Tương lai mịt mù của chiến binh nhí IS
Cậu bé đội mũ len trùm đầu đen, đứng trước mặt người đàn ông đang quỳ. Lông mày nhíu lại, cậu quắc mắt, nhấc súng lên và bắn thẳng vào trán anh ta.
Bé trai cầm súng trong video của IS. Ảnh: CNN
Cậu là một chiến binh của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria. Ở đây, còn vô số chiến binh nhí như cậu. Các phần tử cực đoan dòng Sunni của IS dường như đang tẩy não cả một thế hệ, tạo nên một đội quân chiến binh trẻ tuổi đáng kinh ngạc.
Chúng dụ dỗ, bắt cóc rồi huấn luyện trẻ em chiến đấu. Chúng ép một số em hiến máu cho những kẻ bị thương, hoặc làm gián điệp, canh giữ tù nhân, nhiều tổ chức nhân quyền cho biết.
Tương lai mịt mù
Ngor Mayol hiện đang làm việc trong một cửa hàng tạp hóa ở Georgia, Mỹ. Anh là người có tính cách nồng nhiệt, luôn tươi cười chào hỏi mọi người. Tuy nhiên, ít người biết rằng, lúc 15 tuổi, Mayol đã chiến đấu chống lại chính phủ Sudan trong cuộc nội chiến. “Tôi từng sống ở một nơi khó quên, thân xác con người bị đem ra làm thức ăn cho chim và côn trùng, ” anh viết trong một bài tập ở lớp tiếng Anh.
Mayol nói rằng không tham gia bất kỳ liệu trình phục hồi nào sau chiến tranh, anh cũng không bị chấn thương nào, và hiện sống rất yên ả. Thỉnh thoảng, gương mặt một vài người bạn thiệt mạng trong cuộc xung đột lại hiện về, nhưng anh không hối tiếc quãng thời gian mình chiến đấu.
“Tôi rất tự hào về quãng đời trong quân đội, tôi đã chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ Nam Sudan,” Mayol nói. Nhiều chiến binh nhí IS cũng có trải nghiệm tương tự Mayol.
Trả lời phỏng vấn CNN năm ngoái, Arwa Damon lúc đó 15 tuổi, cho biết cậu bị cài thuốc nổ vào thắt lưng và gí cho một khẩu súng lục, một khẩu AK-47 và một máy phát thanh vào tay, được lệnh phải bảo vệ căn cứ ở Deir Ezzor, thành phố miền đông Syria.
IS đã lợi dụng, đưa trẻ em vào cuộc chiến, khiến chúng tan xác bằng các cuộc đánh bom tự sát, Tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW) và các nhà hoạt động cho biết. Chúng còn ép các thiếu nữ trở thành nô lệ tình dục hoặc vợ của các chiến binh.
Trẻ em cũng bị lợi dụng để giúp chúng nấu nướng và đưa tin, Abu Ibrahim al-Raqqawi cho biết. Ông là người sáng lập “Raqqa đang bị giết chết trong im lặng”, tổ chức lấy tên một thành phố của Syria là Raqqa, đang bị IS kiểm soát. Tổ chức này phản đối IS cũng như chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong một video tuyên truyền của IS, chúng gọi các chiến binh nhí là “những đứa con của Caliphate”. Caliphate là thể chế Hồi giáo do một lãnh tụ tôn giáo tối cao gọi là “người kế tục” nhà tiên tri Muhammad lãnh đạo. Trong các video này, ít nhất hai đoạn phim kết thúc bằng cảnh các cậu bé giết chết một người đàn ông tay không vũ khí.
Theo Liên Hợp Quốc, IS đang huấn luyện hàng trăm nghìn trẻ em, chiến đấu trên khắp nơi trên thế giới như Ấn Độ, Somali và Thái Lan. IS hoạt động rất bí mật, do đó, không cách gì tìm hiểu được chúng lợi dụng trẻ em như thế nào. Tất cả bằng chứng đều là phỏng đoán từ các đoạn băng tuyên truyền hoặc những lời truyền miệng.
Có khoảng 6 triệu người đang sống trong vùng bị IS kiểm soát, Luay al-Khatteeb, người sáng lập kiêm giám đốc Viện Năng lượng Iraq cho biết. Nhiều người khác ước tính có IS đang kiểm soát khoảng 8 triệu người. Theo số liệu thống kê của cơ quan tình báo Mỹ CIA, tính đến năm 2014, 33,1% dân số Syria trong độ tuổi dưới 14. Ở Iraq, con số này là 36,7%.
Chiến tranh sẽ không kết thúc nhanh chóng vì IS có thể dễ dàng thay thế những kẻ mất mạng bằng trẻ em bị tẩy não, al-Raqqawi nhấn mạnh. “Đó là vấn đề thế hệ,” ông nói về cách bắt trẻ em đi lính sẽ ảnh hưởng đến Trung Đông. “Có thể sẽ diễn ra 20, 30 năm nữa. Đó là một quá trình dài và cực kỳ nguy hiểm.”
Ở Raqqa, IS ép cha mẹ phải từ bỏ quyền nuôi con. Chúng cũng lợi dụng họ hàng lôi kéo, dụ dỗ các bé trai gia nhập, thậm chí là bắt cóc các em, al-Raqqawi cho biết.
Một cậu bé đang tập bắn súng. Ảnh: CNN
Video đang HOT
Huấn luyện
Hai cậu bé trốn thoát khỏi một trại của IS năm ngoái thuật lại quá trình IS huấn luyện, tách các em khỏi gia đình và bè bạn. IS ép một cậu bé có tên Mohammed vào trại huấn luyện khi mới 13 tuổi. Bố em cho biết, ông phản đối và bị IS dọa chặt đầu. Chúng cũng không cho ông tới thăm con.
“Trong 30 ngày chúng tôi thức dậy, chạy bộ, ăn sáng, rồi học kinh Quran và Những lời dạy của Đấng tiên tri,” Mohammed nói. “Sau đó, chúng tôi học về vũ khí, các loại súng trường Kalashinikov và những khí tài quân sự hạng nhẹ khác.”
Một cậu bé khác, Yasir cho biết lúc 15 tuổi, cậu “phải xa gia đình, sống ở nơi không người thân thuộc trong một tháng.” Thành viên IS bắn vào chân cậu, đe dọa bắn tiếp nếu ngừng tập. Mặc dù Yasir phải chịu đựng cuộc sống khắc nghiệt, nhưng cậu nói rằng, làm việc cho IS khiến cậu mạnh mẽ và tràn đầy mục đích sống.
Trên thực tế, một số trẻ em tự lựa chọn gia nhập IS.
“Trẻ em thường cho rằng, trở thành phần tử của một nhóm vũ trang đem lại cho chúng cảm giác được tôn kính,” Tiến Sĩ Sofie Vindevogel, đại học Ghent, làm việc tại Trung tâm Những trẻ em bị tổn thương, cho biết. “Chúng có thể nhìn nhận, hoặc nghĩ rằng, sẽ có cơ hội tốt hơn khi gia nhập một nhóm như IS.”
Ishmael Beah thường đi khắp thế giới để vận động cho trẻ em, nhưng trước đây, ông có cuộc sống rất ảm đạm.
Từng là một binh sĩ nhí ở Sierra Leone, Beah giữ chức trung úy và sống trong căn lều sang trọng thắng được sau một cuộc thi. Trong cuộc thi này, người tham gia phải cắt họng tù nhân. Tù nhân của ai chết trước, người đó sẽ giành chiến thắng. Beah viết lại ký ức trên trong cuốn “Chặng đường dài đã qua: Hồi ký của một cựu binh nhí.”
Beah là người thắng cuộc. Câu chuyện trên khiến Beah có vẻ như là một kẻ khát máu, tuy nhiên, sau khi được giúp đỡ, ông đã thay đổi. Liệu những binh sĩ nhí ở Trung Đông có nhận được giúp đỡ tương tự như Beah không?
Chiến tranh kết thúc, Beah được gửi đến trung tâm chăm sóc Benin Home ở FreeTown, Liberia. Đôi khi, lũ trẻ lao vào đánh nhau “chẳng cần lý do,” Beah nhớ lại. Thỉnh thoảng, chúng lại quay sang tấn công nhân viên, đánh họ bầm dập, nhưng đáp lại, họ luôn tươi cười nhẫn nại với lũ trẻ.
“Dường như họ đã cam kết không từ bỏ chúng tôi. Họ cứ cười, còn chúng tôi thì càng ghét họ hơn,” Beah nói.
Để giúp trẻ em hòa nhập vào cuộc sống sau chiến tranh, những trung tâm chăm sóc tạm thời như Benin Home ra đời. Lũ trẻ phải đối mặt với chấn thương tâm lý và cần được tư vấn cá nhân, hỗ trợ tâm lý và chăm sóc sức khỏe.
“Mỗi binh sĩ nhí lại mang những đặc điểm khác nhau, cần được phân tích để áp dụng chương trình phục hồi chức năng và tái hòa nhập phù hợp,” Tiến sĩ Theresa Betancourt, Trường Y tế công cộng Havard cho biết. Betancourt đã theo dõi 529 binh sĩ nhí Sierra Leone từ 13 năm trước khi họ tái hòa nhập vào xã hội, bước vào tuổi trưởng thành, lập gia đình rồi trở thành cha mẹ.”
Beah trở nên thân thiết với một y tá tên là Esther. “Không phải lỗi của cháu,” bà nói, lặp đi lặp lại về những thứ ông bị ép phải làm. Cuối cùng, ông tin lời bà.
Mayol, cựu binh nhí ở Nam Sudan. Ảnh: CNN
Hy vọng
“Tôi đã bỏ qua thời thơ ấu,” Mayol nói. “Ở tuổi lớn hơn, bắt đầu đi học lại thật khó.” Trường học dạy cho những cựu binh nhí cách áp dụng những kỹ năng họ từng được huấn luyện, như khả năng lãnh đạo, lập kế hoạch chiến lược và tính kỷ luật một cách lành mạnh, hiệu quả.
Mayol hiện làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận Mothering Across Continents, giúp giáo dục thế hệ trẻ ở miền nam Sudan.
“Không cần phải buộc họ cố gắng quên đi hay chối bỏ chuyện trong quá khứ,” Vindevogel nói. “Điều quan trọng là phải lập ra một quá trình phản ánh những kinh nghiệm hoặc điều hữu ích họ học được trong thời gian ở IS, đem áp dụng vào tương lai.”
Đối với các binh sĩ nhí, quay về nhà không phải điều dễ dàng.
“Mọi người đều sợ hãi những cậu bé ở độ tuổi chúng tôi,” Beah nhớ lại. “Đây là một trong những hậu quả của cuộc nội chiến. Mọi người không tin nhau, người lạ nào cũng như kẻ thù. Ngay cả những người quen trước đây, cũng trở nên dè dặt khi nói về mối quan hệ hoặc nói chuyện với các binh sĩ nhí.”
Cha mẹ của những chiến binh nhí phải đối mặt với câu hỏi hóc búa, con mình là nạn nhân, hay là thủ phạm của chiến tranh. Nếu là thủ phạm, chúng có thể bị cộng đồng tẩy chay, thậm chí trở thành mục tiêu trả thù. Nếu là nạn nhân, trẻ em có nguy cơ bị coi là gánh nặng xã hội.
Chúng ta không thể đảm bảo tất cả đều hòa nhập thành công, Vindevogel nói, cho rằng việc hòa nhập phụ thuộc nhiều vào quyết tâm và nhận thức của những cựu binh nhí. “Điều quan trọng là, họ phải có kỳ vọng vào tương lai, nhận thức rằng thời gian trong các nhóm vũ trang không phải vô ích, tương lai của họ vẫn còn đó.”
Hồng Hạnh
Theo VNE
Thế giới của những chiến binh IS nhí
Nhà nước Hồi giáo lợi dụng những đứa trẻ với tâm lý chưa ổn định, nhồi nhét vào đầu các em tư tưởng cực đoan, từ đó biến chúng thành công cụ sẵn sàng chết trên chiến trường.
Hình ảnh Muhammad Musallam, người bị nghi là gián điệp tình báo, trong video hành quyết Nhà nước Hồi giáo đăng tải hôm qua. Ảnh: Times of Israel/Youtube.
Nỗ lực nhằm xây dựng một cộng đồng riêng của Nhà nước Hồi giáo (IS) chưa dừng lại ở việc tuyển mộ các thành viên nữ giới, chúng nay còn mở rộng sang lôi kéo, cưỡng ép cả trẻ em gia nhập tổ chức. Những tay súng ngoại quốc muốn "sống dưới là cờ đen" được IS khuyến khích mang theo cả gia đình đến Iraq và Syria.
Nhóm này hôm 10/3 đăng tải video có hình ảnh một chiến binh nhí bắn chết thanh niên Israel gốc Arab do nghi ngờ người này là gián điệp. Phiến quân nhỏ tuổi mặc đồng phục quân đội, cầm súng, đứng đối mặt rồi bắn vào đầu nạn nhân và hô lớn "Alllahu Akbar!" (Đấng tối cao vĩ đại).
Tháng 11/2014, IS phát tán một video giới thiệu về "những người anh em mới từ Kazakhstan". Nhóm khủng bố ghi lại cách chúng huấn luyện những đứa trẻ trở thành chiến binh của tổ chức. Các bé trai xuất hiện trong đoạn băng chen chúc trên chiếc xe buýt để đến một lớp học mà IS miêu tả là "căn cứ tối thượng nuôi dưỡng lớp chiến binh của tương lai". Tại đây, các em được thực hành nhiều bài tập chiến đấu, sử dụng súng trường, học cách tước vũ khí của đối phương.
Một báo cáo của Liên Hợp quốc (UN) về tội ác chiến tranh ở Syria chỉ ra rằng việc IS nhồi nhét vào đầu giới trẻ những tư tưởng cực đoan là "cách để chúng đảm bảo sự trung thành lâu dài từ các em" và tạo ra "những đội quân chiến binh coi bạo lực như một yếu tố không thể thiếu của cuộc sống". IS hiện thực hóa mục tiêu này một cách có hệ thống và bài bản.
Chiêu đào tạo, dụ dỗ
Trẻ em Raqqa, Syria với lá cờ đen của IS. Ảnh: AP
Theo Guardian, trẻ em trong tay IS phải trở thành công cụ trên chiến trường hay làm con tốt thí trong các cuộc đánh bom liều chết. Đối với IS, các em không khác gì những lá chắn sống hay bình máu di động, sẵn sàng phục vụ chúng khi cần.
IS còn giao nhiệm vụ cho những bé trai, nhiều khi chưa đến 13 tuổi, mang vũ khí bên mình, canh giữ tại những vị trí chiến lược trên tiền tuyến hay đi bắt giữ dân thường. Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho hay đến nay có hàng trăm đứa trẻ phải bỏ mạng vì cuộc chiến của IS.
Nhóm cực đoan này quản lý rất nghiêm ngặt các biện pháp giáo dục đối với trẻ em sống trong lãnh thổ chúng kiểm soát. Theo một giáo viên ở Raqqa, thành trì của quân khủng bố tại Syria, IS coi những bộ môn như triết học, khoa học, lịch sử, nghệ thuật, thể dục thể thao... là không phù hợp với đạo Hồi.
"Lũ trẻ dưới 15 tuổi phải đến các trại sharia tập trung để học về tín ngưỡng và tôn giáo", Vice News dẫn lời ông nói. Những em trên 16 tuổi có thể gia nhập trại huấn luyện quân sự và không lâu sau sẽ hiến thân mình cho tổ chức trên chiến trường. Tuy nhiên, trong các video tuyên truyền IS đưa ra, những đứa trẻ còn ít tuổi hơn nhiều vẫn được dạy cách sử dụng vũ khí.
Phương pháp tuyển mộ và đào tạo trẻ em của IS là dấu hiệu cho thấy chúng đang xây dựng một "tổ chức tổng thể". Nhà xã hội học Erving Goffman định nghĩa đây là một cộng đồng có sự kiểm soát độc quyền cuộc sống của thành viên ở các mức độ khác nhau. IS cũng có xu hướng huấn luyện các chiến binh ở độ tuổi ngày càng trẻ. Bằng cách này chúng sẽ đảm bảo được số lượng thành viên trung thành ở thế hệ kế cận.
Người dân Raqqua cho biết IS đã dạy chiến binh nhí cách chặt đầu người khác và trao cho chúng búp bê để thực hành. "Khi IS đến thị trấn, cháu thấy thích cái cách mà họ ăn mặc. Họ trông như một băng đảng. Họ có rất nhiều loại vũ khí. Thế nên cháu tới nói chuyện với họ và quyết tâm đến trại huấn luyện Kafr Hamra ở Aleppo", HRW dẫn lời một chiến binh nhí IS nói. Cậu bé này nhập trại khi mới 16 tuổi nhưng những kẻ cầm đầu vẫn chưa hài lòng bởi chúng cần những người trẻ hơn thế.
Vì nhắm đến việc tạo ra một kiểu chiến binh hoàn toàn mới nên đối với IS, khi thu nhận những đứa trẻ với tâm lý còn chưa ổn định chúng sẽ dễ dàng tiêm nhiễm vào đầu các em tư tưởng cực đoan, bạo lực hơn, chuyên gia tâm thần học Otto Kernberg lý giải.
Amr, một đứa trẻ khác, thì cho biết cậu tham gia vào một tổ chức ngầm chuyên thu thập thông tin về chính quyền Syria cho IS lúc mới 15 tuổi. Khi chính thức trở thành tay sai cho nhóm, cậu được giao một khẩu súng trường Kalashnikov, đồng phục quân đội và áo chống đạn.
IS thường xuyên dụ dỗ Amr và những đứa trẻ khác trở thành phần tử đánh bom tự sát. Khoảng vài trăm người đã đồng ý thực hiện sứ mệnh này. Theo Amr, cậu cảm thấy một áp lực vô hình nào đó từ xã hội thôi thúc cậu "tình nguyện" đi tới chỗ chết.
Ở Raqqa, IS mua chuộc các bậc cha mẹ bán con em mình cho tổ chức hay dùng tiền để dẫn dụ những đứa trẻ. Các chiến binh nhí đầu quân cho IS hàng tháng được trả khoảng 100 USD.
Tuy nhiên không phải lúc nào các tân binh cũng hoàn toàn tự nguyện. Trẻ em thuộc các dân tộc thiểu số như Kurd hay Yazidi thường bị bắt cóc và ép phải gia nhập IS.
Năm ngoái, IS bắt giữ khoảng 600 học sinh người Kurd đang trên đường tới Aleppo để tham dự một kỳ thi. Chúng buộc các em phải học tập theo "phương pháp" của IS.
Nhóm cực đoan cho lũ trẻ xem những đoạn băng chặt đầu hay tấn công liều chết và khuyến khích các em tử vì đạo. Một bác sĩ ở Raqqa nói với HRW rằng ông từng điều trị cho một bé trai, khoảng 10 đến 12 tuổi. Nhiệm vụ của cậu là dùng roi tra tấn tù binh.
Những sang chấn tâm lý
Theo Guardian, dùng trẻ em làm chiến binh thật sự là một tội ác chiến tranh. Một nghiên cứu trên 300 đứa trẻ từng là binh sĩ ở Uganda cho thấy gần một phần ba trong số này mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Hai phần ba còn lại đều gặp các vấn đề về hành vi và cảm xúc. Hầu hết các em luôn trong tình trạng hồi hộp, lo âu. Việc liên tục phải chứng kiến các hành động phi đạo đức, dã man, dễ khiến các em quên đi khái niệm về mất mát hay thương cảm.
Số ít những đứa trẻ tránh được các ảnh hưởng về sức khỏe lại hình thành một thứ cảm giác thích thú đối với bạo lực. Dường như chúng đã học cách để cảm thấy thỏa mãn trước cảnh giết chóc, theo nghiên cứu của bác sĩ tâm lý Roland Weierstall cùng đồng nghiệp.
Liệu IS có chủ trương tạo ra một xã hội ham thích giết chóc và bạo lực hay không? Đến nay, vẫn chưa thể xác định mục đích cuối cùng của chúng là gì. Nhưng dù kết quả có ra sao thì những việc IS đang thực hiện ở Iraq và Syria chắc chắn sẽ khiến cả một thế hệ chịu thương tổn sâu sắc, đồng thời tạo ra một loạt thách thức mới.
"IS đã đưa việc lạm dụng trẻ em lên mức độ công nghiệp. Chúng đang tàn bạo hóa, hung ác hóa giới trẻ. Điều này sớm muộn sẽ biến thành một vấn đề của nhiều thế hệ", trung tướng HR McMaster, chuyên gia dự đoán các mối đe dọa và lên kế hoạch cho tương lai của quân đội Mỹ, nhận định.
Thành phố Aleppo và Raqqa ở Syria. Đồ họa: BBC.
Vũ Hoàng
Theo Guardian
Phiến quân Hồi giáo dụ các cô gái trẻ bằng cuộc sống công chúa Những tên khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đang dùng mạng xã hội để hứa hẹn với các cô gái trẻ phương Tây về một cuộc sống như của công chúa ở quốc vương, để thuyết phục họ đến Syria. IS đang dùng truyền thông xã hội để hứa hẹn những cô gái trẻ người nước ngoài những phiên...