Tương lai nào cho Trung Đông trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump
Mặc dù lần này ông Trump không còn là ẩn số, nhưng việc ông quay trở lại Nhà Trắng sẽ được đón nhận với sự lạc quan ở một số quốc gia, và lo ngại ở những nước khác.
Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel tại trại tị nạn Nuseirat, Dải Gaza, ngày 2/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Các nhà lãnh đạo Trung Đông hiện đang đối mặt với một thực tế mới khi ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 47 của Mỹ. Mặc dù lần này ông Trump không còn là ẩn số, nhưng việc ông quay trở lại Nhà Trắng sẽ được đón nhận với sự lạc quan ở một số quốc gia, và lo ngại ở những nước khác.
Không cần phải tái tranh cử vào năm 2028, ông Trump có thể sẽ được tự do theo đuổi các mục tiêu của mình mà không chịu nhiều ràng buộc, trừ khi ông muốn ghi dấu ấn lịch sử – không chỉ cho bản thân, mà còn cho phong trào “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) do chính ông khởi xướng.
Trong bối cảnh này, Israel sẽ là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ kết quả bầu cử vừa qua.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu rõ ràng đã nghĩ như vậy và ngay lập tức gửi lời chúc mừng đến vị tổng thống sắp tới. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã tặng Israel nhiều “món quà” lớn, bao gồm việc công nhận Jerusalem là thủ đô, cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel, và thúc đẩy Hiệp định Abraham giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel với một số quốc gia Arap.
Lần này, giữa lúc căng thẳng đang dâng cao ở Trung Đông, “món quà” của ông Trump có thể là lơ đi và để Israel “hoàn thành nhiệm vụ” như ông từng đề cập.
Lợi ích của Israel, tổn thất của Palestine
Ít nhất trong ngắn hạn, lợi ích của Israel sẽ đồng nghĩa với tổn thất của Palestine. Ông Trump được dự báo có thể để Thủ tướng Netanyahu theo đuổi các mục tiêu không hạn chế ở Dải Gaza và Liban. Việc chọn bà Elise Stefanik, người ủng hộ mạnh mẽ Israel, làm đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc sẽ giúp bảo vệ Israel tại cơ quan quốc tế này.
Sau khi đắc cử năm 2016, chính quyền của ông Trump đã từ bỏ chính sách lâu đời của Mỹ vốn cho rằng các khu định cư ở Bờ Tây là trở ngại cho hòa bình. Với việc những người định cư Do Thái ngày càng mạnh dạn hơn trong các cuộc tấn công nhằm vào người Palestine, việc Mỹ ngầm thừa nhận các hoạt động này đồng nghĩa với việc Palestine sẽ mất thêm đất và có thể phải chịu nhiều bạo lực hơn.
Video đang HOT
Giải pháp hai nhà nước dường như ngày càng xa tầm với. Tuy nhiên, về lâu dài, có thể ông Trump sẽ nhận ra rằng việc chấm dứt xung đột Israel-Palestine là một cách chắc chắn để tạo dựng di sản, và có thể ông sẽ dồn toàn lực vào mục tiêu này. Dù vậy, bản chất phức tạp của cuộc xung đột và sự phản đối mạnh mẽ của Israel đối với một nhà nước Palestine sẽ đảm bảo rằng đây vẫn là một mục tiêu khó đạt được.
Tin tốt cho Saudi Arbia và UAE
Hai quốc gia khác có khả năng hưởng lợi từ nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Saudi Arabia cuối cùng sẽ gạt bỏ danh xưng “kẻ bị ruồng bỏ” mà Tổng thống Joe Biden trước đây đã gọi, cùng với quan hệ dựa trên các giá trị của Mỹ với đảng Dân chủ. Ngược lại, ông Trump trong nhiệm kỳ đầu đã tránh nhắc đến bất kỳ vấn đề nhân quyền nào. Sự đồng cảm của tổng thống đắc cử với các nhà lãnh đạo quyền lực giúp ông có mối quan hệ cá nhân thân thiết với lãnh đạo Saudi Arabia và UAE, cùng với cách tiếp cận chính sách đối ngoại mang tính giao dịch sẽ mang lại quan hệ kinh tế mạnh mẽ.
Điều này là tin tốt cho các dự án chuyển đổi của các nước vùng Vịnh. Sự quan tâm ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực cũng là một “lá bài” hữu ích để họ đẩy mạnh các kế hoạch kinh tế, và có thể sẽ là con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với tổng thống theo chủ nghĩa trọng thương này. Điều này cũng mở ra những triển vọng lớn về đảm bảo an ninh vững chắc cho các quốc gia vùng Vịnh.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc ông Trump không đáp trả các cuộc tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia năm 2019, mà Mỹ cáo buộc do Iran thực hiện, đã tạo ra sự bối rối trong khu vực về việc liệu Mỹ có đang rút lui khỏi Trung Đông. Những cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10 vừa qua đã chứng minh rằng nhận định này là sai lầm. Để phát huy thành công của Hiệp định Abraham, ông Trump có thể tiếp tục thúc đẩy một thỏa thuận bình thường hóa giữa Saudi Arabia và Israel, điều tưởng chừng đã đạt được cho đến khi Hamas tấn công.
Nỗi lo của người Qatar
Một quốc gia vùng Vịnh có thể lo lắng về ông Trump hơn những nước khác là Qatar. Quốc gia nhỏ bé này đã gặp rắc rối lớn với vị tổng thống tương lai của nước Mỹ khi lần đầu tiên ông lên nắm quyền: Chỉ vài ngày sau khi liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu phong tỏa Qatar, và chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, ông Trump đã cáo buộc Qatar tài trợ cho khủng bố, theo đúng những cáo buộc của các quốc gia áp đặt lệnh cấm vận. Mặc dù sau đó ông Trump đã rút lại lời bình luận, nhưng điều đó vẫn để lại vết hằn.
Điều này một phần lý giải tại sao ngay sau khi ông Trump tái đắc cử, Qatar đã tạm ngưng các nỗ lực hòa giải quan trọng ở Gaza và yêu cầu các nhà lãnh đạo Hamas rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, Qatar vẫn để ngỏ khả năng đàm phán trong tương lai nếu có nỗ lực hòa bình thiện chí, cho thấy quốc gia này đang cố gắng cân bằng trong chuẩn bị cho một nhiệm kỳ tiếp theo của ông Trump.
Iran có thể trở thành “kẻ thua cuộc”
Sau cuộc bầu cử Mỹ, Iran rõ ràng là kẻ thua cuộc. Bất chấp mong muốn tạo dựng một khởi đầu mới với phương Tây sau khi một tổng thống mới đắc cử vào tháng 7, hy vọng luôn mong manh trong bối cảnh các cuộc tấn công của Hamas. Việc cung cấp vũ khí cho Nga trong xung đột với Ukraine càng khiến Iran bị phương Tây cô lập hơn, cùng với việc nước này xích lại gần Trung Quốc.
Tệ hơn nữa, các quan chức Mỹ mới đây đã tiết lộ về một âm mưu ám sát ông Trump của Iran, điều mà chắc chắn vị tổng thống đắc cử sẽ không bỏ qua. Chính quyền ông Trump trước đây đã áp dụng chính sách “áp lực tối đa” khiến kinh tế Iran suy yếu nghiêm trọng và đẩy bất ổn nội bộ lên cao. Việc dự kiến bổ nhiệm hai nhân vật cứng rắn với Iran vào các vị trí quan trọng, Thượng nghị sĩ Marco Rubio làm Ngoại trưởng và Hạ nghị sĩ Michael Waltz làm Cố vấn An ninh quốc gia, cho thấy những gì đang chờ đón Iran trong thời gian tới.
Trung Đông đón chờ biến động
Hiện tại còn quá sớm để chắc chắn tại một khu vực mà tương lai thay đổi từng tuần, còn nhiều điều có thể thay đổi các xu hướng này. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là: Việc thêm một tổng thống Mỹ khó đoán vào những vấn đề vốn đã khiến Trung Đông trở thành điểm nóng sẽ buộc mọi người phải chuẩn bị cho những biến động lớn phía trước.
Ông Donald Trump và sự trở lại của 'hoà bình thông qua sức mạnh'
Triết lý "hòa bình thông qua sức mạnh" đã trở lại trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời chính quyền Trump đầu tiên.
Với sự tái đắc cử lần này, ông Trump dự định tiếp tục chiến lược áp lực tối đa, hiện đại hóa quân đội, và củng cố liên minh quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.
Ông Donald Trump phát biểu tại Maryland, Mỹ, ngày 24/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Nhận định trên tạp chí Foreign Affairs, Robert C. O'brien, người từ đảm nhiệm chức vụ Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ từ năm 2019 đến năm 2021 cho rằng, "Si vis pacem, para bellum" là câu châm ngôn Latin có từ thế kỷ thứ 4, nghĩa là: "Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh". Câu nói này không chỉ tồn tại qua nhiều thế kỷ mà còn trở thành triết lý dẫn đường cho nhiều nhà lãnh đạo quốc gia về tầm quan trọng của sức mạnh quân sự trong việc duy trì hoà bình.
Một số tổng thống Mỹ như George Washington, Theodore Roosevelt và Ronald Reagan đã dựa vào triết lý này để xây dựng chính sách đối ngoại. Tổng thống Donald Trump, trong nhiệm kỳ đầu tiên, đã nối tiếp truyền thống này với một cách tiếp cận mà ông gọi là "hoà bình thông qua sức mạnh". Sự trở lại của triết lý này đánh dấu một bước chuyển trong chính sách đối ngoại Mỹ sau thời chính quyền Obama. Chính quyền Trump đầu tiên không chỉ tập trung vào việc tăng cường quân sự mà còn đặt nặng yếu tố bảo vệ lợi ích quốc gia bằng sức mạnh.
Trên cơ sở đó, trong 16 tháng cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Mỹ đã đạt được nhiều thành tựu ngoại giao. Đáng chú ý nhất là Hiệp định Abraham, mang lại hòa bình cho Israel và ba quốc gia láng giềng tại Trung Đông, mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới trong khu vực này. Ngoài ra, Mỹ còn làm trung gian giúp Serbia và Kosovo bình thường hóa quan hệ kinh tế, đồng thời giải quyết rạn nứt giữa các quốc gia vùng Vịnh với Qatar. Đặc biệt, thỏa thuận với Taliban đã giúp ngăn chặn thương vong của quân đội Mỹ tại Afghanistan trong gần như toàn bộ năm cuối của nhiệm kỳ Trump 1.0.
Một thành công khác là việc tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) và thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi. Chính quyền Trump đã kết thúc cuộc chiến với IS mà không mở rộng các cuộc xung đột mới, đánh dấu lần đầu tiên Mỹ không tham gia một cuộc chiến tranh mới kể từ thời Tổng thống Jimmy Carter.
Sự trở lại của chiến lược "gây áp lực tối đa"
Khác với những lãnh đạo trước, ông Trump đã cố gắng hạn chế các cuộc chiến tranh không cần thiết. Dưới thời ông, Mỹ duy trì một thế đứng mạnh mẽ trước các đối thủ nhưng không tạo thêm xung đột. Trong suốt nhiệm kỳ, Nga không tiến xa hơn ở Ukraine sau khi sáp nhập Crimea năm 2014. Iran không tấn công trực tiếp Israel, và Triều Tiên ngừng thử vũ khí hạt nhân sau các động thái ngoại giao kết hợp với biểu dương sức mạnh từ phía Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là đối thủ lớn trong thời gian ông Trump cầm quyền ở nhiệm kỳ đầu, nhưng ông Trump đã phản ứng mạnh mẽ khi cần thiết.
Với việc ông Trump tái đắc cử sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, chúng ta có thể sẽ chứng kiến một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn với chính sách "gây áp lực tối đa". Cụ thể, ông Trump dự định áp đặt các mức thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc và thực hiện các kiểm soát xuất khẩu để ngăn Bắc Kinh lợi dụng công nghệ Mỹ. Ông cũng dự định hợp tác với các đồng minh châu Á như Nhật Bản, Philippines, và Hàn Quốc nhằm đối phó với sự trỗi dậy từ Trung Quốc.
Tại Trung Đông, ông Trump sẽ tiếp tục chiến lược gây áp lực lên Iran, bao gồm áp đặt trừng phạt năng lượng nhằm ngăn cản nước này hỗ trợ cho các phong trào dân quân thân Tehran trong khu vực.
Cùng với đó, ông Trump hiểu rằng một nền hòa bình thực sự không thể có được nếu quân đội Mỹ không duy trì sức mạnh. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã tăng cường hải quân và lực lượng phòng thủ quốc gia, giúp quân đội Mỹ có đủ sức mạnh để bảo vệ lợi ích của Washington trên toàn cầu. Ông cũng đã yêu cầu các đồng minh NATO và các quốc gia châu Á phải đóng góp nhiều hơn cho quốc phòng, từ đó xây dựng một mạng lưới liên minh mạnh mẽ.
Có thể dự báo, sau khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump sẽ tiếp tục các nỗ lực hiện đại hóa quân đội, tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác quan trọng, đồng thời duy trì một lực lượng vũ trang mạnh để đối phó với các thách thức trong tương lai. Ông Robert C. O'brien lưu ý rằng "sức mạnh" trong "hòa bình thông qua sức mạnh" theo quan điểm của ông Trump không phải là sự đe dọa hay hung hăng, mà là cách thể hiện quyết tâm bảo vệ lợi ích của quốc gia và tạo ra một thế đứng vững chắc để đàm phán hòa bình.
Ai Cập kêu gọi Liên hợp quốc cấm vận vũ khí đối với Israel Ngày 6/11, Ai Cập ủng hộ nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với 52 quốc gia khác kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) áp lệnh cấm vận vũ khí đối với Israel, do lo ngại cách họ sử dụng vũ khí. Xe quân sự Israel được triển khai gần biên giới với Liban ngày 27/9/2024. Ảnh minh họa: THX/TTXVN Lời kêu gọi...