạ. Ngoài yếu tố di truyền, có thể kể tới thời gian các em ở trong nhà nhiều hơn, sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn trong thời gian dài hoặc nhìn quá gần, khoảng cách từ mắt tới sách vở, màn hình dưới 20 cm... "Nếu nhìn gần dưới 20 cm hoặc liên tục trong thời gian nhiều hơn 45 phút thì nguy cơ bị tật khúc xạ càng cao", bác sĩ Hậu nói.
Theo bác sĩ Hậu, nếu học sinh bị tật khúc xạ không được sớm phát hiện và điều trị sẽ gây nhiều hậu quả cho sức khỏe của các em. Ví dụ, bị giảm thị lực, lé, nhược thị. Nhiều em không nhìn rõ bảng nhưng không dám nói với giáo viên, phụ huynh, nên tật khúc xạ ngày càng nặng. Lé ảnh hưởng cả sức khỏe, thẩm mỹ của trẻ, khiến trẻ không tự tin trong cuộc sống. Nhiều em bị nhược thị, không thể khôi phục lại thị lực.
Phẫu thuật để không phải đeo kính, có hiệu quả ?
Bác sĩ Hậu cho biết, ngoài việc đeo kính thì các em trên 18 tuổi có thể thực hiện phẫu thuật để điều chỉnh cận, viễn, loạn thị với các phương pháp khác nhau. Việc phẫu thuật có thực hiện được hay không và hiệu quả 100% hay không, chọn lựa phương pháp nào để phẫu thuật tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi bệnh nhân, nên cần phải khám và đánh giá kỹ lưỡng để có kết quả tối ưu.
Bất kể ai muốn phẫu thuật để không phải đeo kính đều phải được khám tại các bệnh viện và có những chỉ định, chống chỉ định từ bác sĩ chuyên môn. "Do đó, không thể chủ quan là cứ có tật khúc xạ thì đi phẫu thuật và cũng không có một phương pháp phẫu thuật nào là hiệu quả cho tất cả bệnh nhân. Chỉ có phương pháp thích hợp nhất trên cụ thể từng bệnh nhân. Quan trọng hơn cả là bảo vệ, chăm sóc đôi mắt cho thật tốt", bác sĩ khuyên.
Cẩn trọng khi dùng kính áp tròng
Sử dụng kính áp tròng để làm đẹp và trong điều trị tật khúc xạ là nhu cầu thiết thực. Song theo các bác sĩ, bạn trẻ đừng ham rẻ mà mua kính áp tròng "trôi nổi", hoặc dùng sai cách, không tuân thủ vệ sinh. Thực tế, từ các diễn đàn trên mạng cho tới các cửa hàng kính vỉa hè, đều không khó tìm thấy các loại kính áp tròng thời trang, đủ màu, có giá bán chỉ từ vài chục ngàn đồng một đôi.
"Nhiều em mua kính loại dùng 1 ngày nhưng lại dùng vài ngày, dùng cả khi đi ngủ qua đêm. Khi đeo kính, tháo kính ra tay không sạch, không ngâm rửa kính vào dung dịch đúng hướng dẫn", bác sĩ Hậu lưu ý. Trong đó, viêm loét giác mạc do dùng kính áp tròng không đúng cách là biến chứng gây nguy hiểm cho mắt, nặng nhất có thể dẫn tới mù.
Nhận biết những đối tượng có nguy cơ cao mắc cận thị Học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng và người thường xuyên tiếp xúc với máy tính, thiết bị điện tử là những đối tượng có nguy cơ cao mắc cận thị. Việc tìm hiểu những đối tượng có nguy cơ cao mắc cận thị giúp chúng ta có biện pháp phòng tránh và cải thiện thị lực dễ dàng hơn, bảo vệ...