Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương: Mỹ sẵn sàng hành động ở Biển Đông
Tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift, ngày 17/7 tuyên bố rằng các lực lượng Mỹ được trang bị tốt và sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào trên Biển Đông.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift (Ảnh: AP)
Ông Swift, người mới nhậm chức Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương hồi tháng 5, cho biết trong cuộc gặp gỡ một nhóm nhỏ các nhà báo tại Manila, Philippines hôm qua rằng hải quân Mỹ có thể triển khai nhiều hơn 4 tàu chiến ven bờ mà Mỹ đã cam kết đưa tới khu vực, AP đưa tin.
Vị Đô đốc cũng tiết lộ rằng ông “rất quan tâm” tới việc mở rộng các cuộc tập trận tác chiến thường niên mà hải quân Mỹ tổ chức với mỗi nước đồng minh trong khu vực thành một cuộc tập trận đa quốc gia, có thể bao gồm Nhật Bản.
Khi được hỏi rằng có bao nhiêu nguồn lực mà quân đội sẵn sàng dành cho Biển Đông, ông Swift nói rằng ông hiểu lo ngại của các đồng minh.
“Lý do mọi người tiếp tục hỏi về cam kết lâu dài và các kế hoạch của Hạm đội Thái Bình Dương thực sự phản ánh tình trạng bất ổn hiện thời trong khu vực”, AP dẫn lời ông Swift. “Nếu chúng tôi có toàn bộ hải quân Mỹ trong khu vực, tôi nghĩ rằng mọi người sẽ vẫn hỏi “Liệu các bạn có thể đưa bổ sung không?”.
Các tranh chấp lãnh thổ liên quan tới Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunie đã diễn ra trong nhiều năm, gây ra những lo ngại rằng Biển Đông có thể chứng kiến một cuộc xung đột vũ trang nghiêm trọng tiếp theo của châu Á. Căng thẳng đã tăng cao kể từ khi Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên ít nhất 7 bãi cạn tại quần đảo Trường Sa.
Trước những lo ngại này, Đô đốc Swift cho hay ông “rất hài lòng với các nguồn lực mà tôi có trên cương vị Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương”.
Video đang HOT
“Chúng tôi sẵn sàng và đã có sự chuẩn bị để đáp trả bất kỳ tình huống bất ngờ nào mà Tổng thống có thể cho là cần thiết”, Đôc đốc Swift nói.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh Washington không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông nhưng sẽ tiếp tục các hoạt động để đảm bảo tự do hàng hải trong các vùng biển tranh chấp và các nơi khác. “Mỹ đã nói rõ rằng không ủng hộ việc sử dụng vũ lực hoặc hăm dọa”, ông nói.
Ông Swift đã lấy ví dụ về sự trợ giúp lớn của quân đội Mỹ đối với Philippines sau siêu bão Haiyan vào năm 2013 là bằng chứng về cam kết của Mỹ nhằm trợ giúp một đồng minh gặp khó khăn.
Sẽ điều thêm tàu chiến tới Biển Đông
Quân đội Mỹ đã đồn trú tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth tại Singapore. Đây là một trong số 4 tàu tác chiến công nghệ cao mà giới chức Mỹ cam kết triển khai để đề phòng về Biển Đông và các khu vực khác.
Đô đốc Mỹ cho biết các tàu USS Fort Worth khác có thể được triển khai tới khu vực trong tương lai vì hải quân Mỹ có kế hoạch mua thêm 52 chiếc khác để sử dụng khắp thế giới.
Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đặt trụ sở tại Trân Châu Cảng ở Hawaii, được xem là lớn nhất thế giới với khoảng 200 tàu nổi và tàu ngầm, gần 1.100 máy bay và hơn 14.000 thủy thủ và nhân viên dân sự. Nhưng hạm đội này cũng hoạt động tại một khu vực rộng lớn vốn chiến gần nửa bề mặt trái đất và là nơi chiếm hơn nửa dân số thế giới.
Ông Swift đã khen ngợi các nỗ lực của Philippines nhằm tiến hành các cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản.
Nhật Bản đã tổ chức cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn hải quân Philippines lần đầu tiên trên một máy bay trinh sát P-3C Orion của lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở Biển Đông hồi tháng trước.
“Cơ chế đa phương luôn giúp gia tăng sự ổn định”, ông Swift nói.
Trung Quốc đã lên án các cuộc diễn tập quân sự như vậy, mặc dù giới chức quân đội Nhật cho hay các cuộc tập trận không diễn ra tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Chưa rõ Trung Quốc có ý định gì với các đảo nhân tạo nhưng Đô đốc Swift khẳng định những khu vực này vẫn là tranh chấp và nói thêm rằng các đảo nhân tạo sẽ không cản trở các hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực tranh chấp.
“Từ góc độ quân sự, tôi không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào đối với các hoạt động mà Hạm đội Thái Bình Dương thực hiện”, ông Swift khẳng định.
An Bình
Theo dantri
Bước đi nhỏ trong chiến lược lớn
Nhật Bản hiện đang ngỏ ý muốn trở thành một thành viên trong tập đoàn sản xuất tên lửa SeaSparrow (Chim sẻ biển) gồm 12 quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tên lửa Sea Sparraw.(Ảnh: AFP)
Động thái này được giới quan sát đánh giá là bước đi đầu tiên trong chiến lược tham gia các dự án quốc phòng đa quốc gia của Nhật Bản, đồng thời tỏ rõ quyết tâm của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm thay đổi chính sách an ninh quốc gia.
Theo chính sách mới, Nhật Bản sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu vũ khí sang các quốc gia chịu lệnh cấm vận của Liên hợp quốc (như Iran, Triều Tiên) hoặc đang vướng vào các cuộc xung đột. Tuy nhiên, Tokyo vẫn được phép xuất khẩu trong các trường hợp nhằm đóng góp cho hòa bình thế giới và phục vụ lợi ích an ninh của Nhật Bản.
SeaSparrow là loại vũ khí hiện đại, được các công ty Raytheon và General Dynamics của Mỹ thiết kế nhằm phá hủy các tên lửa chống hạm và tấn công máy bay. Việc Nhật Bản gia nhập tập đoàn sản xuất SeaSparrow của NATO sẽ khiến chi phí của dự án gia tăng nhưng Washington lại coi đây là một tín hiệu tốt, bởi lẽ Tokyo là đối tác công nghiệp quân sự hàng đầu của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh khu vực đang tồn tại nhiều thách thức an ninh tiềm tàng.
Rõ ràng, những hợp đồng như sản xuất tên lửa SeaSparrow có ý nghĩa quan trọng về thương mại và công nghệ đối với chính quyền Thủ tướng Abe. Nhật Bản vốn là một trong những nước có ngành công nghiệp quân sự tiên tiến, nhưng các công ty như Mitsubishi trong thời gian dài chỉ sản xuất vũ khí, trong đó có tên lửa SeaSparrow, cho quân đội nước này vì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí.
Tuy nhiên, động thái này còn được hiểu như một phần của chiến lược chính trị - đối ngoại lớn hơn mà Nhật Bản đang tiến hành nhằm tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia có cùng chí hướng và lợi ích. Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định, "bằng cách cung cấp các hợp phần của tên lửa, mối quan hệ giữa Tokyo và Washington sẽ tiếp tục được cải thiện". Trước đó, đề xuất cung cấp tàu ngầm trị giá 20 tỷ USD giữa Nhật Bản và Australia hồi cuối năm 2014 cũng bắt nguồn từ tư duy này.
Mặt khác, quan hệ đối tác giữa NATO và Tokyo, vốn hiếm thấy ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sẽ tạo ra một mạng lưới an ninh vươn ra bên ngoài khuôn khổ chính thức của liên minh - chủ yếu liên quan đến Mỹ và các đồng minh khu vực khác của họ. Một quan chức Hải quân Mỹ trả lời Reuters rằng: "Chúng tôi hoan nghênh hoạt động hợp tác về an ninh của Nhật Bản trong khu vực".
Dù thương vụ tham gia sản xuất tên lửa SeaSparrow hứa hẹn sẽ giúp cho ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản trở nên cạnh tranh, tiết kiệm và hiệu quả hơn, Tokyo có thể sẽ mất đi quyền kiểm soát quy trình sản xuất loại tên lửa này. Việc vận chuyển các hợp phần của tên lửa từ các nước khác có thể dễ dàng bị gián đoạn hơn so với việc Nhật Bản tự chế tạo, nhất là khi hai nước xảy ra bất đồng. Ngoài ra, giới phân tích cho rằng, Nhật Bản cần phải xây dựng một hệ thống cơ sở pháp lý cũng như kỹ thuật mới để tham gia hiệu quả vào thị trường vũ khí của NATO - vốn được đánh giá là vô cùng cạnh tranh.
Theo Hàn Giang
Thế giới và Việt Nam
Tàu chiến Mỹ lần đầu phối hợp tuần tra trên Biển Đông Hải quân Mỹ thông báo hai tàu chiến USS Fort Worth và USS Lassen đã hoàn thành đợt phối hợp tuần tra đầu tiên trên Biển Đông, thể hiện cam kết của lực lượng này với khu vực. Tàu USS Fort Worth trên Biển Đông hôm 9/7. Ảnh: US Navy. Tàu tác chiến ven biển USS Fort Worth phối hợp với tàu khu...