Tự xoa bóp chỉnh huyết áp thấp mạn tính
Bằng việc thực hiện quy trình tự xoa bóp, bạn có thể giúp cho cơ thể tự điều chỉnh huyết áp thấp trở lại trạng thái sinh lý bình thường của cơ thể.
Huyết áp thấp mạn tính là một tình trạng bệnh lý thường gặp, khi trị số huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg hoặc giảm hơn 20mmHg so với trị số huyết áp trước đó. Nhiều khi do vượt quá khả năng điều tiết thích nghi của cơ thể, người bị huyết áp thấp cảm thấy mệt mỏi như mất sức, đầu choáng mắt hoa, tức ngực khó thở, có cơn vã mồ hồi lạnh, thậm chí có thể choáng ngất khi thay đổi tư thế hoặc ở trong môi trường thiểu dưỡng khí.
Bệnh không quá nguy hiểm nhưng đôi khi lại là dấu hiệu của những rắc rối gây nhiều rủi ro cho sức khoẻ, có khi còn đe dọa tới tính mạng. Khi lâm vào tình trạng này, hãy tuần tự thực hiện quy trình tự xoa bóp dưới đây.
Chuẩn bị: Chọn tư thế nằm ngửa, để đầu hơi thấp, tay chân duỗi thẳng, toàn thân thư giãn, nhịp thở điều hòa.
Day huyệt Bách hội: Dùng ngón tay giữa day ấn huyệt Bách hội từ nhẹ đến nặng trong 2 phút. Vị trí huyệt Bách hội: Gấp vành tai về phía trước, huyệt ở điểm gập nhau của hai đường vuông góc (một đường đi ngang qua đỉnh và một đường đi dọc qua giữa đầu), sờ thấy một khe xương lõm xuống.
Day huyệt Thiên trì: Dùng ngón tay giữa day ấn huyệt Thiên trì trong 1 phút. Vị trí huyệt Thiên trì: Ở ngoài núm vú 1 tấc.
Day huyệt Nội quan: Dùng ngón tay cái day bấm huyệt Nội quan trong 1 phút. Vị trí huyệt Nội quan: Từ giữa lằn chỉ cổ tay đo lên 2 tấc, trong khe giữa gân của hai cơ nổi rõ nhất (cơ gan tay lớn và gan tay bé), gấp bàn tay vào cẳng tay và hơi nghiêng bàn tay vào trong để thấy rõ khe giữa hai gân.
Day huyệt Trung quản: Dùng ngón tay giữa day ấn huyệt Trung quản trong 1 phút. Vị trí huyệt Trung quản: Ở điểm giữa của đoạn nối rốn và điểm gặp nhau của hai bờ xương sườn hoặc từ rốn đo lên 4 thốn.
Day ấn điểm Huyết áp: Chuyển tư thế từ nằm sang ngồi, dùng ngón tay giữa đồng thời day ấn hai điểm Huyết áp trong 1 phút. Vị trí điểm Huyết áp: Cúi đầu rồi sờ phần dưới cột sống cổ thấy nổi lên 1 – 3 u xương tròn, đặt lên mỗi u một ngón tay đồng thời quay cổ nhẹ nhàng, u nào động dưới ngón tay nhiều nhất là đốt cổ 7, phía trên là đốt cổ 6, từ đấy đo ngang ra hai bên 2 tấc là vị trí của điểm Huyết áp.
Video đang HOT
Day huyệt Dũng tuyền: Cuối cùng dùng ngón tay cái đồng thời day ấn cả hai huyệt Dũng tuyền trong 1 phút. Vị trí huyệt Dũng tuyền: Ở điểm nối 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân 2 và điểm giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân.
Ngoài ra, nếu đau đầu chóng mặt nhiều có thể day thêm hai bên thái dương và vùng gáy. Nếu ù tai hoa mắt nhiều day thêm đầu trong hai lông mày và sát nóng phía trước hai vành tai. Kết thúc quy trình có thể uống một chút trà gừng hoặc trà nóng có pha thêm một chút đường. Để đạt được hiệu quả rõ rệt và bền lâu, phải tiến hành quy trình tự xoa bóp nêu trên một cách kiên trì và đều đặn, mỗi ngày từ 1 – 2 lần và kéo dài từ 2 – 3 tháng.
Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn
Theo Kiến Thức
10 dấu hiệu cảnh báo huyết áp thấp
Huyết áp thấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp oxy và máu tới các cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Huyết áp thấp hay còn gọi là tụt huyết áp được chẩn đoán khi chỉ số huyết áp của bạn đo được vào khoảng 90/60 hoặc thấp hơn.
Các nguyên nhân phổ biến gây huyết áp thấp bao gồm căng thẳng, chế độ ăn uống mất cân bằng, suy dinh dưỡng, mất máu do chu kỳ kinh nguyệt hoặc xuất huyết chậm trong đường tiêu hóa, thận hay bàng quang.
Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo khi bạn bị huyết áp thấp:
1. Chóng mặt
Một trong những dấu hiệu của huyết áp thấp là cảm giác chóng mặt. Khi đó, bạn cảm thấy mọi vật như thể đang xoay tròn xung quanh bạn và không thể kiểm soát.
2. Mau quên
Mau quên là một dấu hiệu của huyết áp thấp. Bạn có thể quên ngay những việc vừa mới xảy ra cách đó chỉ vài phút.
3. Cảm giác tê cóng
Khi huyết áp thấp, chân tay của bạn thường có cảm giác bị tê cóng và lạnh bên trong cơ thể. Trong trường hợp này, biện pháp khắc phục là bạn nên uống ngay một ít thức uống nóng để tạo nhiệt cho cơ thể.
4. Mắt nhìn mờ
Tình trạng mờ mắt đột ngột có thể gây nguy hiểm thực sự nếu bạn đang di chuyển trên đường. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là bạn nên tìm chỗ ngồi xuống và nghỉ ngơi, cho đến khi huyết áp và thị lực trở lại bình thường.
5. Yếu ớt
Một dấu hiệu khác của huyết áp thấp là cảm giác yếu ớt và run rẩy chân tay...
6. Mệt mỏi
Mệt mỏi và không thể di chuyển là dấu hiệu phổ biến của huyết áp thấp. Trong trường hợp này, tiêu thụ trái cây tươi sẽ giúp tăng cường năng lượng cho cơ thể bạn, giúp giảm cảm giác mệt mỏi.
7. Buồn nôn
Cảm giác lợm giọng và buồn nôn là dấu hiệu khi huyết áp của bạn bị thấp. Biện pháp khắc phục hiệu quả là bạn nên nhấm nháp một ít nước chanh để kiềm chế cảm giác buồn nôn.
8. Lạnh da
Khi huyết áp giảm đột ngột, bạn bắt đầu cảm thấy lạnh và run. Nguyên nhân là do cơ thể bạn không thể duy trì việc cung cấp đủ máu và oxy tới da.
9. Ngất xỉu
Ngất xỉu là một dấu hiệu của huyết áp thấp. Tình trạng này thường xảy ra sau khi bạn có cảm giác chóng mặt và mất thăng bằng cơ thể.
10. Da xanh tái
Da bị xanh tái, nhợt nhạt và lạnh do không được cung cấp đủ máu và oxy, là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng huyết áp thấp.
Lưu ý: Trong trường hợp huyết áp của bạn xuống quá thấp, có thể xảy ra nguy cơ cơ thể bạn bị thiếu oxy nghiêm trọng, khiến các cơ quan không thể thực hiện được các chức năng bình thường. Tình trạng này sẽ gây cản trở hoạt động của tim và não, dẫn đến triệu chứng khó thở.
Theo PNO
10 dấu hiệu bạn bị huyết áp thấp Nếu huyết áp của bạn rất thấp, cơ thể sẽ không nhận được lượng oxy dồi dào để thực hiện chức năng bình thường. Khi dòng chảy của máu đến các cơ quan không đủ sẽ hình thành những dấu hiệu của huyết áp thấp. Huyết áp 90/60 hoặc thấp hơn thì được gọi là huyết áp thấp. Dưới đây là một số...