Từ ‘I Care a Lot’ tới cuộc đời Britney Spears: Một cú tát đau
Từ phim tài liệu “ Framing Britney Spears” tới tác phẩm hư cấu giật gân “ I Care a Lot”, quan hệ giám hộ hợp pháp tại Mỹ hiện lên trên màn ảnh với nhiều tiêu cực.
Theo Hiệp hội giám hộ quốc gia Mỹ (NGA), quan hệ giám hộ được định nghĩa là: “Quy trình hợp pháp, được áp dụng khi một người không còn khả năng đưa ra, hoặc truyền đạt an toàn và chính xác những quyết định về bản thân/tài sản của bản thân hay trở nên dễ bị lừa đảo/ảnh hưởng quá mức.
Bởi việc áp dụng quyền giám hộ hợp pháp có thể tước bỏ của cá nhân những quyền nhân thân nhất định, nó chỉ được xem xét sau khi các phương pháp thay thế không phát huy hiệu quả hoặc bất khả thi”.
Câu chuyện kiện cáo xoay quanh quyền giám hộ được chỉ định của Britney Spears hé lộ một phần mặt trái của quan hệ này. Ảnh: NYT .
Mục đích của việc giám hộ là đảm bảo những người mất/không có năng lực tự chăm sóc bản thân nhận được sự hỗ trợ phù hợp và kịp thời. Tuy nhiên, người được giám hộ cũng dễ trở thành miếng mồi ngon cho hành vi chiếm đoạt tài sản.
Kẻ cướp ngày được luật pháp bảo vệ trên phim ảnh
Trong bộ phim hài, giật gân I Care a Lot của đạo diễn J Blakeson, Rosamund Pike vào vai Marla Grayson, một phụ nữ sống bằng nghề giám hộ hợp pháp. Công việc hàng ngày của cô là đảm bảo những ông già bà cả nằm dưới sự trông nom của mình được sống hạnh phúc những ngày tháng cuối đời.
Sự thực, Grayson là kẻ lừa đảo thành thần. Với tư cách người giám hộ hợp pháp, ả cấu kết với bác sĩ lão khoa, lừa đưa những người già neo đơn, với khối tài sản dưỡng già kếch xù, vào viện dưỡng lão (nơi ả nắm sở hữu tỷ lệ không nhỏ cổ phần).
Vai Marla Grayson của Rosamund Pike là kẻ lừa đảo núp bóng người giám hộ hợp pháp. Ảnh: Netflix .
Tại đây, các ông bà bị ép sử dụng quá liều thuốc chữa tâm thần phân liệt, cũng như ngắt toàn bộ liên lạc với người thân bên ngoài. Nhờ vậy, Grayson được rảnh tay xử lý khối tài sản của họ. Ả bán nhà, rút tiền tiết kiệm của nạn nhân khỏi các ngân hàng. Khối lợi nhuận ấy sẽ âm thầm và hợp pháp, chảy vào túi ả.
Trong 20 phút đầu I Care a Lot , khán giả đã được chiêm ngưỡng một bức chân dung – có thể chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, nhưng cũng có thể là bộ mặt thật – của một người giám hộ được tòa án chỉ định. Tham lam, xảo quyệt, trơ trẽn… chừng ấy tính từ vẫn là chưa đủ để mô tả Marla Grayson.
Quyền giám hộ hợp pháp hay cách làm lợi trên người yếu thế?
Tháng 5/2016, tạp chí Forbes đăng bài viết Guardianship in the U.S: Protection or Exploitation? ( Giám hộ hợp pháp tại Mỹ: Sự bảo vệ hay lợi dụng? ) của Next Avenue. Đây là bài đầu tiên trong chuỗi ba tác phẩm báo chí đi sâu tìm hiểu, phân tích và chỉ ra những mặt trái của quan hệ giám hộ hợp pháp tại xứ cờ hoa.
Bài báo bắt đầu bằng câu chuyện của bà Ginger Franklin. Năm 2008, bà Franklin bị thương nặng, ngỡ không qua khỏi và được tòa chỉ định người giám hộ hợp pháp. Người giám hộ đưa bà vào viện điều dưỡng dành cho bệnh nhân tâm thần nặng. Rồi bà Franklin may mắn hồi phục hoàn toàn.
Xuất viện, bà trở thành người không nhà cửa, không tài sản. Bất động sản của bà Franklin đã bị người giám hộ rao bán, trên danh nghĩa để chi trả các chi phí sinh hoạt cho bà. Ở tuổi đáng lý đã được nghỉ ngơi, bà Franklin phải làm việc vất vả để kiếm sống qua ngày và trú thân trong một chốn tồi tàn.
Quan hệ giám hộ đôi khi hủy hoại cuộc đời người được giám hộ thay vì giúp đỡ họ. Ảnh: Netflix .
Theo Arizona Republic , một cụ bà người Mỹ tên Marie Long về hưu với số tiền tích góp lên tới 1,3 triệu USD bị đột quỵ năm 2005 và được chỉ định người giám hộ. Tới năm 2009, bà phá sản. Số tiền tích góp của bà, cùng toàn bộ bất động sản đã bốc hơi dưới bàn tay của người giám hộ hợp pháp.
Video đang HOT
Bà Franklin hay Long chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp trắng tay ở tuổi xế chiều vì người giám hộ hợp pháp. Tình trạng cho thấy mặt trái của quan hệ này là người cao tuổi bị tước mất quyền tự do đưa ra các quyết định về bản thân hay tài sản. Quyền này sẽ rơi vào tay người giám hộ.
Hồi 2013, một phụ nữ Mỹ tên Patience Bristol từng bị kết án tù giam sau hành vi lợi dụng người gặp hoàn cảnh khó khăn. Bristol đã bòn rút tiền từ tài khoản ngân hàng của bốn người được mình giám hộ để trả nợ cờ bạc cũng như tiêu xài cá nhân. Theo Las Vegas Review Journal , Bristol đã lấy cắp 495.000 USD từ tài khoản của một trong bốn nạn nhân của mình.
Patience Bristol chính là phiên bản đời thực của Marla Crayson của I Care a Lot . Cuộc sống thoải mái, hạnh phúc của Grayson cùng bạn gái trên phim tỷ lệ thuận với số ông già, bà lão đã bị họ lập mưu đẩy vào trại dưỡng lão. Thứ Marla Grayson cướp đi của họ không chỉ là khối tài sản kếch xù. Đó còn là quyền được sống, được làm chủ cuộc đời mình.
Báo cáo năm 2010 của văn phòng kiểm toán chính phủ Mỹ (GAO) ghi nhận hàng trăm đơn tố cáo các hành vi bạo hành, bỏ mặc và chiếm đoạt tài sản gây ra bởi người giám hộ trên 45 bang của nước Mỹ cũng như thủ đô Washington trong giai đoạn từ 1990 tới 2010. Khối tài sản mà người giám hộ ăn cắp từ các khách hàng trong giai đoạn này vào khoảng 5,4 triệu USD.
Hành trình nhọc nhằn để tìm lại tự do
Từ năm 2008, Britney Spears đã sống dưới sự giám hộ của cha là ông Jamie Spears. Cha nữ ca sĩ có quyền kiểm soát toàn bộ tài sản, công việc cũng như sinh hoạt đời thường của cô.
“Chi tiêu vụn vặt nhất của Britney, như mua cốc cà phê hay trả phí nghe bài hát trên trang trực tuyến, đều được ghi chép tỉ mỉ trong các tài liệu trình trước tòa. Đây là một phần trong kế hoạch bảo vệ khối tài sản khổng lồ nữ ca sĩ kiếm được nhưng không có quyền sở hữu tối cao”, nội dung một bài báo được đăng trên tạp chí Times viết.
Sau bao năm, thế giới nợ Britney Spears một lời xin lỗi khi gián tiếp dồn cô vào tình thế phải nhận cha làm người giám hộ hợp pháp. Ảnh: Getty Images .
Trong Framing Britney Spears , Adam Streisand, một luật sư tại Los Angeles chuyên về thỏa thuận giám hộ, đã kể lại cuộc gặp gỡ Britney Spears ngay sau khi nữ ca sĩ đi khám tâm thần không tự nguyện năm 2008.
Trong cuộc gặp, Spears chấp nhận sự giám hộ với một điều kiện: người giám hộ không phải cha mình. Tuy nhiên, tình trạng tinh thần bất ổn của nữ ca sĩ khi ấy, cùng với việc truyền thông đương thời bôi vẽ chân dung cô với đủ thứ thói hư tật xấu, đã khiến nguyện vọng của Britney Spears bị bỏ qua.
Britney Spears từng đệ đơn yêu cầu gạch tên cha mình khỏi vị trí người giám hộ hợp pháp của con gái. Cuộc chiến pháp lý dài lâu, tiêu tốn nhiều tiền của đã góp phần khiến khối tài sản của cô vơi đi nhanh chóng trong những năm vừa qua. Đáng tiếc, nó lại không dẫn nàng công chúa nhạc pop tới một kết cục có hậu.
Tòa án đã bác bỏ đề nghị của Britney Spears, đồng nghĩa cô vẫn phải sống dưới vòng kìm kẹp của cha. Tuy nhiên, nỗ lực vẫn mang lại thắng lợi, khi vai trò người giám hộ khối tài sản của cô lúc này đã được chia đều giữa ông Jamie Spears và công ty Bessemer Trust.
Quay lại câu chuyện của bà Ginger Franklin. Với số tiền còn lại, bà vừa chắt bóp để trả tiền thuê nhà lẫn mời luật sư. Ginger Franklin quyết tâm khởi kiện đòi quyền tự do. Vụ kiện nhận được sự quan tâm sát sao của giới truyền thông.
Năm 2010, tòa xử Franklin thắng kiện. Bà được giải phóng khỏi ràng buộc pháp lý với người giám hộ, và bắt đầu một giai đoạn tự do mới trong cuộc đời. Bước đi tiếp theo của Franklin là ổn định cuộc sống, và đệ đơn kiện người giám hộ cũ của mình.
Về căn bản, việc giám hộ ra đời với mục đích tốt. Nhưng khi áp dụng trong hoàn cảnh thực tế khác nhau lại phát sinh không ít vấn đề. Trong một số trường hợp, nó biến quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa người giám hộ và người được giám hộ trở thành sự ép buộc, cưỡng chế, thậm chí chiếm đoạn tài sản.
Vấn đề tiêu cực đã tồn tại trong nhiều năm, và không dễ dàng giải quyết trong một sớm một chiều. Sự can thiệp hời hợt, chậm trễ của cơ quan chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi của người được giám hộ, tạo kẽ hở cho kẻ ác tâm lộng hành, đã trở thành chất liệu sáng tác cho điện ảnh và truyền hình.
Rosamund Pike - từ lời từ chối cởi đồ đến 'đóa hồng gai' nước Anh
Sau thành công với bộ phim "Gone Girl" hồi 2014, Rosamund Pike có màn tái xuất ấn tượng qua hình ảnh nhân vật chính máu lạnh trong "I Care a Lot".
"Con quỷ cái" có lẽ là cụm từ Rosamund Pike hiểu rõ hơn ai hết. Trong vòng bảy năm, nữ diễn viên người Anh không chỉ một lần để lại ấn tượng khó phai về sự khó lường của lòng dạ phụ nữ trên màn ảnh. Cô tỏa sáng với Gone Girl (2014), và mới đây là câu chuyện xoay quanh nữ giám hộ "hổ mang" trong I Care a Lot (2021).
Từ một nữ diễn viên chủ yếu nổi tiếng bởi những mối tình không trọn vẹn cho tới lúc trở thành thế lực tại Hollywood khi bước sang tuổi tứ tuần, Rosamund Pike ghi dấu ấn mạnh mẽ qua các vai diễn gai góc, trưởng thành.
Hào quang mà cô xây dựng, từ Gone Girl , Hostiles và nay là I Care a Lot , đến từ sức mạnh của người phụ nữ khi họ được tự do để trở nên hoang dại, xấu xa, tàn nhẫn, tham lam, sống với trọn vẹn khiếm khuyết và sẵn sàng trả giá.
Tái hiện được tất cả thái cực khó chịu ấy đòi hỏi một nỗ lực rất lớn từ Pike, ngôi sao người Anh với xuất phát điểm là một "Bond girl" cùng vài phim tình cảm nội địa.
"Bond girl" từ chối yêu cầu cởi đồ khi thử vai
Lần đầu chạm ngõ màn ảnh rộng, Rosamund Pike lập tức có cơ hội tham gia bom tấn Die Another Day (2002) thuộc loạt 007. Khi ấy, Daniel Craig còn là tên tuổi xa lạ, bởi vai diễn chàng điệp viên hào hoa vẫn thuộc về Pierce Brosnan.
Vai diễn điện ảnh đầu tiên của Rosamund Pike là "Bond girl" Miranda Frost trong Die Another Day.
Đối với một nữ sinh còn chưa tốt nghiệp trường Đại học Oxford, vai diễn trong một phim 007 giống như giấc mơ. Hoan hỉ nhận lời đi thử vai, Rosamund Pike - khi đó mới chỉ 21 tuổi - bị yêu cầu phải cởi đồ ngay giữa buổi phỏng vấn.
Sau này nữ diễn viên chia sẻ: "Không đời nào tôi chịu tụt váy và chứng kiến đoạn phim đó được gửi khắp Los Angeles để người ta đánh giá". Dù từ chối, Pike rốt cuộc vẫn nhận được vai Miranda Frost trong Die Another Day .
Khoảng thời gian những năm 20 tuổi của Pike đánh dấu bằng một vài tác phẩm điện ảnh và truyền hình lẫn lộn khen chê. Đó có thể là chân dung điềm đạm nhưng thoáng qua về người chị gái Jane của nhân vật chính Elizabeth Bennet (Keira Knigthley) trong Pride & Prejudice (2005); một cô bạn gái trong phim tình cảm An Education (2009); người vợ ba ở Barney's Version (2010) - phim hài - lãng mạn mùi mẫn với đầy đủ hỉ nộ ái ố...
Cho đến tận trước khi gặt hái thành công với Gone Girl , Rosamund Pike vẫn là ẩn số đối với Hollywood. Các vai diễn mà cô lựa chọn dường như quá an toàn.
Khoảng thời gian đó, đường tình duyên của Rosamund Pike có lẽ còn kịch tính hơn cả các bộ phim mà cô tham gia. Mối tình với bạn thân và sau này là người yêu đại học - nam diễn viên Simon Woods - được đánh dấu bằng màn "phim giả tình thật" khi cả hai đóng vai tình nhân trong Pride & Prejudice . Song, mọi chuyện kết thúc không như mơ khi Woods bất ngờ công khai mình là người đồng tính.
Đạo diễn Joe Wright hủy hôn lễ với Rosamund Pike dù thiệp mời cưới đã được gửi đi.
Tình tàn chưa tròn năm, Pike lại ngã vào mối quan hệ ồn ào với đạo diễn của chính Pride & Prejudice là Joe Wright. Nhà làm phim cầu hôn cô tại hồ Como tuyệt đẹp ở Italy, nhưng cũng chính anh là người đột ngột "đem vợ bỏ chợ".
Wright hủy bỏ hôn lễ ngay trước sự kiện, dù thiệp mời đã được gửi đi. Sau này, khi nhớ lại chuyện buồn, người đẹp nước Anh chia sẻ: "Lúc ấy, tôi không nghĩ mình có thể vượt qua được cú sốc đó".
Ám ảnh Hollywood bằng hình tượng ác nữ mất tích
Loạt biến cố quá khứ có lẽ là lý do khiến Rosamund Pike đến giờ vẫn chưa tổ chức đám cưới. Hơn 10 năm qua, nữ diễn viên hài lòng với cuộc sống cá nhân êm ấm cùng doanh nhân, nhà nghiên cứu toán học Robie Uniacke. Lúc tìm thấy bến đỗ của cuộc đời, Rosamund Pike đồng thời gặt hái hào quang diễn xuất với hình tượng người phụ nữ ghê gớm, lòng dạ khôn lường.
Gone Girl là cú nổ đầu tiên mà Pike mang đến khi bộ phim đánh đổ những ảo tưởng ngọt ngào về hôn nhân và tình yêu bằng sự lừa dối đến ác nghiệt. Kịch bản của David Fincher vẽ lên cơn ác mộng khi hai con người cố gắng trở thành người khác, biến thành hình mẫu lý tưởng của xã hội. Rồi đến khi không thể tiếp tục, họ quay qua hủy hoại lẫn nhau.
Nhân vật Amy Elliott-Dunne trong Gone Girl từng khiến khán giả toàn cầu vừa thích thú, vừa sợ hãi.
Kế hoạch tiêu diệt và phá hủy nhân cách của người chồng được Amy Elliott-Dunne viết tỉ mỉ và tàn nhẫn trong cuốn nhật ký. Cô trả thù chồng với sự háo hức điên loạn thường thấy ở những kẻ giết người hàng loạt.
Đứng trước toàn bộ kế hoạch mưu mô, người chồng tội nghiệp (Ben Affleck) không có bất kỳ cơ hội nào. Sớm hay muộn, anh ta buộc phải chấp nhận rằng cuộc sống của bản thân, với tất cả ý tưởng và mục đích, đã kết thúc. Nhưng người đàn ông thậm chí phải sống tiếp với tư cách là nạn nhân của cô ta.
Rosamund Pike là lựa chọn đầu tiên và duy nhất của David Fincher cho vai Amy Elliott-Dunne, một phần bởi tới tận lúc đó, cô vẫn còn là gương mặt mờ nhạt tại Hollywood với gia tài toàn vai phụ, phần khác bởi nhà làm phim tài ba đã nhìn thấy điều gì đó ở Pike.
Cuối cùng, vai diễn Amy Elliott-Dunne đem về cho nữ diễn viên hàng loạt đề cử giải thưởng danh giá, như Oscar, BAFTA, Quả cầu vàng, SAG...
I Care a Lot và màn tái xuất của "thú săn mồi"
Sau Gone Girl , Rosamund Pike có nhiều cơ hội tiếp cận kịch bản trong vai trò nữ chính hơn. Một trong số đó phải kể đến màn hóa thân thành Marie Colvin - nữ phóng viên chiến trường gan dạ đã hy sinh tại Syria - trong bộ phim A Private War (2018). Tuy vậy, phải đến I Care a Lot gần đây, Pike mới lại trở thành chủ đề bàn tán, và cô thực sự chứng minh được cái duyên với những vai diễn ác nghiệt, đáng ghét.
Hệ thống an sinh phúc lợi tại Mỹ để tâm đến những người già neo đơn, bệnh tật. Song, cách quan tâm lại tạo ra lỗ hổng pháp lý khiến người cần bảo vệ dễ dàng trở thành nạn nhân.
Nếu là một cụ già không có người chăm nom hoặc con cái họ hàng không có khả năng chăm sóc, bạn sẽ được tòa án chỉ định người giám hộ xã hội. Người này có trách nhiệm chăm sóc hoặc tìm nơi chăm sóc (viện dưỡng lão), cũng như quản lý tài sản cho bạn.
Minh tinh người Anh thêm một lần nữa chinh phục khán giả với hình ảnh ác nữ trong I Care a Lot.
Lý thuyết rất tốt đẹp, cho đến khi người giám hộ bắt đầu nhòm ngó đến những người già có tài chính dồi dào. Trên danh nghĩa giúp đỡ, đám giám hộ thực chất đem của cải của họ đi đấu giá, bán nhà, thu phí cắt cổ, tống người ta vào trại dưỡng lão mà không cho con cái gặp mặt.
Chúng không khác gì một đám ăn cướp, mà thậm chí còn là đám ăn cướp mạt hạng, khi bòn tiền của người già. Và đó chính là cách Marla Grayson (Pike) gặp được "con gà" Jennifer Peterson (Dianne Wiest).
Màn trình diễn sôi động của Rosamund Pike đã giúp khuấy đảo một kịch bản còn ít nhiều thiếu sót như I Care a Lot . Marla của cô là tuýp phụ nữ khiến người khác nổi điên khi đi ngược lại đủ thứ chuẩn mực xã hội.
Cô ta xấu xa, tham lam, nhưng đồng thời mạnh mẽ, dũng cảm, thông minh, táo bạo. Đó thường được coi là những phẩm chất "không truyền thống" ở phụ nữ. Marla sử dụng vẻ ngoài bóng bẩy thanh cao như bộ da ngụy trang để tiếp cận con mồi, từ mái tóc bob sắc như dao cạo, những bộ suit sang trọng, cho tới hàng loạt lý lẽ khôn ngoan.
Người phụ nữ đó không đòi hỏi người khác phải thích mình. Cô ta biết bản thân muốn gì. Tiền bạc, quyền lực, Marla sử dụng chúng như một nấc thang để leo lên trong xã hội, để hiện thực hóa "giấc mơ Mỹ", dù cho cách đạt được có nhơ nhớp đến đâu.
Rosamund Pike hiện sống hạnh phúc bên cạnh bạn trai lâu năm Robie Uniacke.
Rosamund Pike thành công đến nỗi công chúng có lẽ cần nhớ rằng nữ diễn viên ngoài đời thực hoàn toàn trái ngược với những nhân vật mà cô thể hiện. Đó là một người mẹ đầy yêu thương của hai cậu con trai, một người nghệ sĩ có trách nhiệm với khán giả, và trên hết, một người phụ nữ tử tế.
Là con gái trong một gia đình đều là ca sĩ opera, giấc mơ nghệ thuật của Rosamund Pike chảy trong huyết quản cô. Minh tinh cùng bạn trai đang đóng vai trò nhà sản xuất cho loạt phim Tam Thể của đạo diễn Lưu Từ Hân. Được Robie Uniacke đặt cho cái tên tiếng Hoa là Bùi Thuần Hoa (bông hoa thuần khiết), Pike đang cố gắng thông thạo thứ ngôn ngữ này như các thành viên khác trong nhà.
Như Marla Grayson từng nói trong I Care a Lot , mọi thứ dường như mới chỉ bắt đầu với Rosamund Pike.
Xem I Care A Lot mà phẫn nộ chuyện Britney Spears: Khi hệ thống nhân đạo trở thành công cụ kiếm tiền của kẻ thiếu đạo đức Lợi dụng người yếu thế làm "con mồi" cho kế hoạch chuộc lợi đầy gian xảo, cả bộ phim I Care A Lot và vụ án của Britney Spears đều có điểm chung gây phẫn nộ. Một trong những vụ lùm xùm đình đám nhất Hollywood có lẽ chính là câu chuyện về nữ ca sĩ Britney Spears. Ở tuổi 39, "công chúa...