Tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai: Thông xe 2 ngày đã “nứt toác”
Sau 2 ngày tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi vào hoạt động, tại km 83, chiều từ Yên Bái về Phú Thọ đã có một vết nứt dài, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông.
Được biết, tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai là tuyến đường cao tốc dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam. Được đầu tư với tổng số vốn gần 1,5 tỷ USD, dài 245km đi qua năm tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Với chiều dài kỷ lục, tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai có 120 cây cầu lớn nhỏ, một hầm chui, đào đắp hơn 100 triệu m3 đất đá và hoàn thành sau 5 năm triển khai. Ngày 21/9 vừa qua con đường đã được làm lễ thông xe, thông đường. Việc nứt đường khiến dư luận nghi ngờ chất lượng công trình của toàn tuyến đường này, liệu có đảm bảo như mong muốn? Hay chỉ là được “giây phút ban đầu”…
Sạt ta luy, nứt đường hàng chục mét
Hiện trường vết nứt gãy tại km 83 đoạn từ Yên Bái đi Phú Thọ.
Video đang HOT
Chiều ngày 23/9, phóng viên Báo Điện tử Xây dựng (baoxaydung.com.vn) tiếp nhận thông tin từ các lái xe và đã tiếp cận hiện trường (ảnh) thì thấy khu vực km83 đoạn từ Yên Bái về đã thấy một vết nứt khá lớn, dài khoảng hơn chục mét, xuống cấp nghiêm trọng, chạy dọc theo tuyến đường. Do nằm ở đoạn cua nên khá nhiều phương tiện đã chủ động né tránh. Nếu đoạn đường nứt vẫn để các phương tiện giao thông chạy qua sẽ rất nguy hiểm và dễ xảy ra tai nạn.
Trao đổi với một số người đang khoan tại đây, các cán bộ phụ trách đều từ chối trả lời vì lý do “tế nhị”. Tiếp tục đi dọc tuyến này, phóng viên phát hiện thêm một số tả luy đã bị nứt lở. Điển hình như đoạn km 103, một ta luy sau cơn mưa đã sạt lở toàn bộ (ảnh), một vài điểm khác thì đang được nhà thầu múc, hót, sửa chữa.
Hiện trường tả luy sạt lở ở km 103, đoạn từ Yên Bái đi Phú Thọ.
Trao đổi với những người dân sinh sống gần đây, nhiều người cho biết: không rõ đơn vị nào là nhà thầu chính bởi ở đây có rất nhiều nhà thầu phụ, nhận lại cho các nhà thầu của Hàn Quốc. Các kè này mới xây được một thời gian, không có ai xâm phạm, không có người đi, lối lại không mà không hiểu tại sao lại đổ sập được.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Dự án này khởi công từ quý 3 năm 2008. Dự án cao tốc Nội Bài-Lào Cai do nhà thầu Hàn Quốc thi công (chiếm 6/8 gói thầu) gồm: Tập đoàn Posco, Keangnam, Doosan. Công ty cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc), Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex (Việt Nam). Toàn bộ dự án có 19 điểm giao cắt với đường quốc lộ cũ và đường nội bộ chính, có thể qua lại một cách an toàn. Với 120 cầu lớn nhỏ (trong đó có 2 cầu lớn là cầu Sông Hồng và Sông Lô với chiều dài 1,68km, rộng 16,5m), Một hầm xuyên núi (530m, cao 9m, rộng 14m), Một hầm chui (giao Quốc lộ2 dài 645m), Đào đắp hơn 100 triệu m3 đất đá, Xử lý mái dốc hơn 1,3 triệu m2, 460 cống hộp và cống phục vụ dân sinh, 895 cống tròn thoát nước các loại; Trên 6 triệu m3 cấp phối đá dăm; gần 1,8 triệu tấn bê tông nhựa các loại, trên 600.000 m3 bê tông; gần 91.000m dài cọc khoan nhồi, Với 13 trạm thu phí, 5 trạm dừng nghỉ rộng 23 ha. Tổng mức đầu tư của dự án đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai đã được điều chỉnh tại quyết định số 3008/QĐ-BGTVT ngày 07/8/2014 của Bộ Giao thông Vận tải là 1,46 tỷ USD (giai đoạn 1) bao gồm vay ưu đãi ADF (ADB) 236,21 triệu USD, vay thông thường OCR (ADB) 1,03 tỷ USD và vốn đối ứng là 170,31 triệu USD cho giải phóng mặt bằng.
Phóng viên Báo Điện tử Xây dựng đã liên lạc đến Tổng Công ty (TCT) Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam để tìm hiểu sự việc. Ông Lê, Thư ký của TCT cho biết: Cũng chưa nắm được gì cả nên chưa trả lời, ông Lê hướng dẫn gọi điện cho ông Thành, Phó TGĐ, tuy nhiên ông Thành không nhấc máy.
Được biết, Dự án này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái có 4 làn, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100km/h và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai có 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 80 km/h.
Trao đổi với phóng viên, kỹ sư Nguyễn Đăng Tâm (Hiệp hội Xây dựng Việt Nam) cho biết: tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai là tuyến đường mới, cho đến ngày thông xe mới cho các xe con, xe tải vào hoạt động. Các phương tiện xe khách cũng chưa lên tuyến đường này để khai thác. Vậy khó có thể nói là đường nứt, hỏng là do các phương tiện giao thông vận tải, xe quá tải, quá khổ gây nên được. Cái chính cần làm rõ là chất lượng của công trình có đảm bảo? Hay các nhà thầu làm ẩu, dẫn đến tình trạng trên.
Cần làm rõ công tác giải phóng mặt bằng
Từ khi dự án hình thành và đi vào đầu tư, phía chủ đầu tư đã chuyển cho Hội đồng GPMB của các tỉnh, TP là Hà Nội , Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Diện tích giải phóng mặt bằng của Dự án là 2.062,38 ha; đền bù giải phóng mặt bằng cho 25.031 hộ dân bị ảnh hưởng; xây dựng 99 khu tái định cư; di dời và xây mới hàng trăm công trình công cộng; Dự án áp dụng chương trình phục hồi thu nhập cho gần 17.000 hộ dân.
Người dân tố cáo những vết nứt của khu tái định cư Đại An, xã An Thịnh.
Tuy nhiên, đã có nhiều khiếu kiện về đất đai như: tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Người dân đã làm đơn khiếu nại về những dấu hiệu sai phạm tại Hội đồng GPMB huyện Văn Yên về những “vô lý” mà người dân gánh chịu. Điển hình như công tác di dân, tái định cư ở xã An Thịnh, gia đình ông Trương Minh Xim, vợ là bà Đoàn Thị Hiền, trú tại thôn Đại An, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái tố cáo: Vì dự án của quốc gia, nhà bà đã bị thu hồi hơn 3.000 m2 đất, trong đó có 300 m2 đất thổ cư. Giá đất thổ cư thu hồi là 100 ngàn m2, sau khi nhận tái định cư, gia đình chỉ còn nhận được 280 m2 đất tái định cư (hụt 20 m2), giá đất lại tính 150 ngàn m2. Cao hơn 50 ngàn/1m2. Bởi vậy, cho đến nay, người dân vẫn chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nhiều người dân cho biết thêm: hiện tại khu tái định cư này chưa có đường dẫn nước sạch vào, người dân không thể đào được giếng vì tái định cư trên quả đồi. Hội đồng GPMB huyện Văn Yên khi trả tiền GPMB cũng “cấu” của một số hộ gia đình số tiền 25 triệu đồng, lý do nộp là tiền “đường – điện”. Đến thực tế khu dân cư, phóng viên quan sát thấy nhiều dấu hiệu “ăn bớt” công trình như: một số bờ kè đã bị nứt, lở, cao trình của khu tái định cư bị “tố” làm cao đến 1,5m, không hạ xuống như thiết kế, yêu cầu người dân ký nhận tiền đền bù GPMB năm 2008, nhưng đến 2010 mới mời nhận tiền, vậy suốt 2 năm, số tiền hàng chục tỷ của người dân nằm “ở đâu” mà không chi trả, chưa kể thu hồi đất ở thời điểm nào thì phải tính tiền thời điểm đó…
Phóng viên Báo Điện tử Xây dựng đã đến trụ sở UBND huyện Văn Yên đề nghị làm việc. Tiếp phóng viên, ông Đức, Chánh văn phòng đã giới thiệu sang gặp Hội đồng GPMB và một báo cáo đầy “tươi sáng” đã được gửi cho phóng viên. Tuy nhiên, khi hỏi về những vấn đề cụ thể như: Thu khoản tiền 25 triệu đồng của dân vào việc gì? Đơn giá đền bù, sao có chuyện thu giá thấp, bán đất giá cao, một số công trình hư hỏng… thì các nhân viên ở đây không trả lời nổi vào thoái thác.
Báo Điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Theo Vietbao