Tự thú của một game thủ Việt dùng cheat
Một bức thư với ý kiến cá nhân của game thủ Việt đã được gửi về GameK.
Bên cạnh webgame chất lượng thấp, hay những vụ việc lùm xùm gần đây của một bộ phận các nhà phát hành game online Việt Nam, thì chủ đề không thể không nhắc tới chính là thái độ của game thủ Việt đối với game online cũng như đối với những người chơi khác.
Trong số đó, một trong những vấn đề đã tồn tại từ rất lâu nhưng đã trở thành căn bệnh trầm kha của làng game Việt, đó chính là tình trạng sử dụng hack cheat của một bộ phận không hề nhỏ game thủ Việt từ trước tới nay.
Sở dĩ nói con số cheater trong số chúng ta không hề nhỏ, là do trong quá khứ đã có không ít bài học dành cho cả cộng đồng lẫn nhà phát hành về vấn đề người chơi sử dụng ứng dụng “phi pháp” để trục lợi cá nhân. Đã có cả một tựa game “chết vì hacker” theo nghĩa đen, trong khi nhà phát hành không tìm được cách nào để trị tận gốc tình trạng này để tạo ra một môi trường game trong sạch cho tất cả.
Chính vì thế, mới đây GameK đã thực sự bất ngờ khi nhận được một bức tâm thư, trong đó là những lời tự thú của một cheater người Việt, một người chơi game đã từng sử dụng hack trong nhiều game online từ trước tới nay.
Tất nhiên, những ý kiến chia sẻ dưới đây đều là ý kiến mang đậm tính chủ quan của một cá nhân. Để có được cái nhìn đa chiều khách quan nhất, GameK xin được tích một phần trong bức thư mà game thủ giấu tên kia gửi về cho chúng tôi. Và cũng xin được nhắc lại, sử dụng hack cheat chỉ khiến cho cộng đồng game Việt trở nên tiêu cực , cũng như lòng tin của game thủ vào cả game lẫn nhà phát hành đều xấu đi.
“Lần đầu tiên tôi biết tới hack là khi nào nhỉ? À đúng, đó là vào hồi lớp 6, khi Gunbound vẫn còn làm mưa làm gió khắp các quán game gần trường cấp 2 nơi tôi theo học. Một ngày nọ, cậu bạn học cùng lớp rỉ tai tôi: “Tao vừa phát hiện ra bí kíp trăm trận trăm thắng, có muốn thử không?” Vốn vẫn chưa thuần thục từng Mobile trong game, nhưng lại rất thích chơi Boomer, tôi gật đầu đồng ý.
Rồi cậu ta tải về một chương trình gì đó và khởi động. Đến khi vào game, tôi mới giật mình nhận ra vì sao cậu bạn tôi gọi đó là bí kíp. Đường đạn căn góc, thậm chí là lực bắn ra sao để trúng mục tiêu ở xa nhất đều được hiển thị. Tôi chỉ việc làm theo hướng dẫn đó, và dần dần từng người chơi đều bị tôi hạ gục một cách quá ư dễ dàng.
Video đang HOT
Rồi cuối cùng tôi bị phát hiện sử dụng hack. Có lẽ người chơi tôi đang đối đầu đã quá quen với những cú bắn thần sầu không cần canh góc ngắm, hoặc cũng đã từng dùng hack nên biết tỏng chiêu trò. Tuy chẳng biết tôi là ai, nhưng những lời miệt thị của gamer kia trong lúc bức xúc cũng khiến tôi có phần xấu hổ.
Thời kỳ của Gunbound qua đi vài năm cũng là lúc game bắn súng đồng loạt tấn công vào từng quán net. Những cậu bé một thời vốn chỉ biết đến Half Life 1.1 bỗng dưng có một chiến trường mới rộng hơn, cảm giác chân thực hơn, và quan trọng nhất là gặp được nhiều đối thủ hơn.
Khi xưa phải gọi mãi mới đủ hơn chục người cùng nhau lập mạng bắn Half Life, giờ đây chỉ cần đăng nhập vào game, chọn phòng, bạn có thể trở thành một chiến binh bất cứ khi nào bạn muốn. Rõ ràng là thích thú lắm chứ. Nhưng cái cảm giác hòa nhập với cộng đồng mới nó không kéo dài được lâu.
Có thể các bạn không tin, nhưng một lần nữa tôi lại bị “dòng đời đẩy ngã”. Một ngày như bao ngày khác, tôi đăng nhập vào game, chọn phòng đang có chế độ ưa thích. Cảm giác ngày hôm đó có thể mô tả bằng từ cay cú. Một gã không hiểu vì sao lại có thể có tốc độ không ai đuổi kịp. Thời gian cooldown vừa kết thúc, hắn đã kịp chạy sang nhà đối phương và dùng dao hạ cả đội. Tất cả chưa kịp hiểu ra điều gì thì một người đã bật chat: “Nó hack đấy”. Ồ, hóa ra là chẳng phải mình tôi dùng hack.
Cay cú là vậy, nhưng nhiều ngày sau, tôi vẫn cố gắng vào game và chơi như một game thủ chân chính, với lối chơi sạch sẽ đúng với khả năng của bản thân. Cố gắng của tôi lại khiến bản thân nhận ra rằng, khả năng của bản thân sẽ chẳng bao giờ địch lại nổi những cheater chỉ biết nhìn theo những hình thù được vẽ xuyên tường và hạ gục đối thủ, mặc kệ họ tức giận tới đâu.
Và thế là ngựa quen đường cũ. Cảm giác sử dụng phần mềm cheat nó lạ lắm, vừa có phần rón rén sợ bị phát hiện, lại vừa sướng khi mình có thể biết chắc chắn địch đang ở đâu. Những ngày đầu tiên sau khi tải bản hack về máy tính, tôi chơi game như không biết sợ ai. Cứ thấy địch là nhảy vào, vì biết chắc chắn aimbot của mình luôn nhanh hơn tốc độ ngắm của họ, bất kể họ có kỹ năng cao đến đâu đi chăng nữa.
Dĩ nhiên sau khi bị phát hiện và bị kick khỏi phòng vài lần, tôi cũng đã “khôn” ra. Lần này tôi không nhảy vào giữa cả đội quân nữa, thay vào đó là dùng wall hack xác định những kẻ đi lang thang. Thế nhưng lúc này, ngay cả những kẻ đi lang thang đó cũng đã bật hack. Trận chiến của hai hacker có vẻ cân sức đấy, nhưng lại chẳng dễ chịu chút nào vì tôi làm được gì, họ hoàn toàn có thể làm theo.
Rồi những topic, những bình luận bức xúc về những kẻ sử dụng hack chúng tôi xuất hiện ngày một dày đặc. Nhà phát hành cũng vào cuộc, thế nhưng không hiểu vì sao, cứ ra bản update mới là lại có bản hack mới, cứ như là người viết phần mềm biết trước những lỗi NPH sẽ vá để ngăn chặn hack vậy.
Còn về phần những người ức chế, khó chịu, tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Tôi chẳng có thời gian mà lên đọc những lời nhận xét về mình nó xấu xa, thảm hại đến mức nào cả. Nếu không có người dùng hack để thắng được tôi, thì việc gì tôi phải hack để thắng lại họ cơ chứ?
Đúng là hack không hề tốt đẹp gì, nhưng trong một môi trường mà ai cũng là kẻ xấu, thì chỗ nào dành cho những người tốt, những người với tư duy chơi game đẹp và công bằng? Câu hỏi đó lởn vởn trong đầu tôi, nhưng thú thật, đến NPH còn không làm được gì, thì tôi, một con sâu nhỏ bé trong số vô vàn những con sâu khác cũng chẳng thể nào thay đổi được tình hình.”
Theo VNE
Game thủ online trong mắt game thủ offline
Một điều tôi nhận ra sau nhiều năm thưởng thức và chinh chiến các tựa game trên khắp các "mặt trận", máy tính, console hay thậm chí là cả mobile, tôi có thể chắc chắn rằng tình yêu dành cho những tựa game của tôi đã dành trọn cho những game offline trên nền PC hay console. Thế nhưng một điều rất đáng buồn, đó là sau nhiều năm trời, game offline tại Việt Nam vẫn chưa thể phát triển được thành một cộng đồng với quy mô lớn mạnh. Điều này tồn tại vì khá nhiều lý do, thế nhưng lý do lớn nhất, và cũng là chủ đề tôi muốn chia sẻ với các bạn ngày hôm nay chính là do sự phát triển với tốc độ chóng mặt của game online tại Việt Nam.
Dĩ nhiên, tôi không hề có tư tưởng "GATO" với bất kỳ ai chơi MMO, đơn giản vì giống như tôi, họ cũng có những thú vui riêng, có đam mê riêng. Thế nhưng cái gọi là "đam mê" của họ không hiểu vì lý do gì lại quá đỗi kỳ dị và có phần... nhạt nhẽo trong mắt tôi.
Ảnh minh họa
Câu chuyện của tôi có lẽ đã bắt đầu ngay từ khi những game online đầu tiên đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Thời đó, những tiệm internet đã bắt đầu có những người làm quen và sớm đam mê với những MU Hà Nội hay Gunbound server nước ngoài. Trong khi đó, những quán game nối mạng LAN vẫn chưa tuyệt chủng, và vẫn là điểm đến quen thuộc của những người chơi game, với "bộ ba" không thể thiếu ở mỗi quán game: Counter-Strike 1.1, Age of Empires và StarCraft. Sẵn bản tính tò mò, tôi cũng thử chuyển hướng từ những tựa game nối mạng LAN, những Heroes hay Diablo 2 vào thời điểm bấy giờ, để thử những MMO được bạn bè quảng cáo là: " Đông lắm, vui lắm, cứ vào chơi là sẽ thích thôi."
Thế nhưng có vẻ tính tò mò của tôi bị kiềm hãm bởi tính bảo thủ vốn có thì phải. Việc game thủ suốt ngày ngồi lỳ ở quán game, cày cuốc, chắt chiu từng điểm kinh nghiệm, từng đồng vàng kiếm được từ việc đánh quái để reset nhân vật dường như đã xóa bỏ hoàn toàn mục đích quan trọng nhất của việc chơi game: Giải trí. Chơi game online mà lúc nào cũng cứ phải như thế này thì thà rằng cuối tuần xin bố mẹ chơi game offline một chút xíu cho thư giãn còn hơn.
Ảnh minh họa
Tình trạng này cũng chẳng khá khẩm gì hơn khi các NPH Việt Nam lần lượt đem những game online được cho là "hot" trên thị trường về phát hành trong nước. Những người bạn của tôi bắt đầu bỏ tiền ra để có thể tiếp tục phiêu lưu trong thế giới ảo, dùng đồng tiền của bố mẹ mình kiếm ra để mua lấy niềm vui ảo, những niềm vui chỉ tồn tại trong chốc lát càng khiến tôi cảm thấy khó hiểu. Đến đây chắc chắn các bạn sẽ phản pháo lại, "Tiền chúng tôi tự kiếm ra, chúng tôi thích làm gì mà chẳng được?" Thưa các bạn, ngoại trừ việc các bạn bỏ học đi làm từ rất sớm, thì cá nhân tôi không tin vào việc một cậu học sinh cấp hai có thể tự kiếm ra từ 80 đến 100 nghìn Đồng một tuần để nướng vào game online, trừ khi đó là tiền của bố mẹ các bạn.
Và rồi auto xuất hiện. Dưới con mắt của tôi, việc người chơi MMO sử dụng auto để nhân vật tự động cày kéo trong game cũng chẳng khác gì việc bạn chơi một tựa game offline, vì nó quá khó nên phải dùng đến cheat code hay trainer cả. Nếu như việc các bạn cày cuốc hàng ngày, hàng đêm đã khiến tính chất của game online thay đổi, thì việc các bạn "cắm" auto để đua top thậm chí còn biến game online trở thành một gánh nặng theo đúng nghĩa đen đè lên lưng các bạn. Đến đây, tôi đã bắt đầu cảm thấy người chơi game online ở Việt Nam đang tự ép mình vào khuôn khổ của một người đi làm theo đúng nghĩa đen. Có điều, "công việc" này chẳng đem lại cho các bạn cái gì ngoài việc đốt hàng đống tiền (tiền điện nếu bạn chơi ở nhà, và tiền internet nếu bạn... cắm chuột ngoài quán) và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và việc học tập.
Ảnh minh họa
Sau khi MMO client thoái trào, các NPH cũng như người chơi MMO tại Việt Nam lại hướng đến một giấc mơ mới: Webgame. Trong khi đó cá nhân tôi vẫn đều đều vừa học vừa làm, vừa thưởng thức những tựa game offline ra mắt hàng tháng. Bẵng đi một thời gian, tôi mới giật mình để ý, webgame thậm chí còn khiến cho thói quen chơi game của không ít người xuống cấp đến mức trầm trọng. Kiếm ở đâu những giây phút tìm đường hay giải quyết những câu đố hóc búa, tìm ở đâu được một cốt truyện có chiều sâu, nơi nhân vật chính là trung tâm của câu chuyện? Các bạn cũng chẳng thể có được thứ các bạn luôn mong đợi ở một tựa game online: Lối chơi đa dạng và có đột phá.
Người chơi MMO bây giờ dường như là những con rối, dựa hoàn toàn vào auto để hoàn thành nhiệm vụ trong game, rồi lại bỏ tiền vào cash shop để có thể sở hữu những chức năng mà người chơi miễn phí không thể có được. Điều này lại dẫn đến những cuộc tranh cãi không có hồi kết từ những người chơi MMO trên khắp các trang tin cũng như diễn đàn game Việt, với chủ đề cash shop đã tạo ra sự phân hóa quá lớn giữa những người chơi "có tiền" và "không có tiền". Một lần nữa, các bạn lại dùng đến tiền để mua lấy những niềm vui ảo, không tồn tại được quá lâu. "Niềm vui" này rất khó so sánh với cảm giác bạn hoàn thành một game offline.
Ảnh minh họa
Đọc bình luận của không ít người chơi game online Việt, tôi dường như lại thấy họ kỳ lạ hơn rất nhiều, khi lời nói, nhu cầu lại khác quá nhiều so với hành động và thói quen chơi game của các bạn. Các bạn đòi hỏi game phức tạp, đồ họa đẹp, lối chơi có chiều sâu. Thế rồi những game như vậy cũng đã có mặt ở Việt Nam. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, chúng cũng phải đội nón ra đi vì số lượng người chơi quá ít ỏi, khiến cho NPH không thể tiếp tục vận hành game. Hỏi lý do thì: "Game không có auto, tìm đường mệt quá." "Đồ họa nặng quá, máy không tải được." "Game phức tạp quá, danh sách skill không dễ hiểu gì cả"... Tôi cảm thấy khó hiểu. Những tựa game thậm chí còn nhạt nhẽo hơn cả Visual Novel tại sao lại khiến bao nhiêu người ngồi trước màn hình máy tính cả ngày như thế?
Và có lẽ, chính những nhà phát hành game cũng cảm thấy khó hiểu với cách xử sự "nói một đằng, làm một nẻo" của người chơi Việt. Không ít MMO hay, theo đánh giá của tôi, đã đến và đã đi khỏi dải đất hình chữ S. Một trong số những lý do cho chuyện này chính là từ thói quen chơi game online vừa kỳ lạ vừa nhạt của game thủ Việt.
Ảnh minh họa
Chuyện vẫn chưa chấm dứt ở đây. MMO có hack, người chơi cùng nhà phát hành lẽ ra nên góp sức để bài trừ. Ấy vậy mà thay vào đó, các bạn lại chĩa mũi dùi về phía nhà phát hành game, với lý do NPH quản lý không chặt, người chơi vẫn cố gắng bám trụ và vẫn lên tiếng chê bai NPH. Như vậy chẳng phải các bạn đã quá bảo thủ với thói quen chơi game của mình?
Càng ngẫm nghĩ, tôi càng cảm thấy tư duy của người chơi game online tại Việt Nam quả thật là vô cùng khó hiểu. Phải thừa nhận một điều rằng game thủ MMO Việt sở hữu thói quen chơi game rất nhạt, dựa dẫm quá nhiều vào auto, và rất sợ những thay đổi. Các bạn đã và đang chứng tỏ mình là những con trâu cày thực thụ, đem về những khoản lợi nhuận cho các nhà phát hành, để họ tiếp tục mang về Việt Nam những MMO khác, với lối chơi, hình ảnh giống y hệt, chỉ khác cái tên. Và rồi chắc chắn một điều, các bạn sẽ lại tiếp tục chê game "rác" nhưng vẫn cứ chơi, và hy vọng vào một ngày thị trường MMO Việt sẽ quay trở lại thời kỳ vàng son, cái ngày mà tôi cam đoan sẽ chẳng bao giờ đến nếu chính các bạn không chịu thay đổi.
Theo GameK
Game thủ Việt muốn bỏ LoL để đến với "DotA Blizzard" Sức hút của Heroes of the Storm đối với game thủ Việt là không thể chối cãi. Sau vụ kiện với Valve, ông hoàng với những tựa game đỉnh cao Blizzard cuối cùng đã không giữ được quyền sử dụng thương hiệu DotA ( Defense of the Ancients). Thế nhưng trong sự kiện BlizzCon 2013 vừa qua, "ông hoàng" đã trở lại với...