Từ Sigma, Việt Nam giải bài toán trang bị Nga-phương Tây
Sở hữu cả trang bị Nga-phương Tây nên buộc Việt Nam phải giải bài toán chỉ huy, hiệp đồng, chia sẻ thông tin giữa các trang bị khác tiêu chuẩn.
Những khó khăn về kết hợp trang bị Nga-phương Tây
Vấn đề quan trọng nhất mà Việt Nam cần ở các chiến hạm Sigma là hệ thống radar 3D đa chùm tia đối không/đối hải SMART-S MK2.
Radar có khả năng phát hiện mục tiêu kích cỡ máy bay cách xa 200km và mục tiêu kích cỡ tên lửa cách xa 50km. Việc phát hiện và theo dõi mục tiêu hoàn toàn tự động, có thể theo dõi đồng thời 500 mục tiêu, bám bắt 3 mục tiêu cùng lúc cho tên lửa tiêu diệt.
Thế nhưng đây vẫn chưa phải là ưu điểm nổi trội nhất của loại radar này. Điều quan trọng nhất là SMART-S MK2 có khả năng phát hiện các mục tiêu tàng hình nhờ kỹ thuật xử lí di động Dopler, đo trực tiếp tốc độ xuyên tâm. Theo nguồn tin của Thales, tầm phát hiện mục tiêu tiêu tàng hình vào khoảng 50km.
Vấn đề cần thiết là Sigma có thể sử dụng những thông tin từ radar hết sức hiện đại của mình để cung cấp các số liệu trên không và trên biển cho các tàu và tiêm kích chuyên đánh biển Su-30MK2 để đối phó với máy bay mang tên lửa chống hạm của địch.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất đối với Việt Nam là các hệ thống vũ khí; chỉ huy, kiểm soát; điều khiển hỏa lực; tác chiến điện tử; thông tin liên lạc… của SIGMA đều là sản phẩm của hãng Thales và MBDA của Pháp thuộc tiêu chuẩn của NATO.
Trong khi đó, đại đa số các tàu chiến và các máy bay chiến đấu có khả năng đánh biển của Việt Nam như Su-30MK2, Su-27, Su-22.. đều mua của Nga, dẫn đến nhiều khó khăn trong hiệp đồng, chia sẻ thông tin tác chiến giữa các loại trang bị Nga-phương Tây.
Để sử dụng cả trang bị Nga và phương Tây, Việt Nam phải giải bài toán chỉ huy-hiệp đồng
Đây không còn là chuyện riêng của Sigma mà là khó khăn chung khi Việt Nam mua sắm thêm trang bị kiểu phương Tây. Vấn đề này cũng là thách thức mà bất cứ quốc gia nào cũng sẽ gặp phải trên chặng đường hiện đại hóa quân đội bằng các vũ khí trang bị khác chủng loại.
Hiện nay, điểm yếu của các trang bị đánh biển của Việt Nam là đều phải dựa vào các hệ thống đo đạc và chỉ thị mục tiêu của radar đặt trên bờ biển, nhưng cự ly thám trắc của các hệ thống radar này có hạn, dẫn đến làm giảm khả năng tác chiến của các loại trang bị, vũ khí trên.
Đại bộ phận các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đều có khoảng cách xa bờ tới 500km, các trạm radar trên bờ đều không thể vươn tới tầm đó, giả sử có triển khai các radar trên đảo thì những mục tiêu cố định này sẽ là đối tượng phá hủy đầu tiên của đối phương.
Các trạm radar trên bờ không thể vươn tầm tới đó nên trước đây khá lâu, Việt Nam đã mua sắm các trang bị tuần tiễu, trinh sát trên biển.
Hiện Việt Nam đã có 3 loại máy bay tuần tiễu, trinh sát trên biển là CASA C-212 từ Tây Ban Nha, PZL M28B Bryza của Ba Lan và thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter series 400 của Tập đoàn Viking Air Canada. Tuy nhiên, cả 3 loại máy bay trên đều không có khả năng chỉ huy-cảnh báo sớm trên không.
Trên thực tế, PZL M28B Bryza của Ba Lan được trang bị khả năng tìm kiếm mục tiêu trên biển nhất định với radar tìm kiếm mặt biển, hệ thống chỉ huy-kiểm soát và đường truyền số liệu nhưng loại máy bay này có hạn chế là thiếu khả năng chỉ huy và dẫn đường trên không.
Video đang HOT
Những chiến hạm như Gepard và Sigma rất khó hiệp đồng tác chiến tự động với nhau
Bởi vậy, Việt Nam cần có một loại trang bị có khả năng đáp ứng nhu cầu trung chuyển thông tin giữa các vũ khí kiểu Nga và phương Tây, đồng thời cũng bổ khuyết cho mảng trang bị mà Việt Nam còn thiếu là khả năng chỉ huy hiệp đồng tác chiến. Đó là chức năng của các máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm trên không.
Ngay từ năm 2013, truyền thông Trung Quốc đề cập đến vấn đề đáng chú ý là tại Triển lãm Hàng không Paris lần thứ 50 (năm 2013), phái đoàn quân sự của Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới phiên bản chỉ huy, cảnh báo sớm trên không (AEW&C) của loại máy bay EADS CASA C-295 của Airbus Military.
Phiên bản AEW&C của EADS CASA C-295 phù hợp với Việt Nam?
Ngay trong năm 2013, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 3 chiếc thuộc phiên bản vận tải của C-295. Đây là điều rất thuận lợi khi đặt mua phiên bản AEW&C hay cải tiến máy bay vận tải thành phiên bản chỉ huy-cảnh báo sớm trên không để chỉ huy các biên đội tàu và lực lượng không quân của hải quân Việt Nam.
Phiên bản cảnh báo sớm và chỉ huy trên không C-295 AEW&C là kết quả của sự hợp tác giữa Airbus Military và Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Isarel (IAI). Máy bay được trang bị radar mạng pha điện tử chủ động thế hệ 4 (AESA) EL/M-2075 Phalcon2 do ELTA (công ty con của IAI) chế tạo.
C-295 AEW&C có thể đảm nhiệm việc trinh sát, phát hiện sớm mục tiêu trên không và trên mặt biển, chỉ huy lực lượng tác chiến hỗn hợp không/hải, dẫn bắn cho tên lửa tiêu diệt mục tiêu … Đây chính là loại máy bay mà Việt Nam đang thiếu, để đảm bảo mối liên kết và khả năng hợp đồng tác chiến giữa các trang bị khác tiêu chuẩn và giữa các quân binh chủng với nhau.
Điều Việt Nam cần là một chiếc máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm như C-295 AEW&C
Với C-295 AEW&C, các biên đội máy bay chiến đấu, tàu tên lửa cao tốc, các tiểu đoàn tên lửa bờ biển Việt Nam… sẽ được đặt trong thế trận chung liên hoàn và chặt chẽ. Các mục tiêu sẽ được phát hiện sớm và kịp thời, tầm hoạt động của vũ khí được tăng cường, sức mạnh của không quân và hải quân Việt Nam sẽ tăng thêm rất nhiều.
Dĩ nhiên, việc phối hợp giữa một loại máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy của phương Tây với các vũ khí do Nga/Liên Xô sản xuất sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo tin của trang mạng Đông Phương-Trung Quốc, C-295 AEW&C có khả năng trung chuyển các dạng tín hiệu số liệu theo chuẩn NATO và cả của Nga.
Các kĩ sư quân sự Isarel có nhiều kinh nghiệm tích hợp các hệ thống vũ khí của Nga/Liên Xô cũ với các khí tài phương Tây, điển hình là ở Ấn Độ.
Các chuyên gia Israel đã tích hợp 3 radar EL/W-2085 Phalcon trên khung thân của chiếc AEW&C A-50 Beriev của Nga, có khả năng chỉ huy tác chiến cho giàn máy bay chiến đấu hỗn hợp Nga-châu Âu của nước này như MiG-29K/KUB, Su-30MKI, Jaguar, Mirage-2000…
Điểm đặc biệt là radar EL/W-2085 Phalcon do công ty Elta – cha đẻ của radar mảng pha điện tử chủ động (AESA) EL/M-2075 Phalcon2 trên C-295 – sản xuất và tích hợp.
Hơn nữa, hiện Nga đang hợp tác rất chặt chẽ với công ty Israel trong lĩnh vực sản xuất máy bay trinh sát không người lái (UAV) – một loại trang bị liên quan rất nhiều đến lĩnh vực truyền dẫn thông tin số liệu. Bởi vậy, công ty Elta có đủ khả năng để kết nối những trang bị của Nga với phương Tây.
Máy bay AEW&C A-50 Beriev của Ấn Độ sử dụng radar Phalcon của Elta Israel
Hiện nay, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam-Israel cũng có những bước tiến rất lớn. Ngoài súng cá nhân và tên lửa, Việt Nam cũng đang sử dụng một số loại radar của Israel như Tổ hợp radar mảng pha điện tử chủ động (AESA), cảnh giới tầm xa ELM-2288ER AD STAR và radar phòng không chiến thuật 3 chiều ELM-2106NG của chính Elta.
Do đó, việc Việt Nam mua máy bay cảnh báo sớm C-295 là điều vừa hợp lý vừa có nhiều thuận lợi, vừa đáp ứng nhu cầu cảnh báo sớm trên không, trên biển, vừa có khả năng trung chuyển thông tin giữa các trang bị của Nga và phương Tây.
Tuy nhiên, một khó khăn cho Việt Nam là loại máy bay này khá đắt. 1 chiếc C-295 phiên bản vận tải có giá khoảng trên 30 triệu USD, phiên bản MPA (Maritime Patrol Aircraft – Máy bay tuần tra hàng hải) có giá khoảng 60 triệu USD, còn giá một chiếc AEW&C sẽ lên tới gần 100 triệu USD.
Để giám sát toàn bộ lãnh hải, liên tục trong khoảng thời gian 24/24h, với khả năng hành trình liên tục trên không của 1 máy bay là 11h, Việt Nam sẽ phải cần tới ít nhất là 4 chiếc máy bay loại này (ngoài những chiếc thay phiên nhau tuần tiễu trên không, ít nhất phải có 1 chiếc, nhiều là 3 chiếc dự bị).
Hơn nữa, các máy bay C-295 AEW&C còn khá mới mẻ và chưa nằm trong biên chế của lực lượng không quân nào. Ngoài ra, Việt Nam ít khi mua sắm các sản phẩm mới, mà chủ yếu sử dụng các vũ khí đã qua kiểm định. Đây sẽ là khó khăn cho C-295 AEW&C trên con đường gia nhập Không quân Nhân dân Việt Nam.
Theo Đất Việt
Vũ khí đi kèm Sigma 9814 Việt Nam có tổng trị giá bao nhiêu?
Các số liệu sử dụng trong bài viết được tham khảo từ báo cáo của SIPRI và trang mạng Nation Creation Wiki.
Tên lửa đối hạm MM40 Exocet Block 3: 100 triệu USD
Tên lửa đối hạm MM40 Exocet Block 3
Theo số liệu từ bản báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Việt Nam đã mua 25 quả tên lửa hành trình đối hạm MM40 Exocet Block 3 để trang bị cho 2 khinh hạm Sigma 9814.
Exocet MM40 Block 3 là biến thể mới nhất của dòng tên lửa chống tàu tiên tiến Exocet. Tên lửa có chiều dài 5,79 m; đường kính thân 0,35 m; sải cánh 1,13 m; trọng lượng phóng 875 kg, mang theo đầu đạn bán xuyên giáp nặng 155 kg.
Động cơ nhiên liệu rắn của Exocet Block 3 cho tốc độ tối đa Mach 0,9, tầm bắn gia tăng đáng kể, lên tới 180 km so với 70 km của phiên bản Block 2.
Tên lửa có thể tiếp cận mục tiêu theo một quỹ đạo bay 3 chiều đã xác định trước, cơ động tấn công trong giai đoạn cuối ở độ cao cách mặt biển rất thấp.
Trong giai đoạn dẫn đường cuối, tên lửa sử dụng đầu dò radar chủ động băng tần J với các phần tử tìm kiếm cập nhật liên tục tham số về mục tiêu để tấn công chính xác.
Đơn giá của tên lửa MM40 Exocet Block 3 là 4 triệu USD/quả.
Tên lửa phòng không VL MICA: 48 triệu USD
Tên lửa MICA RF
Cũng theo SIPRI, Việt Nam đã mua từ Pháp 2 hệ thống phóng thẳng đứng VL-MICA-M cùng 40 tên lửa phòng không VL MICA để lắp đặt trên Sigma 9814.
VL MICA có nguồn gốc từ tên lửa không đối không trang bị cho máy bay chiến đấu, gồm 2 phiên bản MICA RF sử dụng đầu dò radar chủ động xung doppler AD4A và MICA IR trang bị đầu dò ảnh nhiệt sóng kép thụ động Sagem.
Dữ liệu về mục tiêu sẽ được nạp vào tên lửa trước khi phóng, nguồn dữ liệu có thể được cung cấp bởi radar hoặc các hệ thống quan sát quang học.
Sau khi phóng, tên lửa bay quán tính theo thông tin được cung cấp trước đó và giai đoạn cuối đầu dò sẽ dẫn đường tên lửa bắn trúng mục tiêu.
Tên lửa MICA có trọng lượng 112 kg; trang bị đầu đạn nặng 12 kg; tầm bắn tối đa lên tới 20 km; trần bay 11 km; tốc độ Mach 3; khả năng chịu quá tải 50G.
Đơn giá của tên lửa VL MICA là 1,2 triệu USD/quả.
Ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ MU90 Impact
Ngư lôi MU90 Impact
EuroTorp MU90 Impact là ngư lôi hạng nhẹ rất tiên tiến của châu Âu, áp dụng công nghệ bắn và quên, có thể tác chiến trong mọi điều kiện đại dương, được đánh giá là vũ khí chống ngầm hiệu quả trong chiến tranh hải quân thế kỷ 21.
Ngư lôi MU90 có đường kính thân 324 mm; chiều dài 2,85 m; trọng lượng 304 kg với đầu đạn nặng 32,7 kg; độ sâu tác chiến từ 25 - 1000 m, được thiết kế để trang bị cho cả tàu chiến, máy bay cánh bằng cũng như trực thăng.
Tính năng ưu việt nhất của nó là khả năng biến đổi tốc độ liên tục từ 29 - 50 hải lý/h nhờ một động cơ phản lực - điện. Tầm bắn phụ thuộc vào tốc độ: với tốc độ 50 hải lý/h, tầm bắn là 12 km; lên tới 25 km khi chạy ở vận tốc 29 hải lý/h.
Theo báo cáo của SIPRI thì Việt Nam chưa chính thức đặt mua MU90 Impact, tuy nhiên đây là vũ khí chống ngầm tiêu chuẩn của các khinh hạm lớp Sigma với 6 ngư lôi cho mỗi tàu.
Đơn giá của MU90 Impact là 1,6 triệu Euro/quả, quy đổi tỷ giá hiện tại sẽ tương ứng 1,72 triệu USD/quả.
Nhìn vào cơ số tên lửa Exocet và VL MICA như trên, có thể ước tính nếu Việt Nam đặt hàng, số lượng sẽ vào khoảng 20 quả, tổng giá trị sẽ là 34,4 triệu USD.
Theo Trí Thức Trẻ
Trung Quốc và Nga phát triển radar mới đe dọa máy bay chiến đấu tàng hình Mỹ Công nghệ chống tàng hình đang truyền bá rộng rãi trên toàn thế giới; Nga có radar Nebo-M, trong khi Trung Quốc có radar cảnh giới đối không JY-27A... Radar chống tàng hình Nebo-M Nga Mạng "Aviation Week & Space Technology" Mỹ ngày 16 tháng 3 đăng bài viết "Radar mới - hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại tăng cường...