Tượng Phật bốn tay và 2 bia đá kỳ bí ở chùa Linh Sơn
2 bia đá và tượng Phật bốn tay là hiện vật cổ Óc Eo có niên đại hàng ngàn năm, được thờ tại chùa Linh Sơn, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang)…
Di chỉ văn hóa Óc Eo được nhà khảo cổ người Pháp – ông Malleret phát hiện năm 1942. Sau đợt khảo sát các di tích lịch sử văn hóa từ 1985-1987, ở An Giang phát hiện thêm 2 di tích liên quan đến nền văn hóa Óc Eo là hai bia đá lộ thiên và tượng Phật bốn tay tại chùa Linh Sơn. Chùa được xây dựng trên nền đất cao, bao quanh có rất nhiều cây đại thụ, không gian quanh năm mát mẻ và xanh tươi.
Theo Địa chí An Giang, vào năm 1913, tại khu vực dân cư gần chợ Ba Thê, nhân dân phát hiện được tượng Phật. Một nhóm người Khmer phát hiện đầu tiên, từ độ sâu khoảng 2m, họ không thể nào đem tượng Phật lên được đành phải bỏ cuộc.
Nhóm người Việt xung quanh đó hợp sức nhau dùng đòn bẩy và dây gánh tượng lên mặt đất khá dễ dàng. Thế là tượng Phật thuộc quyền sở hữu của người Việt và họ mang về địa điểm như hiện nay.
Một điều thú vị nữa là khi mang tượng về đặt đứng rất ăn khớp giữa hai bia đá cổ. Mặt bia đá khắc chữ lạ chưa ai đọc và hiểu được nội dung nói điều gì.
Từ đó nhân dân xây dựng mái che và trở thành ngôi chùa Linh Sơn để bảo vệ tốt cho tượng Phật và hai bia đá.
Video đang HOT
Sau những lần trùng tu, tôn tạo ngôi chùa, tượng Phật đứng được nghệ nhân đắp thêm phần chân ngồi kiết già,tô chỉnh phần mặt và thân, khiến tượng có dáng vóc là Phật Thích Ca Mâu Ni tọa thiền, nhưng lại có bốn tay.
Những viên gạch phủ rêu được khai quật cùng lúc với tượng Phật bốn tay, được di chuyển về chùa, ốp gạch thành những dốc đá.
Chùa trở thành điểm tâm linh thu hút đông đảo người dân đến chiêm bái. Và cũng là không gian vui chơi yêu thích của những đứa trẻ bản địa bởi không gian mát mẻ, yên bình.
Ngày 18/1/1988, Bộ Văn hóa ra quyết định số 28/VHQĐ công nhận hai bia đá và tượng Phật bốn tay là di tích kiến trúc nghệ thuật. Đây cũng là cơ sở nền tảng để các nhà khảo cổ học tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và khai quật nhiều địa điểm khác quanh phạm vi trung tâm nền văn hóa Óc Eo xã Vọng Thê (huyện Thoại Sơn).
Caravan du lịch An Giang - Sắc màu vùng biên
Chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) sẽ tổ chức chương trình Caravan du lịch (DL) An Giang với chủ đề 'An Giang - Sắc màu vùng biên'.
Chương trình Caravan sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm trực tiếp, hấp dẫn tại các điểm DL; truyền thông để giới thiệu, quảng bá các điểm DL địa phương và tạo hiệu ứng tích cực để thu hút khách DL ngoại tỉnh đến An Giang trong thời gian tới.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, từ ngày 2 đến 4/11, sở sẽ tổ chức chương trình Caravan DL An Giang với chủ đề "An Giang - Sắc màu vùng biên", với cung đường dài khoảng 162km, đi qua các địa phương: Long Xuyên - Thoại Sơn - Tri Tôn - Tịnh Biên - Châu Đốc. Với quy mô khoảng 30 xe và 100 doanh nghiệp (DN) đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố ĐBSCL.
Đây được xem là tour DL Caravan lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh An Giang và là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi sự kiện của Tuần VH-TT&DL chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022); quảng bá về DL An Giang, tạo ra những sản phẩm DL bền vững mang tính đột phá, khác biệt trên nền tảng giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp phát biểu tại Tọa đàm liên kết, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn giữa tỉnh An Giang và TP. Hà Nội
Theo dự kiến chương trình, đoàn Caravan sẽ xuất phát từ TP. Long Xuyên đến huyện Thoại Sơn, di chuyển theo đường vòng núi Sập, ngắm toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm An Giang. Sau đó, đoàn di chuyển đến thị trấn Óc Eo, tham quan Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê (khoảng 450ha) với nhiều di tích phong phú, đa dạng.
Đây là Di tích quốc gia đặc biệt, minh chứng sự tồn tại của nền văn hóa Óc Eo, một trong 3 nền văn hóa cổ tiêu biểu của Việt Nam (cùng với văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh). Với những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ học của vùng ĐBSCL, Óc Eo - Ba Thê đã trở thành điểm DL văn hóa quan trọng của tỉnh và vùng.
Rời huyện Thoại Sơn, đoàn sẽ đến huyện miền núi Tri Tôn - nơi có nhiều di tích văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Trên cung đường này, du khách sẽ không rời mắt khi chiêm ngưỡng cánh đồng trâm (xã Núi Tô). Ở núi Tô, trâm nhiều vô kể, đa số chỉ là cây mọc hoang. Trâm mọc thành vườn dưới chân núi Tô, trâm mọc rải rác trên những cánh đồng, bên lộ...
Từ khoảng tháng 4 đến tháng 7, trâm vào mùa trái chín, khi đó, du khách có thể tự mình hái những trái trâm chín mọng, tím ngắt bên lộ, hay mua trâm của người dân tộc thiểu số Khmer bán bên đường để thưởng thức tại chỗ hay làm quà quê.
Sau khi chinh phục cánh đồng trâm, đoàn sẽ đến hồ Soài Chek. Đây là khu hồ nhân tạo lớn nhất với không gian vô cùng rộng lớn và tĩnh lặng. Con đường nhỏ chạy dài dọc theo hồ Soài Chek với bên phải là hồ; phía sau là dãy Phụng Hoàng Sơn sừng sững, bên phải là cánh đồng lúa vàng.
Hồ dưới chân núi tạo thành một khung cảnh nên thơ giữa núi rừng và trở thành địa điểm khá hấp dẫn, thu hút những người yêu thiên nhiên và những bạn trẻ thích khám phá và chụp ảnh. Du khách có thể tham quan chùa Tà Pạ và ngắm hồ Tà Pạ - nơi được ví như "Tuyệt tình cốc" của An Giang, thu hút nhiều bạn trẻ đến tham quan và chụp ảnh.
Chia tay vùng đất non nước hữu tình Tri Tôn, đoàn Caravan sẽ đến huyện Tịnh Biên, chinh phục núi Cấm - nơi được xem là "nóc nhà miền Tây". Núi Cấm tọa lạc tại xã An Hảo, với độ cao khoảng 710m so mực nước biển, còn gọi là Thiên Cấm Sơn. Đây là ngọn núi cao nhất của vùng Thất Sơn, một vùng sơn địa đặc thù độc đáo của An Giang và ĐBSCL.
Núi Cấm được nhiều người ví như một Đà Lạt thu nhỏ ở Tây Nam Bộ. Ngoài những danh lam thắng cảnh "non nước hữu tình", núi Cấm còn có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với cỏ cây, hoa lá xanh tươi 4 mùa. Du khách hãy dạo quanh hồ Thủy Liêm, chiêm bái tượng Phật Di Lặc, chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn và các khu di tích nằm rải rác ở vồ Thiên Tuế, vồ Đầu, điện Bồ Hong... đi "chợ mây" và thưởng thức đặc sản, như: Bánh xèo, cua núi, ốc núi...
Trên cung đường Caravan, đoàn sẽ đến Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên thực hiện nghi thức chào cờ tại cột mốc 275. Việc hoàn thành xác định vị trí cột mốc 275 thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam - Campuchia trong xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Rời Tịnh Biên, đoàn di chuyển theo hướng Tỉnh lộ 955A, cặp kênh Vĩnh Tế, con kênh gắn liền với thời khai hoang, mở cõi, lập làng, lập ấp của danh thần Thoại Ngọc Hầu. Về đến TP. Châu Đốc, đoàn chinh phục đỉnh núi Sam, với độ cao 284m. Núi Sam không chỉ thu hút du khách với phong cảnh tuyệt đẹp mà còn là điểm DL tâm linh nổi tiếng trong và ngoài nước.
Đường lên đỉnh núi Sam đẹp như một bức tranh phong thủy. Càng lên cao, vùng đất An Giang trù phú càng hiện rõ trong tầm mắt. Đặc biệt, quanh chân núi Sam còn có cả một quần thể di tích lịch sử và văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, như: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An... Trong đó, miếu Bà Chúa Xứ là công trình kiến trúc nguy nga, nổi tiếng linh thiêng. Hàng năm, nơi đây thu hút rất đông du khách đến tham quan, chiêm bái.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, Caravan một loại hình DL phổ biến được nhiều du khách quan tâm, lựa chọn, tham gia và đang dần trở thành trào lưu mới cho những người đam mê xê dịch. Loại hình DL này thoải mái, vừa DL, vừa khám phá, trải nghiệm, vừa có thể kết hợp nhiều hoạt động, như: Check-in, "săn" ảnh đẹp, thưởng thức đặc sản địa phương; tham gia lễ hội, khám phá đời sống của người dân bản địa...
Với việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh DL cùng các chương trình kích cầu DL của tỉnh, hy vọng thời gian tới, DL An Giang sẽ khai thác tốt lượng khách DL nội địa, trong đó có những đoàn Caravan trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ chương trình Caravan DL An Giang, Sở VH-TT&DL sẽ tổ chức Tọa đàm DL An Giang "Sắc màu vùng biên", nhằm lắng nghe ý kiến và trao đổi của các DN DL trong và ngoài tỉnh về tiềm năng khai thác loại hình DL Caravan tại An Giang; đóng góp các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ DL của tỉnh sau chuyến trải nghiệm thực tế.
TRUNG HIẾU
Cận cảnh ngôi chùa xây bằng gỗ lớn nhất miền Tây Chùa Thiên Trúc Thị (tọa lạc tại xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) được xây dựng từ hơn 4.000 m3 gỗ nguyên liệu. Công trình du lịch tâm linh này đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ngôi chùa gỗ này nằm trong khu đất hơn 66.000 m2, thuộc Khu khu Văn hóa đa năng ngoài công lập Thiên Phước, ấp Khúc Tréo B...