Tù nhân Mỹ tiết lộ thời gian bị bắt giam khổ sai ở Triều Tiên
Ngay sau khi được Triều Tiên phóng thích, 3 công dân Mỹ đã tiết lộ về quãng thời gian của họ bên trong nhà tù khổ sai của Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania đích thân ra sân bay đón 3 công dân được Triều Tiên phóng thích. (Ảnh: Reuters)
Gần 3h sáng ngày 10/5, máy bay của Không quân Mỹ chở Ngoại trưởng Mike Pompeo và 3 công dân được Triều Tiên phóng thích đã hạ cánh xuống sân bay ở căn cứ không quân Andrews.
Kim Dong-chul, 1 trong 3 công dân Mỹ gốc Hàn được phóng thích, cho biết ông bị buộc lao động khổ sai và từng bị ốm trong suốt thời gian 2 năm bị giam giữ ở Triều Tiên.
“Tôi được đối xử theo nhiều cách khác nhau và phải làm rất nhiều công việc chân tay. Nhưng tôi cũng được điều trị mỗi khi bị ốm”, ông Kim Dong-chul cho biết với truyền thông tại cuộc họp báo được tổ chức ngay tại căn cứ Andrews.
Ông Kim Dong-chul bị bắt giam ở Triều Tiên từ tháng 10/2015. Vài tháng sau khi bị bắt giữ, ông bị kết án 10 năm lao động khổ sai vì bị cáo buộc làm gián điệp cho Hàn Quốc. Trong số 3 công dân Mỹ được phóng thích, ông Kim Dong-chul là người duy nhất phải ra hầu tòa. Hai người còn lại là Kim Sang-duk (hay Tony Kim) và Kim Hak-song bị bắt giữ hồi tháng 4 và tháng 5 năm ngoái vì bị cáo buộc có các hành động thù địch nhằm vào Triều Tiên.
Hôm qua khi máy bay chở họ hạ cánh ở Alaska để tiếp nhiên liệu trước khi hạ cánh xuống căn cứ Andrews, một người trong số họ đã đề nghị được ra ngoài chốc lát vì đã rất lâu không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, Dailymail dẫn lời Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết.
Trong một diễn biến liên quan khác, mạng tin The Onion cho biết, 3 công dân Mỹ sau khi được Triều Tiên phóng thích đã được đưa tới trại giam Lee Correctional ở bang South Carolina của Mỹ để tránh tình trạng quá sốc khi trở lại cuộc sống bình thường sau một thời gian dài lao động khổ sai ở Triều Tiên. Tuy nhiên, thông tin trên chưa được xác thực.
Triều Tiên quyết định thả công dân Mỹ ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Trump hôm qua đã gửi lời cảm ơn tới ông Kim Jong-un đồng thời thông báo hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên vào ngày 12/6 tới tại Singapore.
Video đang HOT
Minh Phương
Theo Dantri
13 giờ thương lượng "cân não" của Ngoại trưởng Mỹ tại Triều Tiên
Trong suốt 13 giờ đồng hồ kể từ khi đặt chân xuống Bình Nhưỡng, phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng Mike Pompeo dẫn đầu đã bàn bạc với phía Triều Tiên về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và đã đàm phán thành công dẫn tới việc Bình Nhưỡng trả tự do cho 3 công dân Mỹ.
Ngoại trưởng Mike Pompeo (Ảnh: Getty)
Đêm 7/5 theo giờ Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo lên máy bay Boeing 757 cất cánh từ căn cứ quân sự Andrews, Maryland tới thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Chỉ có 2 phóng viên được đi theo cùng để tác nghiệp và nhiệm vụ của ông Pompeo là đại diện cho phía Washington để bàn bạc về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra trong vài tuần tới, theo CNN.
Tại thời điểm đó, ông Pompeo vẫn chưa biết ai sẽ tiếp đón ông ở Triều Tiên. Nhưng ông cho biết ông sẽ đề xuất Bình Nhưỡng thả 3 công dân Mỹ mà Triều Tiên đang giam giữ dù ông không chắc chắn liệu đề nghị này có thành công hay không.
"Tôi hy vọng Bình Nhưỡng sẽ làm điều đúng đắn. Chúng tôi đã yêu cầu họ thả các công dân Mỹ trong 17 tháng qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập tới vấn đề này. Đây sẽ là một động thái tuyệt vời nếu họ đồng ý làm như vậy", ông nói.
Và sau 13 giờ đồng hồ ngồi trên bàn đàm phán, tân Ngoại trưởng Mỹ đã đạt được một trong những thành tựu ngoại giao quan trọng nhất cho chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi đã thương lượng thành công và đưa 3 công dân quay trở lại Mỹ.
Quyết định bất ngờ về số phận của 3 công dân Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được quan chức cao cấp của Triều Tiên, Kim Yong Chul chào đón ở sân bay (Ảnh: AP)
Trên đường băng sân bay Triều Tiên, ông Pompeo được một số quan chức cấp cao Bình Nhưỡng chào đón, bao gồm Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong.
Sau đó đoàn xe đưa đón ông Pompeo được dẫn qua các con đường rộng rãi của Bình Nhưỡng, và hầu hết các công trình quan trọng tại Triều Tiên như thư viện và trung tâm nghiên cứu với các bức tượng nổi tiếng của 2 nhà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, tượng đài chiến thắng trước khi đưa phái đoàn Mỹ tới khách sạn Koryo.
Sau khi đến khách sạn, ông Pompeo đã nhanh chóng họp với ông Kim Yong Chol, bàn bạc về hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trên bàn tiệc thết đãi quan chức ngoại giao Mỹ, ông Kim Yong Chol đã đề cập tới quan hệ tốt đẹp hơn vào thời điểm hiện tại giữa Mỹ và Triều Tiên.
"Ông đến thăm Triều Tiên vào khoảng thời gian khá thích hợp, trong không khí ấm áp của mùa xuân, và mối quan hệ nồng ấm hơn giữa 2 miền Triều Tiên", ông Kim nói, nhấn mạnh rằng Triều Tiên đang sở hữu "năng lực hạt nhân hoàn hảo".
Ông cho biết Triều Tiên không phát triển vũ khí hạt nhân vì lệnh trừng phạt từ bên ngoài mà đây là do chính sách của chính quốc gia này. "Tôi mong nước Mỹ sẽ vui mừng trước thành công của chúng tôi. Tôi kỳ vọng rằng Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên", quan chức Triều Tiên nhấn mạnh.
Ông Pompeo cũng thừa nhận rằng Mỹ và Triều Tiên đã đối đầu nhau trong vài thập niên qua và hy vọng 2 quốc gia có thể hợp tác giải quyết xung đột và giảm thiểu rủi ro cho toàn thế giới cũng như trao cho Triều Tiên thêm nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa trong tương lai.
Sau cuộc gặp với ông Kim Yong Chol, ông Pompeo được thông báo rằng ông có lịch trình gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào buổi chiều. Hai người đã trao đổi với nhau trong khoảng 90 phút và phóng viên không được phép tham gia. Khi ông Pompeo trở về, 2 nhà báo đã hỏi về số phận của 3 công dân Mỹ Kim Dong Chul, Kim Hak-song và Kim Sang Duk bị Triều Tiên bắt giữ với cáo buộc có hành động thù địch hoặc gián điệp với nhà nước Triều Tiên. Ông Pompeo hồi đáp bằng sự im lặng.
Sau đó, một quan chức Triều Tiên đã tới khách sạn Koryo cho biết họ sẽ phóng thích 3 công dân trên. Thông báo có hiệu lực ngay lập tức. "Điều đó thật tuyệt", ông Pompeo hồi đáp.
"Ông hãy đảm bảo rằng họ sẽ không mắc phải lỗi tương tự lần nữa. Đó là một quyết định rất khó khăn", quan chức Triều Tiên cảnh báo. Sau khi hoàn tất một số thủ tục phóng thich, 3 công dân được đưa lên xe. Khoảng 40 phút sau khi họ đã tới sân bay Bình Nhưỡng và cùng lên máy bay với ông Pompeo rời khỏi Triều Tiên.
90 phút đàm phán
Ngoại trưởng Mike Pompeo và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Vào 8h42 ngày 8/5 theo giờ địa phương, máy bay của ông Pompeo cất cánh từ Bình Nhưỡng bay tới sân bay của Mỹ tại căn cứ quân sự Yokota, Nhật Bản. Ông Pompeo lúc này mới phát ngôn trước báo giới: "Đó là một ngày rất dài. Tuy quá trình đàm phán không có trục trặc, nhưng chúng tôi và phía Triều Tiên đã làm việc liên tục 13h đồng hồ. Nhưng điều đó xứng đáng với nỗ lực và công sức của chúng tôi. Tôi nghĩ kết quả thực sự hiệu quả".
Ông Pompeo cũng nói rằng 3 công dân Mỹ dường như vẫn mạnh khỏe bình thường và phía Mỹ sẽ tiến hành kiểm tra tổng thể để xác nhận lại trình trạng sức khỏe của 3 người.
Ngoại trưởng Mỹ cũng hé lộ về khoảng thời gian 90 phút đồng hồ ông bàn bạc với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương. "Chúng tôi đã có cơ hội để trao đổi về những dự định và kế hoạch trong chương trình nghị sự của hội nghị và những hạng mục dự định sẽ cần sự hỗ trợ từ 2 phía trong những ngày tới. Cả hai bên đều tự tin rằng chúng tôi sẽ chuẩn bị đầy đủ cho sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh", ông Pompeo kể, nhận định rằng phía Triều Tiên dường như cũng đang "tạo điều kiện" thuận lợi cho cuộc gặp sắp tới giữa 2 nhà lãnh đạo. Đây có thể là một phần lý do khiến các công dân Mỹ được thả ra vì Bình Nhưỡng muốn tạo ra "bầu không khí tích cực" trước thềm cuộc họp.
Tại căn cứ Yokota, Nhật Bản, 3 công dân Mỹ đã được đưa sang một máy bay khác để bay về Mỹ. Tổng thống Trump đã đích thân ra đón những công dân này khi họ đặt chân trở lại nước Mỹ.
Các quan chức trên máy bay của ông Pompeo đã mệt lử sau một ngày dài làm việc không ngừng nghỉ. Họ tranh thủ chợp mắt trước khi máy bay của ông cất cánh trở lại căn cứ Andrews. Khi được phóng viên hỏi rằng liệu ông có nhận được sự khen ngợi nào vì nỗ lực đàm phán thả 3 công dân hay không, ông Pompeo hồi đáp: "Vẫn còn nhiều việc phải làm. Tôi mừng là họ đã quay về. Tôi hạnh phúc vì Tổng thống Trump là người đã tạo nên tiền đề cho điều này có thể xảy ra. Nhưng vẫn còn nhiều thứ phải làm trước khi chúng ta đạt được mục tiêu cuối cùng".
Đức Hoàng
Theo Dantri
Tổng thống Trump đích thân đón 3 công dân Mỹ được Triều Tiên phóng thích Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania đã đích thân tới sân bay không quân Andrews để đón 3 công dân Mỹ gốc Hàn vừa được Triều Tiên phóng thích ngày 9/5. Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân lên tận máy bay để đón các công dân được Triều Tiên phóng thích. (Ảnh: Reuters) Reuters cho biết,...