Tương lai nào cho game online khi bị cấm bán tài sản ảo ?
Nếu đề xuất mới nhất của UBND TP HCM được chấp thuận, tất cả các mua bán tài sản ảo có thể trở thành phi pháp và bị cấm.
Xem xét việc cấm các giao dịch tài sản ảo cả thể thức nhà phát hành – người chơi (cash shop) lẫn người chơi – người chơi (rao bán, chuyển nhượng hoặc đấu giá tài khoản, vật phẩm, tiền trong game) là nội dung của văn bản kiến nghị mà UBND TP HCM vừa gửi thủ tướng đề nghị xem xét cho phép thực hiện. Theo đó, UBND TP HCM cho rằng chiếu theo các văn bản luật hiện hành việc mua bán tài sản ảo là vi phạm pháp luật và cần phải ngăn chặn.
Cash shop trong các game có nguy cơ phải dẹp bỏ.
Video đang HOT
Nếu đề nghị này được chấp thuận, rất có thể làng game Việt sẽ phải đối mặt với những khó khăn mới và phải có những thay đổi lớn để tồn tại. Như chúng ta đã biết, hầu hết game online phát hành tại Việt Nam là game chơi miễn phí và nhà phát hành lấy việc kinh doanh cash shop để làm nguồn thu cho chi phí vận hành game. Nếu việc bán cash shop bị cấm nhà phát hành chỉ có 3 lựa chọn là chuyển hình thức thu phí, chịu lỗ tạm thời hoặc đóng cửa game.
Với lựa chọn chuyển hình thức thu phí, giải pháp đơn giản nhất là chuyển sang thu phí giờ chơi và bỏ cash shop, lựa chọn này có vẻ là khả thi nhất và dễ nhất so với những hướng đi khác mặc dù sẽ có tổn thất nhưng ít ra có vẻ ít tổn thất hơn các cách khác. Trong lựa chọn này còn một giải pháp nữa là vẫn giữ chế độ chơi miễn phí nhưng tìm một hình thức thu phí khác ngoài cash shop, đây là một giải pháp mông lung vì hiện tại chưa có mô hình mẫu nào khả thi ngoài 2 lựa chọn thu phí hoặc miễn phí giờ chơi để kinh doanh cash shop.
Lựa chọn chịu lỗ tạm thời có vẻ sẽ có lợi rất lớn cho game thủ, tuy nhiên nhà phát hành sẽ phải gồng mình chịu lỗ mạnh. Nhà phát hành sẽ giữ chế độ chơi miễn phí, dẹp cash shop và chịu lỗ dài chờ đến khi luật mới quy định về game online được thông qua. Nếu làm theo lựa chọn này sẽ không có bao nhiêu nhà phát hành có thể sống sót.
Làng game Việt một lần nữa đứng trước tình trạng khó khăn.
Lựa chọn cuối cùng có lẽ cũng là giải pháp cuối cùng là đóng cửa game và tìm một phương thức kinh doanh khác, nói nôm na là “giải nghệ về quê chăn vịt”. Ngoài ra còn có một giải pháp nữa là đóng cửa tạm thời để chờ luật mới được thông qua, tuy nhiên bao giờ có luật mới thì đến nay vẫn chưa ai rõ.
Và nếu các độc giả cho rằng bài báo này là “lo xa quá trớn” thì cũng xin cung cấp thêm thông tin về văn bản kiện nghị của UBND TP HCM. Đó là văn bản đã đưa ra 2 cơ sở pháp lý để chứng minh cho kết luận “bán đồ ảo là phạm pháp” của mình.
Đầu tiên đó là quy định trên thông tư 60, văn bản luật có hiệu lực hiện hành để quản lý game online. Theo đó quy định này có chỗ được lý giải là không cho phép kinh doanh tài sản có giá trị và quy định doanh nghiệp chỉ được kinh doanh trò chơi theo giờ, không được kinh doanh đồ vật do máy tính tạo ra.
Cơ sở thứ 2 là sau khi kiểm tra hồ sơ đăng ký cấp phép kinh doanh các game online UBND TP HCM đã kết luận “trong kịch bản của các game online không có nội dung mua bán vật phẩm ảo, không có danh sách vật phẩm ảo đăng ký mua bán trong trò chơi, cũng không có nội dung về giá tiền mua bán các vật phẩm ảo”. Điều này có nghĩa là khi xin cấp phép kinh doanh trò chơi, các nhà phát hành đã không đăng ký việc bán vật phẩm trong game và giờ nếu bán là phạm pháp.
Nếu đối chiếu điều này với các game online tại Việt Nam có thể thấy 100% game đang vận hành là phạm pháp cần phải xử lý vì đến VLTK là game duy nhất thu phí giờ chơi vẫn có bán cash shop. Có thể nói làng game Việt sắp phải đối mặt với một nguy cơ lớn mà nếu không chuẩn bị đề thay đổi kịp thời rất có thể hàng loạt game nữa sẽ phải đóng cửa như cơn bão cuối năm 2010 vừa qua.
Theo Game8.vn