Tự kiểm tra cân nặng mỗi sáng giúp tránh tăng cân trong kỳ nghỉ lễ
Nghiên cứu khoa học chỉ ra thói quen tự kiểm tra cân nặng mỗi sáng giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện ngay, tránh tăng cân.
Kiểm tra cân nặng hằng ngày có tác dụng ngăn ngừa tăng cân. (Nguồn: Freepik)
Kết quả thử nghiệm được công bố trên tập san học thuật Obesity chỉ ra, bạn chỉ mất một phút mỗi ngày để tránh tăng cân trong kỳ nghỉ lễ. Đó là nhờ thói quen kiểm tra cân nặng mỗi sáng.
Các nhà khoa học tại Đại học Georgia, Mỹ tiến hành thử nghiệm trên 111 người trong độ tuổi 18-65. Họ được chia thành 2 nhóm.
Một nhóm tự cân mỗi ngày trong 14 ngày, bắt đầu trước kỳ nghỉ lễ và kết thúc sau đó. Một nhóm không kiểm tra cân nặng. Các thói quen sinh hoạt được giữ nguyên, họ không được hướng dẫn thêm bất kỳ cách nào để tránh tăng cân.
Kết quả, tất cả những người trong nhóm tự cân đã tránh được việc tăng cân thành công trong kỳ nghỉ, một số thậm chí còn giảm được vài cân. Những người trong nhóm còn lại có xu hướng tăng cân.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Jame Cooper, Phó Giáo sư khoa Thực phẩm và dinh dưỡng, Đại học Georgia giải thích, khi tự kiểm tra cân nặng hằng ngày, nếu thấy cân nặng tăng lên, người tham gia thử nghiệm có xu hướng bớt ăn một chút, tập thể dục nhiều hơn một chút.
Đồng tác giả nghiên cứu, Phó Giáo sư khoa Tâm lý học, Đại học Georgia, Michelle van Dellen cho biết thêm, hiệu ứng tâm lý khi phải đối mặt với những con số cụ thể về thay đổi ở cơ thể khiến mọi người có xu hướng thay đổi hành vi.
Việc tự kiểm tra cân nặng hằng ngày giúp bạn điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện ngay lập tức. Chiến lược này có hiệu quả vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, đặc biệt hiệu quả hơn vào những kỳ nghỉ dài – thời điểm mọi người thường tụ tập gia đình, bạn bè, có những buổi liên hoan, thường ăn uống quá mức.
Theo các tác giả nghiên cứu, cân mỗi ngày vào buổi sáng sớm ngay khi vừa thức dậy, sau khi đi vệ sinh và trước khi uống nước là thời điểm lý tưởng nhất. Nếu có thể, nên mặc cùng một loại trang phục khi cân mỗi ngày để xác định chính xác nhất sự thay đổi.
Chế độ ăn cho người nhiễm HIV
Ở người nhiễm HIV, dinh dưỡng tốt sẽ hỗ trợ sức khỏe tổng thể và giúp duy trì hệ thống miễn dịch.
Dinh dưỡng tốt cũng giúp người nhiễm HIV giữ cân nặng khỏe mạnh và hấp thụ thuốc điều trị HIV.
I. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh HIV
Dinh dưỡng rất quan trọng đối với mọi người vì thực phẩm cung cấp cho cơ thể chúng ta những chất dinh dưỡng cần thiết để khỏe mạnh, phát triển và hoạt động bình thường.
Với người bệnh HIV, chế độ ăn uống đúng cách sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, kiểm soát cân nặng, bảo vệ cơ và xương, đồng thời tăng cường năng lượng và sức khỏe tổng thể.
Khi nhiễm HIV, hệ thống miễn dịch phải làm việc rất vất vả để chống lại nhiễm trùng. Để hệ miễn dịch hoạt động thì cần năng lượng (được đo bằng calo), có nghĩa là người bệnh HIV cần ăn nhiều thức ăn hơn trước đây. Một chế độ ăn uống lành mạnh cũng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và giữ cho người nhiễm HIV khỏe mạnh.
Người nhiễm HIV đôi khi phải đối mặt với các vấn đề ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng như:
Những thay đổi trong quá trình trao đổi chất của cơ thể khi nhiễm HIV.
Video đang HOT
Tác dụng phụ của thuốc điều trị HIV gây khó chịu cho dạ dày, chán ăn, buồn nôn hoặc tiêu chảy.
Nhiễm trùng cơ hội có thể gây ra vấn đề khi ăn và nuốt.
Thực phẩm có thể ảnh hưởng đến việc điều trị HIV (như thịt và cá sống).
Bất kỳ vấn đề nào trong số này đều ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết của cơ thể để duy trì sức khỏe tốt.
Chế độ ăn lành mạnh rất quan trọng đối với người bệnh HIV. Ảnh minh họa.
Nếu người bệnh HIV thiếu cân hoặc khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, lượng virus cao hoặc nhiễm trùng cơ hội, người bệnh nên bổ sung nhiều protein hơn cũng như bổ sung thêm calo (dưới dạng carbohydrate và chất béo) trong chế độ ăn uống của mình.
Cùng với việc tuân thủ điều trị theo phác đồ, duy trì thói quen sống lành mạnh, vận động thể chất thường xuyên, việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh sẽ mang lại một số lợi ích cho người bệnh HIV:
Cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng mà cơ thể cần để chống lại HIV và các bệnh nhiễm trùng khác.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Quản lý các triệu chứng và biến chứng của HIV.
Cải thiện sự hấp thụ thuốc và giúp quản lý các tác dụng phụ tiềm ẩn.
II. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh HIV
Đối với những người nhiễm HIV, chế độ ăn uống lành mạnh giúp tăng miễn dịch, giảm nguy cơ phát triển bệnh tim, ung thư và các tình trạng khác, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống. Mặt khác, nhiều bệnh nhân HIV bị suy nhược và cần tăng lượng calo nạp vào để cải thiện sức khỏe nói chung. Lượng calo tiêu thụ này phải là một chế độ ăn uống cân bằng, tuân theo tỷ lệ tương tự như khuyến nghị dành cho bệnh nhân không nhiễm HIV.
Ăn nhiều loại thực phẩm từ các nhóm thực phẩm: trái cây, rau, ngũ cốc, thực phẩm giàu protein và sữa.
Ăn đúng lượng thực phẩm để duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Chọn thực phẩm ít chất béo bão hòa, natri (muối) và đường bổ sung.
1. Người bệnh HIV nên ăn nhiều trái cây và rau quả
Trái cây và rau quả có thể kiểm soát tình trạng viêm ở người bệnh HIV. Ảnh minh họa.
Việc ăn rau củ quả và trái cây, dù tươi hay đông lạnh, là một trong những điều tốt nhất mà người nhiễm HIV có thể làm. Người bệnh HIV nên tiêu thụ nhiều loại thực phẩm "cầu vồng", tức là nhiều màu sắc khác nhau, bao gồm cả trái cây tươi; rau lá xanh đậm (cải xoăn, rau bina, bông cải xanh); sản phẩm màu đỏ, cam và vàng (cà chua, ớt vàng, cà rốt); và các loại đậu, đậu Hà Lan, các loại rau củ có tinh bột như khoai tây, khoai lang, bí đỏ, ngô,...
Hãy nhớ rửa trái cây và rau quả trước khi ăn sống hoặc nấu để loại bỏ vi khuẩn có hại hoặc vi trùng khác. Đảm bảo an toàn thực phẩm đặc biệt quan trọng đối với những người nhiễm HIV, những người có thể có hệ thống miễn dịch suy yếu khiến họ dễ mắc các bệnh do thực phẩm hơn.
2. Protein giúp người bệnh HIV duy trì khối lượng cơ bắp
Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Hoa Kỳ khuyến nghị người nhiễm HIV nên bổ sung thực phẩm giàu protein trong tất cả các bữa ăn, chẳng hạn như thịt bò nạc, thịt gà hữu cơ, gà tây, cá có dầu, trứng, thực phẩm từ sữa không béo và ít béo, hoặc từ các loại hạt, bơ, đậu, đậu nành và quả hạch.
Protein rất quan trọng để duy trì khối lượng cơ bắp vì những người nhiễm HIV dễ bị ảnh hưởng lâu dài do tình trạng viêm trên mô cơ. Cung cấp đủ protein giúp người bệnh HIV tăng cường năng lượng và hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Hoa Kỳ khuyên nên tiêu thụ từ 1-1,4g protein nạc cho mỗi kg cân nặng hàng ngày. Nên kết hợp giữa nguồn protein thực vật thực vật và động vật tùy thuộc vào sở thích của cá nhân và khả năng tiếp cận thực phẩm.
Để ngăn ngừa bệnh tật do thực phẩm, Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Hoa Kỳ khuyến cáo những người nhiễm HIV tránh ăn thịt, cá và trứng sống hoặc chưa nấu chín; chỉ tiêu thụ các sản phẩm sữa tiệt trùng; và sử dụng dao, thớt riêng cho thịt sống và đồ ăn chín.
3. Bổ sung chất xơ để tăng cường hấp thụ chất dinh dưỡng
Các loại đậu, hạt cung cấp chất dinh dưỡng và chất xơ cần thiết cho người bệnh HIV. Ảnh minh họa.
Người bệnh HIV ăn các loại rau củ, trái cây, đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ giúp cải thiện mức cholesterol, cân bằng lượng đường trong máu và giữ cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả cao nhất. Với nguy cơ hấp thụ chất dinh dưỡng kém do viêm liên quan đến HIV, một bữa ăn dễ chuẩn bị, chẳng hạn như bữa ăn bao gồm gạo lứt và đậu, có thể cung cấp đủ protein, chất xơ và các chất dinh dưỡng khác với chi phí tương đối thấp.
4. Các vitamin và khoáng chất giúp củng cố hệ thống miễn dịch
Thực đơn tập trung vào thực vật, protein và chất xơ phải đáp ứng hầu hết các nhu cầu về vitamin, khoáng chất, chất béo và carbohydrate.
Những người theo chế độ ăn đặc biệt dành cho người nhiễm HIV cũng nên tập trung vào các chất dinh dưỡng cụ thể để chống lại một số tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc kháng virus, chẳng hạn như khử khoáng xương (xương bị suy yếu) và tăng mức cholesterol và chất béo trung tính.
Vitamin D được cơ thể tạo ra khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc có trong cá béo, nước cam và các sản phẩm từ sữa giúp xương chắc khỏe.
Sắt có trong thịt đỏ có thể giúp cơ thể tạo ra huyết sắc tố, thành phần máu giúp vận chuyển oxy. Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), các loại rau lá xanh, hải sản, ngũ cốc nguyên hạt, trứng, gan, socola cũng giúp tăng cường hàm lượng chất sắt.
5. Người bệnh HIV nên uống đủ nước để chống đau cơ và mệt mỏi
Nước tăng cường quá trình trao đổi chất, di chuyển thuốc qua cơ thể, cải thiện tiêu hóa và đào thải, đồng thời giữ cho tế bào khỏe mạnh. Nước cũng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và làm ẩm không khí để thở. Do vậy, việc tiêu thụ đủ chất lỏng sẽ giúp giảm đau cơ và mệt mỏi thường xảy ra với bệnh nhân HIV.
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo:
Trung bình mỗi ngày một người bình thường cần tiêu thụ 2-3 lít nước, tương đương với 8-13 cốc.
III. Lưu ý về an toàn thực phẩm cho người bệnh HIV
Để tránh các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng, người nhiễm HIV cũng phải chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm. Người bệnh HIV cần đặc biệt tuân thủ các hướng dẫn về an toàn thực phẩm giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh do thực phẩm.
Tại sao an toàn thực phẩm lại quan trọng đối với người nhiễm HIV? Vì HIV làm tổn hại hệ thống miễn dịch nên các bệnh do thực phẩm có thể nghiêm trọng hơn và kéo dài hơn ở người nhiễm HIV so với những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Chế biến thức ăn cho người bệnh HIV cần chú ý đặc biệt tới an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa.
Người nhiễm HIV nên thực hiện theo những bước sau đây để ngăn ngừa các bệnh do thực phẩm:
- Không ăn hoặc uống những thực phẩm sau:
Trứng sống hoặc thực phẩm có chứa trứng sống, ví dụ như bột bánh quy tự làm.
Thịt gia cầm, thịt và hải sản sống hoặc nấu chưa chín.
Sữa hoặc các sản phẩm từ sữa và nước ép trái cây chưa tiệt trùng.
- Thực hiện theo 4 bước cơ bản để đảm bảo an toàn thực phẩm:
Sạch sẽ: Rửa tay, các dụng cụ nấu ăn và mặt bàn thường xuyên khi chuẩn bị thức ăn.
Tách riêng: Tách riêng các loại thực phẩm để ngăn chặn sự lây lan của bất kỳ vi khuẩn nào từ thực phẩm này sang thực phẩm khác. Ví dụ, để riêng thịt sống, thịt gia cầm, hải sản và trứng với thực phẩm ăn liền, bao gồm trái cây, rau và bánh mì.
Nấu ăn: Đảm bảo nấu chín thực phẩm ở nhiệt độ cần thiết, nên sử dụng nhiệt kế thực phẩm để đảm bảo thực phẩm được nấu ở nhiệt độ an toàn.
Làm lạnh: Làm lạnh hoặc đông lạnh thịt, gia cầm, trứng, hải sản hoặc các thực phẩm khác có khả năng bị hỏng trong vòng 2 giờ sau khi nấu hoặc mua.
Đối với người nhiễm HIV, việc cai thuốc lá là rất quan trọng để có được sức khỏe tối ưu. Liệu pháp thay thế không nicotine mới hơn nên được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân HIV.
Nước cam và sữa: thức uống nào tốt hơn vào buổi sáng? Nước cam và sữa đều là những thức uống phổ biến vào bữa sáng, cả hai đều có những ưu và nhược điểm riêng. Vậy, lựa chọn nào mới là tối ưu nhất để bạn bắt đầu ngày mới? Nước cam và sữa: thức uống nào tốt hơn vào buổi sáng? Nước cam Nước cam là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa...