Twitter bị chỉ trích ‘nương tay’ với ảnh chế của Trung Quốc
Thượng nghị sĩ Marco Rubio chỉ trích Twitter không xóa bức ảnh chế lính Australia kề dao vào cổ em bé Afghanistan do quan chức Trung Quốc đăng.
“Twitter mất hơn 36 giờ để điều tra và gắn nhãn một tweet do Triệu Lập Kiên đăng có hình ảnh giả mạo có thể kích động bạo lực chết người”, Rubio ngày 1/12 tweet, đề cập đến việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng bức ảnh giả mạo về binh sĩ Australia.
Bức ảnh được ông Triệu đăng hôm 30/11, được tạo ra bằng phần mềm đồ họa máy tính, mô phỏng hình ảnh một người lính Australia kề con dao nhuốm máu vào cổ một em bé Afghanistan đang ôm một con cừu. Twitter sau đó ẩn bức ảnh dưới nhãn cảnh báo bài đăng này “có thể chứa nội dung nhạy cảm”.
Rubio cho rằng Twitter “đã không làm gì” để ngăn thông tin không đúng sự thật của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc được lan truyền trong thời gian dài, trong khi “những tweet của Trump bị gắn nhãn chỉ sau vài phút”, đề cập đến các bài đăng của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục bị Twitter cảnh báo thông tin không đúng sự thật hoặc gây tranh cãi.
Ảnh chế do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chia sẻ trên Twitter ngày 30/11. Ảnh: Twitter/ Zhao Lijian .
“Điều này bác bỏ niềm tin rằng Twitter không biết gì về bức ảnh, vốn mô tả sai lệch hình ảnh một binh sĩ Australia kề con dao đầy máu vào cổ họng một em bé Afghanistan. Thủ tướng Australia Scott Morrison đã yêu cầu gỡ bức hình đó”, Rubio viết trong thư gửi Jack Dorsey, CEO của Twitter, cùng ngày.
Video đang HOT
“Tuy nhiên, dường như Twitter cố tình quyết định không gỡ hoặc thậm chí không dán nhãn cảnh báo. Chúng tôi biết công ty các bạn có khả năng hành động nhanh chóng. Các bạn thường xuyên dán nhãn cảnh báo tweet của những người quan trọng của Mỹ trong kỳ bầu cử. Đôi khi việc này diễn ra chỉ vài phút sau khi dòng tweet được đăng”, Rubio viết tiếp.
Rubio sau đó đặt một loạt câu hỏi cho Dorsey và yêu cầu CEO này làm rõ Twitter sẽ có những bước đi nào để “tránh sai lầm này trong tương lai”.
Người phát ngôn của Twitter xác nhận với Fox News rằng Dorsey đã nhận được thư của Rubio và “sẽ có hồi đáp”. Người này cũng giải thích rằng bức ảnh của ông Triệu “đã bị gắn nhãn nhạy cảm”.
Tháng trước, Twitter bị chỉ trích vì cho phép tài khoản của People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng dòng tweet cho rằng Covid-19 “có thể xâm nhập vào Trung Quốc từ các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu”. Dòng tweet này tồn tại tới vài ngày, bất chấp làn sóng chỉ trích mạnh mẽ.
Trong khi đó, hồi tháng 10, Twitter lại kiểm duyệt một dòng tweet của Tổng thống Trump so sánh Covid-19 với bệnh cúm thông thường.
“Mùa cúm đang đến! Hàng năm khoảng hơn 100.000 người thiệt mạng vì cúm dù đã có vaccine. Chúng ta có cần đóng cửa đất nước? Không, chúng ta cần học cách chung sống với cúm giống như chúng ta học cách chung sống với Covid-19 tại hầu hết các khu vực dân cư có tỷ lệ người thiệt mạng thấp hơn nhiều”, Trump viết trên Twitter thời điểm đó.
Không lâu sau khi dòng tweet này được đăng, Twitter dán nhãn cảnh báo “thông tin gây hiểu nhầm và có thể có hại liên quan đến Covid-19″, dù quyết định không xóa nó “vì lợi ích của công chúng”.
New Zealand quan ngại việc Trung Quốc đăng ảnh lính Australia kề dao ở cổ trẻ em
New Zealand nêu quan ngại với Trung Quốc về việc quan chức ngoại giao nước này đăng tải hình ảnh lính Australia cầm dao dí cổ một đứa trẻ Afghanistan.
"New Zealand đã trực tiếp nêu ra mối quan ngại với chính phủ Trung Quốc về việc sử dụng hình ảnh đó. Đó là một bài đăng không căn cứ vào sự thật và tất nhiên điều đó sẽ liên quan tới chúng tôi. Vì vậy, đó là điều mà chúng tôi đã trực tiếp nêu ra theo cách mà New Zealand làm khi chúng tôi có những lo ngại như vậy", Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói với các phóng viên.
Duy trì đồng thời lợi ích ngoại giao, thương mại và chính trị lâu dài với cả Trung Quốc và Australia, New Zealand hiểu rất rõ về căng thẳng leo thang thời gian qua giữa Canberra và Bắc Kinh.
New Zealand có một lịch sử chung, quan hệ văn hóa chặt chẽ, gần gũi về địa lý và mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Australia. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước, với thương mại hai chiều đạt trên 23 tỷ USD.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. (Ảnh: Reuters)
Tuyên bố của Thủ tướng Ardern được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Australia đang leo thang căng thẳng liên quan tới bức ảnh người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng lên Twitter hôm 30/11.
Trong ảnh là hình một người lính trong bộ quân phục Australia cầm dao đặt vào cổ một đứa trẻ. Đi kèm bức ảnh là bình luận của ông Triệu: "Bị sốc trước việc lính Australia sát hại thường dân và tù nhân Afghanistan. Chúng tôi lên án mạnh mẽ những hành vi như vậy và kêu gọi họ có trách nhiệm".
Thủ tướng Scott Morrison ngay sau đó chỉ trích gay gắt Bắc Kinh về bài đăng này. Ông cho rằng bức ảnh là "giả mạo", "thái quá", yêu cầu Trung Quốc đưa lời xin lỗi chính thức cũng như xóa ảnh ngay lập tức.
"Australia đang chờ một lời xin lỗi từ chính phủ Trung Quốc về bài đăng xúc phạm này. Nó hoàn toàn thái quá và không thể biện minh trên bất kỳ cơ sở nào. Chính phủ Trung Quốc nên thấy xấu hổ về bài đăng này. Nó làm giảm giá trị của họ trong mắt cộng đồng thế giới ", ông Morrison cho hay.
Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ lời kêu gọi xin lỗi này.
"Phía Australia đang phản ứng rất mạnh mẽ với dòng tweet của đồng nghiệp của tôi. Điều này có nghĩa là họ nghĩ rằng việc sát hại dã man sinh mạng người Afghanistan là chính đáng? Mạng sống của người Afghanistan là vấn đề quan trọng... Những người lính Australia không nên cảm thấy xấu hổ sao?", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh trong buổi họp báo chiều 30/11.
Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc xấu đi đáng kể sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Tháng trước, Trung Quốc vạch ra một danh sách mà nước này bất bình về chính sách đầu tư nước ngoài, an ninh quốc gia và nhân quyền của Australia, khẳng định Canberra cần phải sửa chữa các hành động của mình để khôi phục mối quan hệ song phương với Bắc Kinh.
Australia yêu cầu Trung Quốc xin lỗi Australia yêu cầu Trung Quốc phải xin lỗi sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng ảnh binh sĩ Australia giết trẻ em Afghanistan. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay đăng trên tài khoản Twitter hình ảnh một binh sĩ Australia tươi cười trong lúc cầm con dao dính máu kề vào cổ...