Twitter bị cáo buộc cố tình vi phạm luật pháp của Nga
Ngày 1/3, Roskomnadzor – cơ quan giám sát thông tin và truyền thông LB Nga – đã cáo buộc mạng xã hội Twitter cố tình vi phạm luật pháp của Nga khi không tuân thủ một số yêu cẩu của cơ quan này về việc xóa các nội dung bị cấm.
Biểu tượng mạng xã hội Twitter. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo cơ quan trên, từ năm 2017 đến nay, mạng xã hội Twitter đã không xóa 2.862 tài liệu chứa các nội dung bị cấm. Các nội dung này bao gồm như hướng dẫn các cách tự tử, kích động hành vi tự tử, tuyên truyền các tài liệu có tranh ảnh khiêu dâm trẻ vị thành nhiên, hay thông tin về cách điều chế và sử dụng ma túy… Tổng cộng cơ quan này đã gửi đến ban quản lý Twitter hơn 28.000 yêu cầu xóa các tài liệu đăng tải có thông tin không phù hợp này.
Từ ngày 1/2 vừa qua, đạo luật yêu cầu các mạng xã hội phải phát hiện và ngăn chặn việc phát các nội dung không phù hợp trên nền tảng của mình chính thức có hiệu lực tại Nga. Các mạng xã hội cần ngay lập tức áp dụng biện pháp cần thiết phù hợp. Trong trường hợp không thể tự đánh giá nội dung đăng tải có vi phạm luật hay không, trong vòng 24 giờ, ban quản lý mạng xã hội phải gửi thông tin cho Roskomnadzor.
Twitter chưa bình luận gì bình luận về cáo buộc này.
Tòa án Nga khẳng định nước này không vi phạm Công ước châu Âu trong vụ Navalny
Tòa án thành phố Moskva của Nga ngày 28/2 khẳng định không có vi phạm về Công ước bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản trong phán quyết thay thế án treo bằng án phạt tù đối với lãnh đạo phe đối lập Nga Alexey Navalny.
Ông Alexey Navalny. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Nội dung phán quyết của tòa được hãng thông tấn TASS đăng tải nêu rõ: "Tòa phúc thẩm không tìm thấy vi phạm nào đối với các quyền hiến pháp, Công ước Bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản trong quá trình xem xét kiến nghị liên quan đến người bị kết án, ông Navalny, cũng như những vi phạm về các quy tắc trong luật tố tụng có thể là lý do để hủy phán quyết (kết án tù đối với ông Navalny), bao gồm cả lý do được đưa ra trong các lập luận bào chữa".
Bên cạnh đó, phán quyết cũng lưu ý: "Không thể xem xét phán quyết của Tòa án nhân quyền châu Âu về việc trả tự do ngay lập tức (cho ông Navalny) mà phía luật sư bào chữa đưa ra vì phiên tòa này không phải là phiên tòa cao hơn đối với hệ thống tư pháp Nga và không có quyền đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào hoặc can thiệp vào các hoạt động của các tòa án quốc gia liên quan đến việc thực thi các phán quyết đã có hiệu lực. Vấn đề này chỉ thuộc thẩm quyền của các tòa án Nga theo luật pháp quốc gia".
Trước đó, luật sư Olga Mikhailova của ông Navalny đã đệ đơn lên Tòa án thành phố Moskva đề nghị trả tự do ngay lập tức cho ông Navalny trên cơ sở phán quyết của Tòa án Strasbourg đưa ra giữa tháng 2/2021 về việc yêu cầu Nga thả ông Navalny ngay lập tức.
Đầu tháng 2 vừa qua, một tòa án ở thủ đô Moskva đã chấp thuận đề nghị của cơ quan công tố về áp dụng hình thức tù giam đối với Navalny do ông liên tục không thực hiện yêu cầu đến trình diện trong thời gian thụ án treo. Theo quyết định của thẩm phán, bản án 3 năm 6 tháng tù án treo được áp dụng đối với nhân vật này vào năm 2014 được chuyển thành án tù giam.
Cường kích Nga áp sát chiến hạm Mỹ trên Biển Đen Một cường kích Su-24 Nga áp sát từ phía sau, vọt qua mạn trái tàu USS Donald Cook ở khoảng cách gần trên vùng biển quốc tế ở Biển Đen. "Hôm nay, tàu USS Donald Cook hoạt động trên vùng biển quốc tế tại Biển Đen khi một chiếc Su-24 của Nga vượt qua ở khoảng cách gần", Lực lượng Hải quân Mỹ...