Tỷ giá USD/VND sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2016?
Sau hơn hai tuần Ngân hàng Nhà nước áp dụng điều hành chính sách tỷ giá theo cơ chế mới, mặc dù thị trường kinh tế, tài chính nước ngoài có nhiều thông tin tiêu cực nhưng thị trường ngoại hối Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định của mình.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Dù vậy, thì vẫn còn nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, rằng tỷ giá sẽ biến động như thế nào trong năm 2016, tại sao tỷ giá trung tâm tăng mà tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lại giảm, đặc biệt là thông tin người dân gửi USD nhưng lại rút ra bằng tiền VND.
Sự “lệch pha”
Sau hơn nửa tháng áp dụng điều hành chính sách tỷ giá theo cơ chế mới, có một hiện tượng xảy ra là tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đồng đôla Mỹ tăng hơn 20 đồng so với cuối năm 2015, trong khi đó tỷ giá tại các ngân hàng thương mại lại điều chỉnh giảm khoảng 50-60 đồng.
Lý giải điều này, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cho biết thị trường đã phản ứng tương đối tích cực với cách thức điều hành tỷ giá mới. Tính đến cuối giờ chiều ngày 18/1, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giao dịch ở mức 22.400 đồng (VND)/USD, thấp hơn khoảng 120 đồng so với mức phổ biến là 22.520 VND trong giai đoạn cuối năm 2015. Tỷ giá niêm yết ở mức 22.350-22.420 VND/USD, giảm khoảng 130 đồng so với cuối năm trước, là mức thấp nhất trong hơn 2 tháng qua. Các giao dịch ngoại tệ trên thị trường diễn ra thông suốt, thanh khoản của thị trường tốt.
Tuy nhiên, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam diễn biến tăng/giảm linh hoạt hàng ngày, đến ngày 18/1 ở mức 21.913 VND/USD, tăng 24 VND/USD so với cuối năm 2015, chủ yếu do tác động của diễn biến trên thị trường thế giới như đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh tác động giảm giá một số đồng tiền châu Á, chứng khoán Trung quốc suy giảm, chỉ số USD tăng cao….
Diễn biến trên cho thấy cách thức điều hành tỷ giá mới đã làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua.
Ông Dũng khẳng định, diễn biến tích cực này của thị trường ngoại tệ diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới liên tục có nhiều biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi cho thấy cách thức điều hành tỷ giá mới của Ngân hàng Nhà nước không chỉ hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ mà còn giúp thị trường ngoại tệ hấp thu tốt hơn các cú sốc bên ngoài.
Là một người cũng đã có nhiều năm kinh doanh về ngoại tệ, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị LienVietPostBank cho rằng, thực tế trong thời gian qua, khi áp dụng cơ chế tỷ giá mới, có nhiều lúc tỷ giá thực tế thị trường lại giảm so với tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước. Đây là một sự “lệch pha” trái ngược so với những năm trước đây.
Ông Hưởng lý giải, trước đây tỷ giá trên thị trường tự do luôn luôn “trên trời”, làm cho tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước phải chạy theo, có khi phải bán ngoại tệ để ổn định thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Video đang HOT
Hiện nay, sự “lệch pha” này thật đáng mừng. Vì thể hiện rõ yếu tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ đã bị đẩy lùi; các chính sách vừa qua cùng cơ chế mới đã khơi thông các dòng chảy ngoại tệ trên thị trường. Với thị trường, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là thanh khoản và Ngân hàng Nhà nước kích thích được yếu tố đó. Cung ngoại tệ được kích thích, cung tăng thì tỷ giá giảm là dễ hiểu.
Tỷ giá sẽ không biến động lớn
Một trong những nỗi lo của thị trường, doanh nghiệp đó là với chính sách tỷ giá mới, tỷ giá có thể sẽ biến động lớn với biên độ rộng. Trấn an thị trường, ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank cho rằng, cơ chế tỷ giá mới là linh hoạt, có tính thị trường vì phản ánh được mọi diễn biến thị trường cả quốc tế và trong nước. Việc dự báo luôn là khó và mỗi khi điều kiện kinh tế tài chính thay đổi, theo ông Trịnh Quang Anh, lại phải điều chỉnh lại dự báo đã thực hiện trước đó.
“Với bối cảnh hiện tại, cá nhân tôi cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ tăng đâu đó khoảng 4% trong năm nay,” ông Trịnh Quang Anh đưa ra dự báo.
Còn ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định năm 2016 và những năm tiếp theo, tổng ngoại tệ vào Việt Nam vẫn lớn hơn tổng ngoại tệ ra khỏi Việt Nam. Nói cách khác cung cầu ngoại tệ về cơ bản là dư thừa nếu Việt Nam khắc phục được tình trạng găm giữ ngoại tệ.
“Với cơ chế mới về quản lý ngoại hối và các biện pháp ngăn chặn tình trạng găm giữ đã được Ngân hàng Nhà nước công bố có thể thấy biến động của tỷ giá hối đoái không lớn, khoảng 3%,” ông Nghĩa dự báo.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Bùi Quốc Dũng nhấn mạnh tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD sẽ linh hoạt nhưng vẫn có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Dũng cho biết, trong năm nay Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ kỳ hạn như một biện pháp kỹ thuật để định hướng vùng mục tiêu tỷ giá cho doanh nghiệp và thị trường nắm được. “Ngân hàng Nhà nước đã bán ngoại tệ phái sinh kỳ hạn 3 tháng cho các tổ chức tín dụng với giá cao hơn 1% so với tỷ giá hối đoái tại thời điểm 31/12/2015. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước gửi thông điệp rằng vùng mục tiêu tỷ giá trong 3 tháng đầu năm sẽ biến động chỉ khoảng 1%,” ông Dũng nhấn mạnh.
Gửi USD, rút VND có thể từ 2017
Nhiều người dân tỏ ra lo lắng về thông tin cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ áp phí gửi USD, gửi mà rút ra thì chỉ được rút bằng tiền đồng, ông Nghĩa cho biết, chính sách này nằm trong lộ trình chống “đôla hóa” và làm tăng lợi thế của VND trên thị trường nội địa. Nó có thể sẽ được áp dụng khi Ngân hàng Nhà nước công bố kết thúc chương trình chống “đôla hóa” và ông dự đoán vào khoảng năm 2017.
Còn ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC thì cho rằng, các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế việc găm giữ ngoại tệ sẽ được Ngân hàng Nhà nước áp dụng. Lãi suất tiền gửi USD gần đây đã điều chỉnh về 0% cũng là một trong các biện pháp kỹ thuật này. Việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng phí gửi ngoại tệ và rút ra bằng tiền đồng sẽ được xem xét kỹ lưỡng nhằm đảm bảo lợi ích của người gửi tiền, sự an toàn của hệ thống ngân hàng để tránh việc người dân rút tiền gửi ngoại tệ ra khỏi hệ thống ngân hàng, và sự ổn định của thị trường ngoại hối.
“Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước sẽ có một lộ trình dài hạn và từng bước trước khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật này,” ông Hải dự đoán.
Theo Thúy Hà (Vietnamplus)
Cơ chế tỷ giá mới: Hiểu sao cho đúng?
10 ngày, không quá ngắn nhưng cũng chưa đủ dài để có thể hiểu về cơ chế tỷ giá mới với việc chuyển cơ chế công bố 'quota'
Để giúp độc giả hiểu rõ ràng, chính xác hơn về cơ chế mới từ cơ quan quản lý, chúng tôi đã liên hệ với các chuyên gia và đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để giải đáp một số khúc mắc.
3 cấu phần tỷ giá, đâu là yếu tố quan trọng nhất?
Theo thông báo của NHNN, cơ chế tỷ giá trung tâm dựa trên 3 cấu phần, gồm: tỷ giá bình quân gia quyền liên ngân hàng; biến động của 8 đồng tiền của các nước, vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại, đầu tư lớn với Việt Nam; và dựa vào cân đối vĩ mô. Cho đến nay, NHNN vẫn chưa đưa ra một công bố chính thức nào liên quan đến việc trong 3 cấu phần ấy thì đâu là yếu tố quan trọng nhất.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ cho biết, NHNN dựa vào đầu tiên là diễn biến tỷ giá quốc tế của 8 đồng tiền gồm Nhân dân tệ (Trung Quốc), Baht (Thái Lan), SGD (Singapore), Euro (EU), Won (Hàn Quốc), TWD (Đài Loan), Yên (Nhật Bản) và USD; tiếp đó là tỷ giá bình quân gia quyền trên liên ngân hàng, cuối cùng là cân đối các yếu tố vĩ mô.
Cân đối vĩ mô ở đây, theo ông Dũng, cũng sẽ liên quan đến các vấn đề cả kinh tế trong nước lẫn quốc tế, bao gồm về đầu tư, thanh toán, thương mại. NHNN sẽ không can thiệp bằng tay một cách chủ quan lên tỷ giá.
NHNN bán phái sinh ngoại tệ cho NHTM như thế nào?
Trong cơ chế mới về tỷ giá, NHNN còn bổ sung thêm nghiệp vụ bán phái sinh ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại.
Theo TS. Bùi Quang Tín, Giảng viên trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh, trên thực tế đã có một số ngân hàng trung ương trên thế giới thực hiện can thiệp ngoại hối bằng hợp đồng kỳ hạn tại một số thời điểm như Thái Lan, Ấn Độ, Mexico. Theo đó, sau khi ký hợp đồng bán kỳ hạn cho khách hàng, NHTM có thể đến NHTW mua kỳ hạn "đối ứng" ngoại tệ để đáp ứng cho chính hợp đồng đó. Tuy nhiên, cách thức can thiệp như vậy khiến NHTW ở thế "bị động", không có nhiều tác dụng trấn an tâm lý thị trường. Chính vì thế, theo thống kê của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), hình thức can thiệp này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với can thiệp giao ngay.
Tuy nhiên, TS.Tín đánh giá, phương thức can thiệp kỳ hạn của NHNN vừa thực hiện là rất mới và khác biệt so với các nước. Cụ thể, NHNN thực hiện bán ngoại tệ kỳ hạn cho TCTD một cách chủ động nhằm điều tiết cung cầu thị trường, chứ không phụ thuộc vào các hợp đồng kỳ hạn TCTD đã ký với khách hàng. Thông qua việc chủ động bán kỳ hạn ngoại tệ cho TCTD với mức tỷ giá xác định trong tương lai, NHNN có thể giúp các TCTD yên tâm bán ngoại tệ khi nhu cầu ngoại tệ tăng cao, qua đó thúc đẩy thị trường tự cân đối được cung cầu ngoại tệ.
"Thị trường ngoại tệ có yếu tố thời vụ, có lúc căng thẳng nhưng có lúc dư thừa. Trước đây khi thị trường căng thẳng, TCTD phải mua USD giao ngay từ NHNN và NHNN cũng sẽ phải mất ngay một nguồn ngoại tệ nhất định. Nhưng với cơ chế mới, NHNN cho phép các TCTD được mua phái sinh, tức là khuyến khích họ sẵn sàng cung USD ra thị trường, khi nào thị trường hết căng thẳng, ngân hàng mua lại USD từ doanh nghiệp và người dân để bù lại trạng thái, còn nếu không mua đủ để bù đắp trạng thái thì NHNN sẽ bán ngoại tệ cho theo hợp đồng phái sinh với vai trò là người bán cuối cùng", ông Tín nói.
Ngân hàng nào được mua phái sinh ngoại tệ?
Có những lo ngại rằng, với việc khuyến khích hủy ngang các hợp đồng phái sinh, các ngân hàng thương mại sẽ đẩy mạnh mua USD từ NHNN.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi từ phía NHNN, trước đây các ngân hàng bị âm trạng thái ngoại tệ từ 5% trở lên mới được phép mua từ NHNN, và với cơ chế mới NHNN cũng vẫn duy trì quy định đó.
Việc NHNN khuyến khích hủy ngang hợp đồng chính là muốn để cho thị trường tự quyết định dựa trên cung cầu thực sự. Bởi lẽ, về bản chất giao dịch kỳ hạn giữa NHNN với TCTD là nhằm mục tiêu định hướng, khuyến khích TCTD bổ sung thêm nguồn cung ngoại tệ cho thị trường khi thiếu hụt chứ không phải là hoạt động "đối ứng" với các giao dịch kỳ hạn giữa TCTD với doanh nghiệp và người dân. Do đó NHNN không áp dụng phí hủy ngang hợp đồng như giao dịch kỳ hạn giữa TCTD với khách hàng là phù hợp.
Bên cạnh đó, nếu áp dụng phí hủy ngang, TCTD sẽ không có động cơ hủy hợp đồng ngay cả khi có điều kiện thuận lợi hơn, do đó sẽ không khuyến khích thị trường tự cân đối cung cầu trong khi lại làm sụt giảm dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Xu hướng tỷ giá năm nay sẽ thế nào?
Trước đây, ngay từ đầu năm, lãnh đạo NHNN thường phát đi thông điệp rằng "tỷ giá năm nay sẽ ổn định, NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá quá X%..." giúp doanh nghiệp và thị trường chủ động được các kế hoạch kinh doanh, sản xuất.
Nhưng năm nay, với cơ chế tỷ giá mới, điều đó đã không lặp lại. Thay vào đó, NHNN sử dụng công cụ kỳ hạn như một biện pháp kỹ thuật để định hướng vùng mục tiêu tỷ giá cho doanh nghiệp và thị trường nắm được. Cụ thể, mới đây là việc bán ngoại tệ phái sinh kỳ hạn 3 tháng cho các NHTM với mức chênh lệch 1% so với giá bán của NHNN ngày 31/12/2015. Qua đó, NHNN gửi thông điệp rằng vùng mục tiêu tỷ giá trong 3 tháng đầu năm sẽ biến động chỉ khoảng 1%. Được biết sắp tới, NHNN có thể đưa ra các kỳ hạn dài hơn so với kỳ hạn 3 tháng đang áp dụng.
Với cơ chế mới, nên giữ tiền đồng hay USD?
Theo phân tích của các chuyên gia, với cơ chế mới thì đầu cơ ngoại tệ để chờ điều chỉnh tỷ giá 1-2%/lần như trước đây là không thể. Vì vậy, với lãi suất gửi tiền đồng hiện phổ biến hơn 7%/năm, tức mỗi quý có lãi gần 2%/năm thì việc doanh nghiệp và người dân giữ USD để đổi lấy kỳ vọng tỷ giá trong cả quý 1 chỉ tăng khoảng 1% rõ ràng không có lợi bằng việc chuyển sang tiền đồng./.
Theo_VOV
Tấm đệm tỷ giá: Giảm sốc cho thị trường Trong tuần đầu áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, mặc dù thị trường kinh tế, tài chính nước ngoài có nhiều thông tin tiêu cực nhưng thị trường ngoại hối Việt Nam vẫn đang duy trì được sự ổn định, thậm chí còn có diễn biến tích cực. Trong tuần đầu tiên sau khi Việt Nam áp dụng chính sách...