Từ dán quảng cáo bậy đến lừa hút hầm cầu – Kỳ 2: Vạch mặt băng ‘làm láo, ăn thật’
Từ manh mối ở “lò” dán bậy, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ lần ra nhiều bất thường phía sau hoạt động của các công ty mang danh vệ sinh môi trường.
Sau gần hai tháng điều tra, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản khó tin hé lộ…
Nguyễn Bá Đạt tại hầm cầu nhà dân ở quận Gò Vấp
“Cái này kiểu làm thật thì ít, làm láo thì nhiều. Làm láo mới có ăn chứ làm thật làm gì có ăn”, Nguyễn Bá Đạt (24 tuổi, quê Thanh Hóa), chủ nhân chiếc xe bồn hút hầm cầu biển số 29H-83149, công khai hành vi lừa đảo.
Phóng sự điều tra: Chiêu trò chỉnh đồng hồ ảo khi hút hầm cầu để moi tiền triệu từ khách hàng
Nâng khống tinh vi
Theo điều tra của Tuổi Trẻ, Đạt cùng chiếc xe hút hầm cầu này hiện đang “đầu quân” cho Công ty TNHH xây dựng và vệ sinh môi trường Nam Bắc (trụ sở tại Hà Nội).
Sau nhiều ngày đeo bám, phóng viên Tuổi Trẻ xác định chiêu thức lừa đảo mà đối tượng này thường áp dụng là bấm đồng hồ ảo nâng khống thể tích chất thải. Đồng hồ này là một thanh nhựa mica trong suốt hiển thị mực nước (chất thải) trong bồn. Chỉ cần điều khiển thanh sắt giấu kín bên trái đuôi xe, mực nước lên hay xuống đều được Đạt “hô biến” trong nháy mắt.
Sáng 29-9, Đạt lái xe bồn 29H-83149 đến hút hầm cầu tại nhà dân trên đường Vườn Lài (quận 12, TP.HCM). Đạt thừa nhận nơi hút chỉ là “cống bi”, giỏi lắm chỉ 1m 3 chất thải. Nhưng thực tế tay này cùng một thanh niên tên Tú có mặt ở đây hơn một tiếng đồng hồ, luôn tỏ vẻ như đang cật lực hút một lượng chất thải “khủng”.
Cuối buổi, Đạt kêu chủ nhà ra chỉ vào đồng hồ ảo (đã điều chỉnh) sau đuôi bồn báo khối lượng: “10 khối rồi” trong khi chỉ hút được khoảng 1m 3.
Như vậy, với chiêu này khách hàng mất trắng 5,4 triệu đồng, trong khi thực tế chỉ mất 600.000 đồng (giá thỏa thuận 600.000 đồng/m 3). “Phải báo lậu lên mới có ăn, chỗ này tôi vẫn hút nhưng khối lượng rất ít”, tay này tiết lộ.
11h cùng ngày, chiếc xe này tiếp tục dừng trước địa chỉ 497/13 (đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp) hút hầm cầu cho một cơ sở bán trú tiểu học. Ngoài Đạt, lần này có thêm một thanh niên xăm trổ chạy xe máy biển số Hà Nội, mặc bộ đồng phục màu xanh ghi “Công ty TNHH thiết bị môi trường Envico”.
Vừa hút được khoảng 20 phút, Đạt dở trò kêu người nhà ghé sát tai vào lỗ thông hầm cầu nói “nước chảy ầm ầm từ ngoài vào”. Tiếp đó, tay “đồng nghiệp” phụ họa thêm: “Nước ngoài cống dồn vào tận mặt, nhìn coi có thấy nước rung rinh không”.
Nhiều người trong cơ sở ngơ ngác, yêu cầu kiểm tra số mét khối vừa hút được. Đạt nhảy tót lên lắc lắc thân xe rồi chỉ tay vào đồng hồ nước báo: “10,8m 3“. Dù trước đó vừa hút cho một nhà dân ở quận 12 là 10m 3, nhưng tay này lại nói xe từ công ty ở Thủ Đức lên, chưa hút cho nhà nào cả. Như vậy chỉ với số mét khối của hai lần hút đã là 20,8m 3, trong khi xe này chỉ chứa tối đa 7,5m 3.
Thấy nhùng nhằng, thanh niên xăm trổ nói chuyện như quát với chủ cơ sở qua điện thoại (không có mặt ở hiện trường): “Tụi tôi nhận 800.000 đồng/m 3, trong khi phải đổ vào nhà máy xử lý mất 450.000 đồng rồi chứ có đổ đường đổ cống được đâu.
Cùng lắm bớt cho chị một khối đến một khối rưỡi nước, thanh niên không thích nói nhiều, chỗ đó tôi lấy 7 triệu đồng”. Lấy cớ “phải đi xử lý ngay”, Đạt lên xe nổ máy chuồn đi, trong khi tay kia chờ chủ cơ sở chuyển khoản.
Thanh điều khiển đồng hồ nước nâng khống giấu kín
Lừa bơm vi sinh, “chặt chém” cả mối quen
Ngoài Đạt, ông Nguyễn Văn Thành (34 tuổi, quê Hà Nội), giám đốc Công ty TNHH công nghệ Sài Gòn Group, cũng không kém cạnh, liên tục giở đủ trò kê khống ăn chặn tiền của khách hàng.
Ông Thành hiện có ba xe bồn chuyên hút hầm cầu có dán số điện thoại 0922.229.596 trên xe (số này cũng dán nhiều ở trụ điện), gồm 51E-20432 (ông này báo 8m 3) và 51D-81921, 29C-80483 (ông này báo 5,1m 3).
Ông Thành khẳng định hai xe 51D-81921, 51E-20432 có gắn “đồng hồ ảo”, có thể điều chỉnh số mét khối tùy thích. “Vẫn hút, nhưng mình thích báo nhiêu mình báo. Hút 1m 3, báo 5m 3 là được”.
Sáng 2-10, ông Thành trực tiếp lái xe biển số 51D-81921 (5,1m 3) hút hầm cầu cho căn nhà trên đường số 26, phường Phước Long A, TP Thủ Đức. Dù trước đó nhiều lần khẳng định “không làm vi sinh”, nhưng ông này lại báo giá dịch vụ “hút vi sinh” tới hơn 2,8 triệu đồng 1m 3 và lấy trọn 18 triệu đồng cho 6m 3.
Trót lọt vụ này, ông Thành tiếp tục đánh xe tới đường Hồ Biểu Chánh (quận Phú Nhuận) xử lý hầm cầu theo định kỳ cho mối quen. Chủ nhà này khá tin tưởng và nói rằng ông Thành là chỗ quen biết. “Ảnh hút được lắm, nãy hút hết 12m 3 và lấy tôi 400.000 đồng/m 3“.
Như vậy tưởng rằng người quen lấy rẻ, hóa ra ông Thành giở trò nâng khống số mét khối lên chặt chém. Chỉ tính hai gia đình này số thể tích chất thải ông này hút đã là 18m 3, cao gần bốn lần so với thể tích xe có thể chứa là 5,1m 3.
Mực nước lên xuống tùy ý
Ảo thuật kê chuyến moi tiền
Thủ đoạn nâng khống thể tích chất thải ăn tiền nêu trên chưa là gì so với cách lừa đảo tinh vi dưới đây.
Sáng 30-9, chiếc xe 29H-83149 của Nguyễn Bá Đạt rời bãi đậu bắt đầu một ngày “làm ăn”. Xe này chạy thẳng đại lộ Bình Dương, rẽ vào đường Thủ Khoa Huân, sau đó dừng tại Trường mầm non Việt Anh trên đường Bình Chuẩn 62 (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Gần 12h, sau khi khoảng 30 phút Đạt báo “xe đầy” và rời đi “xử lý”. Cách thức “xử lý” mà tay này nói với giáo viên của trường là cẩu bồn đầy sang xe container và thay bồn mới.
Nhưng theo dõi hành tung, chúng tôi xác định xe này không hề cẩu bồn mà “lẻn” vào hẻm ở đường Bình Chuẩn 59 đậu “nghỉ ngơi” khoảng 7 phút trước khi quay trở lại trường mầm non tiếp tục hút xe thứ hai.
Với chiêu trò này, Đạt khai đã kê khống chất thải hầm cầu ở trường mầm non lên 20m 3 (xe), tổng hai xe lên 40m 3 và lấy của trường trên 20 triệu đồng. Con số này cao gấp gần sáu lần so với thực tế thể tích của xe là 7,5m 3.
Tương tự chiều 7-10, phóng viên bám theo chiếc xe hút hầm cầu biển số 51D-81921 (xe 5,1m 3) do ông Thành cầm lái đến xử lý chất thải tại Công ty TNHH Long Huei (phường An Phú, TP Thuận An). Ghi nhận thực tế, xe này vào ra Công ty Long Huei tất cả ba lần (đều cùng bồn và xe mang biển số 51D-81921).
Theo nhân viên bảo vệ công ty (người trực tiếp mở cửa và ký nhận khối lượng sau mỗi lần hút), ông Thành hút tại đây tất cả ba chuyến, mỗi lần 8m3, tổng cộng 24m 3. “Nghe mấy anh đó nói hút đầy rồi phải đi xử lý rồi quay lại hút tiếp. Mỗi lần chỉ hút được 8m 3, phải hút tới ba lần mới xong”, nhân viên này xác nhận.
Tuy nhiên phóng viên Tuổi Trẻ xác định tất cả các lần rời đi ông Thành không đi “xử lý”, mà đi rất chậm đến đậu tại khu vực đối diện Bệnh viện Đa khoa An Phú. Có lần xe dừng tại đây chừng 3 phút, tiếp tục đi đến đường Chu Văn An cách đó khoảng 1km, rồi “núp” vào một con hẻm “câu giờ” mới tiếp tục đi “tà tà” về lại Công ty Long Huei.
Điển hình vào tối 13-10, ông Thành và “đệ tử” sử dụng chiếc xe khác (biển số 51E-20432) có cú “ăn 2″ khi hút hầm cầu tại nhà của ông N. thuê trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình). Đêm ấy, lần một nhóm này báo đầy xe 15m 3 (thể tích thực 8m 3) rồi lý do đi “xử lý”.
Nhưng thực chất xe này đậu trên đường Hoàng Kế Viêm (cách nơi hút gần 1km) khoảng 20 phút rồi quay lại hút thêm một lần báo 15m 3 nữa và “ăn” của ông N. 42 triệu đồng cho 30m 3 vừa bơm ảo, kê chuyến.
Với chiêu này, nhóm Đạt “ăn” của gia đình này 7 triệu đồng
Xe của Thành hút hầm cầu tại nhà dân trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình) tối 13-10, kèm theo đó là hóa đơn hút đến 30m3 với số tiền mà người dân phải trả là 42 triệu đồng
Nguyễn Bá Đạt bên “cỗ máy ăn tiền” xe bồn 29H-83149 và hóa đơn “ăn” tiền từ doanh nghiệp tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai)
Giấy đăng kiểm giả nâng thể tích xe bồn gấp đôi thực tế của Đạt để lừa dối khách hàng
Một xe “thủ” hai đăng kiểm
Ngoài việc sẵn sàng cho các doanh nghiệp, người dân kiểm tra bồn chứa, vòi xả – hút trước và sau hút chất thải, Nguyễn Bá Đạt còn “thủ” cùng lúc hai giấy đăng kiểm của xe 29H-83149. Cả hai giấy này đều ghi cùng một ngày đăng kiểm (9-7-2022) do Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2923D (Hà Nội) cấp.
Tuy vậy Tuổi Trẻ xác định trong hai giấy đăng kiểm có một giấy Đạt thuê người làm giả, giá 3 triệu đồng.
Cụ thể đăng kiểm giả ghi xe này có tổng khối lượng trên 16,6 tấn (khối lượng chở hàng 12 tấn), trong khi đăng kiểm thật chỉ có tổng khối lượng 11 tấn (khối lượng chuyên chở 6,2 tấn).
Và để hợp thức hóa cho việc nâng khống thể tích chất thải, Đạt cùng các đối tượng thường trưng đăng kiểm giả này như một loại “bằng chứng pháp lý”, hầu hết các vụ lừa đảo dù bị nghi ngờ vẫn dễ dàng trót lọt.
Đề nghị cắt số điện thoại
Đây là một trong những giải pháp trị nạn quảng cáo ở “cột điện” được nhiều bạn đọc phản hồi trên Tuổi Trẻ.
“Vì sao chuyện này kéo dài suốt nhiều năm? Mức phạt quá thấp không ai sợ. Đề xuất của tôi là gửi các số điện thoại được dán đến nhà mạng yêu cầu khóa số điện thoại”, bạn Nam Việt đặt vấn đề.
“Có số điện thoại rõ ràng sao không xử phạt được? Đơn giản và hiệu quả nhất là cơ quan chức năng phối hợp với các nhà mạng thu hồi tất cả các đầu số thuê bao được in trên decal, không cần báo trước”, bạn Trang Nguyễn nêu ý kiến.
Bạn Minh Thanh và Đình Thắng góp lời: Chứng cứ sờ sờ ra đó. Quảng cáo vi phạm pháp luật thì nên mạnh tay cắt số những chủ thuê bao này và không cho đăng ký lại trong vòng vài năm, phạt thật nặng trước khi cho đăng ký mới. Tái phạm thì vĩnh viễn chủ số máy không được đăng ký số mới nào với trên tất cả các mạng.
Bạn COC cho rằng trước hết truy từ số điện thoại trên tờ quảng cáo rồi đến các tiệm in quảng cáo, cắt số điện thoại và phạt tiền thật nặng cho đến rút giấy phép kinh doanh quảng cáo.
Các mạng lưới lừa đảo ở Campuchia tuyển người ra sao?
Phóng viên Tuổi Trẻ có mặt tại TP Sihanoukville (Campuchia) trong những ngày các mạng lưới lừa đảo trên mạng ráo riết kiếm người "việc nhẹ lương cao" và hứa trả hoa hồng cao cho ai dụ được người sang làm việc cho các tổ chức này.
Các lối ra vào khu Chinatown ở Sihanoukville luôn có người canh gác, kiểm soát nghiêm ngặt - Ảnh: ĐAN THUẦN
Trong lúc khắp nơi vẫn đang nóng câu chuyện lao động nhập cư tại Campuchia bị cưỡng bức lao động, tra tấn tàn bạo tại các cơ sở bất hợp pháp thì nhiều hội nhóm trên mạng xã hội vẫn đầy rẫy những mẩu tin tuyển dụng do những "HR" (bộ phận nhân sự, tuyển dụng) của người Việt mời chào người Việt sang nước bạn làm "việc nhẹ lương cao".
"Việc nhẹ lương cao, không ai đánh đập hết"
"Tập đoàn lớn tuyển hàng trăm vị trí telesale, marketing, chăm sóc khách hàng, nhân sự... lương thử việc 20 - 40 triệu đồng; nhân viên được tự do đi lại, được thưởng hằng tháng..." - những lời "đường mật" này vẫn đang đầy rẫy khắp mạng xã hội bằng cả tiếng Việt lẫn Campuchia.
M., người xưng "HR" của một công ty game online ở thị xã Bavet (tỉnh Svay Rieng, Campuchia), mời gọi chúng tôi gia nhập công ty. M. cho biết công ty cô kinh doanh game online. Công việc cụ thể mà M. giới thiệu là đăng tải, giới thiệu những trò chơi online; tư vấn, tạo tài khoản, hướng dẫn khách chơi dễ thắng...
"Chị nói nè: không ai đánh đập nhân viên hết, trường hợp bị đánh là do gian lận, ăn cắp, hút chích... Công ty chị không bao giờ có trường hợp đó luôn, không lẽ chị là người Việt lại đi lừa người Việt. Không làm được chỗ này thì làm chỗ khác, thiếu gì công ty. Đã quyết tâm qua thì ráng kiếm một mớ khá khá rồi về", M. trấn an.
Khi chúng tôi đề cập tới công việc "HR" mà M. đang làm, cô này cho biết phải biết tiếng Hoa và có kinh nghiệm mới được tuyển. "Em có thể vào làm sale rồi giới thiệu bạn bè vô làm chung. Mỗi người giới thiệu thành công em được thưởng 8 triệu đồng, nhưng điều kiện là bạn em phải làm đủ hợp đồng, nếu không em phải trả lại tiền đó", M. tiếp tục "mồi chài".
Chúng tôi tiếp tục liên hệ với Sam Nang - sống tại Phnom Penh, chuyên "săn người" cho các công ty cờ bạc trực tuyến tại Campuchia - cho biết các công ty đối tác của anh ta đều "uy tín", "an toàn", "hợp pháp"...
Theo Sam Nang, các lao động Việt Nam sang làm việc sẽ được nhận lương từ 2.000 USD/tháng trở lên và người môi giới sẽ được trả 1.000 USD cho mỗi trường hợp giới thiệu thành công.
Hàng trăm lao động chờ giải cứu khỏi Chinatown?
Là một trong những nạn nhân của "HR", chị L.T.N. (quê An Giang) cho biết bị một người bạn lừa sang Sihanoukville làm cho một công ty cờ bạc online mà thực chất là lừa đảo qua mạng bên trong khu Chinatown.
"Qua tới đây tôi mới vỡ mộng, vô đây không khác gì ở tù, xung quanh đều có người canh gác nghiêm ngặt, ai muốn ra vào phải có thẻ từ. Tôi không làm sale được nhưng do biết tiếng Hoa nên họ cho tôi làm "HR", không nỡ lừa đồng hương mình nên tôi xin tìm người ở nước khác.
Lương thỏa thuận mỗi tháng là 1.000 USD nhưng họ trừ đủ kiểu chi phí sinh hoạt trong này cao nên không tháng nào còn tiền để dành", chị N. ngán ngẩm nói.
Chị N. tiết lộ công việc mỗi ngày của chị là liên lạc, phối hợp với các "chân rết" ở Indonesia để tìm người cho công ty, nếu tìm được người đến làm việc chị sẽ được thưởng 1.000 USD.
"Tôi liên lạc được 6 người ở Indonesia nhưng khi họ ra đến sân bay thì hải quan ngăn chặn, không cho xuất cảnh sang Campuchia. Dù họ không đến được nhưng xem như tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ, không được thưởng nhưng không bị đánh đập, mà cũng đỡ cắn rứt lương tâm", chị N. tâm sự.
Chị N. cho biết hiện đang "đàm phán" để tự chuộc mình nhưng chưa được đồng ý. "Tôi có tiền dành dụm gửi ở quê nên có thể tự lo cho mình, nhưng tôi thật sự lo lắng cho những bạn khác. Theo tôi được biết ở chỗ tôi có hơn 300 người Việt Nam, phần lớn là lao động chui.
Vừa rồi tôi có nghe quản lý nói trường hợp cảnh sát vào kiểm tra thì những người có hộ chiếu như tôi sẽ ở lại, những người không giấy tờ sẽ được đưa đến một nơi khác để đối phó", chị N. nói và mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng kiểm tra nơi làm việc để giải cứu hàng trăm người Việt đang khốn đốn.
* Ông Som Kosal (phó chủ tịch thường trực TP Sihanoukville):
Sẽ dẹp dần các hình thức đánh bạc online
Ngày 25-8, ông Som Kosal đã trả lời phóng viên báo Tuổi Trẻ về những biện pháp của chính quyền TP trước thực trạng các mạng lưới đánh bạc trực tuyến và đưa người làm việc trái pháp luật trên địa bàn TP.
Ông nói Sihanoukville là TP biển tươi đẹp, hằng năm tiếp đón nhiều khách du lịch trên thế giới. Chính quyền TP đã rất nỗ lực thực thi những quyết sách phù hợp để phát triển TP, đồng thời giữ gìn được trật tự trị an.
Trong thời gian qua, sau khi Thủ tướng Campuchia cấm đánh bạc trực tuyến đã hạn chế được những hệ quả phức tạp do loại hình này gây ra. Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra, loại hình kinh doanh, cá cược, chơi games online mọc lên. Cùng với đó là nhiều lao động từ các nước đến Campuchia nói chung và Sihanoukville nói riêng làm việc, trong đó có nhiều lao động bất hợp pháp.
"Tỉnh Sihanoukville chúng tôi tuyệt đối không dung túng cho tình trạng đưa người vào đây để thực hiện các hành vi phạm pháp. Chúng tôi đã nhiều lần đưa lực lượng giải cứu nhiều lao động các nước, trong đó có người Việt Nam", ông nói.
Ông cho biết sắp tới tiếp tục rà soát các cơ sở lao động, lưu trú của người nước ngoài để chấm dứt tình trạng lao động bất hợp pháp. "Đối với các mạng lưới kinh doanh trên các app online, chúng tôi sẽ tăng cường quản lý, dần dần sẽ cấm các hoạt động bài bạc, cá cược online", ông nói.
"Dịch vụ" làm CCCD ở Gò Vấp: Tất cả đều quy về cán bộ công an tên Minh Trong các lần chúng tôi làm CCCD "dịch vụ" ở quận Gò Vấp (TP.HCM), các cò đều đưa đến gặp Đại úy Minh của công an quận này. Trên số trước, báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh việc bán suất làm CCCD với giá 500.000 đồng. Sau khi thu tiền, cò sẽ dắt vào cửa sau khu vực làm CCCD và đi thẳng...