Tương lai nhóm Bộ Tứ dưới thời Biden
Nhóm Bộ Tứ được cho là sẽ tăng cường hoạt động dưới thời Biden, khi chính quyền mới của Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của nhóm Đối thoại Tứ giác An ninh (Bộ Tứ) kể từ khi Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ. Đây là dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của chính quyền Mỹ đối với nhóm mà Trung Quốc chỉ trích có thể khởi động “Chiến tranh Lạnh mới”.
Cuộc họp trực tuyến của nhóm Bộ Tứ được tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì, trong đó ông đã nói với ba người đồng cấp về hợp tác trên nhiều lĩnh vực như chống Covid-19, biến đổi khí hậu, khôi phục nền dân chủ ở Myanmar và “thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Joe Biden trong cuộc vận động tranh cử tại Wilmington, bang Delaware tháng 6/2020. Ảnh: Reuters.
Việc nối lại thảo luận của nhóm Bộ Tứ, được cho là do lo ngại Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng, đã báo hiệu rằng nhóm có thể đóng vai trò quan trọng trong thiết lập chương trình nghị sự địa chính trị dưới thời Biden, giữa lúc có nhiều đồn đoán về sự gia nhập của thành viên mới.
Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần đầu tiên đề xuất thành lập nhóm Bộ Tứ năm 2007, với mục tiêu giúp duy trì “tự do và thịnh vượng” ở châu Á – Thái Bình Dương. Dù không trực tiếp nhắc tới Trung Quốc, các đề xuất của ông đều được cho nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
Abe đã củng cố nhận thức đó vào năm 2012, khi trình bày tầm nhìn về “tứ giác an ninh dân chủ” để thách thức hành vi gây áp lực của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bộ Tứ đã tổ chức vòng đối thoại và các cuộc diễn tập chung vào năm 2007, trước khi trải qua thời gian gián đoạn kéo dài cả thập kỷ vì Australia rút khỏi nhóm năm 2008 để tăng cường quan hệ với Bắc Kinh.
Video đang HOT
Cuối năm 2017, khi chính quyền Trump gia tăng đối đầu với Bắc Kinh, nhóm 4 nước đã “tái hợp” trong một cuộc họp ở Manila bàn về “các vấn đề lợi ích chung ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Kể từ đó, Bộ Tứ đã tổ chức nhiều vòng thảo luận hơn và năm ngoái đã tiến hành cuộc diễn tập hải quân chung đầu tiên sau một thập kỷ.
Tuy nhiên, Bộ Tứ nhìn chung hạn chế đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, bất chấp những phản ứng gay gắt từ quốc gia này. Trong cuộc đối thoại mới nhất, chỉ có Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi nhắc tới Bắc Kinh thông qua một tuyên bố cho rằng “rất quan ngại về luật hải cảnh Trung Quốc”. Ông thêm rằng 4 bộ trưởng nhất trí “kịch liệt phản đối những nỗ lực mạnh mẽ đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông và biển Hoa Đông”.
Lalit Kapur, chuẩn tướng hải quân Ấn Độ về hưu và thành viên cấp cao của Nhóm Chính sách Delhi, nói rằng ông không cho rằng Bộ Tứ nhắm vào Trung Quốc.
“Tôi coi đó là vấn đề về pháp quyền, tôn trọng các thỏa thuận, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết tranh chấp bằng hòa bình”, ông nói. “Trung Quốc đã đơn phương thay đổi các thông lệ quốc tế vốn đã giúp duy trì hòa bình và định hướng quan hệ giữa các nước ít nhất từ Thế chiến II. Nếu họ tuân thủ các quy tắc đó như tuyên bố, Bộ Tứ đã không cần xuất hiện”.
Chính sách đối ngoại ngày càng quyết liệt của Trung Quốc đã làm dấy lên nhiều quan ngại trong khu vực, dẫn tới nhiều lời kêu gọi hợp tác để duy trì trật tự thế giới dựa trên luật pháp và đẩy lùi các hành vi khiêu khích như ở Biển Đông, theo John Power, nhà bình luận của SCMP .
Các thành viên của Bộ Tứ cũng ngày càng cảnh giác với Bắc Kinh trong những năm gần đây, trong bối cảnh có nhiều tranh chấp về lãnh thổ, thương mại, các vấn đề nhân quyền và cáo buộc gián điệp. Nổi bật trong đó là cuộc đụng độ biên giới Ấn – Trung, cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào chính trị Australia và tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Những hoài nghi về Trung Quốc cũng trở thành vấn đề chung của lưỡng đảng Mỹ. Chính quyền Biden đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ tiếp nối chính sách cứng rắn với Trung Quốc dưới thời chính quyền Donald Trump.
Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tháng trước nói rằng Nhà Trắng xem Bộ Tứ là “nền tảng để xây dựng chính sách Mỹ về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
“Chính quyền Biden sẽ hoàn toàn ủng hộ Bộ Tứ bởi nhóm này giúp Mỹ hợp tác với các đối tác chung chí hướng về những thách thức toàn cầu, như chống đại dịch và biến đổi khí hậu”, Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của tổ chức Rand Corporation ở Washington, nhận định. “Ngoài ra, nhóm của Biden còn tận dụng Bộ Tứ để duy trì giá trị Mỹ, như quy tắc và chuẩn mực ứng xử quốc tế, ủng hộ dân chủ và nhân quyền”.
Clive Williams, cựu quan chức tình báo quốc phòng Australia tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra, cho rằng sự phát triển của nhóm 4 nước rõ ràng “gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng Bộ Tứ không thể chấp nhận các hoạt động quân sự ở Biển Đông và với Đài Loan”, cùng những cáo buộc khác liên quan vấn đề Hong Kong.
Mike Pompeo (phải), khi còn là ngoại trưởng Mỹ, gặp 3 ngoại trưởng Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trước thềm cuộc họp nhóm Bộ Tứ ở Tokyo tháng 10/2020. Ảnh: Reuters.
Williams thêm rằng đối các quốc gia nhỏ hơn như Australia, việc tái tham gia Bộ Tứ cũng nhằm mục đích “giữ chân” Mỹ trong khu vực.
Ian Hall, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện châu Á Griffith ở Brisbane, nói rằng việc Bộ Tứ tiếp tục phát triển dưới thời Biden phản ánh lo ngại lớn hơn của lưỡng đảng ở Mỹ về các hành vi quyết liệt của Trung Quốc. Nhưng ông thêm rằng nó cũng cho thấy một diễn đàn đối thoại thường xuyên giữa các nước chủ chốt trong khu vực đối mặt với nhiều thách thức chung là rất hữu ích, “dù chúng liên quan tới Trung Quốc hay vấn đề khác như Myanmar”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Bộ Tứ vẫn có nhiều hạn chế khi là nhóm không chính thức và thiếu gắn kết . “Một đối tác có thể rời đi vào bất kỳ thời điểm nào”, Hall nói. “Nhưng cũng chính điều này khiến nó trở nên linh hoạt khi các thành mới có thể được mời tham gia và chương trình nghị sự không cố định”.
Ngoài ra, các thành viên cũng tồn tại những khác biệt đáng kể về định hướng địa chính trị và các mối ưu tiên. Australia và Nhật Bản đều là đồng minh của Mỹ, nhưng Ấn Độ không có mối liên kết này.
“Những gì Ấn Độ coi là quan trọng nằm ở Ấn Độ Dương. Nhưng với Nhật Bản, chúng nằm ở xung quanh Đài Loan và phía bắc nước này. Mỹ xem trọng khu vực phía đông Trung Quốc và Thái Bình Dương. Vẫn còn nhiều điều phải thảo luận và xác định rõ trước khi xem xét trao cho Ấn Độ vai trò lớn hơn”, Kapur nói.
Một hạn chế khác có thể nằm ở nhận thức rộng rãi rằng Bộ Tứ nhắm vào Trung Quốc. “Bắc Kinh thường xuyên nói Bộ Tứ là liên minh quân sự nhằm hạn chế sự trỗi dậy của Trung Quốc và điều này có khả năng giúp Bắc Kinh thuyết phục các nước Đông Nam Á bị mắc kẹt giữa cạnh tranh Mỹ – Trung ủng hộ Trung Quốc, hoặc ít nhất sẽ không can thiệp và không trở thành một phần của Bộ Tứ”, Grossman nói.
Song James Goldrick, cựu đô đốc Hải quân Hoàng gia Australia, cho rằng quan hệ đối tác không chính thức với Bộ Tứ về các vấn đề lo ngại chung có thể là lựa chọn tốt cho nhiều quốc gia châu Á trong tương lai, khi họ không muốn tham gia vào một liên minh chính thức.
“Tôi nghĩ rằng việc tham gia vào quan hệ đối tác không chính thức và nỗ lực làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề quan tâm chung có thể là lựa chọn hiệu quả trên cơ sở toàn khu vực và thu hút các nước Đông Nam Á. Do đó, Bộ Tứ có thể trở thành cốt lõi của nhiều mạng lưới, không chỉ hoàn toàn đặt trọng tâm vào Mỹ và cũng không chủ yếu nhắm vào Trung Quốc”, Goldrick nói
Biden tung đòn không kích đầu tiên tại Syria
Quân đội Mỹ tiến hành đòn không kích đầu tiên được Biden phê chuẩn, nhằm vào công trình được cho là do dân quân thân Iran kiểm soát ở Syria.
Hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết đòn không kích diễn ra tại Syria hôm 25/2 sau khi được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê chuẩn, nhưng không tiết lộ địa điểm và loại vũ khí được sử dụng. Đây dường như là động thái trả đũa đầu tiên của Washington sau hàng loạt cuộc tấn công bằng pháo phản lực (rocket) nhằm vào các cơ sở ngoại giao và quân sự Mỹ tại Iraq, khiến ít nhất hai người thiệt mạng.
Lầu Năm Góc xác nhận đã tấn công mục tiêu ở phía đông Syria để đáp trả các vụ phóng rocket ở Iraq.
Cuộc không kích chỉ nhằm vào một công trình đơn lẻ, nhiều khả năng nhằm tránh gây leo thang căng thẳng khu vực. Quyết định tấn công mục tiêu tại Syria thay vì Iraq cũng giúp giảm bớt áp lực cho Baghdad trong quá trình điều tra vụ tập kích rocket nhằm vào căn cứ Erbil hôm 16/2 khiến một số lính Mỹ bị thương.
Tiêm kích F-15E Mỹ tuần tra tại Trung Đông cuối năm 2020. Ảnh: USAF .
Các cơ sở và lực lượng Mỹ tại Iraq từng nhiều lần bị tập kích bằng rocket trong năm ngoái. Mỹ cáo buộc các lực lượng dân quân thân Iran đứng sau những vụ tấn công và nhiều lần không kích đáp trả. Chính quyền cựu tổng thống Donald Trump từng dọa trả đũa Iran nếu có người Mỹ thiệt mạng trong những vụ tấn công rocket tại Iraq.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden thể hiện chính sách khác biệt với người tiền nhiệm khi nhiều lần phản đối các vụ tập kích, nhưng khẳng định sẽ không phản ứng vội vã. "Chúng tôi sẽ phản ứng theo cách được tính toán dựa trên thời gian biểu riêng, sử dụng hàng loạt công cụ vào thời điểm và vị trí thích hợp, không để leo thang căng thẳng theo ý muốn của Iran và hỗ trợ nỗ lực của họ nhằm gây bất ổn Iraq", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 16/2 cũng bày tỏ sự phẫn nộ và kêu gọi điều tra vụ tấn công rocket làm hai người chết ở Erbil, miền bắc Iraq.
Những người Mỹ quyết tin Trump là tổng thống Nhiều thành viên nhóm theo thuyết âm mưu QAnon vẫn tin Trump sẽ nhậm chức thực sự vào ngày 4/3, còn Biden hiện chỉ là "thế thân" của ông. Nhiều thành viên nhóm cực hữu QAnon đối mặt với thực tế phũ phàng khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức ngày 20/1, trái với những giả thuyết mà họ tin chắc trước đó...