Tướng Nhật phân tích ý đồ của Trung Quốc ở Hoa Đông
Cựu tướng không quân Nhật phân tích về ý đồ chiến lược của Trung Quốc trong việc lập vùng nhận dạng phòng không.
Việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không tại biển Hoa Đông đang gây quan ngại cho các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Theo ông Yoshinaga Hayashi, Tổng thư ký Viện nghiên cứu địa chính trị quốc tế của Nhật Bản, sự kiện này đặt ra yêu cầu cấp bách cần xây dựng quy tắc chung cho các vùng nhận dạng phòng không.
Ảnh minh họa 1 trận chiến trên Thái Bình Dương. nguồn: scenicreflections.
Ông Hayashi (sinh năm 1942) vốn là một vị tướng trong Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật Bản. Ông từng là chỉ huy đơn vị cảnh báo giám sát không phận phía bắc và đơn vị không quân chiến thuật số 7.
PV: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ quan ngại hành động của Trung Quốc có thể nhằm mục đích đơn phương “thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và làm leo thang tình hình”, đồng thời nhấn mạnh Nhật Bản “quyết tâm bảo vệ hải phận và không phận của đất nước”. Theo ông, đây là thái độ kiên quyết của Nhật Bản hay chỉ là một phản ứng ngoại giao đơn thuần?
Tổng thư ký Hayashi: Đây là chủ đề thu hút mối quan tâm đặc biệt của người dân Nhật Bản. Sau khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) lên nắm quyền thay thế Đảng Dân chủ (DPJ) cách đây 1 năm, dư luận đã bàn luận đến nhiều chính sách khác nhau của Chính phủ mới, trong đó có các chính sách liên quan đến an ninh, quốc phòng, quản lý khủng hoảng.
Trong số các chính sách đó, LDP có đề cập đến việc xem xét lại đường lối hợp tác an ninh Nhật-Mỹ. LDP cho rằng cần đánh giá lại việc phân chia vai trò đảm bảo an ninh giữa Mỹ và Nhật Bản. Các quy định, sứ mệnh và năng lực quốc phòng đang được hai nước thảo luận.
Trong đó, Tokyo cũng đang kêu gọi xem xét lại cả kế hoạch phòng thủ Nhật Bản. Điều đáng quan tâm nhất trong đó là đánh giá quyền phòng vệ tập thể sẽ thay đổi như thế nào. Về vấn đề an ninh quốc gia, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật về bảo vệ bí mật quốc gia và luật liên quan đến việc thành lập Hội đồng an ninh quốc gia (NSC).
Nói một cách ngắn gọn, tất cả những động thái này cho thấy sự nghiêm túc trong vấn đề an ninh quốc phòng. Tôi cho rằng xét về cả ở LDP, cả cá nhân Thủ tướng Shinzo Abe hay Chính phủ Nhật Bản, chính sách an ninh quốc phòng đang được thúc đẩy tích cực với một quyết tâm hết sức vững chắc.
Nguyên Tướng Không quân Nhật Bản Hayashi.
PV: Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ cơ dẫn đến xung đột từ việc Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp quân sự khẩn cấp nếu các máy bay các nước qua Vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông không thông báo nhận dạng hoặc không tuân thủ yêu cầu của nhà chức trách Trung Quốc?
Video đang HOT
Tổng thư ký Hayashi: Tôi cho rằng nguy cơ xảy ra xung đột là hiện hữu. Tôi từng có thời gian tham gia công tác nghiên cứu lý luận lịch sử quân sự và quản lý tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản. Mấu chốt của vấn đề là xoay quanh “Biện pháp ngăn chặn xâm phạm không phận trong thời bình”.
Cái cần quan tâm là phải đánh giá những rủi ro có thể nảy sinh khi thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) vốn được cho là việc hiện thực hoá biện pháp ngăn chặn xâm phạm không phận nêu trên. Thậm chí, trên thực tế còn nảy sinh nhiều sự kiện vượt xa cả nguy cơ đơn thuần.
Một nguy cơ nữa liên quan đến ADIZ là về mặt thực tiễn quốc tế, bất cứ nước nào cũng có thể tự mình thiết lập ADIZ. Tuy nhiên, trong Vùng nhận dạng phòng không này cần phải thực hiện cái gì thì các nước cũng tự mình đặt ra những quy định riêng. Vấn đề là việc thực hiện các quy định này như thế nào lại là một bí mật. Bởi lẽ, rõ ràng trong khái niệm Vùng nhận dạng phòng không thì “phòng không” trở thành yếu tố ưu tiên hàng đầu. Có nghĩa là nó mang tính chất quân sự.
Việc Trung Quốc thiết lập ADIZ với các quy định như cưỡng chế hạ cánh hay phải tuân theo chỉ dẫn cho thấy nước này đã mở rộng phạm vi từ không phận sang “vùng nhận dạng phòng không” và đây đang trở thành một vấn đề mang tính quốc tế. Tôi cho rằng nguy cơ nảy sinh những tình huống bất trắc nằm ngay chính việc mở rộng phạm vi này.
PV: Quyết định thiết lập ADIZ của Bắc Kinh, sẽ tác động như thế nào tới chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ?
Tổng thư ký Hayashi: Hoàn toàn có thể nhận thấy ý định của Bắc Kinh là muốn xây dựng một nước Trung Quốc mới trong thế kỷ 21. Vậy thì, vấn đề lớn nhất là Trung Quốc phải trở thành quốc gia có đủ khả năng tiến ra Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bản đồ ta có thể thấy nhược điểm địa chính trị của Trung Quốc là bị bít mất lối ra Thái Bình Dương. Do vậy, đối với Trung Quốc, Biển Đông và Hoa Đông là địa bàn địa chiến lược hết sức quan trọng.
Để tạo vùng ảnh hưởng đẩy lùi sự hiện diện và sức ép của Mỹ trong khu vực, Trung Quốc đã đưa ra khái niệm phòng tuyến chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai. Chuỗi đảo thứ hai là dãy đảo nối từ Nhật Bản tới các đảo trên Thái Bình Dương. Trung Quốc đã tuyên bố rõ chiến lược của mình biến khu vực này thành vùng chịu ảnh hưởng của mình.
Để đối phó với chiến lược của Trung Quốc, Mỹ tăng cường sức ép lên Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc đã đề ra chiến lược “chống tiếp cận và chống xâm nhập khu vực” ở châu Á-Thái Bình Dương, gọi tắt là A2/AD. Để đối phó với hai chiến lược chuỗi đảo và A2/AD của Trung Quốc, Mỹ đã đưa ra khái niệm Tác chiến trên không và trên biển (ASBC – Air Sea Battle Concept) nhằm điều chỉnh sức mạnh quốc phòng trong bối cảnh thu hẹp lực lượng quốc phòng sau Chiến tranh Lạnh.
Ta có thể thấy rõ ràng, việc đưa ra Vùng nhận dạng phòng không lần này là một phần trong chiến lược của Trung Quốc, nhằm mở rộng khả năng chống tiếp cận và chống xâm nhập từ vùng biển lên vùng trời.
Việc đưa ra Vùng nhận dạng phòng không lần này không chỉ nhằm vào Nhật Bản mà còn mang ý nghĩa rộng hơn. Đó là cân bằng với Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương. Do đó, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới có khả năng phát sinh trong khu vực. Tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng trong khu vực tăng nhanh là nguyên nhân cho những suy nghĩ đó
Những gì mà Trung Quốc đang tiến hành hiện nay có thể dẫn đến việc sử dụng vũ lực. Khi đó, nếu không phát huy khả năng răn đe, một cuộc đại chiến Thái Bình Dương là điều khó tránh khỏi. Để ngăn chặn điều đó, đã đến lúc Mỹ phải xây dựng lại chiến lược của mình nhằm tăng cường khả năng răn đe và tạo ra sự cân bằng cần thiết.
Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) của Mỹ đã bắt đầu suy tính về vấn đề này. Vì lẽ đó mà cũng cần phải xem xét lại sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản cần có đối sách ra sao để theo kịp với những thay đổi đó cũng như xác định Tokyo sẽ đóng vai trò gì trong chiến lược này. Đó chính là khởi đầu cho câu chuyện xem xét lại vai trò đảm bảo an ninh giữa Nhật Bản và Mỹ.
Kết luận về vấn đề này sẽ được đưa ra vào tháng 12/2013 hoặc tháng 1/2014. Nếu Mỹ có thêm quan điểm về vấn đề này thì chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Xin nhắc lại rằng Mỹ đang chịu sức ép về việc phải xây dựng lại chiến lược của mình. Việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không lần này có thể ví như việc bóp cò súng để đẩy nhanh hơn quá trình xây dựng lại chiến lược của Mỹ.
PV: Theo ông, các nước liên quan nên có những hành động như thế nào để tháo ngòi nổ căng thẳng xung quanh ADIZ của Bắc Kinh?
Tổng thư ký Hayashi: Vùng nhận dạng phòng không được đặt ra kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên. Sau khi có lệnh ngừng bắn trên bán đảo Triều Tiên, quân đội Mỹ tại Nhật Bản thiết lập vùng nhận dạng phòng không để có thể chặn đánh máy bay của Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Tức là, đây là việc thiết lập những điểm mà ở đó có thể nhận biết được máy bay đối phương. Tiêu chuẩn quan trọng nhất ở đây là tốc độ. Từ lúc radar bắt được máy bay địch, cần bao nhiêu phút để máy bay có thể xuất kích và chặn đánh địch ở chỗ nào.
Phải xây dựng các quy trình của việc nhận dạng phòng không. Phải xây dựng các quy định chung mang tính quốc tế trong giai đoạn hòa bình hiện nay.
Để làm được điều này, các nước cần thảo luận về các quy trình liên quan đến hành động quân sự trong vùng nhận dạng phòng không áp dụng đối với cả máy bay dân dụng và quân sự. Chúng ta phải xây dựng một cơ chế về mặt luật pháp quốc tế để kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vũ khí trong vùng nhận dạng phòng không. Bởi vì hiện nay không hề có một cơ chế nào cả. Đó là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ xảy ra tình huống bất thường rất cao.
PV: Xin cảm ơn ông.
Theo Hoàng Liên Sơn
Tiền phong/VOV, Tokyo
Sẽ có đảo chính quân sự tại Thái Lan?
Những cuộc biểu tình chống chính phủ Thái Lan rầm rộ hiện nay cuối cùng có thể sẽ kết thúc bằng một cuộc đảo chính quân sự mới, một học giả nổi tiếng có tên là Pavin Chachavalpongpunt ở Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc trường Đại học Kyoto cho biết. Câu hỏi được đặt ra lúc này là, liệu nữ Thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan - Yingluck Shinawatra có vượt qua được cơn sóng gió này hay không?
Người biểu tình đang gây sức ép mạnh mẽ đòi nữ Thủ tướng Yingluck từ chức
Tình hình chính trị đầy khó khăn hiện nay ở đất nước Thái Lan xuất phát từ những cuộc biểu tình đường phố kéo dài do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban và cái gọi là Mạng lưới Sinh viên và Nhân dân vì Cải cách Thái Lan dẫn dắt. Làn sóng biểu tình rầm rộ ở thủ đô của Thái Lan này có thể bị đẩy lên cao đến mức chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck có thể sẽ không còn khả năng duy trì được pháp quyền cũng như giữ được tình hình trong tầm kiểm soát.
"Những người biểu tình đường phố sẽ làm bất kỳ điều gì có thể để kích động sự can thiệp của quân đội vào tình hình chính trường Thái Lan hiện nay. Một sự can thiệp như vậy cuối cùng sẽ dẫn đến một cuộc đảo chính. Quân đội có thể thấy rằng một cuộc đảo chính là cần thiết và hợp lý khi chính phủ không thể điều hành đất nước thêm được nữa", ông Pavin nhận định.
Theo vị chuyên gia trên, "quân đội có thể lật đổ chính phủ kể bởi họ đã từng làm thế với một chính phủ trước đây, thời ông Thaksin (Shinawatra). Ông Pavin đang nói đến cuộc đảo chính quân sự không đổ máu khiến chính quyền của Thủ tướng Thaksin sụp đổ năm 2006.
Những người biểu tình chống chính phủ thậm chí còn không hài lòng nếu Thủ tướng Yingluck từ chức hoặc giải tán Hạ viện để tổ chức một cuộc bầu cử sớm. Họ quyết tâm thúc ép để đi đến một cái kết cuối cùng là sự chấm dứt "thời kỳ cầm quyền của ông Thaksin". Phe đối lập tin rằng chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck chỉ là "con rối" trong tay cựu Thủ tướng Thaksin.
Theo đánh giá của ông Pavin, những người biểu tình chống chính phủ sẽ chỉ hài lòng và ngay lập tức từ bỏ các cuộc biểu tình đường phố của họ khi quân đội phát động một cuộc đảo chính giúp họ chấm dứt "thời kỳ thống trị của ông Thaksin".
Mặc dù giới lãnh đạo quân sự đến thời điểm này vẫn liên tục bác bỏ những tin đồn cho rằng họ có thể lật đổ chính phủ của bà Yingluck trong một cuộc đảo chính thì người ta cho rằng khả năng này không nên bị loại bỏ.
Tuy nhiên, không có cuộc đảo chính nào có thể xảy ra nhằm lật đổ một chính phủ được bầu lên một cách dân chủ trừ khi quân đội quyết định rằng, tình hình hiện nay đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ, học giả Pavin cho hay.
Tư lệnh quân đội Thái Lan - Tướng Prayuth Chan-ocha đã lập một trung tâm chiến dịch quân sự ngay bên trong doanh trại của Trung đoàn Lục quân Số 1 để giám sát phong trào của những người biểu tình chống chính phủ. Ngày hôm qua (25/11), hàng ngàn người đã xông vào chiếm giữ trụ sở của Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Cục Ngân sách, Cục Quan hệ Công chúng và hàng loạt cơ quan, văn phòng nhà nước khác, trong đó có cả các đài truyền hình.
"Quân đội có thể đang chờ đợi một thời cơ thích hợp để thực hiện hành động can thiệp vào công việc của chính phủ và động thái này có thể được theo sau bởi một cuộc đảo chính nếu quân đội cho rằng, tình hình đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ. Một khi quân đội quyết định thực hiện một cuộc đảo chính thì họ không thể thất bại", ông Pavin cho hay.
Những cuộc đảo chính không phải là điều xa lạ hay bất ngờ gì đối với chính trường Thái Lan. Nước này đã chứng kiến 18 lần quân đội thực hiện các cuộc đảo chính quân sự trong vòng 80 năm qua và họ có thể tiếp tục làm như vậy dựa trên cái cớ an ninh quốc gia.
Cảnh sát Thái Lan tìm kiếm lệnh bắt giữ thủ lĩnh cuộc biểu tình
Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến chính trường Thái Lan, lực lượng cảnh sát nước này hôm nay (26/11) đã tìm kiếm một lệnh bắt giữ đối với cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban - nhà tổ chức chính của những cuộc biểu tình chống chính phủ rầm rộ hiện nay. Cũng chính ông này trực tiếp kêu gọi người biểu tình xông vào chiếm giữ trụ sở của các cơ quan bộ ngành chính phủ.
Ông Suthep bị cáo buộc đã kích động người dân xông vào chiếm giữ Bộ Tài chính và Cục Ngân sách. Ông này hôm nay đã thề sẽ tiếp tục cố thủ tại Bộ Tài chính, biến nó thành một căn cứ của các cuộc biểu tình dài lâu.
Cựu Nghị sĩ Đảng Dân chủ đối lập tuyên bố, ông không lo ngại về lời đe dọa bắt giữ ông của cảnh sát Thái Lan.
Lực lượng biểu tình chống chính phủ hôm nay tuyên bố, họ có kế hoạch tạo một vòng vây xung quanh trụ sở của 4 bộ nữa, tờ Bangkok Post đưa tin. Những bộ này bao gồm Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã; Bộ Thể thao và Du lịch; Bộ Vận tải và Bộ Nội vụ.
Nỗ lực đẩy mạnh các cuộc biểu tình nhằm lật đổ chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck do Đảng Dân chủ đối lập thực hiện đã buộc bà này phải ra quyết định thực thi Luật An ninh Nội địa trên khắp thủ đô Bangkok và nhiều tỉnh lân cận xung quanh. Tuy nhiên, bà Yingluck vẫn cam kết sẽ không sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình.
Vân Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Nữ Thủ tướng xinh đẹp trước thử thách "sinh tử" Nữ Thủ tướng xinh đẹp Yingluck Shinawatra hôm qua (19/11) đã lên tiếng kêu gọi sự bình tĩnh và kiềm chế trước khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết có thể buộc bà phải giải tán đảng cầm quyền và thổi bùng lên ngọn lửa mâu thuẫn cay đắng đã âm ỉ bao lâu nay trong xã hội Thái Lan. Nữ Thủ...