Từ vụ bé 11 tuổi suýt chết vì uống thuốc: Những nguyên tắc ’sống còn’ khi dùng thuốc cho con nhất định mẹ phải nhớ
Nhiều bà mẹ tự ý bỏ, tăng liều thuốc hoặc sử dụng lại đơn thuốc cũ, lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác dùng thậm chí có người còn lấy thuốc của người lớn rồi tự phân liều cho trẻ uống… là những sai lầm khiến trẻ có nguy cơ bị ngộ độc thuốc.
Trẻ gặp họa vì sai lầm của bố mẹ
Mới đây, một bé trai 11 tuổi được đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) cấp cứu trong tình trạng tím tái, thở yếu, nhịp tim giảm, rơi vào nguy kịch.
Theo người nhà bệnh nhi, trước đó, thấy con kêu đau họng, mẹ bé đã lấy thuốc đau họng còn thừa của mình (gồm: cotrim 960 mg, cephalexin 500mg, paracetamol 500mg, B-Complex C 500mg) cho con uống. Tuy nhiên, sau khi đến trường 15 phút, bé bắt đầu bị đau bụng, đỏ da toàn thân và bị ngất nên được đưa đi cấp cứu.
Bé trai suýt mất mạng do mẹ cho uống thuốc của người lớn. Ảnh BVCC
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ngay khi vào viện, nhận thấy tình trạng nguy cấp, bệnh nhi nhanh chóng được đặt nội khí quản giúp thở, tiêm truyền dịch và đặt máy tạo nhịp.
Sau đó, trẻ có diễn tiến nặng, suy hô hấp, sốc, rối loạn nhịp tim nên tiếp tục được chống sốc truyền dịch, truyền thuốc adrenalin, điều chỉnh toan chuyển hóa và điện giải. Sau 48 giờ, tình trạng bệnh nhi mới được cải thiện dần, cai được máy thở, tỉnh táo trở lại.
BS Tiến nhận định, đây là trường hợp trẻ bị sốc phản vệ do các loại thuốc mà mẹ cho uống kèm rối loạn nhịp nặng. Chính vì vậy, vị chuyên gia này khuyến cáo, bố mẹ không được tự ý mua thuốc hoặc dùng thuốc tùy tiện theo đơn của người lớn cho trẻ nhỏ để tránh khiến trẻ rơi vào những tình huống nguy hiểm.
Trên thực tế, đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp trẻ gặp họa do bố mẹ dùng thuốc sai cách cho con. Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (Sơn La) cũng đã từng cấp cứu một bệnh nhi 8 tháng tuổi bị sốc phản vệ rơi vào nguy kịch sau khi người nhà tự cho bé uống một gói kháng sinh Hafixim (cefixim 50mg), 10ml siro để điều trị ho.
Video đang HOT
Khi được đưa vào viện, bệnh nhi đã không thở được, tim đập rời rạc, các bác sĩ phải rất nỗ lực cấp cứu liên tục trong 40 phút, bé mới dần tự thở được, các dấu hiệu sinh tồn bắt đầu ổn định.
Không cho trẻ nhỏ dùng thuốc của người lớn
Đề cập đến vấn đề sai lầm khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ, TS.BS Lê Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm cấp cứu và chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thuốc ở trẻ em. Trong đó, sự thiếu kiến thức và vô ý của người lớn là một trong những nguyên nhân phổ biến.
Theo đó, nhiều bà mẹ có thói quen tự đi mua thuốc điều trị theo kinh nghiệm của mình hoặc nghe theo lời mách bảo của những người xung quanh dẫn tới tình trạng lạm dụng thuốc; dùng không đúng thuốc, không đúng liều hoặc đúng thuốc nhưng dùng quá liều mà không biết rằng thuốc có thể gây hại cho trẻ.
Cùng với đó, theo TS.BS Lê Ngọc Duy, tình trạng các bà mẹ tự ý bỏ, tăng liều thuốc hoặc sử dụng lại đơn thuốc cũ, lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác dùng thậm chí có người còn lấy thuốc của người lớn rồi tự phân liều cho trẻ uống… cũng là những sai lầm khiến cho trẻ có nguy cơ bị ngộ độc thuốc.
Nhiều chuyên gia y tế cũng đã từng lên tiếng cảnh báo rằng, trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Ở trẻ em, cơ thể đang phát triển, chưa hoàn thiện, nhất là các chức năng về gan, thận… Do đó, việc người lớn lấy thuốc của mình rồi chia nhỏ liều ra cho trẻ dùng là hoàn toàn không đúng.
Thực tế, liều thuốc của trẻ nhỏ được tính toán rất kỹ và căn cứ theo nhiều yếu tố khác nhau như cân nặng, tuổi, tình trạng bệnh của mỗi trẻ. Chưa kể đến, một số thuốc của người lớn còn cấm sử dụng cho trẻ em. Nếu dùng, sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị ngộ độc thuốc.
Trước khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Ảnh minh họa
Mặt khác, hiện nay, nhiều bố mẹ có thói quen mua thuốc kháng sinh về cho con uống mà không tham khảo ý kiến bác sĩ. Tuy nhiên, việc tự ý sử dụng kháng sinh khi trẻ không mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn sẽ làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, rất nguy hại cho sức khỏe của trẻ nhỏ sau này.
Dùng thuốc cho trẻ thế nào là đúng?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sơ sinh (từ 0 đến 28 ngày tuổi), nhũ nhi (1-12 tháng tuổi) và trẻ em (1-12 tuổi) là các nhóm tuổi cần có những lưu ý đặc biệt về sử dụng thuốc, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi vì độ tuổi này rất nhạy cảm với một số nhóm thuốc.
Với trẻ từ 12 tuổi trở lên chỉ định và liều dùng của đa số các thuốc được tính như người lớn. Tuy nhiên, cũng không tùy tiện sử dụng đơn thuốc của người lớn cho nhóm trẻ ở độ tuổi này.
Để không gây hại cho trẻ, BS Lê Ngọc Duy khuyến cáo, bố mẹ không tự ý mua thuốc cho trẻ uống khi chưa được bác sĩ khám và kê đơn. Cần cho trẻ uống thuốc đúng và đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý giảm hoặc tăng liều thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Trong quá trình sử dụng thuốc cho trẻ, bố mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
Liều lượng thuốc dùng cho trẻ nhỏ được tính theo cân nặng của trẻ, do đó bố mẹ cần nắm chính xác cân nặng của con để dùng thuốc hợp lý.
Trước khi cho con uống thuốc cần vệ sinh tay sạch sẽ.
Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc và pha đúng liều lượng. Kiểm tra hạn sử dụng của thuốc trước khi dùng cho trẻ, đặc biệt là các thuốc được dự trữ trước đó.
Dụng cụ đong thuốc cho trẻ cũng cần được lưu ý vì có ảnh hưởng đến liều lượng thuốc dùng cho trẻ. Nên dùng cốc, thìa đong có chia vạch trong hộp thuốc, lọ thuốc để lấy thuốc cho chính xác, không sử dụng thìa ăn thông thường để áng chừng.
Bố mẹ cần nhớ thời điểm cho con uống thuốc theo đúng đơn thuốc hoặc hướng dẫn trên bao bì thuốc (sáng, trưa, chiều; ngày mấy lần; trước ăn hay sau ăn) để cho con uống thuốc cho đúng.
Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ.
Ăn dặm thế nào để bé dễ mọc răng?
Con tôi hơn 10 tháng tuổi rồi mà vẫn chưa chịu mọc răng, toàn phải ăn cháo rây loãng như bé 6 tháng, tôi rất lo lắng...
Ảnh minh họa
Bạn đọc Trần Thụy Minh Anh (30 tuổi, quận 4, TP HCM), hỏi: Tôi nghe nói con nít từ khi biết ăn dặm nên ăn cháo ngày càng đặc. Nhưng có vấn đề là con người ta 6 tháng đã bắt đầu mọc răng, con tôi đến nay hơn 10 tháng tuổi vẫn chưa thấy cái răng nào, không biết lấy gì mà nhai nên chỉ dám cho ăn cháo rây loãng hay bột như hồi 6 tháng. Tôi cho cháu ăn như vậy có đúng không? Có cách nào điều chỉnh việc ăn uống hay uống thuốc gì để cháu mau mọc răng hơn ?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), trả lời:
Trong khoảng thời gian từ 6-12 tháng, nên cho bé tập ăn bột từ loãng đến đặc, rồi cháo từ loãng đến đặc. Bạn không nên nghĩ là bé chưa có răng, không nhai được nên cho ăn cháo quá loãng như trẻ 4 - 6 tháng mãi. Thật ra chính quá trình ăn những thực phẩm đặc dần, các mầm răng sẽ được kích thích giúp bé mau mọc răng hơn. Ngoài ra hệ tiêu hóa cũng sẽ được luyện tập từ từ để thích nghi với các món ăn ngày một đặc hơn.
Về việc mọc răng của bé, bạn không nên quá lo lắng, vì tuổi mọc răng của mỗi cháu mỗi khác. Đúng là nhiều bé đã có những chiếc răng đầu tiên từ 6 tháng tuổi, nhưng cũng có bé 1 tuổi mới thấy răng.
Để giúp bé được phát triển tốt, bao gồm mọc răng tốt, bạn cần cho bé ăn đầy đủ chất. Cháo của bé cần được xay thêm thịt, cá, rau, thêm 1 muỗng dầu, tốt nhất là dầu hướng dương.
Cần bảo đảm bé được cung cấp đủ lượng canxi, bao gồm việc ăn, uống các món giàu canxi như hải sản, sữa, thịt, trứng, các loại hạt, các loại rau màu xanh lá đậm. Nếu nghi ngờ bé thiếu canxi, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng thuốc bổ sung phù hợp, tuyệt đối không nên tự mua uống.
2 ngày nín thở lấy mảnh gương vỡ khỏi bụng bé trai 10 tháng tuổi Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM) vừa cứu sống một bé trai 10 tháng tuổi nuốt mảnh gương vỡ khá to dẫn đến ói ra máu liên tục. Ngày 20-6, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố đã chia sẻ về ca bệnh đáng chú ý vừa mới được xuất viện....