Từ ý tưởng của ông Lý Quang Diệu đến những dự án tỷ đô ở Việt Nam
Là điểm nhấn trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore, các khu công nghiệp đô thị dịch vụ Việt Nam – Singapore (VSIP) đã được hình thành từ ý tưởng của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Các khu công nghiệp này đã và đang thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới.
VSIP – Điểm sáng trong thu hút đầu tư (Ảnh: vietnambreakingnews)
Điểm sáng trong thu hút đầu tư
Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, hiện có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó Singapore nằm trong top 4. Singapore hiện là nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN vào Việt Nam, với 32,7 tỷ USD và hơn 1.350 dự án. Thống kê trong năm 2014, thương mại song phương giữa Việt Nam và Singapore đạt trên 16 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2013.
Việt Nam và Singapore có mối quan hệ đặc biệt, những nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước có mối quan hệ thân tình và tin cậy. Cho đến nay, dựa trên nền tảng mà ông Lý Quang Diệu đã xây dựng, mối quan hệ Singapore và Việt Nam đã chính thức được nâng lên tầm Đối tác chiến lược, mang lại chiều sâu trong quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Ngày 14-5-1996, tại Bình Dương, lễ động thổ VSIP I đã diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước lúc bấy giờ. Từ năm 2005, VSIP nhanh chóng mở rộng dự án thứ hai tại tỉnh Bình Dương, VSIP thứ ba tại tỉnh Bắc Ninh (2007), VSIP thứ tư tại Hải Phòng (2010) và gần đây nhất là dự án VSIP thứ năm tại tỉnh Quảng Ngãi (2013). Trong quá trình phát triển, VSIP đã chuyển mình từ một khu công nghiệp truyền thống trở thành khu liên hợp đô thị – công nghiệp, đem lại những giải pháp đô thị mới như quy hoạch tổng thể quốc tế, hạ tầng bền vững và thu hút nhà đầu tư nước ngoài sản xuất giá trị gia tăng cao hơn. Đến nay, VSIP đã thu hút gần 500 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6,4 tỷ USD và tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 tỷ USD, tạo ra 140.000 việc làm.
Lưu bút của nguyên Thủ tướng Singapore, Bộ trưởng danh dự cao cấp – Goh Chok Tong trong chuyến thăm VSIP Bắc Ninh năm 2014
VSIP trên vùng đất Kinh Bắc
Khởi công năm 2007, VSIP Bắc Ninh có tổng diện tích khoảng 700 ha, trong đó, diện tích khu công nghiệp là 500 ha, diện tích khu đô thị và dịch vụ là 200 ha, với vốn đầu tư dự kiến là 2 tỷ USD và thu hút khoảng 50.000 lao động. Tại lễ khởi công năm 2007, nguyên Thủ tướng Singapore, Bộ trưởng danh dự cấp cao Singapore – Goh Chok Tong đánh giá: “VSIP Bắc Ninh không chỉ là khu công nghiệp theo tiêu chuẩn và mô hình mẫu của Singapore mà còn góp phần quan trọng trong quá trình đô thị hóa và phát triển của Việt Nam”.
Hiện VSIP Bắc Ninh đã đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1 và đang trong quá trình hoàn thiện giai đoạn 2. Khu công nghiệp đã thu hút 51 nhà đầu tư quốc tế đến từ các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ… với nhiều tập đoàn, công ty lớn như Microsoft, Suntrory PepsiCo, Foster, Mapletree, Nittan. Hiện khu công nghiệp đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 20.000 người.
Khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa hai đất nước, tại chuyến khảo sát khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh của nguyên Thủ tướng Singapore, Bộ trưởng danh dự cấp cao – Goh Chok Tong trong năm 2014, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, thành công của các khu công nghiệp VSIP có sự đóng góp lớn của các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Singapore như cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ Singapore Lý Quang Diệu, Thủ tướng Chính phủ Singapore Lý Hiển Long…
Các khu công nghiệp VSIP không chỉ thu hút được doanh nghiệp tiêu biểu và có công nghệ cao, mà còn là một mô hình khu công nghiệp hoạt động có hiệu quả, có sự chăm sóc tới đời sống của người lao động, tham gia phúc lợi xã hội cũng như bảo vệ môi trường sinh thái. Đây là những khu công nghiệp tiêu biểu, là đứa con tinh thần thể hiện tinh thần hữu nghị giữa hai nước, xứng đáng với sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ của hai quốc gia.
Video đang HOT
Chị Đặng Thanh Hương – công nhân tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh chia sẻ: “Tôi vừa tốt nghiệp phổ thông trung học và hiện đang làm công nhân đóng gói. Làm việc trong công ty nước ngoài nên tôi rèn luyện cho mình được nhiều đức tính tốt như luôn chấp hành nghiêm túc các quy định về giờ giấc cũng như kỷ luật, nội quy. Mới vào làm việc nhưng hiện mức lương của tôi cũng được hơn 4 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, ngoài lương cơ bản, còn lại là các chế độ hỗ trợ như tiền ăn, tiền đi lại, chuyên cần, môi trường… Theo tìm hiểu của tôi thì mức lương sẽ được tăng mỗi năm 1 lân. Ngoài ra còn có 2 lần tiền thưởng cũng như được cho đi tham quan, nghỉ mát”.
Cùng với việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, VSIP cũng góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội địa phương. Anh Trần Thanh Phong – xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh chia sẻ: “Từ khi khu công nghiệp đi vào hoạt động, đời sống người dân trong vùng cũng được cải thiện đáng kể. Nhiều gia đình mở dịch vụ bán hàng, rồi cho thuê nhà… nhờ nhu cầu từ công nhân ở khu công nghiệp”.
Ấn tượng với lời khuyên rất chân thành Có thể nói ông Lý Quang Diệu là người đầu tiên nhận thấy vai trò của Việt Nam trong khu vực và nhận thấy được lợi ích trong quan hệ với Việt Nam, đồng thời nhận thấy được lợi ích của việc Việt Nam tham gia vào tổ chức khu vực ASEAN. Ông rất hiểu được bàn cờ chính trị thế giới và khu vực cho nên ASEAN phải đoàn kết, phải biết tập hợp được những nước cần thiết, trong đó có Việt Nam. Tôi ấn tượng nhất có một lần ông nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam: “Các ông đừng nên vui mừng Singapore là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, mà các ông phải phấn đấu thế nào để Mỹ là nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam”. Đây là lời khuyên rất chân thành. Ông Lý Quang Diệu thấy được vấn đề và biết được rằng lợi ích dân tộc của ông gắn với lợi ích của các dân tộc khác và gắn với lợi ích khu vực. PGS. TS Dương Văn Quảng, Đại sứ Việt Nam tại Singapore (2003 – 2007)
Những gợi mở còn nguyên giá trị Trong hơn 40 năm quan hệ ngoại giao với Việt Nam, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nhiều lần đến Việt Nam. Lần đầu tiên vào tháng 4-1992, ông đến thăm Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai, trò chuyện thân mật cả ngày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tiếp xúc với Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh… Sau đó, ông liên tục trở lại Việt Nam vào tháng 11-1993, 3-1995, 11-1997 và lần cuối cùng là vào tháng 1-2007. Nhìn nhận về Việt Nam, ngay từ khi mới nhậm chức, Thủ tướng Lý Quang Diệu từng mơ ước một ngày nào đó Singapore sánh ngang được với hòn ngọc Viễn Đông Sài Gòn. “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”, ông nhận xét. Trong chuyến thăm Việt Nam cuối cùng hồi đầu năm 2007, ông Lý Quang Diệu đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như gợi mở những đường hướng giúp Việt Nam phát triển như vấn đề trọng dụng nhân tài, xây dựng bộ máy công khai minh bạch, chống tham nhũng, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục. “Chúng ta luôn giáo dục để thừa chứ không phải để thiếu. Nếu tính toán đào tạo đủ, chúng ta sẽ không thể cung cấp đủ nhu cầu của thị trường. Nếu thắng trong cuộc đua này, sẽ thắng trong phát triển kinh tế. Và Việt Nam sẽ thắng!”, ông khẳng định.
Theo Hùng Anh
An ninh Thủ đô
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu - người bạn lớn của nhân dân Việt Nam
Ngài Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Singapore - người bạn lớn của nhân dân Việt Nam - đã ra đi, để lại nỗi tiếc thương vô hạn không chỉ đối với nhân dân Singapore, mà còn đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân toàn thế giới.
Người có đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển của ASEAN nói chung và quan hệ hữu nghị Việt Nam - Singapore nói riêng
Trong một bài viết mới nhất, Đại sứ Singapore tại Việt Nam Ng Teck Hean đã có những dòng trân trọng về người Cha già của dân tộc Singapore: "Ông Lý Quang Diệu là người có niềm tin vững chắc vào ASEAN. Ông là một nhân tố quan trọng trong sự thành lập và tiến trình phát triển của ASEAN. Và cũng chính ông là nhân vật đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng nên nền tảng vững chắc của mối quan hệ Việt Nam - Singapore".
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu - người có nhiều đóng góp đối với tiến trình phát triển ASEAN (Ảnh: Today)
Đó là những khẳng định ngắn gọn, nhưng khái quát đầy đủ về vai trò của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đối với ASEAN và mối quan hệ hữu nghị gắn bó giữa Việt Nam và Singapore thời gian qua. Sự khẳng định này cũng được nhiều nhà lãnh đạo quốc tế nói đến thay cho tình cảm và lòng kính trọng đối với "huyền thoại" Lý Quang Diệu.
Một Singapore hiện đại, cường quốc kinh tế của châu Á, một quốc gia được xếp vào hàng những quốc gia "đáng sống nhất trên thế giới" chính là nhờ ở khả năng lãnh đạo tài ba của ông. Singapore dưới sự lãnh đạo của Lý Quang Diệu cũng là một trong những thành viên thúc đẩy và sáng lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Nhìn lại lịch sử ASEAN, ngày 8/8/1967, Bộ trưởng Ngoại giao các nước: Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Phó Thủ tướng Malaysia ký tại Bangkok bản Tuyên bố thành lập ASEAN vì một khu vực hòa bình, tự do và thịnh vượng. Từ 5 nước thành viên ban đầu, đến nay, ASEAN đã có 10 quốc gia thành viên, gồm: Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia, Bruney (năm 1984), Việt Nam (năm 1995), Lào (năm 1997), Myanmar (năm 1997) và Campuchia (năm 1999). Thực tiễn đã chứng minh rằng, một Đông Nam Á thống nhất đã thúc đẩy cho hợp tác và vị thế ASEAN ngày càng lớn mạnh, là tiền đề quan trọng để ASEAN trở thành một Cộng đồng.
Năm 2015, ASEAN đang tiến gần đến mốc trở thành một Cộng đồng "gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và cùng chia sẻ các trách nhiệm xã hội". Theo đó, Cộng đồng ASEAN được xây dựng dựa trên 3 trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội. Những gì ASEAN đang có được ngày hôm nay là nhờ ở sự đóng góp của những nhà lãnh đạo tiên phong, nhiều tâm huyết, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Nói như ông Bill Clinton, Tổng thống thứ 42 của Mỹ: "Cuộc đời phục vụ công chúng của ông Lý rất vĩ đại và đáng chú ý... Những thành quả của ông với vai trò là Thủ tướng và Bộ trưởng cố vấn đã giúp hàng triệu người Singapore và trên khắp khu vực Đông Nam Á có một cuộc sống tốt hơn, thịnh vượng hơn..."; hay như lời của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban ki-moon: "Ông Lý Quang Diệu sẽ được nhớ đến như là một trong những nhà lãnh đạo truyền cảm hứng nhất châu Á".
Bộ trưởng Cao cấp Singapore Lý Quang Diệu và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trong một cuộc hội đàm (Ảnh: Vietnamnet)
Sinh thời, ông Lý Quang Diệu đã từng nhận xét: Việt Nam là đối tác quan trọng trong ASEAN. Những nỗ lực của ông trong việc phát triển mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đồng thời, thúc đẩy đưa đến một ASEAN đoàn kết và vững mạnh như ngày nay.
Ở vào thời điểm năm 1992, gia nhập ASEAN được Việt Nam chọn là một trong những đột phá. Ông Lý Quang Diệu khi đó đã rời khỏi chức vụ Thủ tướng Singapore nhưng vẫn ở lại nội các với vai trò là Bộ trưởng Cao cấp. Với tầm vóc của một nhà lãnh đạo lớn, tiếng nói của ông khi đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với Singapore, cũng từ đó, "bắc cầu" để Việt Nam gia nhập ASEAN 3 năm sau đó.
Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Singapore ngày càng được thắt chặt, củng cố và phát triển, nâng lên tầm cao mới, trở thành Đối tác chiến lược. Những thành công này đạt được, là nhờ các thế hệ lãnh đạo hai nước đã dày công vun đắp, trong đó, không thể không kể đến vai trò của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
Trong nhưng năm gân đây, quan hệ Việt Nam - Singapore đã có nhưng bước phát triển nhảy vọt cả về lượng và chất trên moi linh vưc. Điều đó thê hiên ro qua hang loat chuyên thăm câp cao cua nguyên thu hai nươc; lanh đao cac bô, nganh hai bên cung thương xuyên thăm găp gơ, trao đôi, hơp tac. Các cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực: Ngoại giao, an ninh, quốc phòng của hai nước được duy trì và ngày càng phát huy hiệu quả.
Mối quan hệ Việt Nam - Singapore được chính thức nâng lên tầm cao mới: Đối tác chiến lược trong một thỏa thuận hợp tác chiến lược vào tháng 9/2013, mang lại chiều sâu trong quan hệ giữa hai nước.
Theo Cục Thống kê của Singapore, thương mại song phương giữa Việt Nam và Singapore đạt 20,4 tỷ SGD (16,3 tỷ USD) trong năm 2014, tăng 20,3% so với năm trước đó. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore cũng đã tăng 22,4% trong năm 2014, đạt 4,05 tỷ SGD (3,2 tỷ USD). Trong khi đó, xuất khẩu từ Singapore sang Việt Nam tăng 20,1% đạt mức 16,34 tỷ SGD (12,75 tỷ USD). Singapore hiện nay là nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN vào Việt Nam, đạt 32,7 tỷ USD với trên 1.350 dự án. Năm khu công nghiệp Việt Nam - Singapore là minh chứng rõ nhất cho những thành quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước.
Năm 2015 đánh dấu kỷ niệm 10 năm việc ký kết Hiệp định khung hợp tác giữa Việt Nam - Singapore, trong đó, tập trung vào hợp tác song phương trên các lĩnh vực: Tài chính, giáo dục và đào tạo, giao thông vận tải, đầu tư, công nghệ thông tin, thương mại và dịch vụ.
Người bạn lớn của nhân dân Việt Nam
Ông Lý Quang Diệu từng nhận xét: Việt Nam là một trong những dân tộc nghị lực nhất Đông Nam Á. Sự quan tâm của ông dành cho Việt Nam thể hiện qua nhiều chuyến thăm, cả những chuyến thăm khi ông đã lùi hẳn về phía sau chính trường.
Trong cuốn hồi ký "Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất: Câu chuyện Singapore 1965 - 2000", ông Lý Quang Diệu đã có những đánh giá lạc quan về tiềm năng phát triển của Việt Nam. Ông khiêm tốn viết rằng, ông chỉ có kinh nghiệm quản lý một đất nước thành phố, chứ chưa bao giờ quản lý một quốc gia có 60 triệu người dân, chịu sự tàn phá nhiều năm của chiến tranh và đang chuyển đổi mô hình phát triển như Việt Nam.
Tuy nhiên, những gì ông đã làm cho thấy tư tưởng và tầm vóc của một nhà lãnh đạo lớn và sự chân thành dành cho Việt Nam.
Tháng 4/1992, ông Lý Quang Diệu lần đầu tiên đến thăm Việt Nam. Trong báo cáo ngắn gửi chính phủ Singapore, ông Lý Quang Diệu đánh giá rằng, dù Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng người dân Việt Nam là một dân tộc tràn đầy sức sống, tư chất thông minh. "Tôi tin tưởng rằng, 20, 30 năm nữa, họ sẽ chấn hưng trở lại..." - ông bình luận.
Trong những chuyến thăm về sau này, ông có nhiều chia sẻ trong các vấn đề phát triển kinh tế, giáo dục, xã hội ở Việt Nam và góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Ông Lý Quang Diệu là một chính khách có quan hệ rất mật thiết với Việt Nam. Ông được Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ mời sang làm Cố vấn phát triển kinh tế cho Việt Nam. Sau lời mời này, ông Lý đã cử một lực lượng chuyên gia sang Việt Nam, nghiên cứu các vấn đề về phát triển cơ sở hạ tầng, tư vấn về việc xây dựng hải cảng, sân bay, đường sá, cầu cống, hệ thống thông tin liên lạc và cung cấp năng lượng. Ông cũng từng nói rằng, Việt Nam là đối tác tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á. Ông đã rất nhiệt tình trong việc đưa ra lời khuyên và hỗ trợ thiết thực cho quá trình cải cách kinh tế ở Việt Nam.
Nói về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore cùng những đóng góp của Lý Quang Diệu đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, không thể không đề cập đến Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại Bình Dương. Đây được coi là "biểu tượng" hợp tác thành công nhất giữa Việt Nam và Singapore, là khu công nghiệp hình mẫu của cả nước - ở đó, công lao gây dựng và vun đắp của ông Lý Quang Diệu là không thể phủ nhận. Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, hệ thống khu công nghiệp VSIP đang cung ứng hạ tầng sản xuất cho hơn 500 khách hàng đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 7,4 tỷ USD, cung cấp việc làm cho 140 nghìn lao động địa phương. Bình Dương đã 4 lần vinh dự đón ông Lý Quang Diệu đến thăm. Singapore cũng là một trong những quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào Bình Dương. Đến nay, Singapore đã có 138 dự án đầu tư với tổng vốn 1,722 tỷ USD (hiện đứng thứ 4 trong số 39 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Bình Dương). Hiện nay, nhờ tiềm lực sẵn có, VSIP không chỉ có mặt tại Bình Dương mà còn phát triển tại nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi...
Ông Lý Quang Diệu cũng có nhiều chia sẻ trong vấn đề giáo dục tại Việt Nam. Trong một bài nói chuyện nhân dịp chuyến thăm Việt Nam của ông vào năm 2007, ông đã nhấn mạnh quan điểm: "Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế". Theo ông, nguồn nhân lực tốt chính là "nút cổ chai" phát triển mà Việt Nam cần chuẩn bị trước, giống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia,... đã làm. Trong đó, "giữ chân người tài" được coi là bài học quan trọng đầu tiên mà ông Lý Quang Diệu nhấn mạnh, với kinh nghiệm của chính Singapore. Ông khẳng định, "giáo dục chỉ được thừa, không được thiếu" và tiếng Anh chính là chìa khóa cạnh tranh, tránh tụt hậu. Nhiều thập niên đã trôi qua và lịch sử đã cho thấy rằng, khả năng nói tiếng Anh để giao tiếp với thế giới là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong câu chuyện tăng trưởng của Singapore. Và ông Lý Quang Diệu đã chân thành chia sẻ điều này với Việt Nam.
Ông cũng chia sẻ quan điểm với các bạn Việt Nam về "Tiến bộ của Việt Nam trong quá trình đổi mới và những thách thức trước mắt" trong một buổi nói chuyện với các cán bộ trung, cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội, nhân dịp đến thăm Việt Nam vào tháng 4/2009.
Tại đây, ông đã bày tỏ vui mừng ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam sau đổi mới; đồng thời chia sẻ những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế như Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung đang gặp phải trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Việt Nam hay Singapore cũng như các nước trên thế giới cần đưa ra những biện pháp để có thể thích ứng được với tình hình thực tế đó.
Theo ông, tái đào tạo lực lượng lao động, nhất là đối tượng lao động đang thất nghiệp được xem là biện pháp quan trọng nhất trong bối cảnh suy thoái. Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo kỹ năng, tay nghề, đặc biệt là vốn ngoại ngữ cho lực lượng lao động để có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc mới. Đây là giải pháp hữu hiệu để tránh lan rộng tình trạng thất nghiệp. Ông cho biết: Chính phủ Singapore cũng đã đưa ra những chính sách hỗ trợ hết sức cụ thể và thiết thực để người dân tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng.
Ông cũng thẳng thắn cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế về đào tạo nguồn nhân lực, tuy nhiên, trình độ tiếng Anh còn nhiều hạn chế và là một điểm cần khắc phục. Một lần nữa, ông nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tích cực trang bị trình độ tiếng Anh cho các sinh viên giỏi, giảng viên trẻ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận các chương trình giáo dục tiên tiến trên thế giới rồi về truyền giảng lại cho sinh viên trong nước. Đây là một cách thức hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Sự quan tâm và tình cảm mà người bạn lớn Lý Quang Diệu dành cho Việt Nam chắc chắn sẽ được các thế hệ lãnh đạo cũng như người dân Việt Nam ghi nhớ và trân trọng.
Ngày 23/3/2015, bày tỏ xúc động được tin Ngài Lý Quang Diệu, người Cha già của dân tộc Singapore đã từ trần, thay mặt Chính phủ, nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi tới Chính phủ và nhân dân Singapore lời chia buồn sâu sắc nhất.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã viết vào sổ tang: "Sự ra đi của Ngài Lý Quang Diệu là một mất mát vô cùng to lớn, không chỉ đối với Singapore mà còn đối với Cộng đồng ASEAN nói chung. Những cống hiến to lớn của Ngài Lý Quang Diệu cho Singapore cùng những tư tưởng của Ngài về xây dựng, phát triển quốc gia sẽ luôn là nguồn cổ vũ to lớn cho các thế hệ mai sau. Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của Ngài Lý Quang Diệu dành cho Việt Nam. Tôi mong Chính phủ và nhân dân Singapore sớm vượt qua thời khắc đau thương này"./.
Theo Kiều Giang (tổng hợp)
Báo Đảng Cộng sản Việt Nam
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và tình thân đối với Việt Nam Sự quan tâm đặc biệt của ông Lý Quang Diệu đối với Việt Nam được thể hiện ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước và kéo dài cho đến ngày nay. Ngay trong thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Singapore lúc đó, ông Lý Quang Diệu, đã đi khắp...