Từ ngày 01/7 trả tự do ngay khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam
Những năm gần đây bắt, tạm giữ, tạm giam là vấn đề thu hút sự chú ý của nhiều cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân. Việc bắt, tạm giữ, tạm giam người không có căn cứ, không có lệnh, quyết định theo quy định của luật đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Từ ngày 01/7 trả tự do ngay khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam
Trong thực tế, đôi lúc, đôi khi việc để quá hạn tạm giữ, tạm giam vẫn còn xảy ra ở một số nơi, do vậy, một số quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bị ảnh hưởng, không được bảo vệ, một số hoạt động tố tụng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam.
Nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, BLHS và BLTTHS năm 2015 đã có các nội dung sửa đổi, bổ sung lớn liên quan đến việc bắt, tạm giữ, tạm giam. Để kịp thời thực hiện các nội dung mới nêu trên, vừa qua, VKSNDTC đã có văn bản số 2307/VKSTC-V8 yêu cầu VKSND và VKSQS các cấp thực hiện ngay một số công việc sau:
Một là, các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp rà soát đầy đủ, chính xác các bị can, bị cáo đang bị tạm giam theo thời hạn quy định của BLTTHS năm 2003 nhưng đến ngày 01/7/2016 không được tạm giam theo thời hạn quy định của BLTTHS năm 2015 hoặc thời hạn tạm giam vượt quá thời hạn theo quy định của BLTTHS năm 2015 để đề nghị Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền (nếu vụ án đang ở giai đoạn điều tra, truy tố) hoặc yêu cầu Chánh án, Phó Chánh án Tòa án có thẩm quyền (nếu vụ án đang ở giai đoạn xét xử) quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Kể từ ngày 01/7/2016, nếu có bị can, bị cáo chưa được hủy bỏ biện pháp tạm giam đang áp dụng hoặc chưa được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác theo hướng dẫn này thì VKSND các cấp phải tổng hợp danh sách, gửi về VKSND tối cao (Vụ 8) và Viện kiểm sát quân sự các cấp phải tổng hợp danh sách, gửi về Viện kiểm sát quân sự Trung ương (Phòng 4) để xem xét, giải quyết.
Hai là, kể từ ngày 01/7/2016, các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra các vụ án hình sự phải kiểm sát chặt chẽ các căn cứ và thời hạn áp dụng biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam theo các quy định mới của BLTTHS năm 2015. Trường hợp xét thấy việc bắt, tạm giữ, tạm giam không có căn cứ hoặc không cần thiết theo quy định của BLTTHS năm 2015; hoặc trong trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để xem xét việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, phê chuẩn lệnh tạm giam theo quy định tại Khoản 5 Điều 119 và Khoản 3 Điều 179 BLTTHS năm 2015 nhưng cơ quan này không bổ sung được chứng cứ, tài liệu làm căn cứ cho việc phê chuẩn thì Viện kiểm sát thực hiện thẩm quyền theo quy định của BLTTHS để ra quyết định hủy bỏ hoặc quyết định không phê chuẩn lệnh, quyết định và yêu cầu Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trả tự do ngay cho người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam. Đối với các lệnh, quyết định bắt, tạm giam của Tòa án thì các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự phải kiểm sát chặt chẽ các căn cứ và thời hạn áp dụng biện pháp này. Trường hợp xét thấy việc bắt, tạm giam không có căn cứ hoặc không cần thiết theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì Viện kiểm sát thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị Tòa án theo quy định của BLTTHS.
Ba là, kể từ ngày 01/7/2016, trong quá trình áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam, các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự phải thường xuyên kiểm sát về thời hạn áp dụng các biện pháp này để kịp thời hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác (nếu vụ án ở giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố) hoặc yêu cầu Tòa án hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác (nếu vụ án ở giai đoạn xét xử) khi hết thời hạn luật định.
Bốn là, đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam phải kiểm sát chặt chẽ số người đang bị tạm giữ, tạm giam gần hết thời hạn và việc thông báo bằng văn bản của cơ sở giam giữ cho cơ quan đang thụ lý vụ án 01 ngày trước khi hết thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ, 05 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, 10 ngày trước khi hết thời hạn gia hạn tạm giam và yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện cơ sở giam giữ không thông báo hoặc thông báo không đúng quy định này thì lập ngay biên bản vi phạm và kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ sở giam giữ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam tăng cường công tác kiểm sát, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử để giải quyết những trường hợp đang bị tạm giữ, tạm giam sắp hết thời hạn giam, giữ trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử đã được cơ sở giam giữ thông báo gần hết thời hạn, nhằm chấm dứt ngay việc quá hạn tạm giữ, tạm giam.
Video đang HOT
Đối với những trường hợp quá hạn tạm giữ, tạm giam do chậm gửi các lệnh, quyết định tạm giữ, tạm giam, đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu xử lý vi phạm.
Kể từ ngày 01/7/2016, khi đã hết thời hạn tạm giữ, tạm giam thì người bị tạm giữ, tạm giam phải được trả tự do ngay, nếu họ không bị giam, giữ về một hành vi vi phạm pháp luật khác. Trường hợp xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Trong trường hợp lệnh, quyết định tạm giữ; lệnh, quyết định tạm giam ghi rõ: “Hết thời hạn tạm giữ, tạm giam này, cơ sở giam giữ có trách nhiệm trả tự do cho người bị tạm giữ, tạm giam nếu họ không bị giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật khác”; thì đến ngày cuối cùng của thời hạn tạm giữ, tạm giam theo quy định của BLTTHS, đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam phải tiến hành kiểm sát, nếu cơ sở giam giữ không trả tự do thì ra văn bản yêu cầu cơ sở giam giữ trả tự do ngay cho người đang bị tạm giữ, tạm giam. Trong văn bản yêu cầu nêu rõ: Cơ sở giam giữ không trả tự do ngay cho người đang bị tạm giữ, tạm giam là vi phạm pháp luật và chịu hoàn toàn trách nhiệm với những hậu quả có thể xảy ra.
Tăng cường công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp tạm giữ, tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật. Nếu phát hiện việc tạm giữ, tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật, đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam phải: Tiến hành lập biên bản vi phạm, đồng thời, báo cáo và tham mưu cho Viện trưởng VKSND cùng cấp quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, tạm giam; gửi báo cáo ngay về VKSND tối cao (Vụ 8) để quản lý, chỉ đạo thống nhất; kháng nghị, kiến nghị cơ quan đang thụ lý vụ án, cơ sở giam giữ (nếu có vi phạm), đồng thời thông báo cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao hoặc Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương xem xét, xử lý đối với cá nhân có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.
Năm là, kể từ ngày 01/7/2016, khi nhận được khiếu nại, tố cáo liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố thì các đơn vị kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo giải quyết ngay trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại, tố cáo. Trường hợp cần phải có thời gian để xác minh thêm thì thời hạn giải quyết không được quá 03 ngày (khoản 1 Điều 474 và khoản 4 Điều 481 BLTTHS năm 2015). Đối với khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, đơn vị kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam phải giải quyết theo thời hạn quy định tại Điều 50 và khoản 2 Điều 60 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo Chương XXXIII BLTTHS năm 2015, Chương IX Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Trong quá trình xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nếu thấy có dấu hiệu tội phạm, phải thông báo, chuyển đơn và tài liệu, chứng cứ liên quan đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao (nếu thuộc thẩm quyền của VKSND); đến Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương (nếu thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát quân sự) để xem xét, giải quyết.
Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời tất cả các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam; quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam trong phạm vi thẩm quyền của mình. Thống kê, tổng hợp đầy đủ số liệu tiếp nhận, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam; quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam để kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Viện trưởng VKSNDTC yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSNDTC, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai, quán triệt trong cơ quan, đơn vị mình để bảo đảm thi hành đúng, đầy đủ các nội dung sửa đổi, bổ sung lớn liên quan đến việc bắt, tạm giữ, tạm giam trong BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015, Nghị quyết số 110/2015/QH13, Nghị quyết số 109/2015/QH13 của Quốc hội về việc thi hành BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Đồng thời, giao Vụ 8 VKSNDTC tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện báo cáo Lãnh đạo VKSNDTC chỉ đạo, hướng dẫn./.
Theo Kiểm Sát
Hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, được trả tự do
VKSND Tối cao vừa ban hành hướng dẫn số 2307 với nhiều nội dung rất tiến bộ liên quan đến việc tạm giữ, tạm giam và yêu cầu toàn ngành kiểm sát áp dụng từ ngày 1-7.
Theo VKSND Tối cao, cơ sở của hướng dẫn số 2307 là BLHS 2015, BLTTHS 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung lớn liên quan đến việc bắt, tạm giữ, tạm giam.
Vi phạm: Sẽ bị xử lý
Cụ thể, VKSND Tối cao yêu cầu VKS các cấp phối hợp với CQĐT, tòa án rà soát các trường hợp đang bị tạm giữ, tạm giam mà đến ngày 1-7 hết hạn, quá hạn tạm giữ, tạm giam theo thời hạn quy định trong BLTTHS 2015. Trên cơ sở đó, VKS các cấp đề nghị người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, tạm giam nếu họ không bị tạm giữ, tạm giam về một hành vi vi phạm pháp luật khác. Cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Đặc biệt, theo VKSND Tối cao, trường hợp xét thấy việc bắt, tạm giữ, tạm giam không có căn cứ hoặc không cần thiết thì trả tự do ngay. Trường hợp VKS yêu cầu CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bổ sung chứng cứ để xem xét khởi tố bị can và tạm giam nhưng không bổ sung được thì cũng trả tự do. Đối với các lệnh, quyết định bắt, tạm giam của tòa án thì các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ và thời hạn áp dụng biện pháp này, nếu không có căn cứ hoặc không cần thiết thì kiến nghị tòa xử lý như trên.
Ngoài ra, VKSND Tối cao yêu cầu các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra án hình sự phải giám sát chặt chẽ căn cứ và thời hạn tạm giữ, tạm giam theo luật mới. Cơ quan kiểm sát tạm giữ, tạm giam phải kiểm sát chặt, phối hợp cơ quan liên quan để giải quyết những trường hợp sắp hết thời hạn trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử nhằm chấm dứt ngay việc quá hạn. Nếu quá hạn do chậm gửi các lệnh, quyết định tạm giữ, tạm giam thì phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu xử lý.
Từ 1-7, các trường hợp hết hạn, quá hạn tạm giữ, tạm giam sẽ được trả tự do hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác. Ảnh minh họa: T.TÙNG
Cũng theo VKSND Tối cao, kể từ ngày 1-7, các lệnh, quyết định tạm giữ, quyết định tạm giam phải ghi rõ: "Hết thời hạn tạm giữ, tạm giam này, cơ sở giam giữ có trách nhiệm trả tự do"... Đến ngày cuối cùng của thời hạn, đơn vị kiểm sát phải kiểm tra, nếu cơ sở giam giữ không trả tự do cho người bị tạm giữ, tạm giam thì ra văn bản yêu cầu. Trong văn bản nêu rõ: "Cơ sở giam giữ không trả tự do là vi phạm pháp luật và chịu hoàn toàn trách nhiệm với những hậu quả có thể xảy ra"...
Ngoài ra, VKSND Tối cao còn yêu cầu VKS các cấp tăng cường kiểm sát nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp tạm giữ, tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật. Nếu có thì phải lập biên bản vi phạm, tham mưu VKS có thẩm quyền ra quyết định trả tự do ngay hoặc kháng nghị, kiến nghị cơ quan đang thụ lý vụ án, cơ sở giam giữ. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam thì các đơn vị kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện ngay trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại, tố cáo (cần xác minh thêm cũng không quá ba ngày). Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm vi phạm việc tạm giữ, tạm giam thì phải chuyển cho CQĐT có thẩm quyền xem xét, giải quyết...
Tiến bộ, kịp thời
TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) đánh giá: "Hướng dẫn trên của VKSND Tối cao khá cụ thể, tiến bộ và rất kịp thời".
Theo TS Hưng, trong thực tiễn, các cơ quan tố tụng vẫn đang để xảy ra tình trạng quá hạn tạm giữ, tạm giam, kéo theo là các hậu quả pháp lý nặng nề đối với người bị tạm giữ, tạm giam. BLHS 2015, BLTTHS 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 đã có các nội dung sửa đổi, bổ sung lớn nhằm bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam. Hướng dẫn của VKSND Tối cao là cụ thể hóa các quy định tiến bộ đó. Đặc biệt, hướng dẫn này ra đời rất kịp thời, tránh được tình trạng quy định tiến bộ mới, có lợi cho người bị tạm giữ, tạm giam của BLHS 2015, BLTTHS 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 dù có hiệu lực (từ ngày 1-7) nhưng vẫn phải nằm chờ vì thiếu hướng dẫn.
"Đây rõ ràng là điểm tích cực trong thực thi pháp luật về tố tụng hình sự theo tinh thần cải cách tư pháp. Tôi hoàn toàn ủng hộ" - luật sư (LS) Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Thuận) nói.
Theo LS Thiện, trong quá trình hành nghề LS, ông đã thấy không ít vụ án chỉ do cán bộ tố tụng lơ là mà dẫn đến quá hạn tạm giữ, tạm giam. Với chỉ đạo của VKSND Tối cao, trước mắt những người đã hết thời hạn giam giữ theo luật mới sẽ được thả ra. Về lâu dài, các cơ quan tố tụng, đặc biệt là VKS sẽ phải chú ý tuân thủ đúng thời hạn tạm giữ, tạm giam.
LS Trần Công Ly Tao (Đoàn LS TP.HCM) đánh giá cao việc VKSND Tối cao yêu cầu xử lý cơ quan, cá nhân vi phạm thời hạn tạm giữ, tạm giam vì "có như vậy thì các quy định tiến bộ với người bị giam giữ mới được thực thi nghiêm túc".
THANH TÙNG
Một số quy định mới về tạm giữ, tạm giam
Theo hướng dẫn số 2307 của VKSND Tối cao, quyết định tạm giữ phải ghi rõ giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ; người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho VKS (khoản 2 và khoản 4 Điều 117 BLTTHS 2015). Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì VKS đã gia hạn tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ (khoản 3 Điều 118 BLTTHS 2015).
Thời hạn tạm giam được rút ngắn so với BLTTHS hiện hành: Đối với tội phạm nghiêm trọng là một tháng, đối với tội phạm rất nghiêm trọng là hai tháng (khoản 2 Điều 173 BLTTHS 2015)... Nếu người bị buộc tội dưới 18 tuổi, thời hạn tạm giam bằng 2/3 thời hạn tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên (Điều 419 BLTTHS 2015). Các cơ quan tố tụng cũng chỉ được áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Khi không còn căn cứ để tạm giữ, tạm giam thì phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác...
Hướng dẫn số 2307 của VKSND Tối cao cũng nhắc lại Điều 377 BLHS 2015 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật) quy định một tình tiết định tội là: Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn.
Theo PLO
Hướng dẫn quy định mới về bắt, tạm giữ, tạm giam Kể từ ngày 01/7/2016, những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn liên quan đến việc bắt, tạm giữ, tạm giam quy định tại Bộ Luật Hình sự năm 2015, Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam có hiệu lực thi hành. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn...