Từ ông lớn chuyển phát, vì đâu GNN Express phá sản?
Từng có thị phần nhất định trong giai đoạn thị trường chuyển phát nhanh tại Việt Nam còn sơ khai, GNN Express dưới sự điều hành của CEO Hoàng Ngọc đã rơi vào cảnh phá sản năm 2018.
Ra đời năm 2006 trong bối cảnh thị trường chuyển phát nhanh Việt Nam còn sơ khai, GNN Express từng là đơn vị chuyển phát có mạng lưới rộng khắp cả nước. Doanh nghiệp đã triển khai nhận hàng tại Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP.HCM, Biên Hòa và Cần Thơ cùng mạng lưới chuyển phát đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Dù có ưu thế xuất phát sớm, giữ thị phần đáng kể nhưng doanh nghiệp vẫn rơi vào cảnh phá sản vào năm 2018 vì quản lý dòng tiền kém, dùng tiền thu hộ (COD) của khách hàng để trả nợ và mất khả năng thanh toán.
Phá sản sau 12 năm vì quản lý kém
GNN Express có tiền thân là Công ty cổ phần Dịch vụ Gió Nam do ông Hoàng Ngọc cùng 11 cổ đông khác thành lập cuối năm 2006, với vốn điều lệ 100 triệu đồng. Trước khi phá sản, doanh nghiệp này có trụ sở tại phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) và chi nhánh tại 5 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Từng có thị phần nhất định trong giai đoạn thị trường chuyển phát nhanh tại Việt Nam còn sơ khai, GNN Express dưới sự điều hành của Hoàng Ngọc đã rơi vào cảnh phá sản năm 2018. Ảnh: HC.
Trong thời kỳ đầu mới xuất hiện trên thị trường, GNN Express chiếm được thị phần đáng kể khi có mức cước hợp lý cùng tốc độ giao hàng nhanh chóng. Tuy nhiên tới giai đoạn 2017-2018, doanh nghiệp chuyển phát này có dấu hiệu hụt hơi, thua kém nhiều đối thủ đến sau.
Đỉnh điểm khó khăn của GNN Express là vào tháng 9/2018 khi doanh nghiệp phát đi thông báo chính thức về việc này chính thức dừng hoạt động do “không còn đủ khả năng tài chính”.
Theo nội dung thông báo, Hoàng Ngọc, khi đó là Tổng giám đốc công ty cho biết, do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, công ty đã không cân đối được thu chi dẫn đến sử dụng và lạm dụng tiền COD của khách hàng vào các hoạt động khác.
Trả lời Zing hồi tháng 9/2018, ông Ngọc cho biết số tiền 5,5 tỷ đồng ông đã lạm dụng là tài sản của khoảng 100 khách hàng. Trước khi tuyên bố công ty ngừng hoạt động, ông Ngọc bị một số khách hàng đe dọa đưa sự việc ra cơ quan pháp luật.
Cá nhân Ngọc cũng chia sẻ vào năm năm 2010 vì kinh nghiệm non nớt, ông này phải đi vay với lãi suất 15%/tháng để duy trì công ty. Trong đó, có những tháng phải trả 170 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Đến cuối năm 2016, ông này chuyển nhượng lại vốn cho các cổ đông khác và chỉ còn làm Giám đốc điều hành, dù công ty đang bước vào giai đoạn phát triển nhất.
Năm 2017, sau khi dừng hợp tác với một đối tác lớn, GNN Express bắt đầu mất cân đối thu chi, dẫn đến việc phải sống bằng tiền thu hộ từ dịch vụ COD của khách. Ngoài việc lạm dụng 5,5 tỷ đồng tiền COD, công ty này còn nợ ngân hàng khoản vay mua 6 ôtô, vay tín chấp 1,7 tỷ đồng, nợ người thân, bạn bè 3,5 tỷ đồng, nợ đối tác gửi qua hàng không 1 tỷ đồng, nợ lương của người lao động 700 triệu đồng và nợ bảo hiểm xã hội 200 triệu đồng.
Ngày 27/8, ông Ngọc đã tổ chức họp toàn thể công ty để thông báo về tình trạng khó khăn, bàn giải pháp, xin nhân viên chậm lương, đối tác giãn nợ… Tuy nhiên, đến ngày 30/8, ông Ngọc không thể vay được tiền người thân nên thừa nhận không còn cách nào để chống đỡ công ty nữa.
Từ giám đốc tới xin đi tù, cướp ngân hàng
Trước sức ép từ khách hàng và chủ nợ, Hoàng Ngọc đã nộp đơn tự thú, thừa nhận đã có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và xin đi tù vào cuối năm 2018.
Video đang HOT
“Xác định hành vi của mình là nghiêm trọng, tôi chủ động tự thú nhưng không hiểu sao chưa bị tạm giữ. Qua báo chí, tôi xin gửi lời xin lỗi đến khách hàng”, Ngọc phân trần vào thời điểm đó.
Phùng Hữu Mạnh (trái) và Hoàng Ngọc. Ảnh: Công an cung cấp.
Sau khi tuyên bố mất khả năng thanh toán, GNN Express đã sắp xếp được khoảng 600 triệu đồng và khẳng định sẽ ưu tiên thanh toán cho những khách hàng đang chịu thiệt hại dưới 2 triệu đồng để giải tỏa áp lực nợ. Tuy nhiên, nhiều khách hàng khi đó khẳng định vẫn không nhận được thanh toán từ doanh nghiệp. Nói với Zing, một khách hàng của GNN Express cho biết tại thời điểm này, số tiền 60 triệu mà doanh nghiệp nợ chị vẫn chưa được trả.
Sau thời gian dài không xuất hiện trên truyền thông, tới ngày 29/7, Hoàng Ngọc được xác định là chủ mưu vụ nổ súng cướp chi nhánh ngân hàng BIDV tại quân Đống Đa (Hà Nội).
Cụ thể, trưa 29/7, Công an Hà Nội cho biết đang tạm giữ Phùng Hữu Mạnh (23 tuổi) và Hoàng Ngọc (42 tuổi) để điều tra vụ nổ súng đe dọa nhân viên rồi cướp 900 triệu đồng tại chi nhánh BIDV ở quận Đống Đa.
Điều tra ban đầu, cảnh sát xác định chủ mưu vụ cướp là Hoàng Ngọc. Ngọc khai do làm ăn thua lỗ nên nợ một khoản tiền lớn. Sau đó, Ngọc rủ Mạnh cướp tiền của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Ngọc Khánh. Quá trình gây án, Ngọc là người nổ súng.
Khuya 28/7, Mạnh bị bắt khi đang trốn gần nhà ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Một ngày sau, Ngọc bị bắt khi đang lẩn trốn tại TP Hải Phòng.
Khách hàng Mỹ phá sản, doanh nghiệp Việt ra sao?
Sự kiện khách hàng của Công ty cổ phần May Sông Hồng tại Mỹ tuyên bố phá sản một lần nữa cho thấy rủi ro của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu.
Ai được ưu tiên trả tiền?
Vừa qua, RTW Retailwinds, công ty sở hữu gần 400 cửa hàng New York&Co tại 32 bang trên khắp nước Mỹ đã nộp đơn xin phá sản. Đáng chú ý, RTW Retailwind là khách hàng của CTCP May Sông Hồng (MSH) với số nợ chưa thanh toán khoảng 220 tỷ đồng.
New York & Co là một trong những khách hàng truyền thống và là khách hàng lớn đứng thứ 3 trong số các khách hàng FOB của May Sông Hồng. Những năm gần đây, doanh thu của New York & Co chiếm khoảng 17% doanh thu của mảng FOB và chiếm khoảng 13% tổng doanh thu của Công ty.
Trước mắt, trong năm tài chính 2020, May Sông Hồng chắc chắn sẽ phải trích lập dự phòng cho khoản phải thu này và việc này sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận năm 2020 của doanh nghiệp.
Điều mà thị trường đang quan tâm là thủ tục tố tụng tại nước ngoài trong vụ việc phá sản này ra sao và liệu May Sông Hồng có thể thu hồi được phần nào khoản nợ để giảm thiểu tổn thất.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, luật sư Trần Duy Cảnh, Công ty Luật TNHH Luật Việt cho biết, ông đã tham khảo các đồng nghiệp tại Mỹ, tham khảo các tài liệu liên quan đến vụ việc được công bố công khai của tòa án và Công ty RTW Retailwinds xung quanh vụ phá sản này.
Theo Luật sư Cảnh, ngày 13/7/2020, RTW Retailwinds, Inc và các công ty con nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa Phá sản Hoa Kỳ, quận New Jersey. Vụ việc được thụ lý bởi thẩm phán John K. Sherwood, dưới mã số 20-18445.
Về cơ bản, yêu cầu căn cứ Chapter 11 của Bộ luật Phá sản Hoa Kỳ về thủ tục tái tổ chức/Reorganization (có một số đặc điểm giống với thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh trong Luật Phá sản 2014 của Việt Nam).
Theo đó, về trình tự tiến hành, RTW Retailwinds và các công ty con vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh dưới sự kiểm soát của tòa án.
Trong vòng 120 ngày kể từ ngày nộp đơn nêu trên, RTW Retailwinds và các công ty con có trách nhiệm xây dựng phương án tái tổ chức nhằm phục hồi hoạt động kinh doanh và dự tính kế hoạch thanh toán nợ.
Phương án này cần được tòa án xác nhận và các chủ nợ đồng ý để có hiệu lực thi hành và giá trị ràng buộc các bên tham gia vụ việc.
Về thứ tự ưu tiên thanh toán, các chi phí hành chính (chi phí thực tế và cần thiết để duy trì tài sản của Công ty như tiền lương cho người lao động làm việc sau khi mở thủ tục phá sản, thuế, chi phí phá sản...) được ưu tiên thanh toán trước.
Tiếp đó là các khoản nợ không có bảo đảm (unsecured claims) phát sinh trong quá trình kinh doanh bình thường của Công ty.
Tiếp theo lần lượt đến khoản nợ lương, khoản nợ đóng góp phúc lợi cho người lao động (tối đa 10.000 USD/người), nợ thuế của cơ quan nhà nước... (Điều 507, Bộ luật Phá sản Hoa Kỳ).
Dù Điều 507 không nhắc đến, nhưng trong thực tế, khoản nợ có bảo đảm được ưu tiên hơn không có bảo đảm và được thanh toán trước bằng tài sản bảo đảm. Nếu tài sản bảo đảm không đủ trả, phần nợ chưa trả còn lại được coi là yêu cầu đòi nợ không có bảo đảm như đã nói ở trên.
Cần lưu ý nguyên tắc thanh toán là khi trả hết các khoản nợ cùng thứ tự ưu tiên thì mới thanh toán đến các khoản thuộc thứ tự ưu tiên tiếp theo.
"Khoản nợ của CTCP May Sông Hồng nhiều khả năng rơi vào trường hợp khoản nợ không có bảo đảm và sẽ được thanh toán sau khi RTW Retailwinds trả hết chi phí hành chính", luật sư Cảnh nhận định.
Cũng theo ông Cảnh, CTCP May Sông Hồng cần gửi yêu cầu đòi nợ và tài liệu, giấy tờ chứng minh khoản nợ đến Tòa Phá sản quận New Jersey (Điều 501, Bộ luật Phá sản Hoa Kỳ).
Đây là thủ tục cần thiết để được Tòa chấp thuận và cho phép May Sông Hồng tham gia vụ việc qua các hội nghị chủ nợ hay buổi điều trần phương án tái tổ chức, nhằm tăng cường khả năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình.
Hiện MSH đã làm việc với luật sư bên Hồng Kông và Mỹ để theo vụ việc, với hy vọng đảm bảo quyền lợi của Công ty.
Quan trọng nhất là thuê luật sư ở Mỹ để tư vấn và đại diện cho mình tại tòa án trong vụ việc này. Ở Mỹ, nếu tranh chấp kiện tụng nhau mà không có luật sư thì như mò kim đáy bể, chịu rất nhiều thiệt thòi.
Để hạn chế rủi ro khách hàng phá sản, theo luật sư Cảnh, doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh vào Mỹ nên nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể đánh giá chính xác nhất khả năng tài chính của đối tác sở tại. Trong trường hợp đối tác phá sản, nên chú ý theo dõi thông tin và tham gia vụ việc sớm nhất có thể nhằm bảo vệ quyền lợi từ đầu.
Được biết, hiện MSH đã làm việc với luật sư bên Hồng Kông và Mỹ để theo vụ việc này, đảm bảo quyền lợi của Công ty.
Tố tụng phá sản ở nước ngoài phức tạp, kéo dài
Sự việc xảy ra với May Sông Hồng thực ra không phải là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam gặp phải.
Cuối năm 2018, thị trường xôn xao vì một khách hàng Mỹ của CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) nộp đơn phá sản tại Tòa án Phá sản Mỹ. Lúc đó, khách hàng này còn khoản nợ khoảng 100 tỷ đồng tại công ty niêm yết nói trên.
Doanh nghiệp tại Việt Nam đã mời luật sư Mỹ để đại diện tham gia tố tụng phá sản. Đến nay, sau gần 2 năm, công ty này chưa thu hồi được một đồng nào và vẫn chưa chốt được khách hàng tại Mỹ phải trả cho công ty là bao nhiêu.
Theo tìm hiểu của người viết, cách đây chừng một tháng, bên Mỹ có gửi một thông báo sẽ thanh toán trước vài trăm nghìn USD cho phía công ty Việt Nam nhưng sau đó lại báo hoãn do còn vấn đề chưa thống nhất được.
Theo nguyên tắc hạch toán tài chính, TCM đã trích lập dự phòng hơn 80% khoản nợ. Nếu thu hồi được thì doanh nghiệp sẽ được hoàn nhập dự phòng và giúp tăng lợi nhuận.
Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa thể xác định có thể thu hồi được bao nhiêu và bao giờ thì được
nhận tiền.
Hài hòa gia tăng doanh số và rủi ro nợ xấu
Để gia tăng doanh số, các doanh nghiệp luôn tìm kiếm cơ hội bán hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, đi kèm với việc đó là nguy cơ khách hàng không trả được tiền, đặc biệt trong trường hợp xuất khẩu, khoảng cách địa lý, khác biệt pháp lý khiến rủi ro gia tăng.
Sự cố khách hàng phá sản ở nước ngoài là bài học cho doanh nghiệp Việt Nam để cân nhắc rủi ro trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Chia sẻ từ chính doanh nghiệp đã phải đối mặt với tình trạng này cho thấy, sau sự việc khách hàng Mỹ phá sản, công ty cẩn trọng hơn khi bán hàng và lựa chọn hài hòa giữa tăng trưởng và rủi ro.
Theo đó, trong lĩnh vực dệt may, thông lệ khách hàng tại Mỹ thường mua trước trả sau mà không mở L/C. Điều này dẫn đến rủi ro về mặt thu hồi công nợ.
Nhưng không bán hàng vào Mỹ thì bỏ mất một thị trường rộng lớn và tiềm năng. Vấn đề là lựa chọn hài hòa tăng trưởng doanh thu và rủi ro nợ xấu.
Có một số giải pháp có thể thực hiện, chẳng hạn phải liên tục theo dõi khách hàng về tình hình tài chính của họ và cố gắng giảm khoản phải thu xuống. Việc này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng nhưng phải chấp nhận, bởi nếu dính vào nợ xấu thì có nguy cơ mất hết.
Hoặc giải pháp khác là bán khoản phải thu cho các công ty thu nợ. Nếu quá thời hạn thanh toán, khách hàng chưa trả tiền thì bên công ty thu nợ đứng ra thanh toán cho doanh nghiệp. Việc này có phần tương tự trường hợp một đơn vị đứng ra bảo lãnh, doanh nghiệp sẽ mất phí, giảm lợi nhuận của đơn hàng nhưng an toàn hơn.
Dù vậy, không phải khách hàng nào cũng bán được khoản phải thu. Trong trường hợp tình hình tài chính của khách hàng xấu thì các công ty thu nợ sẽ không mua. Với khách hàng dạng này, cần phải rất thận trọng, thậm chí từ chối bán hàng.
Doanh nghiệp gặp "hạn" vì đối tác nước ngoài phá sản Công ty Cổ phần May Sông Hồng có nguy cơ mất 166 tỷ đồng khi khách hàng tại Mỹ nộp đơn phá sản. Công ty đã và đang làm thủ tục thuê luật sư bên Mỹ để thu công nợ, nhưng vụ việc này đã báo động về những sự cố của doanh nghiệp Việt với đối tác nước ngoài. Hoạt động sản...