Từng ‘ép chết’ đối thủ bằng quyền lực mềm, Google sắp phải nhận ‘quả báo’ ở châu Âu
Một công ty nhỏ ở Cộng hòa Séc đã giúp truyền cảm hứng cho một đạo luật có thể đặt ra những giới hạn lớn đối với những gã khổng lồ công nghệ như Google.
Khi Google mở rộng sự thống trị của mình với tư cách là một công cụ tìm kiếm trong hai thập kỷ qua, Cộng hòa Séc nổi bật lên như một nơi vô cùng khác biệt.
Người dân ở quốc gia châu Âu này ưa thích Seznam, một công cụ tìm kiếm ra đời ở Praha vào năm 1996, trước Google hai năm. Trong khoảng 15 năm tiếp đó, việc Seznam tập trung vào thị trường địa phương đã mang đến một câu chuyện thú vị về một vùng đất không bị đánh bại bởi một gã khổng lồ toàn cầu đang trên đà phát triển.
Nhưng khi điện thoại thông minh trở nên phổ biến, hầu hết chúng được cài đặt Google làm công cụ tìm kiếm mặc định, thì vận may của Seznam đã cạn kiệt. Google ngày nay kiểm soát hơn 80% thị trường tìm kiếm ở Séc và Seznam trở thành một công cụ tìm kiếm tập trung nhiều hơn vào các nội dung truyền thông.
Seznam từng là một thế lực chống lại Google ở châu Âu.
Nhưng kể từ khi sụp đổ, Seznam vẫn là một cái gai đối với Google, đáng kể như khi hãng này tham gia khiếu nại chống lại gã khổng lồ tìm kiếm của Mỹ khiến đối phương phải chịu một mức phạt kỷ lục. Giờ đây, công ty cũng đang giúp truyền cảm hứng cho các bộ luật nhằm hạn chế quyền lực của các công ty như Google, và hậu quả với Google chắc chắn sẽ vượt xa phạm vi Cộng hòa Séc.
Các nhà lập pháp châu Âu đang hoàn tất những bước cuối cùng cho một đạo luật nhằm bảo vệ các doanh nghiệp như Seznam, bằng cách ngăn chặn các công ty công nghệ lớn cung cấp dịch vụ một cách không công bằng để loại bỏ các đối thủ. Luật này sẽ yêu cầu Google và những gã khổng lồ công nghệ khác cung cấp dịch vụ từ các công ty nhỏ hơn một cách dễ dàng hơn cho người dùng.
Các quy tắc mới, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 6 năm nay, sẽ ảnh hưởng đến cách Apple và Google vận hành các cửa hàng ứng dụng, hay Amazon bán sản phẩm trực tuyến, hoặc Meta và Google bán quảng cáo trực tuyến. Cuộc tranh luận ở châu Âu đang được theo dõi chặt chẽ ở các quốc gia khác, bao gồm Hoa Kỳ, nơi Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang cũng đã đề xuất cập nhật các quy tắc cạnh tranh nhắm vào các công ty công nghệ lớn nhất thế giới.
Làn sóng quy định mới này là một dấu hiệu cho thấy toàn thế giới lo ngại rằng một số công ty đã đạt đến quy mô quá lớn, đến mức các đối thủ cạnh tranh mới không thể xuất hiện, khiến các nền tảng này có sức ảnh hưởng lớn hơn đối với doanh nghiệp và xã hội. Internet, từng được coi là cách tạo ra một sân chơi phi tập trung cho hàng loạt doanh nghiệp tiếp cận người dùng trên khắp thế giới, nay đã bị kiểm soát bởi số lượng các công ty kếch xù, và đang ngày càng thu hẹp lại. Các nhà hoạch định chính sách lo ngại sẽ có ít dư địa hơn cho các công ty nhỏ để chúng có thể phát triển mạnh.
Ông Michal Feix, cựu giám đốc điều hành của Seznam, người hiện lãnh đạo công việc chính sách và pháp lý của Seznam với tư cách là nhà tư vấn bên ngoài cho biết: “Chúng tôi là một ví dụ về hậu quả. Nếu không có luật mới, bạn chỉ đơn giản là không thể cạnh tranh”.
Trong khi đó, Google cho biết thành công của họ tại Cộng hòa Séc là kết quả của việc xây dựng một dịch vụ cao cấp. Người Séc “chọn sản phẩm của chúng tôi vì chúng giúp mọi người tìm thấy thông tin họ đang tìm kiếm – và vì chúng tôi thực hiện hàng nghìn cải tiến mỗi năm”, Google cho biết trong một tuyên bố.
Video đang HOT
Ông Michal Feix đang dẫn đầu các nỗ lực pháp lý của Seznam chống lại Google
Quay ngược lịch sử thì tại Cộng hòa Séc, lịch sử của Seznam bắt nguồn từ những sự nhiệt tình ban đầu đối với Internet. Ông Ivo Lukacovic, người sáng lập và chủ sở hữu của Seznam, có một thời thơ ấu nghèo khổ, trong một gia đình không có ô tô hay TV màu. Năm 22 tuổi, ông bỏ học Đại học Kỹ thuật Séc ở Praha sau khi tạo ra Seznam, cái tên có nghĩa là “danh sách” trong tiếng Séc. Nó bắt đầu như một trang web giới thiệu khoảng 10 trang web của Séc để mọi người truy cập. Một công cụ tìm kiếm đã được thêm vào năm 1998, rồi e-mail, bản đồ và các dịch vụ khác đã xuất hiện trong những năm sau đó.
Công ty tiếp tục phát triển sau khi Google xuất hiện tại quốc gia này vào năm 2006. Công cụ tìm kiếm của Seznam được thiết kế riêng cho người nói tiếng Séc và bổ sung thêm các dịch vụ như lưu trữ e-mail không giới hạn để theo kịp các dịch vụ của Google.
Năm 2008, Cộng hòa Séc, với dân số 10,5 triệu người, đã trở thành nơi duy nhất trong “Khu vực kinh tế châu Âu” gồm 31 quốc gia mà Google không phải là công cụ tìm kiếm hàng đầu.
Đến năm 2010, vị thế của Seznam bắt đầu thay đổi. Google đã đầu tư đáng kể vào việc cải thiện các dịch vụ không sử dụng tiếng Anh của mình và cố gắng tạo thiện cảm với người dân Séc thông qua các nỗ lực “lấy lòng”. Ví dụ như số hóa các cuốn sách cổ được lưu giữ tại thư viện Baroque thế kỷ 18 ở khu phố cổ của Praha.
Nhưng Seznam cảm thấy có điều gì đó nguy hiểm hơn đang tới gần.
Google sở hữu Android, hệ điều hành được sử dụng trên hầu hết các điện thoại thông minh trên thế giới. Và nó đã có một thỏa thuận với Apple để biến công cụ tìm kiếm của mình trở thành lựa chọn mặc định trên iPhone. Khi thói quen duyệt Internet chuyển từ máy tính cá nhân sang điện thoại thông minh, Seznam gặp bất lợi.
Google cung cấp hệ điều hành Android miễn phí cho các nhà sản xuất điện thoại như Samsung và LG, nhưng họ yêu cầu các công ty này phải cài đặt trước các ứng dụng như Google Seach và trình duyệt Chrome nếu họ muốn truy cập vào cửa hàng ứng dụng Google Play.
Seznam đã tiếp cận các nhà sản xuất thiết bị cầm tay để đưa dịch vụ tìm kiếm của họ vào điện thoại, nhưng tất cả đã nói với Seznam rằng Google đã có các thỏa thuận trước, ông Feix nói. Ông nói thêm rằng thời điểm người sử dụng Seznam giảm mạnh nhất là vào mỗi dịp Giáng sinh, khi mọi người mở gói quà bên trong chứa những chiếc smartphone mới có cài đặt sẵn ứng dụng Google.
Châu Âu sẽ thành khu vực đầu tiên trên thế giới đặt ra các giới hạn với những công ty Big Tech như Google.
Năm 2012, Seznam đến gặp cơ quan quản lý của Séc. Và một năm sau, nó đã cùng với các công ty khác gửi đơn khiếu nại lên các nhà điều tra của Ủy ban châu Âu cáo buộc Google vi phạm luật chống độc quyền bằng bằng cách sử dụng Android để chặn việc cạnh tranh.
Nỗ lực đã thành công, dẫn đến khoản tiền phạt kỷ lục 4,34 tỷ euro (khoảng 5 USD khi đó), chống lại Google. Ủy ban cho biết Google đã sử dụng Android để “củng cố sự thống trị của công cụ tìm kiếm của mình”. Seznam được nêu tên hoặc trích dẫn ít nhất 24 lần trong quyết định, hiện vẫn đang bị Google kháng cáo.
Nhưng đối với Seznam, quyết định năm 2018 là quá muộn. Theo Toplist, một công ty nghiên cứu thị trường, công ty này đã từ bỏ vị trí dẫn đầu trên thị trường tìm kiếm ở Séc vào khoảng mùa hè năm 2014. Hiện nó chỉ chiếm khoảng 11% thị trường. Các công ty nghiên cứu khác cho biết Seznam có thể đã mất vị trí dẫn đầu ngay từ năm 2011, cùng thời điểm việc sử dụng điện thoại thông minh bùng nổ.
Năm ngoái, Seznam đã kiện Google với số tiền khoảng 400 triệu USD vì bị mất phần doanh thu mà họ cho rằng có liên quan đến các hành vi vi phạm luật chống độc quyền của Google. Google đang chống lại vụ kiện.
Luật chống cạnh tranh mới, Đạo luật thị trường kỹ thuật số, sẽ đẩy nhanh các cuộc điều tra về cạnh tranh liên quan đến công nghệ và yêu cầu các công ty công nghệ khi phát triển tới một quy mô nhất định phải cấp cho người dùng quyền truy cập vào các dịch vụ của đối thủ. Các hình phạt có thể lên tới 10% doanh thu toàn cầu của một công ty, con số trị giá khoảng 18 tỷ USD đối với Google. Trên điện thoại thông minh sử dụng Android mới, người dùng có thể chọn công cụ tìm kiếm hoặc trình duyệt thay thế để sử dụng, một biện pháp khắc phục cũng đã được đưa vào hình phạt năm 2018 đối với Google trong trường hợp Android.
“Châu Âu sẽ là khu vực đầu tiên đặt ra những quy tắc này”, bà Margrethe Vestager, Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu phụ trách về cạnh tranh và chính sách kỹ thuật số cho biết. ” Có thể những người khác sẽ lấy cảm hứng để có thể tạo ra một phong trào toàn cầu.”
Các Big Tech và cuộc chiến cáp quang dưới lòng đại dương
Trong chưa đầy một thập niên, bốn gã khổng lồ công nghệ - Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google), Meta (trước đây là Facebook) và Amazon, đã thống lĩnh ưu thế về dung lượng cáp quang dưới đại dương.
Trước năm 2012, tỷ lệ công suất cáp quang quốc tế dưới biển mà các công ty này sử dụng là dưới 10%, thế nhưng đến ngày nay (2022) thì con số đó đã tăng lên đến 66%. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu - nhận định của các nhà phân tích, kỹ sư cáp ngầm và chính bản thân các "ông lớn" công nghệ tiết lộ.
Theo công ty phân tích cáp biển TeleGeography, trong vòng ba năm tới thì những hãng này sẽ thống trị phần lớn cáp quang biển kết nối đến các quốc gia giàu có nhất và ngốn băng thông nhất bên bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Dự kiến đến năm 2024, cả 4 ông lớn kể trên sẽ sở hữu lên đến 30 tuyến cáp biển với mỗi đường có thể có độ dài lên đến hàng nghìn dặm, kết nối mọi lục địa trên thế giới với Nam Cực.
Amazon, Meta, Google và Microsoft tự xây dựng, nắm cổ phần nhiều tuyến cáp biển
Viễn thông truyền thống đặt hoài nghi, nhưng không thể phủ nhận lợi ích
Đáp trả lại sự bùng nổ mạng lưới cáp biển của tư nhân là sự nghi ngờ, thậm chí là thù địch của các công ty viễn thông truyền thống. Giới phân tích trong ngành đã đặt ra quan ngại về việc những hãng công nghệ này có thể ưu tiên phân phối dịch vụ riêng, thậm chí chi phối Internet toàn cầu.
Tuy vậy, không thể phủ nhận về những lợi ích to lớn khi các đơn vị tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, có thể kể đến như giảm chi phí truyền dữ liệu xuyên đại dương cho người dùng. Theo một báo cáo thường niên của TeleGeography, khả năng truyền dữ liệu quốc tế đã tăng lên đến 41%, chỉ tính riêng trong năm 2020.
Chi phí đắt đỏ, đối mặt nhiều thách thức, nhưng "được" nhiều hơn "mất"
Giá trị của mỗi tuyến cáp dưới biển có thể lên đến hàng trăm triệu USD. Không những vậy, việc lắp đặt và bảo trì chúng không hề dễ dàng chút nào.
Bên cạnh điều kiện địa hình, các kỹ sư lắp đặt cáp biển còn phải tránh được các nguy cơ khác như đào phải đường ống dẫn dầu và khí đốt, đường dây tải điện cao thế cho các trang trại gió ngoài khơi, hay thậm chí cả xác tàu đắm và bom chưa nổ... Do đó, việc đặt cáp xuyên đại dương trước đây thường được thực hiện dựa trên nguồn lực của chính phủ và các công ty viễn thông quốc gia của họ.
Tuy nhiên, nguồn lực của "bộ tứ" hàng đầu giới công nghệ hiện nay đã đủ mạnh để "do big things" (làm những điều to lớn). Theo ông Timothy Stronge, Phó chủ tịch nghiên cứu của TeleGeography: "Chi phí mua dung lượng ngày càng cao. Do đó, xây dựng tuyến cáp riêng sẽ giúp những gã khổng lồ công nghệ tiết kiệm hàng tỉ USD phải trả cho nhà khai thác khác".
Cáp ngầm Curie của Google ở Valparaíso, Chile
Đầu tư cho đối thủ, đảm bảo sự ổn định chung
Bên cạnh tự xây tuyến riêng cho mình, các Big Tech vẫn ưu tiên cùng nhau đầu tư vào các tuyến cáp hơn.
Tiêu biểu có thể kể đến như tuyến Marea dài 6.600 km từ biển Virginia (Mỹ) đến Bilbao (Tây Ban Nha), hoàn thành năm 2017, có một phần sở hữu của Microsoft, Meta và Telxius (công ty con thuộc hãng viễn thông Telefonica). Năm 2019, Amazon cũng ký thỏa thuận với Telxius để sử dụng một trong 8 cặp cáp quang thuộc tuyến Marea đang vận hành. Công suất của tuyến này đạt 200 terabits/giây, đủ để phát đồng thời hàng triệu phim độ phân giải HD qua Internet.
Với việc chia sẻ băng thông giữa các đối thủ cạnh tranh, các công ty có thể đảm bảo được dung lượng trên nhiều tuyến cáp, giữ được sự ổn định về lưu lượng khi một hoặc vài tuyến cáp quang biển bị đứt hoặc hỏng.
TikTok soán ngôi Google trở thành trang được truy cập nhiều nhất Theo dữ liệu mới từ CloudFlare, TikTok đã soán ngôi Google để trở thành trang web được truy cập nhiều nhất trên thế giới. Ứng dụng chia sẻ video TikTok đã chấm dứt sự thống trị của gã khổng lồ Google, vốn được xếp hạng là tên miền phổ biến nhất trong cả năm 2020 và đầu năm 2021. Tên miền Google.com bao...