Tục cúng tiễn ông Công ông Táo có ý nghĩa gì?
Người Việt xưa tin rằng Táo quân là vị thần bảo vệ gia đình, thường được thờ ở nhà bếp nên còn gọi là vua bếp. Để được Táo quân phù trợ, người ta thường làm lễ tiễn đưa trọng thể.
Theo tục cổ truyền của người Việt, hàng năm, ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thường chuẩn bị làm lễ cúng tiễn vua Bếp (cũng gọi là ông Công hay Táo quân) lên chầu trời để báo cáo mọi việc tốt xấu của nhân gian.
Về sự tích vua Bếp, có nhiều truyền thuyết được dân gian truyền lại, trong đó, phổ biến nhất là truyện thường được kể dưới nhan đề Sự tích ông đầu râu hay Sự tích vua Bếp với rất nhiều dị bản.
Mâm cỗ cúng Táo quân trong gia đình người Việt tại Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu.
Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm trong Cơ sở Văn hóa Việt Nam, ngày xưa có hai vợ chồng nghèo khổ, sau một năm mất mùa, người chồng phải đi làm ăn xa, nhiều năm bặt tin không về. Người vợ để tang chồng, sau đó, nối duyên với một người đã cưu mang nàng.
Một ngày kia, trong khi người chồng mới đi vắng, người chồng cũ bỗng trở về. Lúc này, người vợ chỉ biết ôm chồng cũ khóc than rồi đem cơm rượu cho ăn. Sợ điều tiếng, người vợ bảo chồng cũ ra đống rơm núp tạm. Người chồng mới về nhà, vào bếp lấy tro bón ruộng nhưng không có, bèn đốt đống rơm, vô tình giết người chồng cũ.
Video đang HOT
Thấy chồng cũ chết oan uổng trong đống rơm, người vợ thương xót nên nhảy vào lửa cùng chết. Người chồng mới thấy vậy, thương vợ nên cũng nhảy vào lửa chết theo dù chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện.
Trời thấy ba người sống đầy tình nghĩa nên phong cho họ làm vua Bếp để được gần nhau mãi mãi và để lửa luôn đốt nóng tình yêu của họ. Trong bộ ba đó, người chồng mới là Thổ Công trông nom việc trong bếp, người chồng cũ là Thổ Địa trông coi việc trong nhà và người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.
Ngoài ra, tác giả Nhất Thanh trong Đất lề quê thói cho biết theo học phái Lão Tử, ông Công là một vị thần trông coi việc thiện, ác của từng gia đình để cuối năm lên tâu Ngọc Hoàng.
Theo Nhất Thanh, người dân không suy nghĩ về sự khác biệt giữa các truyền thuyết, họ chỉ biết thành kính phụng thờ, tin tưởng thần lực uy quyền. Họ thường nghĩ đến Táo quân khi trong nhà có việc không suôn sẻ.
Cá chép được xem là phương tiện giúp Táo quân về trời. Ảnh: Lê Hiếu.Ý nghĩa
Tác giả Minh Đường trong Nghi lễ dân gian – Nghi lễ cúng gia tiên cho hay trong các vị thần, Táo quân là vị thần theo sát cuộc sống của mọi người với vai trò là tay chân của Ngọc Hoàng đến với muôn nhà.
Thường ngày, Táo quân ghi lại những công tội, tốt xấu của mọi người để đến ngày trở về trời báo cáo với Ngọc Hoàng, làm cơ sở để thưởng cho cái tốt và phạt cái xấu. Vì vậy, để được Táo quân phù trợ, người ta thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu trời rất trọng thể.
Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm, một năm mở đầu bằng Tết Nguyên Đán và kết thúc bằng Tết ông Táo vào 23 tháng Chạp. Đến đêm 30 tháng Chạp, ông Táo trở về cùng gia đình bước vào năm mới. Như vậy, hệ thống lễ Tết làm thành một chu trình khép kín, âm dương chuyển hóa cho nhau.
Ngoài ra, ông cũng lý giải về mối quan hệ giữa Thổ Công (địa thần ) với ông bà tổ tiên (nhân thần). Cụ thể, Thổ Công định đoạt phúc họa cho cả nhà nên là vị thần quan trọng nhất nhưng ông bà tổ tiên được tôn kính nhất.
Để không làm mất lòng ai, người dân xếp cho tổ tiên ngự tại bàn thờ tôn kính nhất ở gian giữa, còn Thổ Công ở gian bên trái (theo Ngũ hành, bên trái – phương Đông là nơi quan trọng thứ hai sau trung tâm).
Tuy địa vị kém nhân thần nhưng quyền lực của địa thần lại lớn hơn, Thổ Công được coi là Đệ nhất gia chi chủ. Mỗi khi giỗ cha mẹ, người dân đều phải khấn Thổ Công trước rồi xin phép cho cha mẹ được về “phối hưởng”.
Theo Hoàng Như (Zing)
Mâm cỗ cúng ông Táo 'cháy hàng'
Nhiều nhà hàng cung cấp dịch vụ nấu và chuyển cỗ cúng ông Công ông Táo đều trong tình trạng quá tải những ngày này.
Năm nay, chị Thu Hương, nhân viên một ngân hàng ở Đống Đa (Hà Nội) cảm thấy rất thoải mái dịp lễ cúng ông Công ông Táo. Thay vì phải lo lắng, tất bật chuẩn bị đồ cúng, chị đã đặt dịch vụ nấu và chuyển mâm cỗ đến tận nhà từ cách đây 2 ngày. Sau khi tan làm buổi chiều qua (7/2 - ngày 22 tháng Chạp), chị chỉ cần mua thêm một ít hoa tươi, ba con cá chép và nhận cỗ để bày biện lên bàn thờ.
"Ngày 22 hoặc 23 tháng Chạp mọi năm, mình thường phải tranh thủ đi chợ từ sáng sớm để mua đồ. Sau đó, chiều về lại phải khẩn trương sắp cỗ để cúng cho kịp giờ, chưa kể ăn xong lại phải dọn dẹp, rửa bát... Trong khi đó, cuối năm ngân hàng rất nhiều việc nên tôi cảm thấy mệt mỏi, sợ Tết. Nhờ dịch vụ mới này, tôi đỡ mệt mỏi đi nhiều", chị Hương nói.
Theo chị Hương, với gần 1,5 triệu đồng, gia đình chị đã có một mâm cỗ 10 món ăn truyền thống, bao gồm gà luộc, chả lụa, nem rán, canh bóng, bánh chưng, xôi chè... Nhờ tâm lý thoải mái, chị Hương còn mời thêm gia đình một người bạn đến nhà cùng ăn.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo được một nhà hàng ở Hà Nội quảng cáo.
Khoảng một tuần trước dịp ông Công ông Táo năm nay, nhiều nhà hàng tại Hà Nội đua nhau tung quảng cáo nấu và ship tận nhà mâm cỗ cúng với những hình ảnh món ăn rất bắt mắt. Theo khảo sát của VnExpress, một mâm cỗ từ 5 - 8 món có giá dao động khoảng 700.000 - một triệu đồng, đủ cho 4 người ăn. Các mâm cỗ có thêm hải sản sẽ được bán trên 1,5 triệu đồng.
Không chỉ bán cả mâm, nhiều nhà hàng cũng bán lẻ món cho khách có nhu cầu. Một nhà hàng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chào bán các món ăn với mức giá khá phải chăng như 80.000 đồng một chiếc bánh chưng, 100.000 đồng một hộp gà sườn, 220.000 đồng một cân giò, các loại nem từ 120.00 - 180.000 đồng một hộp... Nhà hàng này khá đông khách.
Gần trưa hôm qua, nhà hàng này phải tạm nghỉ để tập trung chuyển các mâm cỗ cúng ông Công ông Táo cho khách đã đặt trước ngày 20 tháng Chạp. Nhà hàng thông báo, những khách hàng vừa đặt hàng nên đến tận cửa hàng đến lấy cỗ vì đang quá tải, chưa trả lời nhiều được tin nhắn, cuộc gọi của khách.
Đây là tình trạng chung của nhiều nhà hàng cung cấp dịch vụ ship cỗ tại Hà Nội trong những ngày này. Một số nhà hàng đến chiều 22 tháng Chạp cũng cho biết không nhận thêm đơn hàng. Sau ngày 23 tháng Chạp, các cửa hàng này tiếp tục nhận cả các đơn hàng tiệc liên hoan, cúng tất niên...
Theo anh Minh Đức - chủ một nhà hàng ở đường Láng, hầu hết khách hàng gọi ship cỗ đều là chị em văn phòng. Do đơn hàng quá nhiều, anh Đức cũng phải tự tay đi chuyển hàng trong những ngày này. Tuy nhiên, với những đơn hàng cận Tết như những ngày 29, 30 âm lịch, anh yêu cầu khách phải trả trước 100% mới nhận.
Nghe chị Hương giới thiệu, chị Thu Lan ở Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đặt một mâm cỗ cúng gần 800.000 đồng. Ngoài ra, chị có đặt thêm một số món ăn sẵn cho 3 ngày Tết. "Quanh năm đi làm bận rộn, phục vụ gia đình, tôi nghĩ Tết nên là thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn thay vì phải luôn tay, luôn chân trong bếp", chị Lan cho hay. Quan điểm của chị Lan cũng khá tương đồng với nhiều chị em công sở hiện nay.
Theo Anh Tú (VNE)
Chưa phát hiện công dân Việt Nam bị nạn trong vụ động đất tại Đài Loan Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết chưa phát hiện công dân Việt Nam nào là nạn nhân của trận động đất xảy ra tại Đài Loan đêm 6/2. Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã mở đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về công dân Việt Nam. Trận động đất mạnh 6,4 độ Richter...