Từ trùm du đãng trở thành tướng quân
Trong lịch sử nước ta, chưa có tay giang hồ hảo hán nào được như Bảy Viễn. Cuối thập niên 50, Bảy Viễn được phong hàm trung tướng và được bổ nhiệm chức vụ … giám đốc nha cảnh sát đô thành.
Bảy Viễn, tức Lê Văn Viễn, sinh 1904, năm có trận lũ lụt lớn nhất trong lịch sử Nam Bộ. Nơi sinh là Phong Được, quận Cần Giuộc, Chợ Lớn, nay thuộc quận 8, TP.HCM. Số phận Bảy Viễn gắn liền với thời kỳ lịch sử phức tạp lúc bấy giờ nên ông ta cũng là nhân vật lịch sử phức tạp…
Song dù đánh giá thế nào thì Bảy Viễn vẫn là trùm du đãng, kể cả lúc theo Việt Minh lẫn theo Pháp, Bảo Đại. May mắn lớn nhất của Bảy Viễn là không bị chết bởi súng đạn, gươm đao hay nhà tù như những tay trùm du đãng khác mà thôi.
Kẻ mang dòng máu giang hồ
Là con của một gã Hoa kiều gốc Triều Châu, Bảy Viễn vào tù khá sớm
Năm 17 tuổi, y ăn trộm xe đạp, tài sản có giá trị rất lớn lúc bấy giờ nên bị đi tù. Những ngày trong tù, Bảy Viễn thọ giáo với nhiều đàn anh nên khi ra tù, không còn là tên ăn cắp nữa mà trở thành tên du đãng, lưu manh.
Bảy Viễn học hết tiểu học trường làng rồi đi bụi đời, học võ. Mình xăm hình con rồng màu đỏ ở lưng, đầu rồng ở sau cổ, đuôi rồng xuống tới hậu môn. Hai vai, xăm hình đầm ở truồng, đầu rắn xăm ở đầu dương vật. Vì xăm mình rất đau, dùng kim đâm cho chảy máu rồi lấy mực tàu trét vào, cho nên những người chịu nổi thì thuộc về tay anh chị.
Với thân hình lực lưỡng, cao 1,7m, Bảy Viễn trở về từng bước leo lên “chiếu trên” trong giới giang hồ. Bằng nắm đấm, dao mác, súng đạn, con đường “hoạn lộ” của Bảy Viễn trở nên thênh thang.
Năm 1927, 23 tuổi, Bảy Viễn được ông chủ sòng bài tuyển làm nhân viên gác cửa. Vài hôm sau ông chủ này phải hối hận vì bị Bảy Viễn nện cho một trận. Kết quả Bảy Viễn phải đi tù 2 tháng.
Ra tù lần này, Bảy Viễn đã có số má nên bỏ hẳn những vụ cướp, va chạm lặt vặt. Bảy Viễn quy tụ bạn bè, đàn em, tổ chức thành băng đảng, tham gia nhiều vụ cướp kinh thiên động địa ở Sài Gòn – Chợ Lớn.
Năm 1936, Bảy Viễn chỉ huy vụ cướp tiệm vàng ở Giồng Ông Tố, thu được trên 6.000 đồng, số tiền cực lớn thời bấy giờ, tương đương 30.000 giạ gạo. Ngày 28/8/1936, bị kết án 12 năm khổ sai, đày đi Côn Đảo.
Thụ án được 4 năm, Bảy Viễn vượt ngục về đất liền, tổ chức vụ cướp ở xưởng mộc Bình Triệu. Lại bị bắt. Tòa tuyên 12 năm tù cộng với 8 năm của án trước, tổng cộng là 12 năm.
Video đang HOT
Trong lịch sử của nhà tù Côn Đảo, chỉ khoảng 10 vụ vượt ngục thành công. Riêng Bảy Viễn đã vượt 3 lần về đất liền thành công! Trong chuyến vượt ngục lần thứ hai, trên bè có Mười Trí, Bảy Viễn, Tư Nhị và Năm Bé.
Vào một buổi sáng, 4 người kết nghĩa huynh đệ, lấy nước tiểu uống thay máu đào. Mười Trí làm đại ca, Bảy Viễn là nhị ca, Năm Bé làm tam ca, Tư Nhị là Út ca.
Trở về đất liền lần này Bảy Viễn như rồng thêm cánh, hổ thêm nanh, đã thực hiện những vụ cướp kinh thiên động địa khắp cả Nam Kỳ lục tỉnh như đánh cướp tiền của chủ đồn điền Dầu Tiếng ngay tại cửa Văn phòng đồn điền, cướp tiệm vàng Kim Khánh…
Bảy Viễn lại bị cảnh sát truy bắt, đày ra Côn Đảo. Y lại tổ chức vượt ngục, trở lại đất liền.
Số phận hay thời cuộc
Bảy Viễn trở về đất liền vào đúng thời điểm lịch sử sôi động. Thực dân Pháp theo chân quân Anh trở lại gây hấn, quân đội Nhật ở Đông Dương như rắn mất đầu.
Chiến tranh nổ ra giữa chính quyền Việt Minh non trẻ và thực dân Pháp – Anh. Thời gian đầu Bảy Viễn đưa đám đàn em dưới trướng tham gia bộ đội Bình Xuyên. Nhưng không lâu sau, được trung tá Savani, phòng nhì Pháp móc nối, Bảy Viễn đưa quân về Sài Gòn hợp tác với chức vụ đại tá.
Thời gian sau do tích cực làm tay sai cho Pháp, Bảy Viễn được Bảo Đại phong chức thiếu tướng!
Được một quân sư Ba tàu chỉ đường, Bảy Viễn hối lộ vua Bảo Đại nhiều tiền để được chức đô trưởng cảnh sát công an Sài Gòn – Chợ Lớn.
Có chức có quyền trong tay, Bảy Viễn thâu tóm, mở rộng Đại Thế Giới (Casino Grand Monde), Kim Chung (Tiếng chuông vàng-Casino Cloche d’Or). Thủ tướng Trần Văn Hữu không ký quyết định mở rộng Đại Thế Giới, nhưng Bảo Đại ký.
Đứng đầu chính quyền bù nhìn, Bảo Đại mời một số chính khách lên biệt điện Đà Lạt để bàn thảo về việc chọn một tham mưu trưởng quân đội quốc gia Việt Nam.
Trong các nhân vật được quốc trưởng đề cử, có tên Bảy Viễn. Thủ hiến Trung phần, dược sĩ Phan Văn Giáo, là người đả kích Bảy Viễn hơn ai hết. Không may cho ông, do ông chê bai Bảy Viễn trước mặt đại diện Lai Hữu Sang. Sang điện khẩn cho Bảy Viễn báo cáo toàn bộ sự việc.
Bảy Viễn tức sôi máu, nhảy lên chiếc Jaguar, chạy một mạch lên Đà Lạt, xông thẳng vào khách sạn Langbian, nơi có quan khách đến ở dự phiên họp với quốc trưởng, Bảy Viễn lớn tiếng hỏi Sang:
- Phan Văn Giáo là thằng nào mà dám nói xấu Bảy Viễn nầy?
Một người bồi nhanh chân báo động, Phan Văn Giáo trốn ra cửa sau, đón taxi lên biệt điện cầu cứu với Bảo Đại. Bảy Viễn và Sang phóng xe lên biệt điện. Lúc này Phan Văn Giáo đã trốn biệt. Bảo Đại phải đứng ra dàn xếp.
Ngô Đình Diệm và tướng Bình Xuyên – Bảy Viễn. Ảnh tư liệu
Dù chết hụt, nhưng Phan Văn Giáo vẫn tiếp tục công kích Bảy Viễn:
“Không hiểu quý ngài nghĩ thế nào, chớ riêng tôi, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ nếu một tướng cướp được chọn để giao chức Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Trước đây, Đại Thế Giới do ông Lâm Giống, người gốc Ma Cau thầu khai thác. Để buộc Lâm Giống phải giao Đại Thế Giới lại cho mình, Bảy Viễn không ngần ngại sai đàn em ném lựu đạn vào sòng bạc Kim Chung, làm thiệt mạng 60 người. Rồi còn bắt cóc những người trong ban giám đốc để tống tiền.
Các ngài có biết không, khi nhậm chức cầm đầu ngành cảnh sát Sài Gòn Chợ Lớn, Bảy Viễn liền cho lập xóm Bình Khang, một nhà chứa khổng lồ hoạt động công khai, phục vụ binh sĩ”.
Ngày tàn của Bảy Viễn
Người Pháp bị thua sau trận Điện Biên Phủ, buộc phải rút lui cho Mỹ vào. Tháng 6 năm 1954, Ngô Đình Diệm được người Mỹ đưa về nước, từng bước thay Bảo Đại. Ông Diệm đã dẹp hết các sòng bài, nhà thổ của Bảy Viễn.
Bảo Đại và Bảy Viễn tức lắm. Bảo Đại và Bảy Viễn đã tổ chức âm mưu lật đổ thủ tướng Diệm, đưa Bảy Viễn lên làm thủ tướng nhưng bất thành. Quân Bình Xuyên tấn công quân đội quốc gia do Ngô Đình Diệm làm thủ tướng.
Kết quả, quân Bình Xuyên bị đánh thua tan tác, phải rút về căn cứ rừng Sác. Tướng Dương Văn Minh chỉ huy chiến dịch Hoàng Diệu truy quét vào rừng Sác, Bảy Viễn thua trận.
Nhờ người Pháp ra tay cứu, Bảy Viễn đến Pa-ri ngày 7/11/1955 âm thầm, không kèn không trống. 3 bà vợ và con trai là thiếu tá Lê Paul bị kẹt ở lại và bị Ngô Đình Nhu tống giam. Năm 1956, Lê Paul bị cảnh sát bắn chết. Bảy Viễn nghe tin đau đớn tột cùng.
Từ tay không bước lên vinh quang tột đỉnh, sống trong nhung lụa bằng con đường trộm cướp, chém giết như một giấc mộng. Qua tới Pháp, Bảy Viễn bước ra khỏi giấc mộng đó, chết âm thầm nơi xứ người trong cô đơn, nghèo đói! Đó là năm 1970…
(Còn nữa)
Theo 24h
Trùm giang hồ Đại Cathay chết vì... đùa với lửa
Khi đã thâu tóm được hầu hết các băng du đảng có tiếng tăm ở Sài Gòn, Chợ Lớn, danh tiếng và tiền bạc đều lên như diều gặp gió, Đại Cathay cứ ngỡ mình là nhất thiên hạ, xem thường mọi thứ trên đời. Đến cả tướng Nguyễn Cao Kỳ và tướng Nguyễn Ngọc Loan mà Đại Cathay cũng chẳng xem ra gì.
Thậm chí, Đại Cathay còn bị gán cho là đã gây ra vụ tai nạn giao thông làm chết người sĩ quan thân cận của Nguyễn Ngọc Loan vì hiềm khích cá nhân. Việc gì đến rồi cũng đến, Đại Cathay đã phải chết vì dám vuốt râu hùm, dám đùa với lửa!
Đại Cathay
Cái chết của đại úy thân cận Nguyễn Ngọc Loan
Đại Cathay ngày càng ngạo mạn, lộng hành. Không chi ngổ ngáo với tướng Sáu Lèo trong công việc, Đại Cathay còn công khai qua mặt và thách thức viên tướng này trong cả khoản ăn chơi, chẳng thèm lưu tâm gì đến sức nặng của cái lon chuẩn tướng và trọng trách trong ngành cảnh sát mà Nguyễn Ngọc Loan đang nắm giữ.
Vũ trường Olympic là chốn mà băng Đại Cathay thường xuyên lui tới, cũng là nơi chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan giải sầu hàng đêm. Trong khi viên tướng có máu giang hồ và đám lính tới vũ trường một cách xô bồ, bụi bặm, thì Đại Cathay thường lướt trên một chiếc Chevrolet có gắn điều hoà không khí, choáng lộn.
So với đám vệ sĩ với lương lính còm cõi, Đại Cathay và các đồ đệ tỏ ra hơn hẳn, rút tiền chẳng bao giờ đếm, được các em cave ở đây săn đón nồng nhiệt hơn nhiều. Đám vệ sĩ của tướng Sáu Lèo tức lắm, nhưng chưa có dịp gây hấn.
Một buổi tối, sau một ngày "thu thuế" vượt chỉ tiêu, Đại Cathay và khoảng chục đàn em, trong đó có Lâm Chín ngón và Lành Cầu Muối kéo đến vũ trường Olympic để "đập phá". Như lệ thường, đám cave ùa tới vây lấy các "đại ca". Trong lúc cả đám du đảng đang vui vẻ với các cave, bất ngờ cánh cửa vũ trường mở toang. Đám lính của Sáu Lèo trong những bộ đồ rằn ri xộc vào, kéo ghế ngồi, nhưng không thấy cô cave nào đến phục vụ, trong khi ở bàn bên băng nhóm du đảng giỡn hớt với các cave.
Một cận vệ của tướng Nguyễn Ngọc Loan là thiếu úy Hải rời khỏi bàn, đến đứng đối diện với Đại Cathay, hất hàm nói: "Vui vẻ quá hả? Sang bớt mấy em chứ, để bên này ngồi không, coi sao đặng?". Vẫn không buông vai cô cave, một cận thần của Đại là Hải Súng hất mặt nói: "Đâu có được, đến trước có phần trước, trâu chậm phải uống nước đục, trách gì?". Tay thiếu úy đưa tay vào bụng cố ý làm lộ khẩu súng và nói: "Đừng chơi quê tụi này chớ!".
"Thì đã sao. Thịt người tanh không ăn được, đừng doạ nhau, tụi này không thích!". Bị khiêu khích, tên thiếu úy Hải xấn tới chụp lấy tay cô cave kéo về phía mình, tuyên bố: "Không thích cũng bắt!".
Hải Súng chụp chai Black and White trên bàn ném mạnh vào mặt đối thủ. Thiếu úy Hải buông cô cave, tránh đòn và móc súng. Đại Cathay hét lên: "Tụi nó chơi súng, rút, tụi bây".
Băng của Đại chưa kịp chạy thì các loạt súng đã nổ, một viên đạn trúng vào đầu gối Đại làm y gục xuống. Hải Súng xốc Đại lên bỏ chạy khỏi vũ trường, trong lúc Lâm Chín ngón có giắt súng theo đã đọ súng cầm chân đám lính, hai bên bắn loạn xạ, nhưng vì đèn trong vũ trường vút tắt, nên không gây thương vong gì thêm.
Bị thương, Đại Cathay khó khăn lắm mới được Hải Súng dìu được xuống lầu và kéo thẳng ra đường, rồi được chiếc Mustang chở khỏi hiện trường. Tuy nhiên, sau đó nhiều đàn em của Đại Cathay cũng bị cảnh sát truy bắt, tống giam vào bót. Thoát chết trước họng súng của cảnh sát, nhiều "chiến hữu" lại bị cảnh sát bắt giam, Đại Cathay như biết điều hơn. Một buổi tối, hắn bao nguyên nhà hàng Paramouth mời đại úy Trần Kim Chi đến dự tiệc.
Đại Cathay mở lời: "Nếu đại úy chịu tha một số anh em của tôi vừa bị bắt, chúng tôi sẽ không quên ơn anh...". Viên đội trưởng "Biệt đội hình cảnh" cũng thuộc loại ngang tàng không kém gì Đại Cathay, đã từ chối thẳng thừng: "Ăn nhậu là ăn nhậu, bắt là bắt. Nếu anh mời tôi đến đây là để mặc cả thì coi như tàn tiệc, tôi xin kiếu!".
Bình thường thì có lẽ máu côn đồ của Đại Cathay sẽ nổi lên, nhưng do đang yếu thế nên Đại vẫn nhỏ nhẹ: "Ồ không không. Nếu đại úy không ưng thuận thì thôi. Còn hôm nay mời đại úy đến là để anh em vui vẻ. Mời đại úy cứ tự nhiên, đêm nay toàn bộ nhà hàng này là chỉ để phục vụ chúng ta, đại úy đừng bận tâm làm gì".
Nguyễn Ngọc Loan
Sau buổi tiệc đó không lâu, đại úy Trần Kim Chi đã bị một chiếc xe chở gỗ bất ngờ đụng ngang qua chiếc xe hơi CV2 của ông ta khi viên đại úy này đang đi công vụ trên xa lộ, làm ông ta chết tại chỗ, chiếc xe gây tai nạn bỏ chạy mất. Cả giới du đảng Sài Gòn và lực lượng cảnh sát ngụy đều cho rằng chính Đại Cathay đã sát hại đại úy Trần Kim Chi.
Bỏ mạng nơi hải đảo
Cái chết của Trần Kim Chi cũng là dấu chấm hết của cuộc đời du đãng của Đại Cathay. Tháng 8/1966, tướng Nguyễn Ngọc Loan đã ra lệnh bắt tống giam Đại Cathay với tội danh "Du đãng đặc biệt" cùng với nhiều trùm du đảng khác ở khắp Sài Gòn.
Hôm tướng Loan gửi giấy triệu tập Đại do đại úy Chi mang tới, tên trùm du đảng vẫn nghênh ngang, hỏi người đem giấy triệu tập: "Ông Loan mời tôi hay bắt tôi? Nếu bắt thì đưa còng số 8 vào đây, còn nếu mời thì 30 phút nữa tôi sẽ có mặt tại Tổng nha cảnh sát".
Đại úy Chi chạy về Tổng nha báo lại cho Loan biết và đúng 30 phút sau thì thấy xe của Đại chạy đến. Đại vẫn nghĩ rằng như bao lần khác, tướng Loan mời hắn đến để thuyết phục, hoặc cùng lắm là tạm giam vài hôm cho có lệ rồi thả ra. Thế nhưng, tên trùm du đảng đã không thể lường trước tình huống xấu nhất, đó là chuyến đi cuối cùng của hắn.
Ngày 28/11/1966, Đại Cathay bị tống lên máy bay vận tải C47 đưa ra giam giữ tại đảo Phú Quốc. Trước khi bước chân lên máy bay, Đại còn quay lại đấm một cảnh sát dập sống mũi chỉ vì hắn nghe loáng thoáng người này nói một câu gì đó không hay về hắn.
Cùng bị lưu đày hải đảo với Đại Cathay có một số giang hồ cộm cán như Bảy Si (anh vợ Năm Cam sau này), Lâm Chín Ngón, Hải Súng... Biết chuyến lưu đày ngoài đảo "lành ít dữ nhiều", vợ của Đại treo giải 1 triệu đồng sau đó nâng lên 1,5 triệu nếu ai đưa được Đại về lại Sài Gòn. Trên đảo Phú Quốc, Đại và nhóm trùm du đảng bị nhốt trong cái gọi là "Trung tâm hướng nghiệp" do chính Nguyễn Ngọc Loan đề nghị thành lập nhằm "bài trừ du đãng, chấn hưng đạo đức, thượng tôn luật pháp".
Trại là những dãy nhà dã chiến lợp tôn thấp lè tè nằm trong rào kẽm gai bịt bùng đặt cạnh sân bay Phú Quốc ngay tại thị trấn Dương Đông.
Gọi là "hướng nghiệp" cho oai, kỳ thực đám tù suốt ngày chỉ ngồi ngáp vặt, đánh mạt chược mà không hẹn ngày về chứ chẳng có việc gì để làm. Một hôm, đang đánh mạt chược, Đại Cathay bảo: "Gọi "hướng nghiệp" nghe chán thấy mẹ, tụi mình đặt lại tên cho nó đi!". Cả bọn đồng ý. Bác sĩ Nghiệp, một tên du đãng có học đề xuất: "Bốc đại một con mạt chược, trúng con gì, đặt tên đó". Đại Cathay quơ được con Cửu Sừng, vậy là "Trung tâm hướng nghiệp Phú Quốc" nghiễm nhiên trở thành "Trại Cửu Sừng" và chết tên từ đó.
Trại "Cửu Sừng" chẳng những không "hướng nghiệp" được đám du đảng, mà trái lại nơi đây đã làm cho chúng kết tình "huynh đệ" sâu nặng hơn, để sau này khi được thả về đất liền, chúng tiếp tục trở thành những băng nhóm du đảng còn dữ dội hơn trước lúc ra đảo. Toàn bộ đám du đãng bị bắt đưa ra đảo như Hải Súng, Hoà áo thun, Lâm Chín ngón, Bảy Si, Hỏi Phoòng Kin, Thanh tưa, Quẩy Thầu Hao... sau này đều là những tên du đảng cộm cán nhất của Sài Gòn - Chợ Lớn.
"Trại Cửu Sừng" như một con dấu để xác nhận "đẳng cấp giang hồ" của những tên du đảng, tên nào từng ngồi ở "Trại Cửu Sừng" sau này nghiễm nhiên trở thành đàn anh, được những tên du đảng trong đất liền nể phục, tôn làm đại ca. Duy chỉ có Đại Cathay là ngoại lệ.
Người vợ cuối cùng, cũng là cuộc tình sâu nặng nhất của Đại Cathay tên là Nhân, con gái chủ tiệm đồ gỗ Đồng Nhân nổi tiếng nằm trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) đối diện với vũ trường Olympic. Chính trong những ngày tới "đập phá" vũ trường Olympic, Đại đã lọt vào mắt xanh của cô Nhân bởi tính khi ngang tàng mà nghĩa hiệp của Đại. Khi Đại và cả đám đàn em bị tống ra đảo Phú Quốc, Nhân ở lại Sài Gòn biết chắc rằng loại tù không án như chồng mình khó có ngày trở về Cô Nhân cùng anh trai treo số tiền 1,5 triệu đồng, là số tiền cực lớn lúc đó, cho ai có cách cứu Đại Cathay đem về đất liền. Món hời này đã được đại tá Long - một sĩ quan thuộc lực lượng Hải quân chỉ huy tàu tuần lưu - nhận giúp đỡ.
Đó là vào đầu tháng 1/1967, Nhân có mặt trong đoàn thân nhân ra thăm nuôi đám du đãng bị nhốt ở Trại Cửu Sừng. Gặp Đại Cathay, cô báo cho chồng biết đã lo xong việc tổ chức cho Đại Cathay vượt ngục. Theo kế hoạch, đám lính gác sẽ làm ngơ cho Đại Cathay và một số đàn em trốn ra khỏi trại. Một xuồng máy chờ sẵn dưới bãi biển để đưa đám tù ra khơi, rồi có tàu hải quân do Nhân thuê sẵn rước Đại về đất liền.
Theo đúng kế hoạch, Đại Cathay và khoảng một chục đàn em trong đó có Xì Kíp, Lắm Mổ bụng, Hùng Mỏ chuột, Hải Súng và Lâm Chín ngón cùng vượt ngục.
Nhưng đến phút cuối, Đại Cathay theo lời Hải Súng tham mưu, quyết định để Lâm Chín ngón ở lại, vì tính Lâm lóc chóc, dễ làm bể chuyện.
Để cho an toàn, trước giờ khởi sự, Đại Cathay gọi Lâm Chín ngón đến và bảo: "Mày phải bỏ xì ke đi, hại lắm. Tao chích cho mày một lần cuối cùng, sau đó là phải chừa hẳn, nếu không đừng trách".
Đại đã tự tay chích cho Lâm một mũi gấp đôi đô bình thường do chính tay Hải Súng pha chế, có độn thêm một ít tân dược để tăng nồng độ nhằm làm cho Lâm phê thuốc ngủ say, bảo đảm an toàn cho chuyến đi của cả bọn. Đúng 12 giờ đêm ngày 7/1/1967, Đại Cathay dẫn cả bọn đàn em đào thoát ra ngoài. Theo sự phân công của Đại Cathay, đám tù trốn trại chia làm hai tốp. Tốp thứ nhất gồm năm tên đi trước để nghi binh.
Tốp thứ hai, có Đại Cathay và Hải Súng chạy theo hướng bờ biển. Thế nhưng, khi cả hai tốp vừa vọt ra khỏi vòng rào thì phía trại báo động inh ỏi. Tốp thứ nhất, gồm Xì kíp, Hùng Mỏ chuột,.. bị bắt lại ngay.
Đại Cathay và Hải Súng vội đổi kế hoạch, chạy vào khu núi Tượng, nơi có Quân giải phóng hoạt động. Cùng lúc, có tiếng của nhiều chiếc máy bay trực thăng trên đầu, cùng ánh sáng của hỏa châu sáng vằng vặc. Nhiều loạt đạn từ máy bay bắn xuống, người ta còn nghe nhiều tiếng la hét vọng ra từ rừng sâu.
Kể từ đó không ai còn gặp đại Cathay nữa, có lẽ hắn đã bỏ mạng vì những loạt đạn lúc nửa đêm trên núi Tượng, rồi rơi xuống vực sâu nào đó mất xác. Lúc đó, dư luận ở Sài Gòn đặt ra nhiều khả năng về sự biến mất của Đại Cathay, như hắn đã trốn thoát rồi vượt biển qua Campuchia, đi luôn ra nước ngoài lánh nạn. Cũng có tin đồn là Đại Cathay đã lần về được Sài Gòn và sống ẩn dật với vợ là cô Nhân.
Lại có đầu óc tưởng tượng phong phú hơn khi đặt ra giả thuyết Đại Cathay bị các chiến sĩ giải phóng trên núi Tượng cứu chữa vết thương, rồi cảm hoá trở thành chiến sĩ giải phóng. Sau ngày giải phóng, hồ sơ về cái chết của Đại Cathay đã làm sáng tỏ: Biết không trị nổi Đại Cathay, lại nhiều lần bị tên du đảng làm bẽ mặt, nhất là sau khi cái chết của đại úy Trần Kim Chi mà ai cũng cho là do Đại Cathay tạo ra, chuẩn tướng Sáu Lèo Nguyễn Ngọc Loan rất hận, tìm cách loại trừ vĩnh viễn Đại Cathay.
Sau khi bắt đưa Đại ra Phú Quốc, tướng Loan vẫn chưa có cách gì để tiêu diệt Đại mà không làm náo động Sài Gòn. Qua nguồn tin của đám lính thân cận, tướng Sáu Leo biết cô Nhân - vợ Đại - đang tìm cách lo lót tổ chức cho Đại Cathay vượt ngục. Nguyễn Ngọc Loan đã chỉ đạo cứ để cho Đại Cathay thực hiện kế hoạch. Đến giờ chót, theo lệnh Loan, toàn bộ toán lính gác của trại hướng nghiệp bất ngờ bị đổi. Toán lính gác mới ráo riết truy kích đám du đảng đàn em, còn Đại và Hải, chúng cố ý để cho đào thoát vào núi Tượng.
Sau đó, Loan cho một tiểu đội biệt kích do thiếu úy Trần Tử Thanh chỉ huy, được trực thăng chở từ Sài Gòn ra truy kích Đại và Hải, bắn hạ chúng. Diệt xong, toán biệt kích dù phải đắp mộ chôn không để lại dấu vết.
Chính thiếu úy Trần Tử Thanh sau này đã từng huênh hoang khoe với nhiều phóng viên của một số tờ báo ở Sài Gòn trước 1975 rằng chính tay y đã nổ súng hạ gục Đại Cathay.
Khá nhiều người cũng biết rõ ngọn nguồn sự việc, song trước khi ngụy quyền sụp đổ, không một tờ báo nào dám viết về âm mưu hại địch thủ của tướng Nguyễn Ngọc Loan. Vì vậy, lời đồn đại, đoán non đoán già vẫn cứ loang ra mãi, đắp thêm chất huyền thoại vào cuộc đời và cái chết của Đại Cathay.
Theo Nguoiduatin
Đại Cathay và hành trình thâu tóm các băng nhóm du đãng Sau khi cả 3 "đại ca" trong giới giang hồ đều bị Đại Cathay "trả nợ" bằng những nhát dao, những "người lớn" đã biết khiếp sợ... Từ đó danh xưng "Tứ đại thiên vương ĐẠI - TỲ - CÁI - THẾ" trong giới du đãng Sài Gòn đã xuất hiện, chính thức xác nhận Đại Cathay đứng đầu trong giới du đãng...